Kinh Lạy Cha,
đến từ chính Ðức Giêsu, không chỉ là một bản văn hướng dẫn cách
thức chúng ta cầu nguyện nhưng đó còn chính là những lời mà
chính Ðức Giêsu đã cầu nguyện. Và còn đáng ngạc nhiên hơn nữa
khi Ðức Giêsu, đấng không biết đến tội, đã khiêm nhường trong
lời cầu "Xin tha tội cho chúng con". Ngài còn đi xa hơn nữa khi
thí mạng sống mình làm bảo chứng sự tha thứ mà Ngài đã cầu
nguyện.
Nhưng kinh
Lạy Cha còn nhiều hơn là lời hứa về lòng thương xót của Chúa.
Ðức Giêsu đã chết không phải chỉ để chuộc tội ta mà còn để ban
tặng ta một quả tim mới để khi ta trỗi dậy với Ngài, ta cũng có
thể tha thứ như Ngài đã tha thứ. Lời hứa của Thánh Kinh là một
khi ta để Ðức Giêsu sống trong ta bằng cách từ bỏ con người cũ
của ta, ta cũng trở nên đầy lòng thương xót hơn.
Tha thứ cho
những ai làm thương tổn ta không phải là một chuyện dễ dàng.
Trong nhiều trường hợp, điều đó dường như không thể được. Chúng
ta cần đến ơn Chúa để chiêm niệm về khả năng tha thứ và luôn nhớ
rằng tha thứ là con đường Chúa đã vạch cho ta đi. Không phải là
Thánh Kinh đã kêu gọi ta phải cầu nguyện và chúc lành cho kẻ bắt
bớ ta đó sao (Rm 12,14)? Không phải Ðức Giêsu đã nhắc ta phải
yêu thương kẻ thù đó sao (Mt 5,44)?
Tha thứ không
có nghĩa là mất cảnh giác nhưng là từ bỏ sự lên án và dẫn đưa
con người đến với lòng thương xót của Chúa. Trong khi đầy lòng
thương xót, Ðức Giêsu không chút mơ hồ về tình trạng trong con
tim nhân loại. Ðức Giêsu không ngạc nhiên bởi tội ta. Nhưng dù
Ngài thấy lòng ta tối tăm đến cỡ nào, Ngài cũng không bỏ cuộc
hay nghi ngờ khả năng chúng ta quay lại với Ngài. Ngài luôn thấy
tiềm năng của những kẻ đã được Ngài tha thứ sẽ ăn năn và trỗi
dậy trong vinh quang với Ngài. Chúng ta có nghĩ về mọi người
quanh ta như thế không?
"Lạy Ðức
Giêsu, Chúa đã chọn để ôm vào lòng những đau khổ và tội lỗi của
chúng con, để chúng con có thể trỗi dậy với Ngài. Xin dạy con
biết xót thương như Chúa đầy lòng thương xót"