Mầu nhiệm Con Người và hành trình về
Giêrusalem mạc khải Đức Giêsu là Đấng Mêsia.
Đoạn 1.10. Máccô 10,1-12: Vấn đề
rẫy vợ.
1
Đức Giêsu bỏ nơi đó, đi tới miền Giuđê và vùng bên kia sông Giođan.
Đông đảo dân chúng lại tuôn đến với Người. Và như thường lệ, Người
lại dạy dỗ họ.2 Có mấy người Pharisêu đến gần Đức Giêsu và hỏi rằng:
“Thưa Thầy, chồng có được phép rẫy vợ không? “ Họ hỏi thế là để thử
Người.3 Người đáp: “ Thế ông Môsê đã truyền dạy các ông điều gì? “4
Họ trả lời: “Ông Môsê đã cho phép viết giấy ly dị mà rẫy vợ.”5 Đức
Giêsu nói với họ: “Chính vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Môsê
mới viết điều răn đó cho các ông.6 Còn lúc khởi đầu công trình tạo
dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ;7 vì thế, người
đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình,8 và cả hai sẽ thành một
xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương
một thịt.9 Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được
phân ly.”10 Khi về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về điều ấy.11
Người nói: “Ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình đối với
vợ mình;12 và ai bỏ chồng để lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại
tình.”
Với đoạn Máccô 10,1-12 về vấn đề rẫy vợ chứ không phải về vấn đề ly
dị như thường thấy nói tới cho đoạn văn này. Thật vậy, ở đây nói về
chuyện một người đàn ông rẫy vợ mình chứ không phải chuyện hai người
đồng ý xin ly dị. Với vần đề rẫy vợ cũng bắt đầu cho một loạt lời
Đức Giêsu giảng dạy liên quan đến những yếu tố khác nhau về cuộc
sống thường nhật như tiếp đón các trẻ nhỏ (10,13-16), tương quan với
của cải (10,17-31). Những lời giảng dạy này sẽ còn kèm theo lời loan
báo thứ ba về sự Thương Khó (10,32-34).
Về phương diện lịch sử biên soạn đoạn văn, câu nhập đề (câu 1) và
câu 10 thường được coi do Máccô biên soạn. Máccô lấy câu 2-9 đến từ
cộng đoàn kitô hữu gốc Do Thái dùng ngôn ngữ Hy lạp. Câu 11 cũng có
nguồn gốc chung với Luca 16,18 và Mt 5,32. Máccô lấy theo truyền
thống đó và biên soạn lại thành hai câu 11 và 12. Đoạn Máccô 10,1-12
mang thể loại văn chương một cuộc tranh luận (câu 2-9) đi theo một
lời giảng dạy cho các môn đệ (câu 10-12). Đoạn văn cũng được chia ra
làm hai phần:
1. Câu 1-9: Đức Giêsu với đám đông: một cuộc đối thoại.
2. Câu 10-12: Đức Giêsu với các môn đệ: một lời giảng huấn.
1. Câu 1-9: Đức Giêsu với đám đông:
một cuộc đối thoại.
-
Câu 1 như lời nhập đề vào câu chuyện, và câu văn bắt đầu cũng vụng
về, vì nếu qui vào đoạn văn trước câu chuyện xảy ra tại thành
Caphácnaum. Giờ đây Đức Giêsu lên đường đi Giuđê bên kia sông
Giođan. Máccô nói đến việc Đức Giêsu di chuyển. Tác giả cũng vẫn
thường biên soạn như thế để đưa đến điều Đức Giêsu giảng dạy cho đám
đông. “Đức Giêsu bỏ nơi đó, đi tới miền Giuđê và vùng bên kia sông
Giođan”: Hướng đi này cũng gây nên nhiều khó khăn và nhiều ngạc
nhiên, vì thế từ lâu đã gây nên nhiều khác biệt trong các biệt trong
truyền thống các thủ bản, cũng như những tranh luận giữa các nhà
nghiên cứu. Cụm từ “bên kia sông Giođan” cũng khó hiểu vì xứ Giuđê
không kéo dài ra bên kia sông Giođan.
