Suy niệm nhân Lễ Lá
Cho đến hôm nay, vẫn còn nhiều người tự cho mình
là vô can trong vụ án Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh trên thập tự
giá. Trong số đó, có thể có tôi, có bạn, những người vẫn xưng mình
là Kitô hữu, hoặc hơn thế nữa, những người vẫn đang nhiệt tình tổ
chức hoành tráng, cờ hoa rực rỡ, đón rước linh đình, tung hô vang
dội và kêu gọi mọi người hãy cất tiếng: “Hoan hô con Vua Đavit.
Chúc tụng Vua Israel, Đấng nhân danh Chúa mà đến. Hoan hô trên các
tầng trời”.
Hai mặt thiện ác trong mỗi con người tưởng như là
luôn lẫn tránh nhau, đối nghịch nhau, thì lại song hành cách đồng
thuận trong tâm hồn khi con người bị thần dữ thống trị. Thần dữ
Satan có phép biến những gì mà một người cho là chân lý, thành công
cụ phục vụ cho mưu đồ gian ác của chúng, khi người ấy nhận tất cả về
mình những gì mình có: học thức, hiểu biết, tài năng, và nhất là đức
tin. Đó là trường hợp của những luật sĩ, biệt phái, kinh sư… Họ vẫn
nghĩ rằng đức tin của họ là do sự hiểu biết siêu phàm hoặc do tài
năng mà họ có được. Đối với họ, đức tin của họ không được soi dẫn
bởi Thánh Thần, mà là bởi cái tôi chủ quan và mù quáng của họ. Bởi
vậy, họ không thể chấp nhận một Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa đến
cứu chuộc trần gian, khi hiểu biết của họ vẫn chưa chịu nhường chỗ
cho sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Họ dựa theo suy luận thấp bé mà cứ
tưởng cao siêu của họ để định dạng, định hình một Đấng Cứu Thế có
thể thỏa mãn những nhu cầu của họ. Vì thế, có thể hôm nay họ hoan hô
Chúa Giêsu, nhưng ngày mai họ đả đảo dẫn tới cái chết của Con Thiên
chúa.
Có thể chúng ta đã lên án họ, rằng chính họ chủ
mưu trong vụ án Đức Giê-su vô tội bị lãnh án tử hình nhục nhã nhất
lịch sử nhân loại. Còn chúng ta, nghĩ rằng mình vô can sao? Trong
khi, mỗi chúng ta, có thể còn kinh khủng hơn họ nữa: nếu họ “hôm qua
hoan hô ngày nay đả đảo”, thì hãy coi chừng mỗi chúng ta, vừa hoan
hô vừa đả đảo, hoặc hoan hô theo cách đả đảo ngay chính trong cách
thể hiện niềm tin của mình.
Quả thật, chúng ta đã từng có suy nghĩ rằng: tôi
không tố cáo kết án Chúa Giêsu, tôi không bán Chúa Giêsu, không nộp
Ngài cho thế quyền, không đánh đập Ngài, không sỉ nhục ngài, không
đội mão gai cho Ngài, không quất vào ngài khi Ngài té ngã, không
đóng đinh Ngài… Chính người Do Thái đã làm tất cả những điều tệ hại
ấy, và ấy là chuyện đã rồi của hai ngàn năm trước. Chúng tôi vô can.
Nếu nghĩ như thế, thì việc cùng đoàn người rước Chúa Giêsu vào thành
thánh cách long trọng với lời tung hô vạn tuế hôm nay, và việc nghe
lại trang thương khó đẫm máu của Chúa Giêsu, sẽ không mang lại ý
nghĩa, lợi ích gì cho đời sống đức tin của chúng ta cả.
Phụng Vụ dẫn chúng ta vào tuần thương khó của Đức
Giê-su, để chúng ta có cơ hội hiểu rằng: không phải Đức Giê-su đi
đường thương khó hai ngàn năm trước mà Ngài còn đang đi đường thương
khó ngay hôm nay, ngay lúc nầy….
