MÙA PHỤC SINH


Chúa Kitô tử nạn và phục sinh
Giuse Trần Công Hường
Chủng Sinh ĐCV Vinh Thanh Khóa 12

Trong cuộc sống hằng ngày, mỗi khi kiếm được của gì ăn, ta muốn có người khác cùng ăn. Biết được một điều gì hay, ta muốn có người khác cùng biết. Găp được người tốt, ta muốn nhiều người khác cũng được gặp. Tông Đồ Anrê ngày xưa khi gặp được Chúa, thì đã về nói với em là Simon cùng đi gặp. Cũng vậy, Philipphê khi đã được Chúa gọi, thì giới thiệu Chúa cho Natanael. Hôm nay tại sao chúng ta không bắt chước và làm như thế để loan báo cho mọi người biết về mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Chúa Kitô như lời Ngài đã phán xưa: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ”?

Chúa Giêsu Kitô là mặc khải vẹn toàn của Thiên Chúa Cha và tình yêu của Ngài mà đỉnh cao của mạc khải đó chính là cuộc tử nạn trên đồi Gol-go-tha và hoàn tất nơi biến cố Phục Sinh và Thăng Thiên của Ngài.

Sách giáo lý đã cho chúng ta hiểu điều này: “Thiên Chúa nhân lành và khôn ngoan đã muốn mạc khải mầu nhiệm thánh ý Ngài. Nhờ đó, loài người có thể đến cùng Chúa Cha, nhờ Chúa Giêsu Kitô – Ngôi Lời Nhập Thể, trong Chúa Thánh Thần và được thông phần bản tính Thiên Chúa” (trích GLCG – Mk2).

Ngay từ khởi thủy, khi tạo dựng nên con người, Thiên Chúa đã muốn ban hạnh phúc và cho con người chung hưởng sự sống của Ngài. Thế nhưng, nhân loại vì tính kiêu ngạo, vị kỷ mà bất chấp tất cả, muốn vượt ra khỏi sự vâng phục Thiên Chúa và vì thế mà đánh mất sự sống Chúa nơi bản thân mình.

Tuy nhiên, bởi một tình yêu vô cùng của Thiên Chúa phát xuất từ bản tính của Ngài, mà con người đã được hưởng lời hứa cứu độ. Lời hứa đó đã được thực hiện cách trọn hảo nơi Con Một Duy Nhất của Thiên Chúa là Đức Giêsu – Ngôi Lời Nhập Thể. Chính nhờ cái chết trên thập tự – hành động yêu thương trọn vẹn nhất, hoàn hảo nhất, được hoàn tất nơi mầu nhiệm Phục sinh và lên trời mà Chúa Cha ưng thuận lễ tế.

Trước hết, ta hãy nhìn về cái chết của Đức Giêsu trên thập giá: cả bốn Phúc Âm đều tường thuật cho ta toàn bộ cuộc đời Đức Giêsu là một cuộc mạc khải về mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa. Sống ba mươi năm ở Nagiaret; ba năm rao giảng công khai. Trong ba năm rao giảng đã chọn các môn đệ và cuối đời lại bị chính Giuđa, môn đệ Ngài phản bội mà nộp cho biệt phái và Xa-đốc; tòa án Do Thái và Rôma mà đại diện là Philatô đã kết án tử Ngài. Ngài bị treo trên thập giá cho đến hơi thở cuối cùng.

Đối với người vô tín ngưỡng, họ cho đây là vụ án của một người tội lỗi. Còn với người kitô hữu thì đây là đỉnh cao của cuộc khổ nạn thập giá, kết thúc mầu nhiệm nhập thể. Hành động này của Chúa nhằm tái lập giao ước giữa Thiên Chúa và loài người.

Nhìn về phía Chúa Kitô: Lễ tế là một sự hiến dâng bên trong, biểu hiện bằng lễ vật bên ngoài, để nhận quyền năng của Đấng tạo hóa, tạ ơn Thiên Chúa, đồng thời xin các ơn và đền tội cho ta. Chúng ta thấy: Chỉ cần một việc làm, một kinh nguyện, một giọt nước của Con Thiên Chúa cũng đã đủ, thế nhưng tại sao Thiên Chúa lại làm như vậy? Có lẽ là lễ tế cần có sự đau khổ để thể hiện tình yêu và sự hiến mình chăng? Vì ta thấy, trước Chúa Giêsu chỉ có lễ tế không hoàn hảo, bằng súc vật mà thôi. Còn Chúa Kitô tự hiến là lễ tế hoàn hảo nhất, Đấng tế lễ và của lễ là Con Thiên Chúa. Điều này quả là đẹp lòng Thiên Chúa Cha, và như thế thì mới cân xứng với việc đền tội thay cho nhân loại. Việc đền tội này vừa có hiệu quả uyên thâm vừa có tính bao quát vạn năng.

