Trong làn nắng ửng khói mơ tan,
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng.
Sột soạt gió trêu tà áo biếc,
Trên giàn thiên lý--Bóng xuân sang.
Trích "Mùa Xuân Chín," thơ Hàn Mặc
Tư
Mỗi nơi, mỗi vùng miền đều có phong tục đón Tết khác nhau, được
truyền lại từ thời xa xưa. Chắc hẳn, vùng nào cũng có những nét đặc
trưng riêng của ngày Tết nơi thì kéo co, chèo thuyền, múa Lân, mình
ở Nam Định thì có chợ Viềng nổi tiếng nếu ko giới thiệu ắt hản nhiều
người không biết. Vốn rất mún khám phá, tìm tòi những nét đặc trưng
của các vùng, mình lập topic này để các bạn chia sẻ những lễ hội
thuyền thống của quê hương, hay đơn giản chỉ là mấy ngày bạn về quê
ăn Tết sum vầy bên gia đình thế nào. Có lẽ đó là những tình cảm ko
thể nào quên và cũng ko nên quên, vậy thì thay vì để trong lòng, hãy
chia sẽ những hình ảnh, những tình cảm thân thuộc ấy, với bạn là
quen, nhưng với người khác thì lạ lẫm, biết đâu sau này có lấy chồng
xa thì cũng coi như thêm chút kinh nghiệm, hehe!
Dưới đây là những tập tục tiêu biểu, mình giới thiệu qua.
I. Đón Tết với
Gia Đình
Như lễ Tạ Ơn và lễ Giáng Sinh của
Tây phương, Tết là lúc gia đình góp mặt đông đủ. Con cái, cháu chắt
đi làm, đi học ở xa đều được nghỉ phép về thăm nhà khoảng 23 tháng
Chạp âm lịch. Tuy vậy, gia đình Việt Nam trung bình dành ra nửa
tháng Chạp để chuẩn bị đón Tết cho chu đáo. Có rất nhiều việc để
làm: nào thăm mồ mả tổ tiên, nào mua hoa, pháo, nhang, đèn, nào sắm
sửa quần áo mới, nào gói bánh chưng, bánh dầy, nào quét dọn nhà cửa.
Đến đêm 30 tháng Chạp, mọi việc mua sắm phải hoàn tất, bàn thờ tổ
tiên phải được sắp đặt tươm tất, các món ăn phải làm xong, pháo phải
sẵn sàng.
1. Đi thăm mộ tổ
tiên
Từ ngày 23 cho đến chiều 30 tháng
Chạp, con cháu trong gia tộc tề tựu đông đủ và cùng đi thăm và quét
dọn mồ mã tổ tiên. Mỗi gia đình đều đem theo hương đèn, hoa quả để
cúng, mời vong linh tổ tiên về ăn Tết với con cháu. Khi chưa có
nghĩa trang ở nông thôn Việt Nam, ít nhà có ruộng đất lớn để làm mộ
phần tổ tiên, nên những điền chủ có nhiều ruộng đất trong làng cho
mượn đất chôn nhờ. Vì thế, cuối năm, mỗi gia đình đi thăm mộ đều
mang theo quà Tết để biếu điền chủ đã cho mình mượn đất hay người
coi sóc nghĩa trang (nếu mộ phần đặt trong nghĩa trang).
2. Đưa Táo quân
về trời
Sự tích Táo quân (gồm ba vị thần
coi quản bếp núc, nhà cửa của mỗi gia đình) đại khái như sau: Ngày
xưa, có hai vợ chồng nghèo nhưng ăn ở với nhau rất đằm thắm. Nhưng
làm hoài mà vẫn chỉ đủ ăn, anh chồng quyết định đi xa một chuyến thử
thời vận, mong làm giàu để chị vợ đỡ lam lũ. Không may, anh ra đi
được ba năm vẫn chưa quay lại. Chị vợ chờ mãi, chắc là anh đã chết
nên tái giá với một anh nhà giàu. Dù vậy, lòng chị vẫn vương vấn
tình cảm cũ. Mọât hôm, gần ngày Tết (có lẽ nhằm ngày 23 tháng
Chạp?), gia đình làm cỗ cúng tổ tiên rất lớn nên có mấy người đến ăn
xin trước cửa. Khi chị vợ đưa thức ăn cho họ, chị bất chợt nhận ra
một trong những người ăn xin là anh chồng cũ của chị. Anh chồng sau
thấy vậy, vội cho là vợ mình không chung thủy, nên nặng lời với chị.