Bao lâu tôi không chịu thương khó, thì bấy lâu,
Chúa Giê-su còn phải chịu thương khó vì phần rỗi của tôi.
Bao lâu tôi còn sống trong vũng lầy tội lỗi, thì
bấy lâu, Chúa Giê-su còn có lý do để tiếp tục vác Thánh Giá lên
Calvê và chịu chết.
Bao lâu tôi còn vô tâm không màng đến hay bất cần
đến cái chết của Đấng Vô Tội, thì bấy lâu, tiếng kêu tha thiết của
Chúa Giêsu từ thánh giá vẫn còn vang lên và vọng xa cho tới tân cõi
lòng mình: “Ta khát”. Tôi, bạn, cả chúng ta, không thể là những
người đứng ngoài cuộc trong vụ án Thập Tự Giá nầy.
Vì thế, không thể nghĩ rằng: tôi không tố cáo
Chúa Giêsu, tôi chỉ bất bình với những lời dạy nghe chói tai, những
yêu cầu từ bỏ nghe có vẻ bất thường làm đảo lộn cuộc sống trần gian
đang đầy thú vị của tôi. Hoặc, tôi là Ki-tô hữu mà, tôi không hề tố
cáo Chúa Giêsu, chỉ là tôi chưa sống đúng như Lời Ngài dạy, vì đời
còn dài, có vội chi mà phải nhốt mình trong cái khung chờ chết. Nhớ
vào dịp tết, có người nhận được lộc xuân, anh ta mở ra đọc: “Của
Cesar trả cho Cesar. Của Thiên Chúa trả cho Thiên Chúa”. Anh ta
đưa cho ông hội đồng đọc và hỏi: “Nói gì thế?”. Ông hội
đồng giải thích: “Chúa bảo đừng có tham lam của thế gian, lo trở
về với Chúa”. Anh ta lẩm nhẩm: “Thời buổi nầy, không tham
sao sống nổi. Chúng nó hối lộ tham nhũng nhan nhãn đầy dẫy kia, ai
làm gì được chúng nó”. Ra đến chỗ giữ xe, anh ta vò nát lộc
xuân, vất xuống đất, thản nhiên về. Không phải là chúng ta đang tố
cáo Chúa Giêsu nói và dạy những điều sai trái đấy sao?
Cũng không thể nghĩ rằng: tôi không bán Chúa
Giêsu ba mươi đồng bạc, tôi chỉ đem thời gian, tài năng, tiền bạc và
sức lực của tôi để đổi lấy cho tôi một cuộc sống thoải mái theo bản
năng con người, hoặc thiết thực hơn, tôi chỉ ham theo cho hết cuốn
phim tình cảm hay, hay đã lỡ hẹn với bạn bè, mà không thể đến nhà
thờ dâng lễ, rồi thành thói quen, bỏ cả lễ, quên cả Chúa. Ngày nào,
Giáo xứ chưa có linh mục, chưa có nhà thờ, ai nấy khát khao mong
mỏi… đến lúc có cha ngon lành, có nhà thờ to lớn xinh đẹp rồi, thì
việc của cha là sáng chiều làm lễ, việc của giáo dân là sáng ngủ cho
đã giấc, chiều xem phim, hát karaoke, nhậu nhoẹt… chẳng màng! Nếu
ngày xưa Giuđa đã xem ba mươi đồng bạc có giá trị và cần thiết hơn
là tánh mạng của Chúa Giê-su, thì rõ ràng hôm nay, không phải là
chúng ta cũng đã từng xem các thực tại chóng qua kia lại có giá trị
hơn một thánh lễ, hơn một Thánh Thể Chúa Giê-su đó sao?!
Càng không thể nói rằng tôi không hề bắt Chúa
Giêsu phải vác Thánh Giá, không hề đội mão gai cho Ngài, cũng không
sỉ nhục Ngài, đóng đinh Ngài… trong khi ngôi nhà tâm linh của chúng
ta đã lún, nghiêng theo chiều bất chính hoặc đã đổ sập, nát vụn
thành một đống hoang tàn.