Đức Giêsu vừa rời thành Caphácnaum (9,33) và miền Galilê. Sứ vụ bên
Galilê đã chấm dứt và lần đầu tiên Ngài đi vào phần đất của miền
Giuđê và bên kia sông Giođan. Về phương diện địa hình, chương 10 kể
Đức Giêsu đang trên đường lên Giêrusalem và Đức Giêsu đến nơi đó như
Máccô 11,1 ghi. Vì vậy hành trình trong Máccô 10,1 không mấy rõ
ràng. Điều khó khăn này cũng thấy những do dự trong các thủ bản, và
có tài liệu để tránh sự khó khăn này đã ghi Đức Giêsu đi đến miền
Giuđê bằng cách băng qua Transjordanie. Dù sao đi nữa cũng không
giải quyết được vấn đề. Nếu như để miền Giuđê kéo dài qua tới sông
Giođan lại không tương ứng với thực tại chính trị. Hoặc Đức Giêsu
đang trên đường về Giêrusalem (10,32) và khi gần tới đó Ngài đã tạt
ghé ngang trên một phần đất không dự định trước trong hành trình. Cả
hai giả thuyết đều rất khó để có thể chấp nhận. Vì thế, tác giả
Máccô có thể theo truyền thống và với ký ức xưa cũ cho Đức Giêsu đến
thành Giêrusalem ở phía đông tức là đi về hướng đông qua phía thành
Giêrikhô (10,46), Bethphagé và Béthanie (11,1). Từ đó có thể hiểu
Đức Giêsu làm hành trình xuyên qua miền Transjordanie. Theo Máccô
7,24 Đức Giêsu đang ở gần vùng biên giới, vì thế bên kia sông Giođan
tương ứng với thành Pérée, xứ Galaad. Trong lịch sử Do Thái, phần
đất này trước đó là của dân Do Thái, và sau này thuộc phần đất dân
ngoại (xem 1 Mcb 5,9), dầu sao nơi đó cũng còn một số đông người Do
Thái cư ngụ.
Một lần nữa, đám đông nghe biết danh Đức Giêsu đã tìm tụ họp chung
quanh Người để nghe giảng dạy. Trong tin mừng Máccô đây là giây phút
quan trọng, một cuộc gặp gỡ thiết yếu giữa Đức Giêsu và những người
tìm đến nghe lời Người.
- Câu 2. Câu văn trên nói Đức Giêsu giảng dạy, nhưng câu văn kế tiếp
không cho biết nội dung ra sao, nhưng dấy lên một cuộc đối thoại
tranh luận giữa Đức Giêsu và mấy người Pharisêu. Câu hỏi người
Pharisêu đưa ra cố tình giăng một cái bẫy. Câu chất vấn về quyền của
người đàn ông được phép rẫy vợ cho thấy dường như người Pharisêu đã
biết được ý của Đức Giêsu, vì thế họ muốn cho mọi người biết Đức
Giêsu không đi đúng theo lề luật Môsê; vì thời bấy giờ việc rẫy vợ
cũng thường thấy xảy ra trong xã hội Do Thái và việc làm đó dựa vào
điều khoản đến từ sách Đệ nhị luật 24,1.
Qua câu hỏi đó cũng có thể người Pharisêu muốn xem Đức Giêsu đứng về
phía nào trong cuộc tranh luận giữa hai trường phái Do Thái chú giải
về lề luật: nhóm Shammaï được coi như bảo thủ và chỉ cho phép người
ta rẫy vợ trong trường hợp ngoại tình; riêng nhóm Hillel tự do hơn
và cho phép ly dị với những lý do không gắt gao.
- Câu 3-4. Cách thức Đức Giêsu đặt ngược lại câu hỏi và không trả
lời trực tiếp nhắm thoát khỏi cái bẫy người Pharisêu muốn đóng vào
cho Người. Đức Giêsu hỏi họ về lề luật Môsê nói gì về vấn đề này.