Uất ức vì bị hiểu lầm, chị liền nhảy vào đống lửa đốt vàng mã cao
ngun ngút ngoài sân, tự vẫn. Anh chồng cũ thương vợ, cũng nhảy theo
vào đống lửa. Anh chồng mới ăn năn thì sự đã rồi, nên anh nhảy luôn
vào đống lửa. Hồn ba người lên thượng giới chầu Ngọc Hoàng. Ngọc
Hoàng cảm thương tình cảnh của ba người, bèn phái cả ba về hạ giới
để coi sóc bếp lửa của mỗi gia đình và cuối năm về thượng giới tâu
lại những chuyện tốt xấu xảy ra trong từng gia đình trong năm.
Trên đây chỉ là một trong những
sự tích về Táo quân. Nói chung, câu chuyện được kể lại nhằm giải
thích nguồn gốc tục đưa Táo quân về trời và răn dạy con người tự giữ
gìn hạnh kiểm vì mọi việc làm của con người đều được trình báo với
Ngọc Hoàng.
Bởi thế nên, trong ngày này, mọi
gia đình người Việt Nam đều làm mâm cơm đạm bạc tiễn đưa “ông Táo “.
Cứ phiên chợ 23 tháng Chạp, mỗi gia đình thường mua 2 mũ ông Táo, 1
mũ bà Táo bẵng giấy và 3 con cá chép làm “ngựa” (chuyện cá chép hoá
rồng) đế Táo quân lên chầu trời.
Sau khi cúng trong bếp, mũ được đốt và cá chép được mang ra thả ở
ao, hồ, sông… Ngày ông Táo về chầu trời được xem như ngày đầu tiên
của Tết Nguyên đán. Sau khi tiễn đưa ông Táo người ta bắt đầu dọn
dẹp nhà cửa, lau chùi đồ cúng ông bà tổ tiên, treo tranh, câu đối,
và cắm hoa ở những nơi trang trọng để chuẩn bị đón tết.
3. Lễ rước vong
linh ông ba
Chiều 30 tháng Chạp, các thức ăn
và trái cây được xếp thành cỗ để dâng lên bàn thờ ông bà, tổ tiên.
Đây là dịp cả gia đình quây quần trước vong linh cửu huyền thất tổ,
ôn lại những sự việc đã xảy ra trong năm để rút tỉa kinh nghiệm cho
năm mới. Gia trưởng (người đứng đầu gia tộc, thường là người cao
tuổi nhất) trịnh trọng thắp nén hương dâng lên bàn thờ, cầu xin tổ
tiên chứng giám và phù hộ cho gia tộc được nhiều phước lành trong
năm mới. Theo sau gia trưởng, mọi người trong nhà đều nghiêm trang
chắp tay cung thỉnh tổ tiên về ăn Tết với con cháu.
4. Đốt pháo,
nhưng do việc đốt pháo ko dc an toàn nên giờ đã bị cấm, hi!
5. Xuất hành
Khi tiếng pháo đã ngớt đêm 30,
mỗi gia đình thường cử một người xuất hành (tức là bước ra khỏi nhà)
trong những giây phút mới mẻ ngày đầu năm. Xuất hành phải xem lịch
(xin xem bài viết về Âm Lịch) để chọn hướng tốt, hạp với tuổi của
mình (xin xem bài viết về Các Con Giáp), ngụ ý để mang đến điều may
mắn mỗi khi bước chân ra khỏi nhà trong năm mới. Sau khi xuất hành
xong, người ta có thể tự xông nhà.
