TÂM TÌNH MÙA CHAY
MÙA CHAY |
Mở đường cho lễ Phục Sinh và mầu nhiệm Vượt Qua là ‘Mùa Chay’, bắt đầu từ lễ Tro, ngày thứ tư trước Chúa Nhật I Mùa Chay, đến ngày thứ năm Tuần Thánh. Trong tiếng La-tinh là ‘Quadragessima’. Theo Kinh Thánh ‘bốn mươi ngày’ là thời gian bị thử thách, thanh tẩy và cầu nguyện trước những lựa chọn sẽ định hướng lại cuộc sống theo Thánh Ý Chúa. Giống như 40 ngày Đại Hồng Thủy và khế ước đầu tiên giữa Thiên Chúa và ông No-ê, 400 năm dân Do thái làm nô lệ tại Ai-cập và 40 năm đi trong sa mạc; giống như Môisê là người đã ăn chay trước khi đón nhận những tấm bia lề luật và việc Êlia ăn chay trước khi gặp Chúa tại núi Horép. Đức Giêsu cũng vậy, qua việc cầu nguyện và ăn chay, đã chuẩn bị cho sứ vụ đặt trước mặt Ngài, sứ vụ được đánh dấu vào lúc khởi đầu bằng một cuộc chiến đấu nghiêm trọng với kẻ cám dỗ. Lịch sử Mùa Chay. Trong thế kỷ II các tân tòng ăn chay hai ngày trước khi được Rửa Tội trong Đêm Vọng Phục Sinh. Từ từ thời gian chuẩn bị và ăn chay kéo dài 2, 3 và 4 tuần. Trong thế kỷ V Giáo Hội thêm lễ Tro là một nghi thức dành cho tội nhân[1] đang hoán cải và sẽ được hòa giải ngày thứ Năm Tuần Thánh. Như vậy các tân tòng và tội nhân là nhân vật quan trọng trong Mùa Chay đầu tiên. Lời nguyện và bài đọc của Mùa Chay thường nhắc đến tân tòng đang chuẩn bị chịu phép Rửa Tội và tội nhân đang xin được hòa giải. Rất sớm Mùa Chay được dành cho mọi tín hữu. Thực sự mọi Ki-tô hữu đã là ‘tân tòng’ cần đi lại và đào sâu con đường dẫn đến Rửa Tội; vẫn là ‘tội nhân’ được mời xức tro và tích cực tham gia vào Mùa Chay để ăn năn sám hối và chuẩn bị lập lại lời hứa khi chịu Phép Rửa Tội. Công Đồng Vat II muốn đem lại đặc tính đích thực cho Mùa Chay: “Hai đặc tính của mùa Chay là việc sám hối và nhất là việc nhớ lại hoặc dọn mình chịu phép Rửa Tội, chuẩn bị các tín hữu cử hành mầu nhiệm phục sinh, bằng sự nhiệt thành nghe lời Chúa và chuyên chăm cầu nguyện hơn. Hai đặc tính trên phải được trình bày rõ ràng hơn cả trong Phụng Vụ lẫn giáo lý phụng vụ. Do đó: a) Những yếu tố về phép Rửa Tội riêng cho Phụng Vụ Mùa Chay phải được sử dụng rộng rãi hơn. Một số yếu tố thuộc truyền thống xa xưa, nếu có thể, cần phải được tái lập. b) Còn các yếu tố về việc sám hối cũng vậy. Trong khi dạy giáo lý, phải khắc ghi vào tâm trí các tín hữu, không những các hậu quả xã hội của tội mà còn chính bản chất của sám hối là ghét tội vì tội xúc phạm đến Thiên Chúa. Không được bỏ quên vai trò của Giáo Hội trong tác động sám hối và phải nhấn mạnh đến việc cầu cho các tội nhân”. “Trong Mùa Chay, việc sám hối không những chỉ ở trong lòng và có tính cách cá nhân, mà còn phải tỏ lộ ra bên ngoài và có tính cách xã hội. Vậy hãy khuyến khích việc thực hành sám hối tùy theo khả năng của thời đại ta, của các miền khác nhau cũng như tùy hoàn cảnh các tín hữu.” (Sacrosantum Concilium, số 109-110) Theo nghi thức phụng vụ mới, từ năm 1969 Mùa Chay được chia thành ba giai đoạn với những bài Phúc Âm thích hợp: 1) Hai Chúa Nhật đầu nói về Chúa Ki-tô bị cam dỗ và biến hình, 2) Ba Chúa Nhật tiếp theo, trong năm A nói về giáo lý tân tòng, về nước (phụ nữ Samari), về ánh sáng (người mù) và về sự sống (Lazarô sống lại). Năm B có giáo lý về thập giá và Phục Sinh, năm C về hoán cải và lòng nhân từ của Chúa. 3) Chúa Nhật thứ sáu là Lễ Lá và khai mạc Tuần Thánh. Mục đích và hồng ân đặc biệt của Mùa Chay. Mùa Chay là thời gian đầy ân sủng của Chúa, giúp