Chúng ta hãy nhìn lễ tế Chúa Kitô trên thập giá, quả thực đây là một hành động hoàn toàn tự do mà chính Đức Giêsu đón nhận. Ngài đã nói: “Không ai cất sự sống của Ta, Ta tự hiến…”. Ngài là Đấng chăn chiên lành, mà nhân loại là chiên. Ngài phán: “Ta đến để chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10, 10). Và sự sống dồi dào mà Ngài để lại cho đoàn chiên đó chính là sự sống mà Ngài phải đổi lấy bằng giá máu trên thập tự. Trên Thánh giá, Ngài đã xin phó linh hồn Ngài vào tay Thiên Chúa Cha. Đối với Chúa Kitô cũng như với Chúa Cha, đây là hành động yêu thương: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hiến mạng sống mình vì người mình yêu” (Ga 15,13).

Cái chết thập tự của Chúa Giêsu nhìn về phía Chúa Cha, ta biết chắc rằng Thiên Chúa không muốn tội nhân phải chết. Chúa Cha không nhìn ở mức độ đau khổ nhưng nhìn ở cường độ tình yêu của Chúa Kitô. Đức Kitô chính là Adam mới trả lại sự sống cũ đã đánh mất (Rm 5,19). Nhờ vào thái độ tâm hồn vâng phục yêu thương đến nhân loại, vâng phục thánh ý Chúa Cha đến cùng, mặc dù đứng trước cuộc khổ nạn, Đức Giêsu cũng là một con người nữa, nên Ngài cũng lo sợ, buồn sầu. Dẫn chứng rõ nhất là biến cố vườn Cây Dầu, nhưng Ngài đã thưa cùng Chúa Cha: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin hãy cất chén này khỏi con” (Mt 26,39) và Ngài nói “đừng theo ý Con, một theo ý Cha mà thôi” (Mt 26,42). Rõ ràng, sự vâng phục cách trọn hảo này đã trở thành của lễ đẹp lòng Thiên Chúa Cha.

Con nhìn về phía nhân loại: cái chết Chúa Kitô cũng là do con người gây ra, trong số đó có những tên tuổi như: Biệt phái, Giuđa, Philatô, Annat và Cai Pha, Quân lính, Các thầy cả Thượng Phẩm… Nhưng nếu xét như thế thì làm sao để hòa giải giữa hai việc: Chúa Giêsu muốn chết và loài người đã đóng đinh Chúa? Ta khẳng định chắc chắn một điều là Chúa Giêsu muốn chết cách tự do, vì Ngài đã chịu vâng phục Thánh ý Chúa Cha, mà Ngài cũng có thể chối, nếu Ngài không muốn chịu bởi Ngài đâu có tội lỗi gì mà phải chết. Còn những người đóng đinh Chúa cố ý hành động, điều này đã được các Tin Mừng ghi lại. (Giuđa bán thầy mình 30 đồng bạc…; dân chúng Do Thái đã la lên đòi kết án tử hình Chúa…; để một người chết thay cho muôn người thì có lợi ích hơn…).

Như vậy, đây không phải là một vụ án bình thường trả lời công lý làm gương cho kẻ khác. Vụ án Đức Kitô không có vấn đề công lý nhân loại. Con Thiên Chúa vô tội, chỉ vì câu nói: “Nó tự xưng mình là Con Thiên Chúa, là vua”. Nhưng ta thấy Ngài nói thật, bởi Ngài đích thực là Con Thiên Chúa. Ít nhất Tin Mừng đã ghi lại hai lần Chúa Cha nói: “Này là con yêu dấu của Ta…” (Mt 17,5; Mc 9,7; Lc 9,35), đó là lúc Chúa chịu phép rửa và lúc biến hình trên núi Tabor.