Người phân biệt rõ ràng ý của Thiên Chúa và lề luật Môsê, Đức Giêsu
đặt cuộc tranh luận trên một bình diện khác. Câu trả lời của người
Pharisêu cũng rất trung thực tương ứng vào việc tuân giữ luật Môsê
theo Đệ nhị luật 24,1-4: khi người đàn bà không còn được chồng mình
thích nữa, vì ông tìm thấy nơi người vợ những điều chướng; và nếu
như ông quyết định rẫy vợ, thì ông phải đưa cho vợ tờ giấy ly dị
(híp ri: séfer kerîtût; LXX: biblion apostasiou). Ông Môsê không đưa
ra những luật lệ để rẫy vợ, nhưng cho phép người ta được rẫy vợ với
một tờ giấy ly dị. Tấm giấy này bảo đảm cho người vợ có được một quy
chế xã hội tránh cho họ bị coi là người vợ trốn nhà bỏ đi. Người
Pharisêu trả lời câu hỏi về vấn đề ly dị trên quy luật đã được đặt
ra. Đây không phải là điều răn nhưng là một sự khoan dung.
- Câu 5-9. Lời Đức Giêsu đáp trả chống lại quy luật của ông Môsê mà
người Do Thái đang theo với ý chí sáng tạo của Thiên Chúa. Đức Giêsu
đã dựa vào Thánh Kinh đưa ra một giáo thuyết về hôn nhân và dẫn đến
việc không chấp nhận cho ly dị. Nếu như ông Môsê cho phép rẫy vợ vì
ông muốn thích ứng với tâm hồn chai đá của con người. Một quy luật
cần thiết về tội lỗi của con người, và ông Môsê đưa ra điều đó để
đáp lại hầu làm giới hạn những hậu quả nỗi dậy của người dân, vì thế
quy luật coi như tạm thời và rất mong manh. Ý Thiên Chúa sáng tạo
không có sự thỏa hiệp đó, và Đức Giêsu tìm trong Thánh Kinh nền tảng
vững chắc và vĩnh cửu. Đức Giêsu dựa vào trình thuật Sáng tạo trong
sách Sáng thế 1,27. Điều Thiên Chúa tạo dựng nên từ đầu có nam và có
nữ. Tiếp theo Đức Giêsu dựa vào Sáng thế 2,24 nêu lên hậu quả xã hội
của cặp con người: người đàn ông bỏ cha mẹ để gắn bó với vợ mình.
Cặp con người như thể nền căn bản của thể chế xã hội, một trật tự
bình thường không thay đổi được vì đến từ ý của Thiên Chúa. Điều này
còn đi xa hơn để tiến đến sự hòa hợp của hai người được trình bày
như sự sáng tạo một hữu thể duy nhất, làm xóa đi hai nhân vị để họ
trở thành một xương một thịt. Cụm từ không chỉ nói đến sự phối hợp
giữa hai người nam nữ như ý nghĩa của sách Sáng thế hay như điều
thánh Phêrô nói đến trong thư 1Côrintô 6,16, nhưng còn nêu ra ý
nghĩa của một cộng đoàn không thể cắt chia được. Sau những nhận xét
đó, Đức Giêsu coi như đưa ra lý luận có nền tảng để trả lời câu hỏi
của người Pharisêu một cách mới mẽ hơn. Vì chính Thiên Chúa là tác
giả phối hợp người nam và người nữ nên không ai có quyền tháo gỡ.
Theo hoàn cảnh đó, mọi sự cắt đứt, mọi cuộc ly dị đi ngược lại với ý
của Thiên Chúa. Trước lý luận vững chắc đến từ Thánh Kinh của Đức
Giêsu, người Pharisêu đã không đáp trả lại được, và không thấy đoạn
văn nhắc đến họ nữa.
Trong đoạn văn này, sau câu 7 có một vài thủ bản không quy chiếu vào
lời trích dẫn sách Sáng thế 2,24 tức là không ghi cụm từ “gắn bó với
vợ mình”, đưa câu văn ngắn lại “vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ,
và cả hai sẽ thành một xương một thịt”, như thế có tác giả cho rằng
thích hợp hơn với ý nghĩa hỗ tương của các câu 11-12 tiếp theo.
