MÙA PHỤC SINH


Ý Nghĩa Phục Sinh theo Việt Đạo
Nguồn : Giáo Phận Thanh Hóa

Mầu nhiệm Phục Sinh là một tín điều mà Giáo Hội Công Giáo (GHCG) đã xây dựng Thiên Chúa Giáo trên nền tảng đó với Đức Tin từ trên 2000 năm nay. Để từ đó giảng dạy cho tín hữu khắp nơi ý nghĩa Phục Sinh là sự chết và sống lại của Chúa Kitô với mục đích chuộc tội và cứu rỗi nhân loại, dựa trên Phúc Âm và các thư của thánh Phaolô (Actes des Apôtres). Nên nếu ai tin vào việc Chúa Kitô chết và sống lại cho mình thì coi như sẽ được cứu rỗi và sẽ được sống lại với Chúa đời đời, như đã nói lên trong kinh Tin Kính (Credo).

Ở đây, tôi không có ý bàn luận về ý nghĩa Phục Sinh theo thần học dưới cái nhìn của GHCG coi Chúa Kitô là một Ngôi Vị thứ hai tức là (Đức Chúa) Con của (Đức Chúa) Cha xuống thế làm người để chịu khổ hình bị đóng đinh và bị chết trên thập tự, rồi sau ba ngày đã sống lại. Nhưng qua bài viết này tôi chỉ mạo muội góp một vài ý về nghĩa Phục Sinh dưới cái nhìn của Việt Đạo còn gọi là Việt Nho.

Với nền tảng của Việt Đạo theo nhân sinh và vũ trụ quan, con người là Một với Trời Đất Vũ Trụ Vạn Vật hữu hình và vô hình (thiên địa vũ trụ vạn vật nhất thể). Nhất Thể đó còn gọi là Tạo Hoá, là Thượng Đế, là Chúa, là Allah, là Chân Lý, là Ngọc Hoàng Vô Cực Đại Thiên Tôn hay bất cứ danh từ nào mà con người bất cứ ở đâu dùng để ám chỉ và tôn xưng Nhất Thể đó. Vì Nhất Thể là mọi vạn vật, mọi tính chất, mọi màu sắc, mọi trạng thái, mọi hình dáng, mọi mùi vị, mọi phương cách, mọi ngôi vị, mọi chủng tộc, v.v... Nên có thể nói Nhất Thể là cái khối vũ trụ Hữu hình lộ ra trước mắt, mà cũng là cái khối hình con mắt chẳng thấy đâu, nghĩa là Không mà vừa là Có, là Ngôi vị và vừa không Ngôi vị như khi nói hai chữ Thiên Chúa thì Chúa là ngôi Vị và Thiên tức là không còn ngôi Vị. Đó là Nguyên Lý biến dịch và bất dịch của Càn Khôn, là quy luật tất yếu tiến hoá siêu việt tự nhiên mà nhiên mọi người bất cứ màu da chủng tộc nào cũng phải dựa vào (dĩ) tuân theo và đương nhiên là mọi người bất cứ ở đâu trên trái đất cũng đều có thể cảm nghiệm để chứng nghiệm, như ban ngày thì sáng ban đêm thì tối, nên đâu có cần phải tin hay phải chứng minh theo kiểu khoa học!

Chính vì là Nguyên Lý bất di bất dịch nghĩa là đúng tự nhiên ngay từ nguyên thủy thì nhiên đó là quy luật tất yếu của Càn Khôn thì đương nhiên (tất) là Đạo, là Chân Lý, là Thượng Đế, là Chúa Tể Càn Khôn, là Ngọc Hoàng Thượng Đế, là Ông Trời, v.v... chớ còn ai vô đây nữa!? Cho nên mình muốn kêu là Ông Trời hay Bà Trời hay Ông Chúa Bà Chúa thì cũng là Thiên Chúa với Ngôi Vị mà cũng không Ngôi Vị. Vì đó là tính chất của Chân Lý, của Thượng Đế, của Chúa Tể Càn Khôn,... vừa tất biến mà bất biến, vừa không mà có, vừa tròn mà vuông,... hay nói kiểu Việt Nho là "âm trung hữu dương căn, dương trung hữu âm căn". Hay nói tóm tắt như Kinh Dịch là "nhất âm nhất dương chi vị Đạo", với âm là Không và dương là Có hay âm là Vô vi còn dương là Hữu vi, hay âm là đêm và dương là ngày,... hay nói sao cũng được miễn là có cặp "âm dương" và sắp đúng vị trí "âm dương" như em trên anh dưới, vợ trước chồng sau, nhà trước nước sau,... thì mới đúng là Đạo! Vì tính chất của Đạo cũng là "thiên địa vị yên, vạn vật dục yên" nghĩa là Trời Đất có đặt đúng chỗ (thuận thiên) thì mọi vật mới được dưỡng nuôi, thì đó mới là Đạo, là Chân Lý.

