Mùa
Vọng là mùa mở đầu cho năm phụng vụ. Lễ phục được dùng trong suốt
mùa Vọng. hầu hết là màu tím. Ngoài ra nhà thờ nào cũng có 4 ngọn
nến trong đó 3 ngọn màu tím và một ngọn màu hồng. Có lẽ không ít
người sẽ bối rối khi được hỏi 4 ngọn nến và màu sắc của chúng mang ý
nghĩa gì. Tôi cũng ở trong số đó nhưng may mắn đọc được bài “Các
biểu tượng và ý nghĩa thiêng liêng của mùa Vọng” của tác gỉa Anthony
Lê được đăng trên Vietcatholic ngày 29/11/2007 nên được biết ý nghĩa
như sau:
Bốn ngọn nến tượng trưng cho 4,000 năm loài người trông đợi Đấng Cứu
Thế nghĩa là từ khoảng thời gian ông bà nguyên tổ bị đuổi ra khỏi
vườn Địa đàng rồi loài người rơi vào sa đoạ, tội lỗi cho đến ngày
Chúa sinh xuống trần gian. Mỗi ngọn nến tượng trưng cho một giai
đoạn trong tiến trình trông đợi đó. Màu tím nói lên sự chờ đợi và ăn
năn thống hối còn màu hồng tượng trưng cho sự mừng rỡ và hân hoan
trong việc đón mừng ơn cứu độ của Thiên Chúa.
Trong ngày Chúa nhật đầu tiên của mùa Vọng, sau nghi thức làm phép
nến, một ngọn nến màu tím được thắp sáng và ngọn nến này tiếp tục
được thắp sáng trong những ngày tiếp theo của cả tuần lễ đó. Ngọn
nến thứ nhất này tượng trưng cho sự HỐI CẢI chuẩn bị cho ngày Đấng
Cứu Thế đến.
Trong ngày Chúa nhật của tuần lễ thứ hai một ngọn nến màu tím khác
được thắp sáng và cả 2 ngọn nến sẽ tiếp tục được thắp sáng trong
những ngày còn lại của tuấn lễ này. Ngọn nến màu tím thứ hai tượng
trưng cho sự TRÔNG CHỜ ngày hạ sinh của Đấng Cứu Thế
Trong ngày Chúa nhật của tuần lễ thứ ba ngọn nến màu hồng được thắp
sáng và sẽ cùng với hai ngọn nến trước tiếp tục được thắp sáng trong
những ngày còn lại của cả tuần lễ. Ngọn nến màu hồng thứ ba tượng
trưng cho sự VUI MỪNG và niềm hân hoan vì Chúa Cứu Thế sắp đến.
Trong ngày Chúa nhật của tuần lễ thứ tư cũng là tuần lễ cuối cùng
của mùa Vọng ngọn nến cuối cùng màu tím được thắp sáng và tất cả 4
ngọn nến sẽ được thắp sáng trong những ngày tiếp theo cho đến lễ
Gíang sinh. Ngọn nến thứ tư màu tím tượng trưng cho sự kiên vững
trong NIỀM TIN trong việc chuẩn bị tâm hồn để đón mừng Chúa đến
trong lễ Gíang sinh.
Mùa Vọng đến mỗi năm vì vậy người tín hữu Công giáo nào cũng đều
được nhắc nhở nhiều lần để biết mùa Vọng là mùa trông đợi Chúa Cứu
Thế. Nhưng trông đợi theo ý nghĩa nào? Trông chờ Chúa đến mang ơn
cứu độ ư? Người Do Thái cho rằng Đấng Cứu Độ mà họ trông đợi chưa
đến trần gian cho nên họ vẫn còn đến cầu nguyện tại bức tường “than
khóc” để xin Đấng Cứu Đô mau đến. Nhưng đối với người Kitô hữu thì
Đấng Cứu Thế đã đến trần gian từ hơn 2,000 năm rồi và Ngài đang hiện
diện giữa chúng ta trong phép Thánh Thể.
