Khi vòng quay thời gian đi qua 365 ngày… Khi
những cánh chim én từ phương Bắc quay về, ta lại được đắm mình trong
mùa xuân với bao khát khao mơ ước! Mùa xuân - mùa của trăm hoa đua
nở, mùa của lộc biếc trời xanh… Cảm ơn mùa xuân đã ban tặng cho nhân
thế sự sinh sôi nẩy nở vĩnh hằng!
Từ ngàn xưa, hoa được coi là thông điệp của tâm
hồn. Mỗi chúng ta ai chẳng yêu hoa… Ai chẳng có kỷ niệm đẹp về những
loài hoa. Và cũng từ ngàn xưa, hoa bao giờ cũng được coi là biểu
tượng của cái đẹp - Cái mà hầu hết các thi sĩ cổ kim Đông-Tây không
thể dửng dưng. Có thi sĩ nào lại không yêu hoa và trân trọng vẻ đẹp
của các loài hoa. Chẳng thế mà Đỗ Phủ - nhà thơ Trung Quốc đã thốt
lên rằng: “Nhất phiếm hoa phi giảm khước xuân”. (Mỗi cánh hoa rơi
cũng làm giảm đi vẻ đẹp của mùa xuân) Người phương Đông có cái thú
chơi hoa trong sự tao nhã, tinh khiết mà trầm lắng… Thú chơi đó mang
những nét riêng mà độc đáo đậm đà phong cách á Đông. Trong lịch sử
đã từng có người yêu hoa được sử sách lưu truyền với những nỗi niềm
và tình cảm sâu sắc. Trương Mãn Thúc đời Tống (Trung Quốc) đã từng
say đắm quanh năm tháng bên vườn hoa của mình, sẻ chia từng niềm vui
nỗi buồn, cho từng gốc mai, khóm hồng, chậu cúc, đoá trà mi…để rồi
trong cái thế giới huyền diệu của sắc hoa ông đã nhận ra mười hai
loài hoa ông cho là đẹp nhất và được ông coi là những người bạn tri
kỷ của cuộc đời.
 |
Các
bạc chí sĩ, hiền nhân, thức giả coi hoa là người bạn tri kỷ, tri âm.
Trong lịch sử thời Trần nước ta, Trương Hán Siêu sau khi từ quan đã
trở về vùng núi non Ninh Bình trồng lên những sườn đồi bạt ngàn muôn
loài hoa cúc với đủ mầu sắc làm thế giới huyền diệu cho riêng mình.
Nơi vùng Côn Sơn thanh tịnh vào thời Lê, Nguyễn Trãi đã trở về Sơn
trại Thanh Hư động trồng lên mảnh đất này những loài hoa đẹp và quí.
Chỉ có hoa mới là nguồn giải toả, san sẻ cho cõi lòng thanh khiết
trong nỗi buồn u tịch của ức Trai.
Chuyện người xưa yêu hoa kể sao cho hết… Hoa là
người bạn tình muôn thủa cho cõi lòng trắc ẩn... Cái thú chơi hoa
của các bậc tiền bối quả là cầu kỳ và thi vị… Nó mang bản sắc văn
hoá của một thời đại, một dân tộc và có khi của một con người. Nó
được thể hiện qua cách chơi đầy tinh tế. Cũng vì lẽ đó mà ta hiểu
được vì sao nhà văn Nguyễn Tuân từng thích thú khi ông đắm mình
thưởng thức hương lan và tiệc rượu “Thạch Lan Hương”, ta mới thấy
hết được sự giao cảm lạ lùng giữa hoa và người.
Hoa là tặng vật của tạo hoá ban tặng cho con
người. Mỗi cánh hoa mỏng manh, tinh trắng luôn thầm nói với chúng ta
bao điều tuyệt vời… Người xưa có câu “Vua chơi lan, quan chơi trà”.
Nào đâu có cần phải giầu sang phú quí mới có thể chiêm ngưỡng được
vẻ đẹp huyền diệu của mỗi loài hoa…Có yêu đời, yêu đất trời, cỏ cây,
hoa lá mới thưởng thức được vẻ đẹp trắng trong của các loài hoa. Mỗi
loài hoa đều có vẻ đẹp riêng và tiếng nói riêng mà mấy ai chia sẻ và
nắm bắt được. Bông hoa hồng duy nhất nở trong ngục tù trong tập thơ
“Nhật ký trong tù” của Hồ chí Minh đã từng thông cảm sâu sắc với
người bạn tù- người chiến sĩ cộng sản, thi nhân Hồ Chí Minh khi
“hương hoa bay thấu vào trong ngục/ Kể với tù nhân nỗi bất bình”.