6. Xông nhà (hay
"xông đất")
Đầu năm, nhiều người Việt cho
rằng người đầu tiên bước vào nhà mình sẽ đem đến vận hên, xui cho
gia đình suốt cả năm. Vì thế, cứ mỗi đầu năm là chủ nhà nhờ người có
vận may xông nhà dùm. Người may mắn là người làm ăn phát đạt trong
năm, gia đình sung túc, hạnh phúc. Nếu không tìm ra người, đôi khi
chủ nhà đi xông nhà cho chính họ. Khách đi xông nhà thường ăn mặc
chỉnh tề, bước vào cửa chính gian nhà, rồi rảo một lượt quanh nhà,
xuống tận bếp, cốt để mang vận may vào từng xó nhà.
7. Chúc thọ
Trong gia đình Việt Nam, người
cao tuổi được kính trọng hơn hết vì có nhiều kinh nghiệm. Theo thiển
ý người viết bài, sự kính trọng quý vị cao niên cho thấy một xã hội
biết kiêng nể nguồn gốc và có tinh thần khiêm tốn, chịu khó học hỏi
từ những người đi trước vì có ai từng trải bằng các vị ấy. Cho nên,
sáng sớm mùng Một Tết là lúc con cháu trong gia tộc tỏ lòng hiếu
thảo qua việc chúc tuổi ông bà, cha mẹ. Người Việt quan niệm rằng cứ
mỗi độ xuân về là mọi người đều thêm một tuổi, bất kể sanh nhằm ngày
nào trong năm.
8. Lì xì
Chữ "lì xì" được phiên âm từ tiếng Quảng
Đông sang tiếng Việt, nguyên là chữ "lợi thị" (tiền bạc, lợi lộc)
trong Hán tự. Để mừng tuổi các em, những người lớn trong gia đình,
họ hàng, bạn bè của cha mẹ tặng các em những món tiền nho nhỏ (lì
xì) và chúc các em chóng lớn, học hành đỗ đạt, v. v. Những món tiền
này được cho vào phong bao màu đỏ trơn hoặc có hoa văn vàng. Cũng
như màu hồng thắm, màu đỏ hoặc các màu có sắc đỏ được tin là tượng
trưng cho sự may mắn. Thưở trước, sau khi nhận những lời chúc thọ,
các vị cao niên trong gia đình lì xì tất cả con cháu bất kể tuổi tác
với những món tiền nho nhỏ, vừa bạc lẻ vừa tiền chẵn, ngụ ý chúc con
cháu làm ăn phát đạt, tiền bạc sinh sôi nảy nở trong năm mới.
9. Thăm viếng
Sau khi xông nhà xong, chủ nhà
bắt đầu tiếp đón bạn bè, thân quyến đến thăm, và cũng đi thăm trả
lễ. Thông thường, mùng Một được dành để chúc thọ các bậc trưởng
thượng trong gia tộc, thăm hỏi họ hàng. Mùng Hai được dành để các
trò đến viếng và tạ ơn thầy cô giáo đã tận tình dạy dỗ mình trong
năm qua, nêu cao truyền thống "tôn sư trọng đạo" của học sinh Việt
Nam. Mùng Ba là ngày thăm hỏi, vui chơi với bè bạn.
10. Kiêng cữ
Vì cho là các hành vi trong những
ngày đầu năm có thể đem lại vận hên, xui trong năm, nên người Việt
hết sức thận trọng với lời ăn tiếng nói và các hành động vào ba ngày
đầu năm. Có một số việc nên tránh, chẳng hạn: quét rác, đặc biệt là
xác pháo, ra khỏi nhà vì bị xem là quét tiền ra cửa; biếu tặng các
vật "cấm" như thuốc men hay dao nhọn vì bị xem là mang dấu hiệu của
bệnh hoạn và xung khắc; nói các lời nặng nề, thô tục; khóc lóc, than
thở; đập vỡ chén dĩa hay gương soi vì bị xem là dấu hiệu của sự đổ
vỡ trong gia đình; mặc quần áo trắng hay đen vì bị xem là màu tang
tóc, v. v. Vài việc kiêng cữ nêu trên đã đơn giản hóa theo thời
gian, nhưng phần lớn vẫn được người Việt tin tưởng đến ngày nay. Cái
này chắc mỗi nơi lại có nhìu kỉu kiêng cữ khác nhau.
