I. CHẦU THÁNH THỂ VÀ PHÉP LÁNH MÌNH THÁNH CHÚA

1. NHỮNG LƯU Ý MỤC VỤ CẦN BIẾT TRƯỚC

1. Việc chầu Thánh Thể nhằm hai mục đích căn bản sau đây: biểu lộ đức tin công khai của Hội Thánh vào sự hiện diện đích thực của Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể; và mời gọi chúng ta sống hiệp thông với Ngài trong Bí Tích này.

2. Để biểu lộ ý nghĩa đích thực của việc chầu Thánh Thể, Giáo Hội đưa ra số quy định cụ thể như sau (TT 82-86):

. Không được phép vừa cử hành thánh lễ vừa chầu Thánh Thể vào cùng một lúc trong cùng một nhà thờ.

. Có hai loại Chầu Thánh Thể: lâu giờ và ngắn giờ. Loại lâu giờ kéo dài nhiều thời gian, một hoặc nhiều ngày, ví dụ: phiên chầu lượt của các xứ đạo. Loại ngắn giờ thường kéo dài chung quanh khoảng 1 giờ.

. Thừa tác viên thông thường để đặt và ban phép lành Mình Thánh Chúa là linh mục và phó tế. Thày giúp lễ, thừa tác viên ngoại thường cho rước lễ và những người được uỷ quyền cách hợp pháp chỉ được phép đặt và cất Mình Thánh Chúa chứ không được cầm Mình Thánh chúa để ban phép lành như linh mục và phó tế.

. Không được phép đặt Mình Thánh Chúa chỉ nhằm mục đích ban phép lành mà thôi.

. Đối tượng chính của việc chầu Thánh Thể là Chúa Giêsu. Không được biến giờ chầu thành loại đạo đức pha tạp chẳng hạn suy niệm về Đức Mẹ, thánh Giuse, thánh Bổn mạng…

2.NGHI THỨC CHẦU VÀ BAN PHÉP LÀNH THÁNH THỂ

. Giáo dân tập trung, thừa tác viên tiến ra bàn thờ.

. Thừa tác viên mở cửa nhà tạm, lấy và đặt Mình Thánh Chúa trên kệ cao đặt nơi bàn thờ. Đang khi đó cộng đoàn hát bài thờ lạy Thánh Thể.

. Nếu đặt Mình Thánh Chúa với Hào Quang, thừa tác viên sẽ xông hương. Kế đó mọi người thinh lặng đôi chút để thờ lạy, thừa tác viên trở về phòng thánh.

Tôn thờ Thánh Thể

Mỗi khi chầu Mình Thánh Chúa nên có một chủ đề để suy niệm và cầu nguyện. Khi đặt Mình Thánh Chúa để tôn thờ, cần chuẩn bị trước các yếu tố sau đây:

. Các lời nguyện được soạn trước theo chủ đề, hoặc một số kinh thông dụng về Thánh Thể,

. Các bài đọc Kinh Thánh,

. Các bài suy niệm hoặc bài diễn giảng Lời Chúa,

. Lời nguyện chung,

. Các thánh ca xen kẽ,

. Sự thinh lặng cần thiết,

. Một Giờ Kinh Phụng Vụ nào đó.

. Lần hạt Mân côi suy ngắm các mầu nhiệm chúa Kitô

Phép Lành Mình Thánh Chúa

Vào khoảng cuối giờ chầu Thánh Thể, thừa tác viên tiến ra lại bàn thờ quỳ thờ lạy đôi chút. Cộng đoàn có thể hát và cầu nguyện cho Đức Thánh Cha như sau[1]:

Chủ sự:

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã dùng sự khôn ngoan Chúa mà bảo vệ vũ trụ, xin thương nghe lời chúng con cầu nguyện và rộng lòng nhân từ gìn giữ Đức Giáo Hoàng….. Chúa đã chọn, để dân Kitô giáo nhận nơi Chúa sự dẫn dắt của người, được nhờ công phúc đức tin của người mà phát triển dưới triều đại giáo hoàng của người. Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

Đọc lời nguyện cho Đức Giáo hoàng xong, cộng đoàn hát một bài ca thờ lạy Thánh Thể. Nếu chầu Mình Thánh Chúa vời Hào Quang, thừa tác viên sẽ xông hương Mình Thánh Chúa, Khi bài ca Thánh Thể kết thúc, chủ sự đọc lời nguyện Thánh Thể sau đây:

Chủ sự:

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã trối lại cho chúng con bí tích Mình và Máu Chúa, để chúng con đời đời tưởng nhớ Chú đã chịu khổ hình và sống lại vinh quang. Xin cho chúng con biết một niềm sùng kính mến yêu bí tích kỳ diệu này, để luôn được nghiệm thấy ơn Chúa cứu chuộc chúng con. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen

Đọc lời nguyện Thánh Thể xong, nếu là thừa tác viên ngoại lệ đặt Mình Thánh Chúa thì người nay tiến lên cất Mình Thánh Cháu vào nhà chầu, còn nếu là linh mục hay phó tế, ngài sẽ ban phép với Mình Thánh Chúa. Sau đó cộng đoàn hát bài ca kết thúc về Đức Mẹ hoặc một bài ca về ngày lễ mừng hoặc theo mùa phụng vụ (TC/70).


 

[1] Hội Đồng Giám Mục Việt nam, Thông Cáo 8/1/1970