Chúa Nhật XXXIV TN - ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ
“THEO CHÚA ĐÚNG NGHĨA”
Minh An

Có thể nói được rằng chân lý sống của Kitô giáo là:“qua đau khổ mới đạt được hạnh phúc”. Hay, “gieo trong nước mắt sẽ gặt trong hân hoan”.

Các vị tử đạo là những con người đầy lòng can đảm, dám sống chết vì niềm tin vào Chúa Kitô, cho dù họ phải chịu biết bao cực hình đau đớn. Họ đúng là những con người chịu nhiều thử thách, nhiều đau khổ, nên xứng đáng được hưởng hạnh phúc; họ đã gieo trong lệ sầu và xứng đáng được gặt trong hân hoan, vì đã “theo Chúa đúng nghĩa”.

Hôm nay, mừng kính các thánh tử đạo Việt Nam, Giáo Hội chọn bài Tin Mừng Luca 9, 23-26, nói về việc bỏ mình, vác thập giá theo Chúa Kitô… có lẽ là để cho chúng ta nhận định rõ ràng hơn về gương bỏ mình theo Chúa một cách triệt để (theo nghĩa thiết thực) của các anh hùng Tử Đạo Việt Nam. Chính cách sống triệt để theo Tin Mừng này, họ xứng đáng nhận phần thưởng Chúa ban và cũng xứng đáng làm gương sáng trong việc biểu lộ đức tin cho mọi thế hệ trên quê hương đất Việt. Hay, nói như Tertulien : “Những giọt máu của các Thánh Tử vì Đạo là những hạt giống làm nẩy sinh các kitô hữu”.

Bài Tin Mừng hôm nay, thánh sử Luca như muốn gửi đến cho độc giả một thông điệp đích thực là: Người môn đệ thời Chúa Giêsu cũng như những anh hùng tử đạo và mọi tín hữu qua mọi thời luôn được đòi hỏi phải nên giống “sư phụ” Giêsu của mình là phải kinh qua đau khổ thì mới đạt đến hạnh phúc Nước Trời. Đúng thế! Trước khi phục sinh trong vinh quang, Chúa Giêsu đã phải chịu nhiều đớn đau, bị hiểu lầm, chịu bắt bớ, bị đánh đập, vác thập giá và cuối cùng là chết trên cây khổ hình đầy nhục nhã. 

Thật ra, Chúa Giêsu không đòi hỏi những người đi theo Ngài phải vác thập giá của Ngài, nhưng vác chính thập giá của mình và phải bỏ mình. Bỏ mình là bỏ “cái tôi” của mình, đây là cái phải từ bỏ đầy khó khăn nhất. Vác thập giá của mình chính là vác những vai trò và trách nhiệm mình đang có, đang mang… chứ không phải bỏ bê mọi sự cho nhẹ gánh để theo Chúa cho dễ dàng. Nhưng, đối với các thánh tử đạo Việt Nam, có lẽ các ngài không những chỉ vác thánh giá đời mình mà con hy sinh vác luôn thánh giá của Chúa Giêsu đã trao. Đó mới là tử đạo thật!

Chúa Giêsu hướng các môn đệ đạt đến một sự huyền nhiệm cao cả hơn, là phải đặt tình yêu Chúa lên trên mọi thứ tình yêu, Hay nói khác đi, tình yêu Chúa phải thấm nhuần và hướng dẫn mọi tình yêu, nghĩa là tình yêu dành cho Chúa phải vượt trên tình yêu gia đình, bạn bè và ngay cả chính mình. Tất nhiên rằng, người môn đệ theo Chúa cũng được mời gọi phải yêu mến người thân, gia đình, bạn bè; họ vẫn phải yêu mến chính bản thân mình và quý mến của cải như là những ơn lành Chúa ban để làm phát triển cho chính mình, và tha nhân, đó chính là thập giá của cuộc đời mình. Nhưng, không phải là duy nhất và trên hết, vì chính Chúa mới là nhất, là trên hết.

Các anh hùng tử đạo Việt Nam có lẽ như đã ý thức được rõ trong họ chỉ có Chúa là duy nhất, là trên hết… do đó họ đã dám liều “để” mọi sự cho Chúa hết thảy, kể cả mạng sống của mình.  Khi làm chứng nhân cho Chúa, các vị anh hùng tử đạo Việt Nam đã phải chấp nhận những thiệt hại, những chết chóc đau thương, có nhiều người chết vì bị xử trảm, bị xử giảo, bị tra tấn, bị thiêu sống, bị xử bá đao, bị xử lăng trì, bị chết rũ tù... đúng như lời Chúa Giêsu đã cảnh báo:“Họ sẽ khai trừ anh em khỏi hội đường. Hơn nữa, sẽ đến giờ kẻ nào giết anh em cũng tưởng mình phụng thờ Thiên Chúa” (Ga 16, 2).

Như thế, việc làm chứng cho Chúa, bảo vệ đức tin của mình không dễ dàng chút nào, nhưng là đầy khó khăn, gian khổ. Thật thế, trải qua bao thế hệ, việc làm chứng cho Chúa của các môn đệ và các thế hệ tiếp theo, nhất là các anh hùng tử đạo Việt Nam của chúng ta, đã gặp rất nhiều khó khăn, cam go. Bởi vì, “sự thật thì mất lòng”, nói đúng thì hay bị ghen ghét... nhất là nói về Chúa Giêsu và làm những việc Ngài dạy phải làm thì người ta càng khó chấp nhận, vì đã đi ngược lại với ý muốn của loài người, chính Chúa Giêsu cũng đã bị các nhà lãnh đạo Do thái tìm cách ám hại vì những lời rao giảng “thật”, và những lời chỉ trích đúng nghĩa  của Ngài đối với các nhà cầm quyền Do thái.

Đại đa số các thánh Tông đồ khi làm chứng về danh Giêsu đều bị chết đớn đau: thánh Stephano đã bị ném đá cho đến chết; thánh Phêrô bị đóng đinh ngược; thánh Phaolô bị chém đầu; các vị tử đạo Việt Nam, người thì bị lăng trì, người thì bị thắt cổ, người thì chết rũ tù... Nói chung, chứng nhân cho Chúa phải chấp nhận những đau thương và những chết chóc khác nhau. Khi làm chứng nhân cho Chúa, chắc chắn chúng ta cũng phải gánh chịu những gian truân, những khổ đau như những anh hùng tử đạo đã chịu.

Mừng kính trọng thể các thánh tử đạo Việt Nam hôm nay, chúng ta hướng lòng về các ngài và chân nhận những công đức to lớn các ngài đã để lại cho Giáo Hội nói chung và Giáo Hội Việt Nam nói riêng. Chúng ta luôn ghi ơn cách sâu xa đến các ngài, đồng thời học đòi, bắt chước các ngài về: đức tin sắt đá, tinh thần đạo đức, ý chí kiên cường và gương anh dũng, bằng lời nói, bằng hành động… để làm chứng cho Chúa Kitô trong mọi hòan cảnh sống của mình. Đó mới đúng là chúng ta vác thánh giá theo chân Chúa Kitô và tử đạo vì danh Ngài.

 

Minh An