II.Tập tục.
Khác với lễ Tạ Ơn và lễ Giáng
Sinh của Tây Phương, Tết Việt Nam không đơn thuần là dịp để xum họp
gia đình mà còn là dịp để sinh hoạt, thi đua, kết thân với mọi người
ngoài xã hội. Xã hội Việt Nam từ thưở xưa đã lấy nghề nông làm gốc,
và người dân tổ chức xã hội theo hệ thống làng xóm, sống trong quần
thể để tiện đùm bọc cho nhau khi mưa khi nắng. Làng là đơn vị hành
chính nhỏ nhất trong xã hội Việt Nam, kiến tạo bởi một khối dân cư ở
nông thôn, và có đời sống riêng về nhiều mặt.
1. Dựng nêu
Nhờ những sinh hoạt chung thường
ngày, người dân Việt càng gắn bó hơn khi hữu sự. Theo một tích xưa,
làng xóm và chùa chiền Việt Nam hay bị quỷ quấy nhiễu, nên mọi người
cầu khẩn Phật che chở. Phật liền hiện ra và bắt lũ quỷ. Chúng van
lạy xin tha và hứa sẽ không quấy phá nữa. Phật tha cho bọn chúng và
căn dặn chúng không nên bén mảng đến những vùng đất có dấu tích của
Phật. Rồi Phật dạy người dựng cây nêu cột phướn và rắc vôi trắng
xung quanh để đánh dấu phần đất quỷ phải tránh xa. Từ đó, cứ Tết đến
là người ta dựng cây nêu ở các chùa, đình làng, và đôi khi ở trước
cửa nhà nữa.
Cây nêu là một thân tre cao, trên
đỉnh treo ngọn phướn (cờ) ngũ sắc tượng trưng cho năm hành (kim:
trắng, mộc: đen, thủy: xanh, thổ: vàng, hỏa: đỏ). Xen kẽ giữa những
dải lụa ngũ sắc là những chiếc khánh bằng nhiều chất liệu khác nhau
(gỗ, kim loại, đất nung, sành) tượng trưng cho bát quái (trong Kinh
Dịch). Khi gió thổi qua, những chiếc khánh chạm vào nhau leng keng,
nghe vui tai. Nêu dựng ở nhà dân không có ngọn phướn.
Cây nêu ở đây là cây tre dài
khoảng 2,5 – 3 mét (theo wikiped cây nêu là một cây tre cao khoảng
5–6 mét), được dựng trước sân nhà vào buổi tối trước giao thừa. Trên
ngọn nêu có buộc nhiều thứ (tùy từng địa phương) như cái túi nhỏ
đựng trầu cau và ống sáo, những miếng kim loại lớn nhỏ.
Cây nêu thường được dựng vào ngày 23 tháng chạp, là ngày Táo quân về
trời chính vì từ ngày này cho tới đêm Giao thừa vắng mặt Táo quân,
ma quỷ thường nhân cơ hội này lẻn về quấy nhiễu, nên phải trồng cây
nêu để trừ tà. Đến mùng Bảy Tết, người ta làm lễ cúng Trời Đất, gọi
là lễ Khai Hạ, và hạ cây nêu xuống. Lễ này chính thức chấm dứt Tết.
Mọi người trở về cuộc sống thường nhật. Một vài năm trở lại đây
thường thấy mọi người bán mía để tượng trưng thay cho cây nêu. Thấy
cũng hay hay vì tết xong có thể hạ nêu xuống chén .
