ĂN CHAY CHƯA PHẢI LÀ CHÍNH
Từ lâu, « Mùa Chay » đã trở thành một
tên rất thông dụng trong Năm Phụng Vụ. Tên gọi này đúng, nhưng chưa
đúng hẳn.
Đúng là vì suốt bao thể kỷ, trong nhiều tuần
trước lễ Phục Sinh, các tín hữu đã ăn chay, nhiều khi rất nghiêm
nhặt , có lúc ăn chay suốt tuần, chỉ trừ ngày Chúa Nhật.
Nhưng gọi là « Mùa Chay » thì cũng chưa thật
đúng. Vì ăn chay không phải là chính chủ đích mà người Kitô hữu theo
đuổi trong khoảng thời gian này.
Thực ra, ăn chay chỉ là một phương thế,
một cách theo đuổi để thực hiện một điều cần thiết hơn.
Bằng chứng là hiện nay trong Mùa Chay, người tín
hữu chỉ còn giữ chay có hai ngày : Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần
Thánh.
CHỦ ĐÍCH CỦA MÙA CHAY
Chủ đích chính và không thay đổi của Mùa Chay là
phục hồi và bồi dưỡng tâm linh…là chuẩn bị tâm hồn tín hữu đón Chúa
Phục Sinh. Nói đúng hơn là chuẩn bị tín hữu tham dự trọn vẹn hơn
vào mầu nhiệm phục sinh của Chúa Kitô, giúp cho tín hữu thực hiện sự
phục sinh tâm linh của chính mình.
Mùa Chay không có ý nghĩa tự thân. Nó lệ thuộc
vào Lễ Phục Sinh, được lập ra vì Lễ Phục Sinh. Không có Lễ Phục Sinh
thì cũng sẽ không có Mùa Chay.
Mùa Chay chỉ thực sự có ích nếu giúp ta hồi sinh
từng bước, nâng cao phẩm chất đời sống tâm linh. Mùa Chay chỉ có ý
nghĩa nếu truyền thêm sinh lực cho tâm hồn chúng ta, để khi chúng ta
mừng Chúa sống lại, thì chính chúng ta cũng sống lại cùng với
Chúa, cùng bước vào đời sống mới với Ngài.
Vì thế, trong thực chất, Mùa Chay là thời phục
hồi và tăng cường sức sống tâm linh, dầu ăn chay nhiều hay ít, dưới
hình thức này hay hình thức khác.
PHỤC HỒI VÀ BỒI DƯỠNG TÂM LINH THẬT CẦN
THIẾT
Không thể có đời sống tôn giáo mà lại thiếu nỗ
lực phục hồi và bồi dưỡng tâm linh. Nỗ lực này là điều kiện thiết
yếu của đời sống kitô hữu.
Kinh nghiệm hiển nhiên cho thấy : trong mọi lãnh
vực, thời gian và cuộc sống luôn làm tiêu hao, tàn phá mọi sự. Cùng
với thời gian, cái gì cũng suy yếu dần, xuống cấp dần, lão hóa dần.
Vật chất tiêu hao : sông cạn đá món là
quy luật tự nhiên.
Đời sống thân xác tiêu hao : cơ thể suy
yếu, sức khỏe giảm sút, bệnh tật ngày càng nhiều thêm, nặng thêm.
Tình cảm của con người cũng tiêu hao :
tình yêu ban đầu thắm thiết, nhưng rồi cứ phai dần, vơi dần. Dầu đã
hẹn núi thề non, thế rồi cũng có lúc mối tình lụi dần, tắt dần…như
đèn cạn dầu.
Bởi thế, trong bất cứ lãnh vực nào cũng có nhu
cầu phục hồi, tân trang, nâng cấp…để ngăn chặn sự tiêu hao của thời
gian.
Đời sống tâm linh cũng không thể khác được.
Trên đường đi theo Chúa rất dễ xảy ra hiện tượng
tiêu hao, xuống cấp. Hiện tượng này có khi còn trầm trọng hơn trong
các lãnh vực khác. Cám dỗ ngày càng tăng. Sức kháng cự ngày càng
yếu. Lòng sốt sắng ban đầu suy giảm dần. Tội lỗi càng ngày càng tăng
áp lực. Về mặt tâm linh, rất dễ trở thành người chết. Nếu chưa chết
thì cũng đang lâm vào tình trạng hấp hối hoặc bại liệt.
Trong khi đó, Thiên Chúa lại chờ đợi chúng ta
tăng trưởng, tiến tới, chứ không phải dậm chân tại chỗ hoặc thụt lùi
về phía sau. Chúa Giêsu luôn bảo các môn đệ của Ngài : « Hãy theo
Ta ». Càng ngày càng phải theo nhiều hơn. Theo con đường đi tới toàn
thiện, trên đường thập giá, trên đường đưa tới phục sinh, ngang qua
sự chết cho tỗi lỗi, khước từ con đường dễ dãi của một cuộc sống tầm
thường.
Người kitô hữu là người đã sống lại cùng với Chúa
Kitô. Vì thế, phải sống thật, sống mạnh mẽ, không sống vật vờ nửa
tỉnh nửa mê, nửa sống nửa chết, chết nhiều hơn sống. Bởi thế, thánh
Phaolô đã phải đánh thức các tín hữu của ngài : « Hãy chỗi dậy
những ai ngủ mê, hãy chỗi dậy từ cõi chết. Chúa Kitô sẽ chiếu sáng
trên ngươi ».
Để ra khỏi tình trạng ngủ mê, để sống lại từ cõi
chết và tiến lên trên con đường phục sinh, không thể không phấn đấu
và hoàn cải. Không có lối tắt để nên thánh.
NỖ LỰC MÙA CHAY
Hoán cải và phục hồi tâm linh là việc phải làm
thường xuyên, mỗi ngày. Tuy nhiên, Mùa Chay là một trong những « lúc
thuận tiện và giờ cứu độ ». Nỗ lực trên phải được tăng cường và
nhân lên gấp bội.
Trong mùa hồng phúc này, mỗi người phải hồi tâm
để xét lại tương quan của mình với Thiên Chúa, đối chiếu thực trạng
của mình với ơn gọi mình phải hướng tới.
Cuộc chiến chống tội lỗi phải quyết liệt hơn.
Nhất là phải cố gắng tháo gỡ những vướng mắc, giải tỏa những nút làm
kẹt đường tới Thiên Chúa, nếu có. |