Tim hiểu về Mùa Xuân Tết Nguyên Đán Theo Carolo Nguyễn, CMC |
|
Ý nghĩa của Tết Nguyên Đán (hay còn gọi là Tết Cả, Tết Ta, Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền, Tết năm mới hay chỉ đơn giản: Tết) là lễ hội cổ truyền lớn nhất, lâu đời nhất và quan trọng nhất của dân tộc. Hơn nữa, Tết Nguyên Đán còn là Tết của mọi gia đình và của mọi dân tộc ở Việt Nam. Hằng năm, mỗi khi vào dịp cuối năm Âm lịch, mọi người dù ở nơi đâu, làm nghề gì, đều quay trở về quê cha đất tổ để họp mặt với những người thân thuộc, khấn vái trời đất tổ tiên, sửa lại mộ phần, ôn lại dĩ vãng đã từng tung tăng nơi này. Dựa theo chu kỳ vận hành của mặt trăng, Tết Nguyên Đán trể hơn Tết Dương lịch một tháng hoặc hơn một tháng. Do quy luật 3 năm nhuận một tháng, Tết Âm lịch không bao giờ trước ngày 21 tháng 01 Dương lịch và sau ngày 19 tháng 02 Dương lịch mà chỉ rơi vào khoảng cuối tháng 01 đến giữa tháng 02 Dương lịch mà thôi. Hàng năm, Tết Nguyên Đán thường kéo dài trong khoảng 7 đến 8 ngày cuối của năm cũ cho đến 7 ngày đầu năm mới. Nói cách khác, Lễ Tết Nguyên Đán theo Âm lịch bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp gọi là "Tết Táo Quân" đến hết ngày 07 tháng Giêng Âm lịch là ngày "hạ nêu". Theo website bách khoa, chữ "Tết" nguyên nghĩa của nó xuất phát từ chữ "Tiết" (節) của chữ Hán mà thành. Cũng vậy, hai chữ "Nguyên Đán" (元旦) có nghĩa là: Chữ "Nguyên" là "sự khởi đầu" hay "sơ khai" và chữ "Đán" có nghĩa là "buổi sáng sớm", cho nên đọc đúng phiên âm phải là "Tiết Nguyên Đán". Tết Nguyên Đán được người Trung Hoa hiện nay gọi là "Xuân Tiết" (春節) "Tân niên hoặc Nông lịch tân niên" (農曆新年). Từ năm 1949, Trung Quốc đã chính thức chuyển Tết Nguyên Đán theo năm Dương lịch nhưng đa số người dân Trung Hoa vẫn giữ phong tục Cổ Truyền. Chính vì thế, Tết Nguyên Đán vẫn là Tết dân tộc của họ.[1] Về việc bày trí, Tết Nguyên Đán còn dịp để tặng quà cho nhau, lì xì cho trẻ con, đặc biệt là biếu nhau cành Mai hay cành Đào. Chưng hoa trong nhà, và sắp đặt mâm ngũ quả vào dịp Tết, đó là nét đẹp của văn hóa Việt Nam. Nhưng vẻ đẹp này cũng tùy thuộc vào dân chúng 3 miền, nổi bật nhất là miền Bắc và miền Nam. Theo phong tục truyền thống xa xưa ở miền Bắc, hoa Đào là đặc trưng của hoa ngày tết. do cái se se lạnh của tiết mùa xuân và cái lơ thơ của hạt mưa phùn, hoa Đào trở nên biểu tượng đặc trưng của người miền Bắc. Sự ấm áp của mùa xuân đã làm tan biến đi cái ảm đạm mùa đông giá rét, mở ra cái sáng lạn của năm mới huy hoàng. Hơn nữa, sắc đỏ hoa Đào còn nói lên sự may mắn mà nó mang đến cho mọi người trong năm mới, làm ăn phát đạt, tài lộc tràn trề. Theo huyền thoại xa xưa, người ta kể rằng có một cây hoa đào đã mọc từ rất lâu trên vùng núi cao phía bắc. Trên cây đào, có hai vị thần tốt lành thần thông biến hóa xuất hiện ở đó để bảo vệ cho dân làng trong vùng ấy. Do vậy, ma quỷ rất khiếp sợ 2 Ngài và cả hoa đào mà họ đang che chở. Cứ thấy cành đào là chúng bỏ chạy thoát thân. Vào mỗi độ xuân về, hai vị thần phải lên Thiên Đình để chầu Ngọc Hoàng nên không thể phù hộ dân làng được. Vì lí do đó, dân chúng rủ nhau lên rừng chặt Đào mang về cắm trong nhà để phòng trừ ma quỷ.