2. Hái lộc đầu
xuân
Song song với việc dựng cây nêu
ngọn phướn trong sân đình, chùa, người Việt còn có tục "hái lộc đầu
xuân," cũng được thực hiện trong sân chùa, đình. "Lộc" có hai nghĩa,
một là "nhánh cây non" và hai là "bổng lộc, ơn huệ." Sau khi đi lễ
đêm 30 tháng Chạp về, người ta (phần đông theo Phật giáo và Khổng
giáo) hay ghé lại các cây cổ thụ nơi sân đình, chùa, để hái một
nhánh cây non về treo trước nhà hoặc trưng lên bàn thờ. Có lẽ vì chữ
"lộc" (chỉ "nhánh cây") trùng âm với "bổng lộc, phước lộc" nên người
ta tin rằng đem được cành lộc về nhà thì tương tự như rước được
phước báu vào gia đình.
3. Hội xuân
Ân huệ không nhất thiết phải là
tiền bạc mà gồm cả sức khỏe và sự sảng khoái tâm hồn. Do đó, dân
làng tổ chức rất nhiều hội hè và các cuộc thi đua vào mùa xuân để
mọi người cùng vui chơi sau một năm làm lụng cực nhọc. Tùy theo địa
thế và dân cư, mỗi làng có những cuộc thi khác nhau. Dưới đây là một
số cuộc thi tiêu biểu trong mấy ngày xuân:
Thi hát quan họ
Quan họ là một thể loại dân ca
Bắc bộ, xuất phát từ tỉnh Bắc Ninh. Tương truyền, thể loại này do
hoạn quan Hiếu Trung Hầu đặt ra để mua vui lúc tuổi già với đám trai
gái trong tổng Nội Duệ, sau lan ra các tỉnh lân cận. Qua những câu
hát quan họ, hai bên trai gái khen ngợi nhau, tỏ tình, rồi hứa hẹn
với nhau. Vì không có nhạc đệm, hai bên cùng trao đổi bằng giọng đôi
để nâng đỡ cho nhau. Khi thi hát, mỗi bên trai, gái có chừng bốn
người (gọi là "bọn") cùng luyện giọng chung với nhau. Trọng tài là
người hát lão luyện, biết nhiều giọng (tức là cách diễn tả lời hát
qua nhiều giai điệu và âm vực khác nhau). Các bọn được chấm theo tài
đối ý và đối giọng. Câu hát của bọn này càng lắt léo và dài hơi thì
bọn kia càng khó đối. Giải thưởng không nhiều nhưng là vinh dự lớn
cho bọn hát.
Ngoài lối hát quan họ, người ta
còn thi hát đố, hát ví, hát trống quân, v. v. Môn nào cũng được
người xem hội say mê theo dõi vì tính cách phong phú trong ngôn từ
và chất giọng.
Thi thả chim
Ngày xưa, bồ câu là giống chim
đưa tin nhanh và chính xác nhất, nên người ta chọn loại chim này để
huấn luyện đi thi trong những hội Tết. Khi nghe tiếng trống lệnh,
đàn chim được thả ra từ lồng tre phải nhất loạt bay lên. Các giám
khảo chấm giải bằng cách theo dõi bóng của từng đàn chim trong một
thau nước lớn. Đàn chim nào bay cao nhất và gọn nhất sẽ được giải.
Thi kéo co
Để nêu cao tinh thần thượng võ
của dân tộc Việt, hội xuân nào hầu như cũng có tục kéo co. Những
người tham dự chia làm hai bên, cùng nắm hai đầu dây và ra hết sức
để kéo cho được bên kia ngã về phía mình. Hai bên có khi toàn là đàn
ông, con trai lực lưỡng, có khi bên nam bên nữ, thường là những trai
gái chưa chồng chưa vợ.
Thi đánh vật
Đánh vật vừa được coi là một môn
thể thao và một môn võ nghệ, được trưng dụng ngay cả trong ngày
thường để luyện tập sức khỏe. Một người đô vật giỏi cần phải khỏe và
nhanh nhẹn để thi thố những miếng vật với đối phương. Người thắng
cuộc phải vật ngửa hoặc đội bổng được đối phương của mình. Đô vật
khi dự thi để mình trần, đóng khố xanh, đỏ, trắng, hoặc nâu, nhưng
tránh màu vàng vì là màu của nhà vua. Tương truyền, nữ tướng Lê Chân
của Hai Bà Trưng là người khởi xướng những cuộc thi đánh vật để
tuyển binh. Dân làng về sau cứ theo lệ mà mở hội thi đánh vật.
