Mùa Chay là mùa ăn năn thống hối, cầu nguyện, bố
thí, mùa chịu nạn, thương khó, chuẩn bị cho đại biến cố Phục Sinh.
Được bắt đầu từ thứ tư Lễ Tro và kết thúc với Chúa Nhật Phục Sinh.
Nó chứa đựng 40 ngày chay tịnh để tưởng nhớ đến biến cố Chúa vào
trong hoang địa ăn chay, cầu nguyện và sau đó chịu sự cám dỗ trong
40 đêm ngày; là thời gian của thương khó và thống hối. (thực sự là
46 ngày, nếu tính từ Thứ tư lễ Tro cho đến Chúa nhật Phục sinh,
nhưng theo nghĩa hẹp, Mùa Chay tính từ Chúa nhật thứ nhất đến chiều
Thứ Năm Tuần Thánh, nghĩa là cho tới lúc cử thành thánh lễ Tiệc Ly
vào ban chiều "in Caena Domini", trong đó Chúa lập Bí tích Thánh
Thể, rửa chân cho 12 môn đệ và truyền lại Giới răn mới) (Thời gian
40 ngày cũng để nhớ lại 40 đêm ngày Maisen cầu nguyện trên Núi Sinai
và được Chúa trao cho 10 Giới răn. Rồi 40 ngày còn để nhớ lại cuộc
hành trình 40 ngày trong sa mạc của Tiên tri Elia, lúc ông trốn khỏi
cơn thịnh nộ của Hoàng hậu Gezabele, để tiến về Núi Oreb (cũng là
núi Sinai, kế Biển Ðỏ và Kênh đào Suez), nơi đây Chúa mạc khải và
trao cho ông sứ vụ mới (1 Vua 19),
Trong ba thế kỷ đầu, Mùa Chay chỉ kéo dài hai hay ba ngày, sau đó
kéo dài từ ba đến bốn tuần. Con số bốn mươi được áp dụng do quy định
của Công Đồng Nicaea (325). Ngoại trừ những ngày Chúa Nhật, Giáo Hội
đề nghị các tín hữu nên ăn chay theo luật định. Toàn thời gian Mùa
Chay cũng là thời gian chuẩn bị tâm hồn cho cuộc khổ nạn, chịu chết
và Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô. Trong Mùa Chay không được kết hôn,
Linh mục mặc áo màu tím, không có kinh Vinh Danh và Alleluia trong
Thánh lễ. Không đệm đàn khi không có tiếng hát. Không trưng bông
trên bàn thờ. Mỗi ngày có Thánh lễ với những lời mở đầu Mùa Chay
khác nhau. Trong thời gian này, Giáo Hội chuẩn bị cho biến cố trung
tâm của lịch sử, sự Cứu Chuộc nhân loại của Chúa Giêsu Kitô.
Công Đồng Vaticanô thứ hai dạy rằng :” Mùa Chay có hai đặc tính :1/
Hồi tưởng lại bí tích rửa tội hoặc là chuẩn bị cho bí tích này.
2/Nhấn mạnh đến tinh thần ăn năn, sám hối. Bởi những ý nghĩa đặc
biệt này, mùa Chay chuẩn bị cho các tín hữu sẳn sàng cử hành mầu
nhiệm vượt qua sau thời gian tiếp cận, gần gũi hơn với Lời Chúa và
nồng nhiệt hơn trong sự cầu nguyện. Trong chính bản thân phụng tự và
trong những hướng dẩn từ trung tâm của phụng tự, những chủ đề về rửa
tội và thống hối được tuyên bố cách sâu sắc hơn” (SC 109).
“..Hằng năm qua bốn mươi ngày của Mùa Chay, Giáo Hội hiệp thông với
mầu nhiệm của Chúa Giêsu trên hoang địa” (GLGHCG 540)
Vì thế tinh thần Mùa Chay là làm cho nội tâm cũng như hành động của
mỗi cá nhân liên hệ đến phụng tự của Giáo Hội nhiều hơn và các tín
hữu đáp trả nhiều hơn đối với sứ điệp và sự dạy dỗ của Chúa Kitô. Do
đó Giáo Hội kêu gọi các tín hữu hảy hăng hái hy sinh, hãm mình, làm
việc bác ái, cầu nguyện và làm việc Tông đồ trong Mùa Chay Thánh.
|