Vậy cái chết của Chúa Kitô mang lại hiệu quả gì cho Ngài và cho nhân loại? Đối với Ngài thì Ngài là một vị Thiên Chúa, Ngài đâu cần mong đợi ích lợi gì nơi cái chết đó. Nhưng Ngài muốn làm trọn thánh ý Chúa Cha. Mục đích lớn nhất là Ngài muốn chết để xóa bỏ tội lỗi nhân loại, trả lại sự sống mới trong ân sủng Chúa cho nhân loại đã bị nguyên tổ đánh mất, cho ta lại được làm con của Chúa. Và cái chết đó là để diễn tả lại tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại. Hơn nữa, Ngài muốn thực hiện lời Ngài đã hứa cùng nhân loại, dù cho nhân loại vô tình bạc bội và bỏ quên lời giao ước. “Dù trời đất này có qua đi, song tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại vẫn không bao giờ thay đổi”. Vì bản chất Thiên Chúa là tình yêu, mà bản chất đó hằng tồn tại nơi Ngài, như chính Ngài vậy. Vì thế, thánh Gioan đã định nghĩa “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,8; 4,16) và “Tình yêu của Ngài là nguồn mạch cuộc sống của con người”. Đó là điều cốt tủy của Đức Tin mà mỗi người Công giáo đã được nghe và đã tin ngay từ khi còn non dại. Tuy nhiên, ai đã hiểu thấu được sự cao cả của tình yêu Thiên Chúa? Đức Thánh Cha Bê-nê-đic-tô có lần đã nói “tất cả cuộc đời kitô là một cuộc hành trình vĩ đại tiến về nhà Cha để mỗi ngày khám phá thêm tình yêu vô điều kiện của Ngài đối với mỗi con người thụ tạo, nhất là đối với đứa ‘con hoang đàng’. Nhân loại chỉ là những đứa con hoang đàng, tội lỗi mà Thiên Chúa luôn hoài khát mong nó trở về”.

Xét về mức độ ơn cứu chuộc, ta thấy Thiên Chúa muốn cho hết mọi người, không loại trừ bất cứ ai, đều được hưởng trọn ơn cứu chuộc. Khi Ngài lệnh cho các môn đệ đi khắp thế gian giảng đạo: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi loài thọ tạo,… làm phép rửa cho họ…” (Mt 28,19; Mc 16,15). Tuy nhiên không phải tất cả đều được cứu độ, bởi vì con người có tự do chọn lựa cho mình chấp nhận để Chúa cứu hay không và Thiên Chúa rất tôn trọng tự do của con người. Điều đó muốn nói, ta phải tự thụ hưởng ơn cứu độ, nghĩa là phải tìm đến những phương thế hữu hiệu nhất như Phép Rửa tội là điều kiện đầu tiên để gia nhập vào Dân Thánh Chúa, đồng thời nhờ đời sống ân sủng Chúa ban mà tự chinh phục lấy ơn cứu độ.

Trong việc loan báo mầu nhiệm cứu chuộc của Chúa, ta hãy nhìn lại cái chết và sống lại của Chúa Kitô. Ngài đã chết thật hay chưa? Ngài đã phục sinh hay chỉ là một sự lừa đảo? Điều này ta thấy, Đức Giêsu thực sự đã bị giết chết: Thánh Gioan: “Lính đến đánh dập ống chân người thứ nhất và người thứ hai, thấy Người đã chết nên chúng không còn đánh dập ống chân Người nữa…” (Ga 19,32); Trong thư Do Thái: “Ông Giuse Arimathi đến gặp Philatô để xin xác Chúa…”; Philatô ngạc nhiên… (Mc 15, 43-46); Quân thù địch rất ghét Ngài, chúng sẽ không bỏ đi nếu chưa nhìn thấy Chúa chết thật; Nếu Chúa chưa chết, môn đệ yêu mến Chúa sẽ không chôn cất xác Ngài;… Theo Tin Mừng kể lại, ta khẳng định nếu như Chúa chưa chết, mà lượm xác đến 100 kg thuốc thơm thì  cũng đủ làm cho Ngài chết thật. Bốn Phúc Âm đều quả quyết Đức Kitô đã chịu mai táng, tư tế và biệt phái đặt lính canh mộ của Ngài;… Như vậy, việc Chúa chết là điều chắc chắn.