Vâng, không thể nói:
Tôi không hề bắt Chúa Giêsu vác Thánh Giá, tôi
chỉ nhường phần khó nhọc cho anh em và chọn cho mình phần nhẹ nhàng
thong thả.
Tôi không hề đánh đập Chúa Giêsu, tôi chỉ làm ngơ
trước những bạo lực của luật rừng đàn áp anh em tôi vô tội.
Tôi không hề sỉ nhục Chúa Giêsu, tôi chỉ ngại lên
tiếng bênh vực cho công lý, lại còn đồng tình với những lời đàm tiếu
rằng anh em tôi dại chi mà chiến đấu cho công lý để phải mất chức,
thiệt thân, còn bị phát lưu, tù đày, hay bị cách ly khống chế.
Tôi không hề đóng đinh Chúa Giêsu, tôi chỉ làm
thinh vô tình trước bao nhiêu cái chết oan uổng của ngàn ngàn thai
nhi bé nhỏ, trước cái chết của những thanh thiếu niên sa đọa vì hút
chích, trước những cái chết của những thiếu nữ bán hoa lỡ lầm, trước
cái chết của những người nghèo khổ không tiền chạy chữa, và trước cả
cái chết muôn đời của một tập đoàn không tin, còn chống lại Thiên
Chúa, trong khi tôi có thể góp một phần của mình vào công cuộc cấp
cứu.
Cuộc sống bất chính trong ‘con người tưởng như là
công chính’ của mỗi chúng ta đang là lời chứng hùng hồn rằng chúng
ta là những người vừa hoan hô vừa đả đảo Chúa Giêsu. Chính chúng ta
tiếp diễn vụ án Đức Giêsu ngay hôm nay, trong lúc nầy. Chính chúng
ta đang xử Chúa Giêsu theo luật rừng của những con người hoang dã,
không phải vì ngu muội do thiếu ánh sáng văn minh của Thiên Chúa,
nhưng ngu muội do kiêu căng, cố tình tôn vinh sự hiểu biết, khôn
ngoan, tài năng, trí tuệ của mình lớn hơn sự khôn ngoan của Thiên
Chúa.
Đức Giêsu vô tội “như con chiên hiền lành” bị đem
đi giết để chết thay đoàn chiên có tội, là chúng ta, được cứu sống.
Tuần thương khó mời gọi mỗi chúng ta nhận ra mình
là can phạm, nếu không nói là chủ mưu, trong vụ án Đức Giêsu bị đóng
đinh và chết trên thập giá. Đồng thời, cũng mời gọi chúng ta thành
tâm sám hối tội lỗi để được hưởng ơn khoan hồng vô lượng. Hơn thế
nữa, Chúa Giêsu còn mời gọi chúng ta tham dự vào đường thương khó
của Chúa, vào cuộc tử nạn của Chúa bằng cách sống đời sống công
chính – đời sống đòi hỏi khước từ những quyến rủ của những thực tại
phù vân, đòi hỏi đóng đinh tính xác thịt mình, đòi hỏi chấp nhận đau
khổ, chấp nhận hiến thân, hy sinh vì phần rỗi của mình và của người
khác.
Hãy cùng chết với Chúa Giêsu để được cùng Người
phục sinh vinh hiển.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con không vô can trong vụ
án đóng đinh Chúa. Đời sống bất chính của chúng con với biết bao là
tội lỗi đã hình thành bản án tử hình Người Vô Tội. Xin cho chúng con
biết trân quí ơn Cứu Chuộc nơi Thánh Giá Chúa, để biết thành tâm sám
hối, biết cải thiện đời sống, và biết cùng Ngài vác Thánh Giá mình
mỗi ngày mà theo Chúa, với niềm hy vọng, niềm tin tưởng Phục Sinh
với Ngài. Amen