Vì vậy quan niệm Thượng Đế hay Thiên Chúa với Việt Đạo hoàn toàn đúng nghĩa với những danh từ tiếng Việt như tiểu hồn, tiểu ngã hay tiểu linh quang là con người tức "nhân", và Đại Hồn, Đại Ngã hay Đại Linh Quang là Cha Trời tức Thiên cũng còn gọi là Tâm là Tính. Cho nên chỉ khi nào con người tiểu hồn trở thành Đại Hồn, Đại Ngã thì mới có Tâm Linh, tức là đã thành Nhân, thành Thánh, thành Thần thì mới là Linh! Vì vậy mà người mình hay nói thuộc lòng hay viết tự động những chữ như "thiên tính", "nhân tính", "đại ngã" hay "tâm linh",... mà không hề nghĩ thấu đó là chiều kích vô biên của nghĩa Đạo, là nghĩa Thượng Đế là Thiên Chúa ! Cho nên mình chỉ có quan niệm giới hạn theo đầu óc hẹp hòi của mình rồi đóng khung Thiên Chúa như "superman" nhập thể qua con người biết rao giảng Tin Mừng, làm nhiều phép lạ, rồi để bị bắt bị xử, bị vác thập tự, bị đóng đinh, bị chết trên thánh giá, để chuộc tội mình, để sau ba ngày sống lại rồi sau đó hiện ra với thánh nữ Madalêna, với các thánh tông đồ, và có lần hiện ra nói với thánh Tôma là: "... phúc cho ai không thấy mà tin" (Jn.20,29), để chứng minh Ngài là Chúa và để bảo mình tin vào Ngài để mai mốt mình chết rồi được sống lại như Chúa để sống với Chúa trên Thiên Đàng.

Hiểu như vậy là tại vì mình chưa có Minh Triết, để đừng nói là bị nhồi sọ, nên mình chưa hiểu nguyên lý Thái Cực phân định ra Lưỡng Nghi, có âm có dương, rồi phân tán ra vạn triệu, rồi vạn triệu quay về có Một, Một này lại sẽ tiếp tục phân chia ra mỗi sự, mỗi vật, một sứ mạng, một ý nghĩa, để tiếp tục liên kết biến hoá rồi tiến hoá quay về có Một, không bao giờ ngừng! Hay nói theo Việt Đạo "nhứt bản tán vạn thù, vạn thù quy nhứt bản", tức Thượng Đế nắm cả guồng máy âm dương của Càn Khôn. Thiên Chúa là âm, là dương, và không âm, không dương cùng một lúc, là ngôi Vị và không ngôi Vị cùng một lúc. Hiểu được như vậy mới gọi là Minh Triết, vì Minh Triết là sự hiểu biết thông suốt thấu triệt, không bị hạn hẹp bởi một điều gì! Như "ba" ngày sau sống lại đó là ý nghĩa "Ba Ngôi", là Thái Cực với Lưỡng Nghi tức "Tam Tài" là nghĩa "Thiên-Nhân-Địa" mà cũng là ý nghĩa Nhân Chủ vì con người đã Tự mình biết (tri) nối lại (hành) được hai cực Âm với Dương, Trời với Đất, Tròn với Vuông, Tiên với Rồng, Thủy với Hoả, Không với Có, Chân với Giả, Sống với Chết, v.v... để Dung, để Hoà, để Thành Nhân.

Cho nên với Minh Triết, cái chết và sự sống lại của Chúa Kitô cũng nói lên ý nghĩa (tôn giáo) con người giống như Chúa tức vừa là người vừa là Chúa, nên từ đó tiếng Việt mới nói con người có Nhân Tính, vì Nhân là người và Tính là Trời, như sách Trung Dung có câu: "Thiên Mệnh chi vị Tính" dịch nghĩa "mệnh Trời là Tính". Hay nói cách khác Nhân Tính tức là Tính Bản Nhiên của Trời nơi con người mà Việt Nho đã định nghĩa con người là "giao chỉ" của đức Trời và Đất: "nhân giả kỳ thiên địa chi đức". Như đã nói Âm Dương bao hàm Trời Đất, thiên hạ, nội ngoại, Không Có, hư Vô diệu Hữu, thiện ác, động tĩnh, v.v... đó là Tính bất di bất dịch của quy luật tất yếu tiến hoá và siêu việt của Càn Khôn, của Thiên Chúa mà con người được tạo thành bởi Thiên Tính đó. Hay còn có thể nói con người với Càn Khôn Vũ Trụ là một cơ thể mà con người chính là trái tim: "nhân giả kỳ vũ trụ chi tâm dã".