[2] Từ đó, hoa Đào đã trở thành biểu tượng an toàn cho người cõi thế. Trái lại, ở miền Nam không làm sao trồng được hoa Đào, nên trong dịp Tết Mai được coi là biểu tưởng đặc biệt của miền. Do thích ứng dễ dàng với thời tiết và màu sắc hòa nhịp được với thiên nhiên, Mai đã trở thành bà chúa của các loài hoa. Tuy nhiên, Mai và Đào đều có chung một ý nghĩa cho sự trường thọ. Theo truyền thuyết dân gian, bông Mai có liên quan đến hình ảnh của một cô gái ở miền Nam anh dũng. Ngày xửa ngày xưa, có một cô gái xinh đẹp tuyệt trần như tiên giáng thế tên là Mai. Cô rất thông minh, dũng cảm và hết lòng thương cha mến mẹ. Mọi người trong thâm cùng ngõ hẹp đều yêu quý cô. Trong làng, lũ yêu quỷ thường xuất hiện để phá phách mọi người và làm hoảng sợ trẻ con. Với tài trí bẩm sinh, cô gái nhỏ nhắn đã tình nguyện để diệt trừ yêu quái đó hầu cho dân làng được yên vui. Có ai ngờ đâu, trong cuộc so tài gây cấn với quỷ, cô đã thiệt mạng khi nào chẳng ai hay biết cả. Nhưng rồi hàng năm, cứ độ xuân về đúng vào chiều ngày 29 tết, vong linh cô lại về ăn tết với gia đình bằng chiếc áo màu vàng óng ánh mà mẹ cô may cho trước lúc ra đi. Cô âm thầm ở lại với cha mẹ cho tới lúc cúng đưa ông bà xong, cô mới rời xa gia đình. Thời gian êm đềm thắn thoắt trôi qua, cha mẹ cũng quy tiên, thì người ta không thấy cô trở về, nơi vườn quen thuộc ngày nào. Rồi bỗng một hôm, người ta thấy có một con chim lông vàng óng ánh bay chung quanh ngôi làng rồi đáp trên một ngọn cây, cất tiếng hót líu lo. Do vì thương nhớ cô gái duyên dáng có nghĩa có tình, nên bà con xóm làng tri ân cô bằng cách lập miếu thờ và hương khói hàng ngày để cô được an ủi. Nhưng lạ thay, trước ngôi miếu thờ của cô xuất hiện một loại cây lá xanh um tùm, nhưng mà những ngày giáp tết, lá cây rụng đi trơ trọi. Rồi như có phép mầu, toàn thân cây lại đâm ra những bông vàng năm cánh rực rỡ.[3] Cũng vì lẽ đó, Cây mai được người dân chúng trồng ở gần nhà, để tưởng nhớ đến cô gái áo vàng và răn đe loài ma quỷ quấy phá. Hơn nữa, khi nhìn thấy cây mai ở đâu, bọn qủy dữ sẽ không dám bén mảng tới vì oai phong lẫm liệt của cô gái. Đó là huyền tích cây Mai. Nhưng Đào-Mai được chưng trong nhà là để cầu sự may mắn, mà không có "Mâm Ngũ Quả" kèm theo thì thật là thiếu sót. Như vậy, chúng ta sẽ thấy "Mâm Ngũ Quả" cần thiết như thế nào. Mâm Ngũ Quả truyền thống của người Việt thường chỉ gồm 5 loại trái cây, được xếp theo hình tháp nhọn lên một đĩa to hoặc một