Thế nhưng, nếu Chúa Kitô chết là hết, thì quả là một thất bại, nói như thánh Phaolô, “Mà nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy, thì lòng tin của anh em thật hão huyền… Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Kitô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người” (1 Cr 15,17.19) Nhưng Ngài đã sống lại, chiến thắng sự chết. Bằng chứng là Ngài đã hiện ra cùng với các môn đệ Ngài cùng nhiều người khác nữa trong 40 ngày… và không chỉ dừng ở đó, mà Ngài đã lên trời, kết thúc cuộc cứu rỗi. Ngài đi vào sự sống nhờ vào giá máu, đạt đến sự sống. Nếu là người không có niềm tin thì cho điều đó là không thể. Nhưng với người kitô hữu, quan sát cẩn thận và cho rằng Chúa đã phục sinh và Ngài đã về với Chúa Cha. Các bà, Phêrô thấy ngôi mộ trống; Sứ thần loan tin: “Sao lại tìm người sống nơi kẻ chết…”. Không chỉ có thế, mà lật lại những trang Kinh Thánh ta thấy, Đức Giêsu nhiều lần báo trước về cuộc phục sinh của Ngài: sau lần Ngài đuổi dân buôn bán ra khỏi đền thờ: “hãy phá bỏ đền thờ này, nội trong ba ngày Ta sẽ xây dựng lại” (Ga 2,19); điềm lạ Giona; sau biến cố biến hình trên núi xuống, Chúa bảo các ông: “Đừng nói cho ai biết việc này, cho đến khi con Người từ cõi chết chỗi dậy” (Mc 9,9); báo tin tử nạn: “Này chúng ta lên Giêruzalem” (Lc 18,31); tại bữa tiệc ly: “Tất cả anh em sẽ vấp ngã vì Thầy, nhưng sau khi Thầy sống lại, Thầy sẽ đến Galilêa trước anh em” (Mt 26,32); hay lời sứ thần nói: “Người đã sống lại như lời Người đã hứa” (Mt 29, 6)… và sự kiện Ngôi Mộ Trống? “Ai đã trộm xác Chúa”? Phải chăng là các thù địch Ngài? Không thể, vì chúng đã đóng đinh và còn cho người canh gác…; tại sao lính canh mà có thể ngủ, hoặc ngủ mà thấy được các môn đệ trộm xác? Môn đệ lấy xác rồi phao tin? Cũng không thể, vì người Do Thái đã đóng ấn và niêm phong mồ, hơn nữa các ông lúc này đang còn lo sợ đến sự liên lụy, trốn cả…

Trong bài diễn thuyết của Phêrô: “Tất cả chúng tôi làm chứng..”; sau vụ chữa người què, Phêrô nói: “Đức Giêsu mà các ngài đã giết chết, nay Thiên Chúa đã cho Ngài sống lại, mà chính chúng tôi là nhân chứng cho điều này… (Cv 3,4); sau khi các tông đồ bị bắt, Phêrô và các tông đồ đứng trước công nghị và trả lời: “(Cv 5, 29); chúng tôi là những người đã cùng ăn cùng uống với Ngài sau khi Ngài từ cõi chết chỗi dậy”. (Cv 10, 39).

Chính Chúa sau khi phục sinh đã đến gặp các môn đệ, và Ngài bảo: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã nói với anh em là tất cả những gì sách luật Môsê, các sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm” (Lc 24, 44). Về việc Ngài lên trời, sách Tin Mừng Mác-cô ghi lại: “Nói xong, Chúa Giêsu được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi…” (Mc 16, 19 -20).

Như chúng ta biết, Thiên Chúa Đấng sáng tạo và bảo tồn mọi sự nhờ Ngôi Lời, không ngừng làm chứng về mình trước mặt loài người. Qua biến cố tử nạn và Phục Sinh của Chúa, ta thấy được giá trị đích thực của tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại. Một tình yêu nhưng không, tình yêu không biên giới, vượt qua mọi không gian và thời gian. Tình yêu nối trời với đất, tình yêu giao hòa ta với Thiên Chúa. Chính trên thập giá, Chúa Giêsu đã đóng đinh tội nhân loại cùng một thể và để cho tội nhân loại cũng chết đi. Ngài không chỉ muốn đóng đinh bản chất tội nhân loại, mà còn cả những chứng hư tật xấu, thói tham lam, bất chính, tính ghen tuông ích kỷ… của nhân loại vào thập giá Ngài. Rồi khi phục sinh, Ngài đã đánh bại sự chết, để phục hồi sự sống đưa về tình trạng ân sủng cho chúng ta. Qua sứ điệp cứu độ này, Thiên Chúa muốn chúng ta, phải loan truyền cho nhân loại biết về mầu nhiệm tình yêu cứu độ của Ngài, hầu cho hết mọi người được hưởng trọn tình yêu ấy.

