MÙA PHỤC SINH


Phục Sinh, Mầu Nhiệm "Vượt Qua"
Élizaldé Thành SJ

Lời mở đầu.
Làm môn đệ của Đức Ki-tô có lúc chúng ta khô khan, bồn chồn, tức giận, nản lòng, kiệt sức, không biết mình nên tiếp tục dấn thân hay rút lui. Trên đường tu hay hôn nhân, tự nhiên muốn bỏ mọi sự, ‘treo áo’, đổ vỡ, đi luôn! Nguy hiểm nhất là khi mình có lý, thấy rõ ràng, chịu không nổi nữa. Vậy mà, nếu đang bối rối và chịu không nổi nữa, thì chắc chắn đang mù
loà, thiếu sáng suốt. Quyết định bây giờ chẳng có ích lợi cho ai. Hậu quả đáng tiếc đầu tiên là mất những năm trời đầy nghị lực và hứa hẹn. Nhưng, làm sao có thể tìm lại bình an, ánh sáng và sức lực? Theo Thánh Theresa Avila, đường tắt tìm lại bình an và hướng đi cho cuộc sống là mở lòng cho ‘ước muốn làm vinh danh Thiên Chúa’ và cho ‘mầu nhiệm Phục Sinh’.

1.- Mầu nhiệm Vượt Qua và Phục Sinh là gì?
Nguồn lịch sử và ý nghĩa mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô nằm ở trong Cựu Ước. Đối với dân Do-thái biến cố then chốt trong niềm tin và đạo mình là Thiên Chúa giải phóng dân Israel ra khỏi Ai Cập. Đối với dân Do-thái cuộc giải phóng này là một cuộc “vượt qua” – Pesak – Pasqua – từ đất nô lệ, vượt Biển Đỏ, sang sa mạc, đi tới Đất Hứa. Trên đường ‘sang qua’, Thiên Chúa đã từng xác định khế ước đầu tiên Ngài ký kết với các tổ phụ Abraham, Isaac và Gia-cób.

Phục Sinh và mầu nhiệm Vượt Qua là trung tâm điểm của cuộc sống Ki-tô hữu và là nền tảng của Năm Phụng Vụ. Cuộc sống của người Ki-tô hữu là tham gia vào mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô. Kể từ lúc chịu phép Rửa Tội, người Ki-tô hữu đang chết với Ngài cho tất cả những gì tách ta xa Thiên Chúa, và sống lại với Đức Ki-tô Phục Sinh. Phục Sinh và phép Thánh Thể là tâm điểm cuộc sống Giáo Hội bởi vì trong Thánh Lễ chúng ta cử hành và thể hiện mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô.

Là “mầu nhiệm” bởi vì ý nghĩa sâu xa của Đức Ki-tô đã chết trên thập giá và sống lại vinh quang, từ từ mới sáng tỏ được. Mãi mãi chúng ta tìm hiểu mầu nhiệm Thiên Chúa đã cứu độ nhân loại trong Con của Ngài nhập thể, mặc lấy bản tính ta, sống trong lịch sử và nộp mình trên thập giá. Trong lịch sử Dân Chúa đã có những bước, những giai đoạn mở đường cho mầu nhiệm Phục Sinh của Đức Ki-tô:

  • Bữa tiệc cuối cùng của dân Do-thái trước khi thoát đất nô lệ Ai cập và vượt qua Biển Đỏ,

  • Lễ Vượt qua dân Do thái hằng năm cử hành để nhắc nhớ hai biến cố đó,

  • Đức Ki-tô ăn Bữa Tiệc ly theo nghi thức Bữa Tiệc Vượt Qua và chịu nạn chịu chết ngay lúc các tư tế trong đền thờ đang dâng các con chiên.

Những cuộc hẹn và Nghi thức chính trong mầu nhiệm Vượt Qua là:

  • Thứ Năm Tuần Thánh, khi Đức Ki-tô thành lập phép Thánh Thể, rửa chân cho các môn đệ  và chuyển đến họ chức linh mục. Ngày xưa là lúc các tội nhân được hòa giải. Đáng chú ý trong Bữa Tiệc Ly là sự hiện diện của Giu-đa là kẻ phản bội, và cuộc hẹn trong vườn cây dầu nơi Đức Giê-su sẽ cầu nguyện chiến đấu với chính mình để vâng phục Chúa Cha. Sau Thánh Lễ chúng ta được mời ở với Thầy, chiêm niệm chầu Mình Thánh Chúa.