Thi chèo thuyền
Không chỉ giỏi về bộ binh, dân
Việt giỏi cả nghề thủy chiến. Cũng dưới thời Hai Bà Trưng, nữ tướng
Cao Nhự đã tổ chức đội binh hải quân đầu tiên của Việt Nam. Theo
truyền thống đó, người ta tổ chức những cuộc đua thuyền vào mùa xuân
dọc theo các con sông lớn. Người tham dự có thể thi theo đội hay cá
nhân. Trên bờ, người xem khua chiêng đánh trống cho cuộc đua thêm
phần hào hứng.
Các cuộc thi làm thức ăn
Tất nhiên, dinh dưỡng chiếm vai
trò không nhỏ trong đời sống người Việt. Tết đến, gia đình sum họp
là lúc thết tiệc ăn mừng và lúc các bà, các cô trổ tài bếp núc của
mình. Có rất nhiều cuộc thi trong dịp này, như thi thổi cơm, thi đồ
xôi, thi nấu cỗ, thi làm bánh, thi luộc gà, v. v. Các cuộc thi không
những đòi hỏi các bà, các cô phải biết nêm nếm các món ăn mà còn
phải lanh lẹ, khéo léo trình bày các thức ăn cho có mỹ thuật nữa.
4. Tục
chưng mâm ngũ quả
Ngày Tết, ngoài các loại thức ăn cúng ông bà tổ tiên trên bàn thờ
nhất thiết phải chưng mâm ngũ quả. Chuối là cái nền cho mâm ngũ quả,
thứ đến là bưởi hoặc phật thủ, hai loại này bắt buộc phải có. Ba
loại còn lại phụ thuộc thì tuỳ loại quả có ở mỗi vùng mỗi khác nhau.
Nhưng chung lại, mâm ngũ quả là những loại trái cây chứa nhiều chất
dinh dưỡng, đáp ứng đủ cho nhu cầu hoạt động của con người. Vì vậy,
chưng mâm ngũ quả ngày tết là một ý nghĩa nói lên ước vọng của gia
đình bước sang năm mới được no đủ.
Ðã gọi là ngũ quả thì nhất thiết phải là 5 loại quả. Nhưng các vùng,
các miền do mùa xuân hoa trái khác nhau, nên mâm ngũ quả cũng khác
nhau như: chuối, bưởi, phật thủ, dưa hấu, cam, quýt, dừa, na, hồng
xiêm, táo…
Mỗi quả mang một ý nghĩa:
Chuối - phật thủ: như bàn tay che chở.
Bưởi - dưa hấu: căng tròn, mát lành, hứa hẹn năm mới đầy ngọt ngào,
may mắn.
Hồng - quýt: rực lên màu sắc mạnh mẽ, tượng trưng cho sự thành đạt.
Ở vùng Thủ Dầu Một, ngày Tết hầu như nhà nào cũng có mâm lễ: Long -
Lân - Quy - Phụng. Kết từ hoa quả - tứ linh hoàn toàn mang tính hình
tượng như hoa quả kết thành “vật thực”, thể hiện lòng thành của con
cháu tưởng nhớ gia tiên, cảm tạ ơn trời, ơn đất.
Mâm ngũ quả trong Nam cũng khác so với ngoài Bắc. Trên mâm ngũ quả ở
ngoài Bắc thường có : Bưởi, đào, quýt, chuối, hồng. Có khi người ta
thay bưởi bằng phật thủ hoặc lựu Mâm ngũ quả trong Nam vẫn cứ giữ
nguyên truyền thống là mãng cầu, sung, dừa xiêm, đu đủ, xoài mà các
bà thường quan niệm sơ đẳng là “cầu - sung - vừa - đủ - xài”.
5. Tục gói Bánh Chưng
Bánh chưng hình vuông, màu xanh, tượng trưng trái Đất, âm. Bánh dầy
hình tròn, màu trắng, tượng trưng Trời, dương, thể hiện triết lý Âm
Dương, Dịch, Biện chứng Đông Phương nói chung và triết lý Vuông Tròn
của Việt Nam nói riêng.