Bổn phận, sứ vụ được giao khởi đi từ các tông đồ, qua muôn thế hệ và cho đến tận thế. Bởi Thiên Chúa không chỉ cứu độ một lần là đủ, mà tình yêu đó, trải dài đến tận thế. Cũng như cuộc khổ nạn của Ngài sẽ vẫn mãi còn đó cho nhân loại. Tội lỗi nhân loại vẫn luôn là nguyên nhân để đóng đinh Chúa lần thứ n… Chúa vẫn còn đau khổ, vẫn còn chịu nhục nhã và trái tim nhân hậu ấy vẫn không ngừng rỉ máu vì nhân loại tội lỗi. Có mấy ai mà không khỏi đau lòng, bàng hoàng khi đứng trước những cực hình Chúa phải chịu trong thời đại này. Chúa đã Phục Sinh nhưng nhân loại vẫn không chịu tha, cứ liên lỷ đóng đinh Chúa. Mà chính lại là những môn đệ, những người được tuyển chọn. Báo đài, truyền thanh, truyền hình, internet… đã nhiều lần không ngừng nêu lên, phê phán về tội trạng lạm dụng tình dục trẻ em, mà các kẻ bị cáo buộc lại chính là những linh mục, tu sĩ… thật đau lòng biết bao.

Đứng trước những vấn nạn, tội lỗi và đau khổ của thế giới ngày nay, nhất là sự vô luân và mất đạo đức ngày càng tăng lên, đang đe dọa và bóp ghẹt sự sống loài người. Bổn phận của kitô hữu nói chung, và của người môn đệ Chúa nói riêng, thì công cuộc khổ nạn và Phục sinh của Chúa cần thiết phải được loan truyền trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Nói như thánh Phaolô: “Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9,16).

Lệnh truyền của Chúa, chúng ta phải nhanh chân lên đường như Maria Ma-đa-lê-na thuở xưa để làm chứng cho Chúa phục sinh. Đối với Giáo Hội hôm nay, loan báo bằng lời rao giảng chắc không thực tế bằng chứng từ đời sống, tuy cả hai hình thức đều là bổn phận và trách nhiệm của mỗi tín hữu. Chúng ta làm chứng về đời sống và giáo lý mà chúng ta đã nhận lãnh.  Chính các môn đệ và cộng đồng tín hữu tiên khởi ở Giêrusalem đã làm chứng như vậy. Ngoài việc rao giảng bằng lời, họ đã sống với tất cả những gì họ đón nhận (Cv 2,46). Hân hoan vui mừng là nét nổi bật hơn các tâm tình khác (Cv 5,41; 8,39; 13,48). Luca cũng cho biết, ngay sau khi chứng kiến Cha về trời, các môn đệ “lòng đầy hoan hỉ” (Lc 24,52). Hoan hỉ, vì chính khi Chúa ra đi, thì sự hiện diện của Ngài giữa họ lại càng thâm sâu hơn.  

Ơn Phục sinh cũng làm cho họ thành những con người chung lòng hợp ý, hiệp thông huynh đệ, chuyên chăm cầu nguyện, chen vai sát cánh với các Tông Ðồ, loại trừ mọi hình thức vị kỷ, vụ lợi. Chính nếp sống này đã làm cho các môn đệ ở Giêrusalem, ít nhất tinh thần của họ, giống như những cây con ươm trong nhà kính, để sẽ được đem đi trồng khắp nơi.