  • Thứ Sáu Tuần Thánh, không có Thánh Lễ, mà có Nghi Thức Nghe Lời Chúa, kính thờ Thánh Giá và Rước Mình Thánh Chúa để đào sâu và nhìn ngắm mầu nhiệm Vược Qua, khi Đức Ki-tô, con chiên Thiên Chúa nộp mình và chết để giao hòa nhân loại với Thiên Chúa; đổ máu để ký kết khế ước mới và vĩnh cửu. Đây là hành động của Đức Ki-tô, Đấng Cứu Thế, mà Giáo Hội lập lại trong mỗi Thánh Lễ.

  • Đêm Vọng Phục Sinh. Đức Ki-tô là ánh sáng nhân loại, chính Ngài vượt qua đất nô lệ khi chịu nạn chịu chết và từ cõi chết sống lại vinh quang. Ánh sáng của đêm Vọng Phục Sinh soi sáng ý nghĩa của Đức Ki-tô chịu chết và của bữa Tiệc Ly. Các dự tòng được Rửa Tội, dìm chết với Đức Ki-tô và sống lại trong Ngài.

  • Bảy Chúa Nhật mùa Phục Sinh đến Lễ Thánh Thần Hiện Xuống. Giáo Hội mừng Đức Ki-tô chiến thắng trên tội lỗi và sự chết để ban sự sống mới và Thần Khí cho các môn đệ để thành lập Hội Thánh.

Như vậy mầu nhiệm Vượt Qua là một người, là Con Chiên Thiên Chúa, là Đức Ki-tô. Chính Đức Ki-tô, một người bằng xương bằng thịt, đã chiến thắng sự chết. Mỗi lần Đức Giê-su báo cho các môn đệ biết Thầy phải chết, các môn đệ lấy làm bối rối. Đức Ki-tô chịu chết là thử thách lớn nhất cho niềm tin các môn đệ, bởi vì nếu Thầy chí ái nộp mình và bị giết chết, ắt là Ngài không phải là Đấng Cứu rỗi! Phê-rô nghĩ như vậy, hai môn đệ Emmau cũng thất vọng như thế!

Nhưng đó chỉ là tư tưởng của loài người. Theo tư tưởng của Thiên Chúa, Thầy sẽ chiến thắng sự chết bằng cách nộp mình chịu nạn và chịu chết. Cộng đoàn tín hữu đã hiểu ý nghĩa sâu xa của ngôn sứ Isaia nói về Tôi Trung của Chúa (Is 50,4-9, 52,13…). Vị Tôi Trung mặc lấy tội ác của cộng đoàn và đền tội để cứu chuộc chúng ta. Ngài chết vì tội ác chúng ta và Ngài đã chiến thắng. Các môn đệ, nhờ ánh sáng của Thần Khí làm chứng như vậy: “Thưa anh em, tôi xin nhắc lại cho anh em Tin Mừng tôi đã loan báo và anh em đã lãnh nhận cùng đang nắm vững. Nhờ Tin Mừng đó, anh em được cứu thoát, nếu anh em giữ đúng như tôi đã loan báo, bằng không thì anh em có tin cũng vô ích. Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là: Đức Ki-tô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh”. (1 Cor 15, 1-4)

2.- Khế Ước mới và vĩnh cửu.
Đức Ki-tô đổ máu để ký kết khế ước mới và vĩnh cửu. Đức Kitô là tư tế mới và vĩnh viễn từ lúc nhập thể cho đến lúc chịu chết và được vinh quang phục sinh. Ngài là vị trung gian giữa người và Thiên Chúa, bởi vì Ngài đồng bản tính với nhân loại và đồng bản tính với Thiên Chúa. Đức Kitô đã tận hiến mình cho Chúa Cha trong cuộc sống thường ngày, nhưng chính lúc Ngài chết trên thập giá là lúc Ngài hoàn toàn dâng hiến mình cho Chúa Cha. Sự hy sinh trên thập giá là hành động thể hiện rõ nhất lòng vâng phục của con người cho Chúa Cha. Khi nhận lãnh sự chết Đức Giêsu đã bày tỏ sự tận hiến hoàn toàn cho Chúa Cha với lòng hiếu thảo của một người con. Đức Giêsu biết, tin tưởng và thán phục Chúa Cha. Ngài biết đức khôn ngoan và tình thương của Chúa Cha vượt xa những gì con người có thể hiểu được.