Bánh chưng âm giành cho Mẹ, bánh dầy dương giành cho Cha. Bánh chưng
bánh dầy là thức ăn trang trọng, cao quí nhất để cúng Tổ tiên, thể
hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn, nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục
to lớn, bao la như trời đất của cha mẹ.
Theo truyền thuyết, bánh chưng bánh dầy có từ thời Vua Hùng Vương
thứ 6, sau khi phá xong giặc Ân.Vua muốn truyền ngôi cho con, nhân
dịp đầu xuân, mới hội các con mà bảo rằng: ”Con nào tìm được thức
ngon lành để bày cỗ có ý nghĩa hay thì ta truyền ngôi cho”.
III. Tiêu
Khiển Ngày Xuân
Nếu người Việt dành mùng Một Tết
cho gia đình, mùng Hai cho thầy cô, thì mùng Ba ắt là cho bè bạn.
Rong chơi ngoài hội xuân chưa tròn ý nghĩa ngày Tết, người Việt dành
thêm những giây phút thâm trầm hơn với bạn bè qua những thú tiêu
khiển thanh tao có, bình dân có.
1. Khai bút đầu
xuân
Đầu năm, người Việt kiêng cữ rất
kỹ từng lời ăn tiếng nói. Các học giả còn cẩn trọng đến từng nét
chữ, câu văn, nên các cụ mượn khói hương nghi ngút và xác pháo đỏ
hồng của ngày đầu năm để làm lễ khai bút. Nhân thi hứng đó, các cụ
làm thơ bằng chữ Hán hay chữ Nôm và viết lên giấy điều (là loại giấy
màu đỏ). Các bài thơ thường mang nội dung tán dương thiên nhiên hay
mang lời chúc lành cho năm mới.
Đối với học trò, tục khai bút đầu
xuân tượng trưng cho lòng hiếu học của dân Việt. Học sinh Việt Nam
cũng tin rằng khai bút đầu xuân đem văn hay chữ tốt đến với họ trong
năm mới. Ngày nay, cổ tục này dần dần mai một đi vì ít người học chữ
Hán. Tuy nhiên, năm nào tại Hội Xuân do Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam
Miền Nam California tổ chức cũng có mục "khai bút đầu xuân" bằng cả
hai ngôn ngữ Việt và Anh.
2. Câu đối
Câu đối thực ra gồm hai câu có số
chữ bằng nhau và đối chọi nhau cả về lời lẫn ý. Khi Hán học còn
thịnh hành ở Việt Nam, câu đối được cả giới trí thức lẫn giới bình
dân ưa chuộng. Ngày Tết, người ta treo chúng lên hai bên nhà để
khách đến thăm cùng thưởng lãm với chủ. Câu đối được viết lên hai
dải giấy điều bằng mực Tầu nhũ kim (loại mực lấp lánh vàng hay bạc).
Người viết câu đối thường là các ông thầy đồ già trong làng, vốn có
chữ tốt văn hay lại thêm tài viết chữ đẹp. Nội dung câu đối Tết là
những lời chúc lành đầu năm. Sau này, câu đối không còn thịnh hành
hay mang giá trị văn học nghệ thuật nữa mà chỉ được xem như món hàng
trang trí cho vui nhà trong những ngày xuân.
3. Tranh Tết
Để trang hoàng nhà cửa vào dịp
Tết cho sinh động hơn, người Việt chọn mua vài bức tranh Đông Hồ
treo trong nhà. Tranh Đông Hồ là đặc sản của làng Đông Hồ, một làng
nhỏ miền Bắc nước Việt. Tranh được in từ những ấn bản gỗ lên giấy dó
(loại giấy xốp, bền, và mịn, làm từ vỏ một thứ cây leo tên là "dó").