Làm chứng sự Phục Sinh của Chúa là điều quan trọng. Làm chứng cuộc Tử Nạn của Chúa cũng là điều quan trọng không kém. “Thập giá không chỉ là một mầu nhiệm để chiêm ngưỡng và tôn thờ, mà cũng là một sứ điệp phải loan truyền, để nó trở thành nguồn ơn cứu độ cho mọi người” (ÐGH Gioan Phaolô II, 10.3.1991). Thực ra, làm chứng sự Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa là hai việc luôn đi đôi với nhau, như cả hai biến cố làm nên một mầu nhiệm duy nhất, tức Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa. Ðể sống lại vinh quang, Chúa đã đi qua con đường Thập giá. Vậy để có thể có đời sống phục sinh và làm chứng về điều đó, chúng ta cũng phải thực hiện một đời sống tháp nhập vào Thập giá Chúa và làm chứng về thập giá ấy.

Như thánh Phaolô đã khẳng định: “Chúng tôi rao giảng một Ðức Kitô chịu đóng đinh” (1Cr 1,23). Phaolô khẳng định như trên ở đầu thư thứ nhất gửi giáo đoàn Corintô. Không những coi Ðức Kitô chịu đóng đinh là đối tượng của việc rao giảng Tin Mừng nói chung, Phaolô cũng nhận mình không muốn biết gì khác hơn ngoài Ðức Kitô Giêsu bị đóng đinh Thập giá (1Cr 2,2). Theo một tác giả, “thư Corintô là một cuốn giáo lý đầy đủ, mà các vấn đề xoay quanh Thập giá” (Allo). Dám nói rằng sự cứu rỗi bằng Thập giá là trọng tâm tất cả giáo thuyết của Phaolô.

Riêng về Thập giá thì, xét theo sự khôn ngoan của con người, đó là chuyện không thể hiểu nổi, do đó không thể chấp nhận. Ðối với người Do Thái, Thập giá là cớ vấp phạm, vì chứng tỏ Ðức Kitô không có quyền năng thoát khỏi cái chết, để cứu dân theo nguyện vọng của họ. (Tryphon, người Do Thái, nói với thánh Giustinô tử đạo: “Một người bị treo thập giá không thể là Ðấng Msia”). Thập giá là một thất bại hoàn toàn, còn gì để nói nữa? Còn đối với người Hy Lạp, Thập giá là một sự điên rồ, phi lý, trái với điều người ta suy nghĩ. Một người khôn ngoan, rao giảng sự khôn ngoan và chân lý, lại chấp nhận cái chết ô nhục mới có thể cứu người ta hay sao? Họa có điên mới làm như thế (Cho nên có nơi mô tả Ðức Giêsu bằng một chiếc đầu lừa gắn vào thập giá. Ðã làm hình ảnh của người ngu si rồ dại).

Như vậy, lời rao giảng Thập giá đi ngược lại điều người ta chờ đợi. Là cớ vấp phạm thay vì làm dấu chỉ quyền năng Thiên Chúa. Là sự điên rồ chứ không phải khôn ngoan gì! Ðể củng cố niềm tin của các tín hữu vào Thập giá, Phaolô đã phản bác lại những ý nghĩ trên đây. Người ta không thể nói về Thập giá theo quan điểm triết học, nhưng theo quan điểm thần học. Không được dựa vào sự khôn ngoan nhân loại, nhưng là dựa vào đức tin. Dưới ánh sáng đức tin, Thập giá chính là quyền năng của Thiên Chúa. Chính Thập giá đem đến cho con người ơn giải thoát cứu độ. Ðã là phép lạ mạnh mẽ nhất dưới hình thức yếu đuối, một sự khôn ngoan siêu việt nhất dưới hình thức điên rồ.

Thập giá là một trong những hình ảnh cụ thể và độc đáo nhất cho thấy đường lối, tư tưởng và hành động của Thiên Chúa khác hẳn và vượt xa sự suy nghĩ của con người (Is 55,8-9). Chính vì Thập giá là đường lối khôn ngoan của Thiên Chúa, là mạc khải vĩ đại, mà Phaolô xác tín và rao giảng một cách hăng say, không mỏi mệt. Thánh Tông Ðồ cũng muốn cho chúng ta xác tín và rao giảng như vậy.