Nhờ lòng hiếu thảo và tin tưởng vô điều kiện, Đức Giêsu hoàn toàn tự do khi vâng phục Chúa Cha. Sự tận hiến của Đức Kitô trên thập giá là bằng chứng tình yêu và lòng vâng phục đối với Chúa Cha, là hành động cao quý nhất của quyền tự do nhân loại, là khuôn mẫu cho những đáp trả của con người đối với Thiên Chúa, và là sự chấp nhận tuyệt đối Thiên Chúa là Thiên Chúa. Khi con người vâng phục Thiên Chúa với lòng hiếu thảo của một người con, như Đức Giêsu đã làm khi chết trên thập giá, thì Thiên Chúa được sùng kính vinh quang đáng được có mà tổ tiên đã từ chối khi bất phục tùng.

Khi nộp Người Con duy nhất trong tay kẻ tội lỗi, Chúa Cha cũng đau khổ như các cha mẹ khi nhìn thấy con mình đau khổ. Chính vì lý do đó Chúa Cha bày tỏ tình thương vô bờ bến dành cho mỗi người chúng ta. Cảm động vì lòng hiếu thảo và vâng phục của Đức Giêsu, Chúa Cha ban vinh hiển cho Ngài. Và đây chính là vinh quang mà Đức Giêsu, tư tế của nhân loại, muốn chia sẻ với loài người. Khi sống lại, Đức Giêsu nâng chúng ta lên chia sẻ vinh quang Thiên Chúa. Đức Giêsu Phục Sinh sai Thần Khí của Ngài đến với loài người, và chính Thần Khí này gợi lên nơi con người lòng hiếu thảo và vâng phục của người con. Ngày tận thế Ngài sẽ ban cho chúng ta vinh quang của Ngài: “Con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một: Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con. Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con (Ga 17, 22-24).

Chính lúc có vẻ thất bại, Đức Ki-tô lại chiến thắng, không chỉ cho Ngài – đã sống lại - mà cho cả nhân loại. Nhân loại được cứu chuộc khỏi sự chết, như Dân Do thái được cứu chuộc khỏi Ai cập. “Cha dùng cây thập giá để ban ơn cứu độ cho loài người. Thật vậy, xưa vì cây trái cấm loài người chúng con phải tử vong, nay nhờ cây thập giá lại được sống muôn đời; và ma quỷ xưa chiến thắng nhờ cây trái cấm nay thảm bại vì cây thập giá của Đức Ki-tô, Chúa chúng con.” (Lời tiền tụng Suy Tôn Thánh Giá)

  • Thế gian bị kết án. Thầy chiến thắng thế gian. Thế gian không chấp nhận Ngài, đã ghét Ngài và thử tiêu diệt Ngài, nay chịu thua trước Đức Giê-su. Đức Giê-su hưởng vinh quang của Chúa Cha, chỉ vết thương tay chân và chứng minh cho bất cứ ai muốn thấy lẽ phải. Ai nhìn ngắm Đức Giê-su sẽ thấy rằng thế gian sai lầm lúc kết án Ngài. Thực sự Ngài là Đấng công chính và thế gian là kẻ bị kết án: “Khi Người (Thần Khí) đến, Người sẽ chứng minh rằng thế gian sai lầm về tội lỗi, về sự công chính và việc xét xử: về tội lỗi: vì chúng không tin vào Thầy; về sự công chính: vì Thầy đến cùng Chúa Cha, và anh em không còn thấy Thầy nữa; về việc xét xử: vì Thủ lãnh thế gian này đã bị xét xử rồi”. (Ga 16, 8-11)

Vì Ngài là Con Chiên Thiên Chúa; con chiên của lễ vượt qua mới. Máu Ngài khai mạc một giai đoạn mới, một khế ước mới giữa Thiên Chúa và loài người. Mãi mãi nhân loại được hòa giải với Thiên Chúa.

Câu hỏi gợi ý cầu nguyện:

1  Đức Ki-tô ký kết với máu mình trên thập giá khế ước mới và vĩnh cửu, còn tôi, lúc nào tôi đã ký kết khế ước đó?