Người Kitô hữu biết Chúa sẽ đến trần gian lần thứ hai trong ngày
cánh chung nghĩa là ngày Chúa đến để phán xét? Vậy có phải chúng ta
trông chờ Chúa đến trong ý nghĩa đó? Chắc là chẳng có mấy ai mặn mòi
với việc trông chờ cái ngày mình bị xét xử. Vậy tại sao Gíao hội lại
đưa mùa Vọng vào niên lịch phụng vụ? Hẳn là vì Giáo hội muốn chúng
ta có thời gian suy tư để chuẩn bị đón mừng Chúa trong ngày đại lễ
Gíang sinh.
Chúa thực sự đã đến trong trần gian nhưng phải thực thà mà nói rằng
nhiều lúc ta đã sống như thể không có Chúa hay là cho dù biết rõ có
Chúa nhưng đã lãng quên thậm chí còn khước từ Ngài bằng lối sống chỉ
biết chạy theo tiếng gọi của tiền tài, danh vọng, thú vui trần tục …
bất chấp cả những hành động gian ác. Mùa vọng là thời điểm để người
tín hữu kiểm điểm lại cách sống hầu đem Chúa trở lại trong tâm hồn
của mình.
Mùa Vọng cũng là lúc ta cần lưu tâm đến lời kêu gọi của Thánh Gioan
Tiền hô “Hãy dọn đường cho Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng”.
Trong cuộc sống của mỗi con người có biết bao nhiêu thói hư tật xấu
cần phải dẹp bỏ, có biết bao nhiêu lầm lỡ, sai quấy cấn phải sửa
lại. Dọn dẹp một đoạn đường cho sạch sẽ, sửa chữa cho một con đường
trở nên bằng phẳng, ngay thẳng thì dễ nhưng uốn nắn con tim, đổi mới
tâm hồn thật không dễ dàng chút nào nếu không có một khoảng thời
gian tạm tách rời khỏi cuộc sống bon chen để tâm hồn được lắng đọng
và tự vấn lương tâm để rồi đi đến quyết tâm hoán cải.
Đón Chúa cách có ý nghĩa cũng là nghĩ đến tha nhân, là đem sự yêu
thương và tình bác ái đến với họ. Liệu có đẹp lòng Chúa không khi ta
tham dự tĩnh tâm, xưng tội rước lễ rất sốt sắng trong mùa Vọng nhưng
trong lòng lại chất chứa sự kiêu căng, ganh tỵ, hận thù? Liệu việc
đón Chúa trong mùa Giáng sinh có còn ý nghĩa không khi ta không tiếc
tiền bạc trong việc ăn xài nhưng lại dửng dưng trước cảnh khổ của
người khác, những người cùng khổ mà chỉ cần một phần nhỏ trong số
tiền tiêu xài không thực sự cần thiết của ta cũng đủ làm cho họ ấm
lòng?
Sau hết, dù muốn hay không muốn, mỗi người Kitô hữu cũng phải chấp
nhận có hai cuộc sống. Cuộc sống hiện tại và cuộc sống đời sau. Cuộc
sống hiện tại thì ngắn ngủi và chỉ là tạm bợ so với cái vĩnh cửu của
cuộc sống đời sau. Cuộc sống của con người ở trần gian thật mong
manh như hoa sớm nở tối tàn. Thân phận con người thật là mỏng dòn,
nay còn mai mất. Mùa Vọng nhắc nhở mỗi người Kitô hữu về ngày Chúa
sẽ đến. Mặc dù trong sách Tin Mừng của thánh Gioan đã viết “Thiên
Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian,
nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3:17),
người Kitô hữu cũng phải sống làm sao để khi gặp Chúa sẽ thấy hạnh
phúc chứ không phải run sợ trước mặt Ngài.
Nếu hiểu mùa Vọng là mùa sám hối, là từ gĩa cuộc sống của người con
“hoang đàng” để trở về với Chúa. Nếu hìểu Giáo hội muốn dùng mùa
Vọng để thức tỉnh người tín hữu phải sửa chữa con đường “tâm hồn”
cho ngay thẳng. Nếu mùa Vọng là lúc cần thể hiện tình thương và lòng
bác ái của Kitô giáo thì mùa Vọng không chỉ kéo dài trong 4 tuần lễ
và cũng không kết thúc vào ngày lễ Gíang sinh mà mùa Vọng cần phải
được kéo dài trong suốt cả cuộc đời của mỗi người Kitô hữu.