2. Câu 10-12: Đức Giêsu với các môn
đệ: một lời giảng huấn.
- Câu 10-12. Khi Đức Giêsu về lại nhà với các môn đệ, các ông trở
lại vấn đề vừa được tranh luận. Tác giả Máccô ghi “về đến nhà”,
nhưng câu hỏi cũng cần nêu lên nhà nào? Cụm từ gây nên ngạc nhiên vì
Đức Giêsu và các môn đệ đang trên hành trình đi về Giêrusalem, và
đang ở trên một vùng mới đến lần đầu tiên. Ở đây Đức Giêsu xác định
lại rõ ràng tư tưởng của Người bằng cách đặt một sự song song giữa
người nam và người nữ như thể cả hai đều được bình quyền đẳng. Đức
Giêsu hiểu rõ việc rẫy vợ là chuyện có thật, và có những cuộc chia
ly và ly dị cho dù biết rằng điều đó đi ngược lại ý của Thiên Chúa.
Vì vậy phải đáp trả lại những tình huống đó cho dù nó không hợp pháp
hay không chính đáng. Người đàn ông rẫy vợ để lấy một người đàn bà
rơi vào tình trạng phạm tội ngoại tình. Rẫy vợ để tái hôn hay sống
chung đều rơi vào tội ngoại tình. Do đó quy luật của Đệ nhị luật 24
không bị bãi bỏ. Hành vi rẫy vợ đi ngược lại ý Thiên Chúa, cho nên
người vợ bị rẫy cần được hưởng những bảo đảm.
Câu 12 không hoàn toàn tương hợp với luật Môsê khi không cho phép
người vợ được rẫy chồng. Luật nơi câu 12 cũng giống như nơi câu 11.
Người vợ rẫy chồng để lấy người khác cũng phạm tội ngoại tình. Theo
xã hội Do Thái, luật ly dị có lợi hoàn toàn cho phía người nam thôi,
và chỉ có một vài trường hợp người nữ được phép ly dị như trong một
vài văn bản của các rabbi, ví dụ người chồng làm một nghề hôi thúi
như thuộc da hay hốt rác; hoặc khi người chồng ép buộc vợ thề hứa
ngược lại với phẩm giá của họ; hoặc như người chồng bị nhiễm bệnh
khó chữa như trường hợp bệnh cùi… Thế nhưng, câu văn rất tương hợp
với luật của người Hy lạp và người La mã vì theo đó người vợ có
quyền bỏ chồng không gặp khó khăn gì. Người vợ không có quyền lợi
gì, cũng không cần gấy tờ chứng minh, nhưng họ chỉ có quyền có thể
bỏ người chồng thế thôi.
Lời Đức Giêsu giảng dạy rất rõ ràng, cả hai người nam và người nữ đã
thành vợ chồng không thể nào cắt đứt mói liên hệ chồng vợ nữa. Lý do
đã được nói đến nơi câu 9 “sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người
không được phân ly”. Mối liên hệ đó là một thiết chế của Thiên Chúa
và không thuộc loài người để có thể tháo gỡ được.
Kết luận.
Máccô 10,1-12 nêu rõ ba điểm khác biệt của Đức Giêsu với nhóm
Pharisêu về vấn đề ly dị. Khi người Pharisêu đặt câu hỏi liên quan
đến người chồng, nhưng đối với Đức Giêsu điều này liên quan cả chồng
lẫn vợ. Đối với người Pharisêu coi luật Môse là trên hết, nhưng với
Đức Giêsu luật đó chỉ tạm thời, nên phải theo ý của Thiên Chúa khi
sáng tạo. Người Pharisêu đặt câu hỏi theo quan điểm con người muốn
ly dị, nhưng lời Đức Giêsu giảng dạy làm nổi bật sự thiệt hại của
người bị rẫy. Trong trường hợp ở đây chính là sự thiệt hại của người
vợ thứ nhất. Theo Đức Giêsu, người đàn bà cũng cần được lề luật tôn
trọng và bảo vệ.