2  Khế ước mới và vĩnh cửu này có nghĩa gì đối với tôi?

3.  Lúc nào tôi nên ký kết lại khế ước này với Thiên Chúa?

3.- Thần Khí và Phục Sinh.
Tất cả những hồng ân của mầu nhiệm Vượt qua được thể hiện trong Thần Khí. Thần Khí là bạn chí thân và trung thành của Đức Ki-tô và của nhân loại. Trong kiếp làm người của Ngôi Lời Thiên Chúa, niềm vui của lòng hăng hái, sức can đảm của lòng vâng phục Cha, niềm tin tưởng nơi Cha nhân từ và khôn ngoan, tất cả những hồng ân đó bắt nguồn từ Thần Khí. Được quyền năng Thần Khí thúc đẩy, Đức Giê-su vượt qua mọi thử thách. Thần Khí soi sáng Ngài khi lên Giê-ru-sa-
lem, nộp mình trong tay quyền tối tăm; Thần Khí mang bình an cho tâm hồn bối rối, sợ sệt của Ngài trong đêm vọng chịu nạn chịu chết; Thần Khí trung thành ban sức chịu đựng mọi gian nan thể xác lẫn tâm hồn, gợi lên tâm tình thương xót và tha thứ những kẻ hà hiếp mình; Thần khí nối kết hai Cha Con trong một tình yêu chung thủy đến hơi thở cuối cùng. Trái tim của Đức Ki-tô đốt cháy bởi lửa tình yêu của Thần khí suốt đời, nhưng một cách đặc biệt lúc tự dâng mình như con chiên vẹn sạch trên bàn thờ thập giá.

Như Linh Mục cầu nguyện trước khi Rước Mình Máu Thánh Chúa: “Lạy Chúa Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống, bởi thánh ý Chúa Cha và nhờ sự hợp tác của Chúa Thánh Thần, Chúa đã chết để ban cho thế gian được sống, xin dùng Mình và Máu Thánh Chúa đây cứu con khỏi mọi tội lỗi và mọi sự dữ; xin cho con hằng tuân giữ giới răn Chúa, và đừng để con lìa xa Chúa bao giờ”.

Câu hỏi gợi ý cầu nguyện:

Trong Lễ Phục Sinh tôi xin Thần Khí ban cho tôi những ơn đặc biệt nào?

4.- Đức Mẹ Maria hiện diện trong mầu nhiệm Vượt Qua.
Ngay từ bước đầu của đời sống Đức Giê-su, cụ Si-mê-ôn đã tiên báo cho mẹ Ngài “một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà”(Lc 2,35). Lời tiên tri đó được thể hiện một cách đau đớn cực độ khi Đức Mẹ đứng bên thập giá. Đức Mẹ tích cực tham gia vào kế hoạch Thiên Chúa khi nhận môn đệ, mỗi môn đệ hiện tại và tương lai, như con của bà. “Đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Ma-ri-a Mác-đa-la. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng: "Thưa Bà, đây là con của Bà." Rồi Người nói với môn đệ: "Đây là mẹ của anh." Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình”. (Ga 19, 25-27) Nhờ lời của Đức Giê-su, môn đệ nào cũng phấn khởi mở lòng và dành một chỗ tốt trong đời sống mình cho Đức Mẹ.

Theo quan niệm loài người Maria là một người mẹ đáng thương hại của một người vô phúc bị tử hình. Nhưng đối với Đức Giê-su, Maria là người mẹ của một gia đình mới; môn đệ yêu thương của Thầy hôm nay cũng như mai này trở thành con của Bà. “Vì khi Đức Trinh Nữ đón nhận lời Cha vào tâm hồn trong trắng, Người đã được phúc cưu mang Ngôi Lời nhập thể trong thân xác khiết trinh. Và khi sinh ra Đấng sáng lập Hội Thánh, Người đã dọn đường cho Hội Thánh khởi đầu. Rồi khi đứng dưới chân thập giá đón nhận lời trăng trối của Con mình, Người đã nhận mọi người làm con cái vì họ được tái sinh làm nghĩa tử của Cha, nhờ Đức Ki-tô đã chết và sống lại.” (Lời tiền tụng Đức Maria hình ảnh và Mẹ hiền của Hội Thánh)

Như vậy trong ngày cực thánh này, môn đệ nhận lãnh thêm một ân huệ quý báu: Môn đệ đã được rửa chân, được Mình Máu Thánh Chúa, chịu chức Linh Mục, lãnh nhận Thần Khí và bây giờ lại lãnh nhận một người Mẹ. Tất cả để Đức Ki-tô ngày càng lớn lên trong tâm hồn của người môn đệ.

Câu hỏi gợi ý cầu nguyện:

1.     Đối với môn đệ Chúa yêu, “rước Đức Bà về nhà mình” có những ý nghĩa nào?

2.     Đối với tôi, khi “rước Đức  Bà về nhà”, thì cuộc sống thay đổi như thế nào?


Lạy Chúa, qua mầu nhiệm thập giá mà bao người vấp phải, Chúa bày tỏ trí khôn ngoan vô lượng cách kỳ diệu lạ lùng, xin dạy chúng con, khi ngắm nhìn Con Chúa chịu khổ nạn, biết nhận ra vinh quang của Người mà luôn tin tưởng tự hào về thập giá. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.