Chúng ta noi gương Thánh Phaolô rao giảng về thập giá, sự hy sinh vô cùng của Chúa, để nhân loại, nhất là các tín hữu nhờ đó mà ghi nhớ công ơn cứu chuộc của Chúa mà tránh xa mọi tội lỗi. “Tất cả cuộc đời kitô là một cuộc hành trình vĩ đại tiến về nhà Cha để mỗi ngày khám phá thêm tình yêu vô điều kiện của Ngài đối với mỗi con người thụ tạo, nhất là đối với đứa ‘con hoang đàng’ (x. Lc 15,11-32). Cuộc hành trình này bắt đầu từ nội tâm con người, từ từ tỏa ra cộng đồng các tín hữu để lan tràn ra tất cả nhân loại”.

Tuy nhiên, để có thể làm chứng và giới thiệu tình yêu của Chúa Cha cho mọi người, các tín hữu cần phải hiểu và sống mầu nhiệm đó trong cuộc sống mỗi ngày. Ba yếu tố: hiểu, sống và loan truyền liên quan mật thiết với nhau như kiềng ba chân. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nói: “Một Giáo Hội đóng kín và thiếu tinh thần truyền giáo là một Giáo Hội chưa phát triển đầy đủ hay đó là một Giáo Hội bệnh hoạn” (ĐTC Gioan Phaolo II, trong sứ điệp gửi Giáo Hội nhân ngày Truyền Giáo năm 1981).

Nói đến tình yêu là nói đến cái gì rất gần gũi, nhưng lại rất xa xôi diệu vợi; nói không bao giờ thấu. Người ta đã viết cả biển nhạc và rừng thơ để diễn tả tình yêu, thế mà thấy vẫn còn có người viết, viết mãi không hết. Điều đó có nghĩa là tình yêu là một huyền nhiệm sâu thẳm diệu vời và là một kho tàng mênh mông, khó có thể hiểu cho hết. Tình yêu của con người đã thế thì tình yêu của Thiên Chúa hiểu sao cho thấu, nói sao cho cùng? Chính Chúa Giêsu, để cắt nghĩa tình yêu của Chúa Cha mà Ngài là hiện thân, đã phải dùng rất nhiều hình ảnh, rất nhiều dụ ngôn để diễn tả.

Khi người ta thương yêu nhau thì tặng quà, tặng bánh hoặc mời ăn, mời uống. Khi tình yêu đậm đà hơn thì giúp đỡ nhau khi gặp hoạn nạn khó khăn. Nhưng khi người ta thương yêu đến độ say mê thì gắn bó lấy nhau, chia sẻ cuộc sống với nhau, dâng tặng cho nhau chính mình, gắn liền mạng sống của mình với số mệnh của người mình thương yêu và liều mạng sống vì người ấy.

Tất cả những diễn tả của tình yêu nói trên mà kinh nghiệm sống hằng ngày có thể thấy được chỉ nói lên được một phần tình yêu của Chúa Cha đối với nhân loại gồm tóm trong món quà tuyệt hảo là Chúa Giêsu, Con Một yêu quí của Ngài: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Đúng là tình yêu tuyệt hảo và vô biên vì không còn quà tặng nào có thể cao quí và vĩ đại hơn nữa. Trong Chúa Giêsu, Thiên Chúa Cha đã ban cho nhân loại chính Con Một yêu quí của mình.

Nếu suy thêm về mầu nhiệm Nhập Thể, mầu nhiệm Đau Khổ, Chết và Sống lại của Chúa Giêsu, Con Một yêu quí của Chúa Cha thì càng thấy rõ ràng hơn tình yêu cao cả và thâm sâu của Thiên Chúa. Với mầu nhiệm Nhập Thể và mầu nhiệm Phục Sinh qua sự đau khổ, sự chết và sống lại, Chúa không chỉ ban ân huệ giúp đỡ, hoặc nói lời thông cảm hay khích lệ, nhưng Chúa lăn xả chia sẻ điều kiện sống với loài người để thông ban sự sống thần linh cho loài người. Tình yêu sâu đậm thì tham dự, chia sẻ, thông ban. Thật là cao cả tình thương yêu của Chúa. Qua món quà tặng là chính Con Một, Chúa Cha không những chỉ tha thứ và chấp nhận loài người, mà còn chia sẻ và thông ban cuộc sống thần linh của Ngài. Hiến chế Lời Chúa (Dei Verbum) nói đây là điều cao cả vượt điều mong ước và vượt tầm hiểu biết của trí tuệ loài người (LC 2,6): Thiên Chúa Toàn Năng thương yêu loài người quá sức!