cho các tín hữu ý thức là ai theo lòng thương mến và kế hoạch Thiên Chúa dành cho mình; là thời gian nhớ lại ngày được Rửa Tội, là thời gian “dìm xuống” trong Đức Ki-tô để hoán cải và sống thực sự theo vết chân Ngài. Là thời gian tìm gốc rễ của đời sống loài người. Gốc rễ là Đức Ki-tô đã chết và sống lại để ban cho nhân loại sự sống. Gốc rễ là hành động của Thần Khí nối kết chúng ta với Thiên Chúa và với anh em trong tình yêu. Mùa Chay là một hành trình tập luyện thiêng liêng dẫn đến Phục Sinh. Trước khi xức tro có lời nguyện: “Lạy Chúa, ngày hôm nay, tất cả chúng con ăn chay hãm mình, để bước vào mùa tập luyện chiến đấu thiêng liêng. Xin giúp chúng con hằng biết sống khắc khổ, để ngày thêm vững mạnh mà chiến thắng ác thần”. Vào Đêm Vọng Phục Sinh, trước khi lặp lại lời tuyên hứa bí tích thánh tẩy linh mục nói: “Anh chị em thân mến, nhờ mầu nhiệm Vượt Qua, chúng ta được mai táng với Đức Ki tô trong bí tích thánh tẩy, để được cùng Người sống đời sống mới. Bởi thế, giờ đây, thời gian thanh luyên của Mùa Chay đã kết thúc, chúng ta cùng nhau lập lại những điều đã tuyên hứa khi lãnh nhận bí tích thánh tẩy: là từ bỏ Xa-tan với tất cả những gì thuộc về nó, và trung thành phụng sự Chúa trong Hội Thánh công giáo”. 1.- Lộ trình thiêng liêng dọn mình chịu phép Rửa Tội. Nhờ phép Rửa Tội tín hữu được kết hợp với Đức Ki-tô chết và sống lại. Những gì đã xảy ra cho Ngài biến thành thực tại trong chúng ta. Con người cũ bị đóng đinh với Ngài và tín hữu nên đồng hình đồng dạng với Ngài. Vốn dĩ con người chẳng có gì cao thượng, thánh thiện. Nhưng Thần Khí hoạt động để giải phóng ta ra khỏi vòng u tối, dẫn đến ánh sáng của đời sống mới trong Đức Ki-tô. Kẻ tội lỗi được cứu rỗi. Vì Đức Ki-tô đã sống lại, chúng ta có thể thoát khỏi ảnh hưởng nguy hại của tội lỗi và trở thành con Thiên Chúa. “Quả vậy, phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa. Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: "Áp-ba! Cha ơi! " Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa. Vậy đã là con, thì cũng là thừa kế, mà được Thiên Chúa cho thừa kế, thì tức là đồng thừa kế với Đức Ki-tô; vì một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người (Rm 8,14-17)”. ‘Tân tòng’ (Catechumen) bằng tiến Hy lạp là kẻ “lắng nghe” (katejei), tức là kẻ nhận ra tiếng kêu của Thiên Chúa. Kinh nghiệm căn bản của tân tòng là ‘nghe Thiên Chúa nói”. Khi đọc Kinh Thánh, thắc mắc chính của con người không phải là Thiên Chúa ‘có thật’ không, mà là Ngài ‘có nói’ thực sự chăng. Những thắc mắc về đức tin không được đáp lại bằng những lý luận rất giỏi mà bằng đức tin, khi chúng ta nhận thấy và nghe Thiên Chúa nói với mình. Chịu phép Rửa Tội là đáp lại lời mời làm con của Chúa Cha, là chọn lựa bước theo vết chân của Đức Ki-tô, là mở trái tim cho Thần Khí, là định hướng lại cuộc sống từ tận gốc. Chương trình giáo huấn các tân tòng rút ra từ kinh nghiệm rao giảng Tin Mừng và huấn luyện của các môn đệ kể từ thời kỳ các tông đồ và của chính Đức Ki-tô. Cách rao giảng Tin Mừng và huấn luyện môn đệ này có những yếu tố luôn luôn hiện diện trong mọi kinh nghiệm đức tin:
2.- Lộ trình thiêng liêng hoán cải và sám hối. Mùa Chay là thời gian thuận tiện để nhìn lại mầu nhiệm cuộc sống và định hướng lại những phạm vi còn lệch lạc. Ai ai cũng cần hoán cải. Thiên Chúa đến để cứu rỗi và giải phóng chúng ta. Như thế nào? Trong thực tế cuộc giải phóng này diễn tiến ra sao?