Thái độ của Đức Giêsu trước vấn đề ly dị rất rõ ràng. Hậu quả nhấn
mạnh đưa đến việc không thể hoàn thành ý sáng tạo của Thiên Chúa.
Cái nhìn triệt để của Đức Giêsu trong đoạn văn này cần được giải
thích theo những phản đề của bài giảng trên núi (Mátthêu 5,20-48).
Đó là lý tưởng nhắm đến chứ không phải một khuôn thước áp dụng không
để ý đến bối cảnh. Vì vậy Máccô 10,1-12 không phải là văn bản quy
luật về hôn nhân và sự ly dị. Đoạn văn đưa ra trước hết một giáo
thuyết của Thánh Kinh về cặp nhân loại, và vì thế lời Đức Giêsu
giảng dạy có giá trị thường xuyên và trở nên nền tảng giáo thuyết
kitô giáo về hôn nhân. Sau đó đoạn văn nêu lên những quy luật tương
đối mềm dẻo đối với những trường hợp khó khăn mà con người gặp phải,
nhưng cũng rất cứng rắn về điều thiết yếu.
Đoạn 1.11. Máccô 10,13-16: Đức
Giêsu và các trẻ em.
13 Người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giêsu, để Người đặt tay trên
chúng. Nhưng các môn đệ la rầy chúng.14 Thấy vậy, Người bực mình nói
với các ông: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì
Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng.15 Thầy bảo thật anh
em: Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ
chẳng được vào.”16 Rồi Người ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành
cho chúng.
Sau khi khai triển chủ đề về hôn nhân và trước khi nói về vấn đề của
cải, tác giả Máccô đặt vào đây những lời nói về các trẻ em. Máccô
10,13-16 thường được xếp vào loại thể văn cách ngôn hay danh ngôn.
Một lời của Đức Giêsu lúc ban đầu được truyền rao một cách độc lập,
rồi sau đó được đặt vào khung của một trình thuật. Vì thế, các nhà
nghiên cứu cho câu 15 “Thầy bảo thật anh em: Ai không đón nhận Nước
Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào” là một câu
văn độc lập và chỉ được thêm vào đoạn văn sau này. Theo một số tác
giả, Máccô 10,13-16 được dùng trong cộng đoàn kitô hữu tiên khởi như
nền tảng cho việc thực hành rửa tội cho các em nhỏ. Ngoài ra thực
trạng của hoàn cảnh cũng có thể đến từ việc thực hành nghi thức chúc
lành cho các trẻ nhỏ. Đoạn văn bao gồm ba phần:
1. câu 13: nhập đề.
2. câu 14-15: hai lời của Đức Giêsu.
3. câu 16: đón tiếp nồng hậu dành cho trẻ em.
1. câu 13: nhập đề.
Câu 13 không cho biết gì về địa hình hay thời gian xảy ra câu
chuyện. Đoạn văn được tiếp nối với đoạn văn trước nói về vấn đề hôn
nhân. Cùng với nhóm đám đông tụ họp chung quanh Đức Giêsu tại Pérée,
và chính họ đã đưa các trẻ em đến cùng với Người. Từ “trẻ em”
(paidia) thường chỉ định các trẻ em thuộc nhiều lứa tuổi từ bé thơ
cho đến lứa tuổi 12, nhưng dựa vào Máccô 9,36 có thể đây là những em
nhỏ còn được bồng bế trên tay. Luca 18,15 cũng nói các “trẻ thơ”
(bréphè). Điều họ muốn Đức Giêsu làm là đặt tay trên các em. Việc
đặt tay này có thể hiểu để chữa bệnh nhưng cũng có thể là sự chúc
lành lớn lên trong hạnh phúc. Từ “chạm, hay đặt tay” (haptomai)
trong Máccô 1,41; 3,10; 5,27.28.30.31; 6,56; 7,33; 8,22 đều có nghĩa
một sự chạm tay điều trị. Điều này bị các môn đệ coi như dị đoan
bình dân nên tỏ ra la rầy chúng. Các trẻ em cũng có thể phá rầy lời
giảng dạy của Đức Giêsu, thời Đức Giêsu các trẻ em thường bị coi như
chưa có khả năng để hiểu kinh Torah tức là biết được ý Thiên Chúa,
vì thế các môn đệ cho rằng việc mang các em đến với Đức Giêsu là vô
ích nên họ không bằng lòng và la rầy các cha mẹ và các trẻ em.
