"Ông này đón
tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng". (Lc 15,2). Với sự coi
thường đến cỡ nào, những người Pharisêu đã làu bàu những lời
trên! Dưới mắt họ, Ðức Giêsu, người đã từ chối những tục lệ của
họ, đã quá tầm thường khi ngồi cùng bàn với chính những kẻ tội
lỗi mà họ lên án. Tuy nhiên, với chúng ta, những người ý thức
tình trạng tội lỗi của mình, Ngài thật cao cả và từ ái khi dang
tay đón tiếp chúng ta. Câu chuyện người con hoang đàng là một
trong những bức tranh rõ nhất về hồng ân và lòng thương xót của
Thiên Chúa. Nó mô tả tấm lòng của một người cha phiền não vì con
mình, nhưng không từ chối nó. Thay cho một tâm hồn giận dữ, phẫn
nộ, chúng ta thấy một tâm hồn đầy ắp lòng thương xót và trắc ẩn,
một tâm hồn chỉ muốn được đoàn tụ với người thân thương. Ngay cả
trước khi đứa con hoang đàng xin tha thứ, người cha này đã ôm
đứa con vào lòng và mặc cho nó lòng thương xót.
Chúng ta hãy
thử tưởng tượng, anh bạn trẻ này kinh ngạc đến ngần nào! Người
cha nhân từ đã không giận dữ hay lạnh nhạt như anh ta nghĩ,
nhưng đã tắm gội anh trong tình yêu, thương xót và chấp nhận.
Kinh nghiệm của người con hoang đàng trong dụ ngôn này cũng là
kinh nghiệm của chúng ta trong đời. Mỗi người trong chúng ta đã
phạm tội chống lại Chúa và cần khởi hành ngay trên con đường trở
về nhà Cha với lòng khiêm tốn và ăn năn. Chúng ta sẽ gặp Chúa
dang tay chào đón ta và đổ đầy trên ta tình yêu và lòng thương
xót của Ngài. Trong kinh nghiệm của sự tha thứ và được thanh
tẩy, chúng ta nhận ra sự thật trong những lời của Thánh Phaolô
"phàm ai ở trong Ðức Kitô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua, và
cái mới đã có đây rồi." (2 Cr 5,17). Sự tha thứ trong Chúa Kitô
dành cho chúng ta mạnh mẽ đến nỗi vượt quá sự tha những lỗi lầm
của chúng ta để bao gồm cả sự tái tạo trong ta một tâm trí mới.
"Lạy Cha trên
trời, con tạ ơn Cha vì tình yêu. Xin cho con chớ quên lòng
thương xót Chúa dành cho con hay quyền năng của Ngài để giúp con
nên một tạo vật mới".