"Quả thật đó là một thuyết vũ trụ tạo thành đầy lương tri với tính chất nhân chủ: con người tự "xếp đặt" vũ trụ để dành cho mình một chỗ đứng quan trọng. Xa biết bao với vũ trụ tiền chế ngoài quyền lực con người theo kiểu thần thoại, thiếu sự tham dự của con người (thiên khởi), cũng không còn là một vũ trụ quan suy diễn từ một số yếu tính đời đời bất biến (địa khởi) nhưng là một quan niệm nhân sinh thuận lợi cho cuộc sống của con người trong đó con người giữ vai trò then chốt quen gọi là "vũ trụ chi tâm" (trái tim của vũ trụ). Và đó là điểm then chốt trong Nhân Chủ, và cũng là điểm đã bị quên lãng, nên gọi là vong thân. Khi nói vong thân là nói vong đi, quên mất, đánh mất chiều kích bao la nọ. Nói "vũ trụ chi tâm" thì nghe có vẻ vu khoát. Con người bé nhỏ làm sao dám tự phụ có chiều kích vũ trụ. Đây là điều mới nghe có vẻ nghịch lý, cùng lắm là một lối nói khoa đại của văn chương. Sự thật lại không phải văn chương mà là một sự thực cao cả hơn hết, quan trọng hơn hết mà triết học trung thực có sứ mạng phải làm cho con người nhận thức ra chiều kích vô biên đó cũng như nuôi dưỡng cho chiều kích đó lớn lên mãi, lớn tới cái mức của vũ trụ. Lúc ấy mới là Người lưỡng thê có hai đời sống: một cuộc sống tiểu ngã ai cũng thấy cũng lo, còn một cuộc sống nữa thuộc Đại ngã còn cần phải nuôi dưỡng hơn. Đó mới là việc tối hệ trọng vì khi thành công trong việc lớn này thì việc nuôi dưỡng đời sống tiểu ngã sẽ trở nên dung dị như một hoa trái tất nhiên sẽ nẩy ra từ cái gốc Đại ngã kia." (Nhân Chủ, Kim-Định)

Vì vậy, ý nghĩa Phục Sinh dưới cái nhìn Minh Triết của Việt Đạo nói lên bản chất Thiên tính nơi Nhân tính con người, đó là bản chất Thiên Chúa, bản chất Thượng Đế mà con người phải sống quy về (nội tâm) để trở về với chính mình, để được biết thật chiều kích vô biên của Thượng Đế nơi mình hầu thưởng thức với Thượng Đế Hạnh Phúc vĩnh cửu. Cho nên muốn sống cái Nhân Tính đó thì phải biết Phục Sinh tức là phải biết làm cho tâm mình trống rỗng như Trống Đồng, như cái mộ trống của Chúa (với khăn liệm đã xếp lại) là ý nghĩa "lắng đọng" của tâm hồn không còn vướng víu bất cứ gì, tức là phải thực hiện "tứ vô" như Khổng Tử, nghĩa là:

- Vô ý: không bám vào ý niệm kiểu duy lý hay ý thức hệ.

- Vô tất: không bám vào tất định kiểu tất mệnh hay những điều tất nhiên kiểu bằng chứng khoa học.

- Vô cố: không cố chấp nhưng theo thuyết tuỳ thời.

- Vô ngã: không bám vào tiểu ngã, ích kỷ, hẹp hòi,... nhưng ráng vươn lên Đại Ngã Tâm Linh.

Như vậy mới có thể thông giao hoà hợp để là Một với Chúa, là Thượng Đế, là Đại Ngã Tâm Linh. Đó mới là ý nghĩa thành Nhân, thành Thánh: "thành giả thánh dã". Vì Thánh Nhân chính là người đã hiện thực được đầy đủ Nhân Tính. Mà Nhân Tính đích thực thì cao cả vô cùng, cho nên Việt Nho nói thêm là "chí thành như thần".

Tóm lại, cái chết và sự sống lại của Chúa chính là ý nghĩa tiến hoá siêu việt giữa hai trạng thái Hữu vi và Vô vi theo Chân Lý Hằng Hữu là Nhất Thể, là MỘT quy luật bất di bất dịch của Càn Khôn. Nên cái chết và sự sống lại của Chúa cũng là ý nghĩa cho cái chết và sự sống lại của con người, là ý nghĩa tiếp tục tiến hoá để trở về với chính mình, tức là trở về với bản Tính Thiên Chúa nơi mình, để sống làm Một với Chúa và như Chúa là Thượng Đế, là Chân Lý. Vì "Chơn Lý là cái khối tròn vô biên, đời đời xoay quanh Nó, luôn luôn tự nhìn Nó, tự sống với Nó, tự học hỏi Nó, tự lo tìm thấy biết Nó đời đời, để đời đời không bao giờ Nó tự đánh mất Nó" (KTC). Đó là ý nghĩa Phục Sinh dưới cái nhìn Việt Đạo.