Trong Chúa Kitô, Thiên Chúa không chỉ sai một thiên thần, một ngôn sứ, một siêu nhân hay thánh nhân để bảo vệ và giúp đỡ loài người, nhưng chính Ngài đích thân đến cứu chuộc nhân loại và kết hợp nhân loại với mình bằng một mối dây thương yêu mật thiết không gì có thể cắt đứt. Nói theo thư gửi tín hữu Do Thái thì “thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài. Người là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa. Người là Đấng dùng lời quyền năng của mình mà duy trì vạn vật. Sau khi đã tẩy trừ tội lỗi, Người lên ngự bên hữu Đấng Cao Cả trên trời. Danh hiệu Người được thừa hưởng, cao cả hơn danh hiệu các thiên thần bao nhiêu, thì Người lại trổi vượt hơn họ bấy nhiêu” (Dt 1,1-4)

Các ngôn sứ của Thiên Chúa không phải là Con Một Thiên Chúa, nhưng cũng không thù nghịch với Ngài, mà trái lại, qua nhiều nẻo đường khác nhau, dọn đường và giới thiệu Ngài cho loài người, có khác chi Gioan Tẩy Giả: “Tôi đến làm phép rửa để Ngài (Chúa Giêsu) được dân chúng biết đến” (Ga 1,31).

Có lẽ không diễn tả nào đẹp đẽ và mạnh mẽ cho bằng tình thương yêu của Thiên Chúa chấp nhận mọi đau khổ để đền thay hình phạt của người tội lỗi, để giải thoát họ khỏi sức mạnh của sự dữ đang đè bẹp họ. Sách Ngôn Sứ Isaia diễn tả: “Ngài đã mặc lấy đau khổ của chúng ta và gánh chịu những đau đớn của chúng ta… Ngài đã bị đâm thấu vì tội ác của chúng ta, bị nghiền nát vì sự bất chính của chúng ta. Hình phạt đem ơn cứu độ cho chúng ta đã giáng trên đầu ngài; nhờ những vết thương ngài hấng chịu, chúng ta được chữa lành…” (Is 53,4-12).

Giúp đỡ tận tình đã là cao quí, nhưng chấp nhận mọi hình phạt thay người mình thương yêu thì càng cao cả hơn. Trong các quốc gia, có những vua chúa hay tổng thống vì lòng nhân đạo đã ký sắc lệnh tha bổng các tội nhân và người dân lấy làm cảm động trước lòng nhân từ của vị vua hay tổng thống đó. Nhưng giả sử, có một vị vua hay tổng thống, vì thương yêu một tù nhân, không chỉ ký sắc lệnh tha bổng, nhưng vào ngồi tù thay cho tù nhân đó để họ được về với gia đình thì lòng thương yêu nhân từ còn lớn lao đến chừng nào. Đó chính là hình ảnh của tình yêu Thiên Chúa diễn tả qua tuần khổ nạn với cái chết trên Thánh Giá, như mấy lời diễn tả của Sách Ngôn Sứ Isaia nói trên. Sứ mệnh loan truyền tình yêu của Thiên Chúa cho nhân loại đòi hỏi người tín hữu của Chúa phải hiểu và cảm nghiệm được tình yêu cao cả đó của Thiên Chúa để thương yêu mọi người với thứ tình yêu đó. Tình yêu là sức sống. Chỉ cắt nghĩa suông sẽ không bao giờ đủ, cần phải thông truyền bằng cuộc sống đã thấm nhuần bởi tình yêu ấy mới có sức làm cho người khác cảm và hiểu được.

Trong thời đại chúng ta hiện nay, xã hội con người dường như bị che phủ bởi những bóng đen trong khi rúng động trước những biến cố bi đát và tan nát bởi những thảm họa thiên nhiên, bởi những tội ác nơi con người… Chúng ta hãy khiêm nhường cầu nguyện không chỉ cho bản thân, mà cả thế giới mau đón nhận tình yêu cứu độ của Chúa. Không gì cao quý bằng việc chúng ta sống chứng nhân cho Chúa bằng chính cuộc đời của chúng ta. Vì mọi người sẽ nhận biết chúng ta là môn đệ Chúa, là chúng ta sống với nhau bằng chính tình yêu mà Ngài đã đi trước (x. Ga 13,34; Ga 15,12).

Trang nhà

Mùa Phục Sinh