Thường thường muốn biết những lựa chọn căn bản của mình ra sao, chúng ta nên nhìn những lựa chọn nho nhỏ hằng ngày. Theo Th. Thoma “nhìn kỹ vào bất cứ hành động của một người, chúng ta sẽ khám phá ra người đó đang định hướng cuộc sống trước mặt Chúa và đời sống vĩnh viễn như thế nào”. Mỗi người tự do định hướng cuộc sống trước mặt Thiên Chúa: Tôi là ai đối với Chúa? Ngài là ai đối với tôi? Đây là ý nghĩa đích thực của hoán cải. Tức là, qua các biến cố và kinh nghiệm sống con người khám phá ra lòng nhân từ của Thiên Chúa đối với mình, và lựa chọn Ngài là cùng đích. Ki-tô hữu là kẻ nhìn ngắm Đức Ki-tô và trong Đức Ki-tô khám phá ra mầu nhiệm của con người. Đức Ki-tô mặc khải cho con người những ước muốn sâu đậm nhất. Hoán cải đối với người Ki-tô hữu là tự hỏi: “Tôi đã thực sự lựa chọn Đức Ki-tô không? Tôi đã khám phá ra nơi Ngài tình thương, kế hoạch và lối sống Chúa Cha dành cho tôi không?” Tự hỏi, không phải trong lý thuyết và suy tư mà qua hành động và cách sống của mình. Bởi vì những hành động nho nhỏ hằng ngày sẽ chứng tỏ những lựa chọn căn bản của mỗi người.
Phụ Lục về Bí Tích Hòa Giải ‘Xưng tội trong một năm ít là một lần’ và ‘Chịu Mình Thánh Chúa Giê-su trong mùa Phục Sinh’ là điều răn thứ ba và thứ bốn của Hội Thánh. Ngoài ‘làm chặng đàng Thánh Giá’, ‘bố thí cho người nghèo’ và ‘chay tịnh’, lãnh Bí Tích Hòa Giải cũng là thói quen đáng khuyến khích của các tín hữu trong Mùa Chay. Muốn được hoán cải tận gốc, chúng ta dọn mình lãnh bí tích Hòa Giải một cách chu đáo hơn, nguyện xin Thần Khí biến đổi cách quan sát, suy xét và hành động của chúng ta: a) Mùa Chay là thời gian thuận tiện để quan sát, xem:
b) Mùa Chay là thời gian thuận tiện để suy xét và tự hỏi:
c) Mùa Chay là thời gian thuận tiện để canh tân các hành động và để cố gắng:
Để suy và chiêm niệm: “Đức Giê-su đang ở làng Bê-ta-ni-a tại nhà ông Si-mon Cùi, thì có một người phụ nữ đến gần Người, mang theo một bình bạch ngọc, đựng một thứ dầu thơm đắt giá. Cô đổ dầu thơm trên đầu Người, lúc Người đang dùng bữa. Thấy vậy, các môn đệ lấy làm bực tức nói: "Sao lại phí của như thế? Dầu đó có thể bán được nhiều tiền mà cho người nghèo." Biết thế, Đức Giê-su bảo các ông: "Sao lại muốn gây chuyện với người phụ nữ này? Quả thật, cô ấy vừa làm cho Thầy một việc nghĩa. Người nghèo thì lúc nào anh em cũng có với anh em; còn Thầy, thì không phải lúc nào anh em cũng có đâu! Cô ấy đổ dầu thơm trên mình Thầy là hướng về ngày mai táng Thầy. Thầy bảo thật anh em: Tin Mừng này được loan báo bất cứ nơi nào trong khắp thiên hạ, thì người ta cũng sẽ kể lại việc cô vừa làm mà nhớ tới cô." (Mt 26,6-13) “Lạy Chúa, xin soi sáng mỗi người chúng con biết ăn năn hối cải và tăng cường việc bác ái yêu thương, hầu chế ngự mọi tính mê tật xấu. Nhờ đó, chúng con được sạch tội, và thêm lòng sốt sáng thông phần cuộc khổ nạn của Đức Ki-tô, Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời”. [1] Suốt bảy thế kỷ đầu tiên, các tín hữu quý trọng cuộc sống mới trong Thần Khí đã nhận khi chịu phép Rửa Tội đến nỗi, nếu rối đạo, giết người hay ngoại tình, chỉ được tha thứ và hòa giải một lần trong cuộc sống. Muốn được hòa giải phải công khai gia nhập vào ‘nhóm đền tội’ (ordo paenitentiae) qua nghi thức xức TRO. Nhưng, các tội nhân chỉ xưng tội riêng với vị Giám Mục (hay linh mục). Cộng đoàn biết những ai đang ‘đền tội’ nhưng không biết vì lỗi lầm nào. Mãi đến thế kỷ IX mới có bí tích Hòa Giải riêng và nhiều lần. [2] ĐGH Benedictô XVI, “Sứ Điệp Mùa Chay 2009” |
![]() |