Mực in tranh được pha chế bằng toàn chất liệu thiên nhiên: màu đen
từ tro của lá tre, màu trắng từ vỏ trứng, màu xanh từ lá chàm, màu
đỏ từ quả mồng tơi, v. v. Tranh diễn tả lại những điển tích, truyện
thần thoại, hoặc biến cố lịch sử một cách hóm hỉnh, thông thường qua
việc nhân cách hóa các động vật. Bức "Gà Đàn," chẳng hạn, vẽ một bầy
gà con, tượng trưng cho lời chúc "con cháu đầy đàn," hay bức "Đại
Cát," vẽ một anh gà trống uy nghi, tượng trưng cho lời chúc "an
khang" nhân ngày đầu năm. Tranh Tết, nhất là tranh Đông Hồ, làm tăng
thêm sự thanh lịch của gian phòng khách và chắc cũng bộc lộ trình độ
hiểu biết nghệ thuật của chủ nhà đôi chút.
4. Mai đào
Hoa là món trang trí không thể
thiếu trong mỗi dịp lễ hội Việt Nam. Ở miền Bắc, hoa đào nở rộ mỗi
dịp xuân về. Ở miền Nam, hoa mai cũng đua sắc. Vì thế, mai và đào là
hai loại hoa đặc trưng cho ngày Tết.
Hoa mai trưng vào dịp Tết là
giống mai vàng, trổ thành từng khóm nhỏ trên cành cây mong manh cạnh
những lộc non mơn mởn. Hoa đào màu hồng, cũng trổ thành khóm, thuộc
giống bích đào (chỉ có hoa, không đậu quả) mới quý. Nhiều gia đình
tin rằng những cành mai, đào nở rộ tươi tốt vào sáng mùng Một Tết sẽ
đem lại sự thịnh vượng cho cả năm.
5. Cờ tướng
Cờ tướng có lẽ là thú tiêu khiển
vận dụng trí năng nhiều nhất. Tương tự như cờ quốc tế (hay cờ vua),
bàn cờ tướng hình vuông với các quân cờ tròn, mỗi quân có luật lệ
tiến thoái riêng. Số người chơi gồm hai người, ngồi đối diện nhau.
Người thắng phải "chiếu bí" (bắt) quân "tướng" của đối phương. Trong
lịch sử Việt Nam còn lưu lại một truyền thuyết về môn cờ tướng:
Vào thời vua Trần Dụ Tôn
(1341-1360), nước Việt đang có nguy cơ bị Trung Hoa xâm lăng. Để thử
tài vua Dụ Tôn, vua Trung Hoa sai sứ giả sang Việt Nam thách đấu cờ
với nhà vua. Nhà vua rất lo ngại, sai tìm người tài giỏi để đấu cờ
với sứ giả Trung Hoa. Một cao thủ cờ tướng là Vũ Huyền đến chầu, cam
đoan sẽ thắng sứ giả với điều kiện là trận đấu phải bắt đầu vào giữa
trưa và ông phải được đứng hầu cận vua trong lúc đánh cờ.
Trận đấu diễn ra ngoài trời nên
kẻ đứng hầu phải cầm lọng che cho vua. Vũ Huyền cho đục một lỗ thủng
trên lọng của nhà vua để ánh mặt trời chiếu qua. Vũ Huyền cứ thế
hướng dẫn tia nắng chiếu lên bàn cờ để vua theo đó mà đi. Kết quả là
vua Dụ Tôn toàn thắng. Vua Trung Hoa từ đó kiêng nể vua Dụ Tôn, cho
là người tài, nên không quấy nhiễu nước Việt nữa.
Đến nay, cờ tướng vẫn là một trò
đấu trí truyền thống của người Việt trong suốt cả năm. Ngoài việc
đấu cờ trên bàn cờ, người ta còn chơi cờ người ở một số làng tại
Việt Nam. Luật lệ cờ tướng được giữ nguyên, duy các con cờ là người
thật mặc y phục có thêu chữ mang tên các quân cờ, trang bị thêm cờ
xí và binh khí, xem rất oai phong. Hai đấu thủ ngồi trên bệ cao ra
lệnh cho các quân cờ di chuyển theo ý trên sân đình hay ruộng (thay
cho bàn cờ).
|