cái mâm và đặt trên bàn thờ. Tục lệ "mâm ngũ quả" Việt nam có lẽ là sự biến thể từ 5 bản nguyên – gọi là “ngũ hành” theo quan niệm của người phương Đông xưa, đó là: kim (kim loại), mộc (gỗ), thuỷ (nước), hoả (lửa), thổ (đất). Tuy nhiên, "mâm ngũ quả" cũng tùy theo địa phương nổi bật nhất là ở miền Bắc giá rét và miền Nam ấm áp. [4] Ở miền Bắc, hầu như tất cả các loại quả đều có thể bày lên bàn thờ trong "Mâm Ngũ Quả", từ quả ớt cay xé đến quả chuối ngọt ngào, từ quýt tròn trịa tới quả cam xù xì. Ngày nay, người ta còn sắp trái cây nhiều thế nhưng vẫn gọi là "Mâm ngũ Quả". Theo quan niệm miền Bắc, con cháu hiếu thảo đối với tổ tiên ông bà thế nào thì dâng các Ngài những loại trái cây đó, những loại vừa ngon vừa bổ để các Ngài thưởng thức, đó là cách thể hiện lòng biết ơn cao nhất của mình. Ngoài ra, người ta còn dựa vào "Mâm Ngũ Quả" để trình bày thêm tính mỹ thuật của mỗi cá nhân nữa. Nên "Mâm Ngũ Quả" của người miền Bắc ngày nay không câu kệ vào quả nhiều hay ít mà miễn trông đẹp mắt là được. Nhưng đối với dân miền Nam thì lại có rất nhiều kiêng kị nên sắp "Mâm Ngũ Quả"cũng phải hạn chế. "Mâm ngũ quả" của người miền Nam không bao giờ có chuối, vì chuối có âm tương tự là “chúi" theo kiểu phát âm của người miền Nam, nghĩa là chúi xuống khó mà lên được. Kế đến là trái cam cũng không được có mặt trong "mâm ngũ quả", vì cam giống như sự chịu đựng, hơn nữa cam quýt có họ với nhau nên người ta có câu ví: “quýt làm cam chịu”. Hơn nữa, Mâm ngũ quả miền Nam thì khó có thể thiếu cặp dưa hấu có dán chữ "song hỷ" và 4 loại quả: mãng cầu (na), dừa, đu đủ, xài (xoài), có nghĩa là: cầu – dừa – đủ – xài. Tuy nhiên, một số gia đình lại không thích lối bày trí này, nên họ nghĩ ra kiểu khác ý nghĩa hơn, đó là trái mãn cầu (mãn cầu xiêm), một chùm sung và một bó lúa nhỏ với ngụ ý cầu mong cuộc sống luôn luôn được “đầy đủ, sung túc”, bởi vì sung là "dư đầy" còn lúa là túc "đầy đủ" (từ Hán-Việt). Qua đó, chúng ta thấy "mâm ngũ quả" làm cho quang cảnh Tết thêm ấm áp, rực rỡ mà hài hoà làm sao - với màu xanh mát của dưa hấu, đỏ rực của hồng, nâu mịn của hồng xiêm, vàng tươi của bưởi, cam, khóm (dứa)… Nó thể hiện sinh động ý nghĩa triết học – tín ngưỡng – thẩm mỹ ngày Tết cùng những ước vọng lạc quan mà mỗi gia đình mang theo khi bước vào năm mới.[5] Tóm lại, Tết Nguyên Đán là một lễ hội mang đậm nét văn hóa dân tộc sâu sắc và độc đáo, phản ánh tinh tế tinh thần hòa điệu giữa con người và thiên nhiên theo chu kỳ vận hành của vũ trụ, Nhắc nhở con cháu về nhớ nguồn cội, lòng hiếu thảo đối với tổ tiên ông bà, khắn khít mối quan hệ họ hàng, mở rộng hơn tình làng nghĩa xóm, thăm lại thầy dạy và bạn bè. Tết cũng là lúc để mọi người đúc kết hoạt động làm ăn trong một năm củ, lên kế hoạch cho năm mới. |
|
![]() Trang nhà |
Happy new year |