Bởi cái hồn của bông hoa ấy đã thấu tỏ Hồ Chí Minh là người yêu đời,
yêu hoa hơn ai hết, bao giờ cũng nâng niu, trân trọng vẻ đẹp của các
loài hoa. Đó cũng là nguồn cảm thông thấu tỏ của Hồ Chí Minh về số
phận yểu mệnh của một đoá hoa hồng.
Tôi không thể quên được hồi còn nhỏ, khi cha tôi
được một người bạn thân tặng một cây mai trắng. Ông đã trồng cây mai
trước sân. Hàng ngày ông nâng niu chăm sóc, cắt tỉa từng chiếc lá
úa, bắt từng con rệp trên thân cây. Không có sự nâng niu chăm sóc
của ông thì làm sao từ những ngày hè nóng bỏng đến những ngày đông
giá rét trên những thân cây mảnh mai kia những bông hoa nuột nà đến
nao lòng vẫn toả hương khoe sắc báo hiệu một mùa xuân đã tới. Khi
còn bé tôi đã từng ngây người ngắm những bông hoa trắng muốt đó hàng
tiếng đồng hồ mà không thấy chán. Lạ lùng thay, trong cái mầu trắng
nuột nà tinh khiết đó, lớp cánh trong cùng lại có mầu hồng như máu.
Nó làm cho bông hoa không còn vẻ lạnh lẽo mà ngời lên sức sống kỳ
diệu của loài hoa này. Các cụ ngày xưa quả là sâu sắc tinh thông.
Mai được coi là cốt cách của người quân tử vượt qua cô đơn giá lạnh
mà vẫn nguyên mầu trắng trong. Mai có rất nhiều loại: Hồng mai, bạch
mai, hoàng mai, mai tứ quí, mai chiếu thuỷ… Song hành cùng mai là
đào. Một cành đào cũng mang lại một niềm vui, một khát khao…để lòng
ta dâng lên một cảm xúc mà lòng ta không thể thốt lên: Ôi mùa xuân
đã về! Sau những ngày đông giá lạnh, tê tái, mầu hồng thắm của đào
như sưởi ấm lòng người và vạn vật. Đó cũng là điểm báo vòng quay của
một quãng cách hữu hạn trong thời gian vô hạn. Thật hạnh phúc cho
những ai được ngắm những sườn đào trên vùng núi cao, vùng núi
Sa Pa
hay vùng núi phía Bắc trong cái hữu tình thăm thẳm của vùng sơn
cước. Những sườn đào phai hồng rực bên những mần non bật lên từ kẽ
lá phô bầy cái tuyệt vời vô tận, tràn ngập của mùa xuân. Khi xuân về
cũng là lúc muôn vàn loài hoa cúc nở: Cúc đại đoá, hồng tử kỳ, bạch
khổng tước, cúc vạn thọ, cúc gấm, cúc áo, cúc ngũ sắc, cúc tóc tiên…
Trong muôn vàn loài hoa cúc được xếp vào hàng tứ quí (tùng, cúc,
trúc, mai) cúc là loài hoa thật phong phú về chủng loại mà cũng thật
đậm đà về hương sắc. Cúc đẹp bởi sự giản dị khiêm nhường, bởi cúc
mang những đức tính tốt đẹp của đấng quân tử. Phải chăng đó cũng là
sự kiên trinh vượt qua sương sa, tuyết lạnh? Mỗi khi xuân về trong
mỗi căn nhà, cúc được đặt trong những b́nh gốm cũng làm cho không
gian thêm đằm thắm và lưu luyến đến khôn nguôi…
Trong khoảng khắc giao mùa khi xuân đến, đắm mình
vào những phiên chợ Bưởi đông vui nhộn nhịp, hoà vào những khuôn mặt
người náo nức tràn trề hạnh phúc với muôn loài hoa đẹp, bạn hãy chọn
đi, hãy chọn cho gia đình mình, cho mình, cho người mình yêu một
loài hoa, một cành hoa đẹp. Phải chăng đó là cành đào mang hơi thở
của mùa xuân, một nhành mai cho sự tinh khiết, một đóa hoa hồng cho
tình yêu bất diệt, hay một đoá trà mi cho sự đáng yêu tuyệt vời, một
bình thuỷ tinh vỗ về cho nỗi buồn man mác?… Nào ai biết được, bởi
chỉ có bạn mới hiểu mùa xuân này trong lòng bạn đang trào dâng cảm
xúc gì về vẻ đẹp của mỗi loài hoa. |