2. câu 14-15: hai lời của Đức
Giêsu.
Đức Giêsu phản ứng một cách mạnh mẽ trước thái độ của các môn đệ.
Người bực mình và giải thích cho họ biết sự sai lầm chống lại sự
hiện diện của các trẻ em. Họ phải để các trẻ em đến với Người, vì
Nước Thiên Chúa là “của ai giống như chúng”. Đây không phải quyền
lợi các trẻ em đòi nhưng chỉ là ân huệ nhưng không Thiên Chúa dành
cho các em. Hiệu quả lời Đức Giêsu nói đưa các môn đệ phải suy nghĩ
lại thái độ của các ông đối với trẻ em. Cấu trúc đoạn văn này cũng
tìm thấy tương tự trong một văn bản của kinh talmud: một hôm có một
người đàn bà tiến gần đến rabbi Aquiba và hôn chân ông. Các môn đệ
muốn đuổi bà đi, nhưng rabbi Aquiba nói: “hãy để vậy, các anh và
tôi, chúng ta đều đến từ bà”. Trong cả hai trường hợp, từ những gì
bị xua đuổi và người Thầy bắt buộc các môn đệ tái xác định lại để
tồn tại như một nhóm.
Nơi câu 15 Đức Giêsu nói với những người lớn và bắt đầu một cách
trang trọng với từ “amen” (Thầy bảo thật…) và kêu gọi họ phải xử sự
như các trẻ em. Đó có thể là ý nghĩa của cụm từ “đón nhận Nước Thiên
Chúa như một trẻ em”. Ý nghĩa cụm từ này rất nhập nhằng, vì từ “trẻ
em” (paidion) có thể là một chủ ngữ, hay một bổ ngữ. Vì thế cũng có
thể hiểu “đón nhận Nước Thiên Chúa như đón nhận một trẻ em”. Thế
nhưng bối cảnh đưa chấp nhận ý nghĩa “đón nhận Nước Thiên Chúa như
một trẻ em đón nhận điều đó”. Các trẻ em đón nhận Nước Thiên Chúa
với tấm lòng tin tưởng và khiêm nhường.
3. câu 16: đón tiếp nồng hậu dành
cho trẻ em.
Câu 16 đưa trở lại với danh ngôn về trẻ em của Đức Giêsu. Giờ đây,
Người làm ba hành vi áp dụng vào những gì đã nói ở câu 14. Đức Giêsu
ôm lấy những trẻ em đến bên Người như đã làm ở Máccô 9,36. Điều này
nói lên lòng âu yếm Người dành cho các trẻ em, những người mà các
môn đệ coi như quấy rầy. Tiếp đó, Đức Giêsu chúc lành bằng cách đặt
tay trên các em. Một ân huệ thiêng liêng có nhiều ý nghĩa hơn sự bảo
vệ chống lại bệnh tật hay vận số xấu của các em.
Kết luận.
Máccô 10,13-16 đưa lại chủ đề trẻ em (9,36-37) và những trẻ nhỏ
(9,42-48) không để nói lên sự mủi lòng dành cho những tâm hồn thơ
ngây, nhưng chủ yếu nêu lên sự để ý của Thiên Chúa dành cho những kẻ
không thể áp đặt hay lên người khác. Đoạn văn kêu gọi cần có thái độ
đức tin biết rằng nhận tất cả từ Thiên Chúa như một ân huệ. Các cộng
đoàn tiên khởi lấy đoạn văn này để giải thích việc thực hành rửa tội
cho các em nhỏ cũng không có gì phải ngạc nhiên, cho dù đây không
phải ý nghĩa của tác giả Máccô hay của Đức Giêsu. Máccô khuyến khích
các cộng đoàn dành một chỗ trong cuộc sống hằng ngày cho các trẻ em.
|