Đáp:
Chị Maria thân mến,
Như chị đã biết Giáo Hội không bao giờ đồng ý cho việc thụ tinh nhân tạo và
một trong những phương pháp đó là thụ tinh trong ống nghiệm. Thánh Bộ Giáo
lý Đức tin đã nhận định:
Kinh nghiệm đã cho thấy rằng, trên thực tế, tất cả các kĩ thuật thụ tinh
trong ống nghiệm được tiến hành như thể phôi người chỉ là một đống tế bào
được sử dụng, chọn lọc và loại bỏ. Đúng là khoảng một phần ba những phụ nữ
nhờ đến phương pháp sinh sản nhân tạo đã đạt ước nguyện có con. Thế nhưng,
phải nhìn nhận rằng khi so sánh giữa con số toàn thể các phôi được sản sinh
và các phôi rốt cuộc đã thành em bé chào đời, thì con số phôi bị hy sinh
vẫn là rất cao . Những phôi bị mất này được các chuyên viên kĩ thuật thụ
tinh trong ống nghiệm chấp nhận như là cái giá phải trả để đạt được những
kết quả tích cực. Thật ra điều đáng lo ngại đó là, trong lãnh vực này, việc
nghiên cứu chủ yếu nhắm tới chỗ đạt được những kết quả tốt nhất xét theo
nghĩa tỉ lệ phần trăm các trẻ sinh ra càng ngày càng cao hơn so với các phụ
nữ bắt đầu việc chữa trị, mà không tỏ ra thực sự quan tâm đối với quyền sống
của mỗi phôi nhi.(Huấn
thị Dignitas personae, số 14).
Huấn thị cũng minh định rõ ràng: “Đứng trước sự kiện hữu thể nhân linh ở
giai đoạn phôi bị đối xử như dụng cụ, ta cần phải lặp lại lần nữa rằng
«không có kì thị trong tình yêu của Thiên Chúa giữa một hữu thể nhân linh
vừa được thụ thai còn trong dạ mẹ, và em bé sơ sinh, hay một cô cậu thanh
thiếu niên, hay là một người lớn hoặc người già. Ngài không phân biệt, vì
nơi mỗi người trong họ Ngài thấy dấu ấn của hình ảnh và họa ảnh của Ngài […]
Bởi đó Huấn Quyền của Giáo Hội không ngừng tuyên bố đặc tính linh thánh và
bất khả xâm phạm của mỗi sự sống con người, từ khi thụ thai cho đến lúc kết
thúc tự nhiên của sự sống đó”
(Huấn thị Dignitas personae, số 16).
Và như vậy việc loại bỏ các phôi là một hành vi đáng ghê tởm.
Việc chị thực hiện mang thai trong ống nghiệm tự bản chất là một trọng tội,
tuy nhiên tội của chị vẩn có thể nhận được sự thứ tha do lòng Chúa thương
xót. Chị đến Tòa Hòa giải để nhận được ơn thứ tha.
Vấn đề chị đặt ra là phải giải quyết như thế nào với số phôi còn lại? Đây
không là vấn đề đơn giản để đưa ra một câu trả lời thỏa đáng cho chị. Huấn
thị cũng đã nhắc đến vấn đề mà chị đang băn khoăn:
“Đối với rất nhiều phôi đông lạnh đang có, câu hỏi đặt ra là người ta
phải làm gì với chúng. Một số người tự đặt câu hỏi này mà không hiểu biết
bản chất đạo đức của vấn đề, họ chỉ được thúc đẩy bởi sự đòi hỏi của luật
pháp trong một số nước yêu cầu các trung tâm đông lạnh phôi, sau mỗi một
thời kì nào đó, phải thanh lí các kho lưu trữ phôi, rồi lại chờ đổ đầy chúng
một lần nữa. Nhưng một số khác ý thức được rằng người ta đã phạm phải một sự
bất công nghiêm trọng, và họ băn khoăn tự hỏi làm sao để sửa chữa tốt nhất
những bất công này.
Những ý kiến đề nghị sử dụng các phôi này cho việc nghiên cứu hay cho
những mục đích chữa trị hiển nhiên là không thể chấp nhận được, bởi vì
người ta sử dụng chúng chỉ như là một thứ «vật liệu sinh học », điều này hàm
ý hủy hoại chúng. Sư đề nghị làm tan đông lạnh các phôi này mà không phục
hoạt chúng, sử dụng chúng cho việc nghiên cứu như thể đó chỉ là những tử thi,
cũng không thể chấp nhận được
Cũng thế, ý kiến đề nghị dùng những phôi này để chữa trị cho các cặp vợ
chồng hiếm muộn như là « liệu pháp chữa trị vô sinh » là không
thể chấp nhận về mặt đạo đức cũng bởi chính những lí do đã làm cho việc sinh
sản nhân tạo dị ngẫu và mọi hình thức mang thai thay thế trở nên bất hợp
pháp. Hơn nữa, thực hành này còn đưa tới bao nhiêu vấn đề khác trên bình
diện y khoa, tâm lí và pháp lí.
Người ta cũng đưa ra đề nghị, chỉ nhằm mục đích tạo cơ hội cho các hữu thể
nhân linh được sinh ra thay vì phải bị hủy hoại, một hình thức «nhận con
nuôi trước khi sinh» (prenatal adoption). Giải pháp này đáng được ca
ngợi bởi ý hướng tôn trọng và bảo vệ sự sống con người, tuy nhiên cũng cho
có thấy nhiều vấn đề không khác với những vấn đề đã được nói đến trên đây”
(Huấn thị Dignitas
personae, só 19).
Với những chỉ dẫn như thế, thì quả thật, việc giải quyết các phôi quả thật
là nan giải. Dầu sao chị cũng đã ý thức đến trách nhiệm làm mẹ của mình đối
với các phôi thai khi nghĩ đến việc đón nhận tất cả các phôi thai vào cung
lòng của mình, nhưng với khả năng tài chánh chị không thể, đúng là lực bất
tòng tâm. Huấn quyền của Giáo hôi có nói đến việc “nhận con nuôi trước khi
sinh”, một vấn đề tuy không được tất cả các nhà thần học học luân lý công
giáo chấp nhận, nhưng cũng có nhiều nhà thần học luân lý công giáo ủng hộ,
chẳng hạn giáo sư
E. Christian Brugger,
dạy
thần học luân lý tại Chủng Viện Thần Học Gioan Vianey tại Denver, Colorado
đã đưa ra nhận định:
mục đích của việc nhận phôi thai làm con nuôi là để cứu sống một con người
đang gặp nguy cơ, đang bị đe dọa diệt vong, và phương tiện của nó là hành vi
nuôi dưỡng trong tử cung, vốn là một việc hợp lệ về phương diện luân lý. Dù
có thể có sai lầm trong một số trường hợp cá biệt, nhất là khi người đàn bà
có đủ lý lẽ để tin rằng nhận gánh nặng thai nghén có thế gây hại tới khả
năng chu toàn các nhiệm vụ đã có của mình, nhưng nói chung, hành vi này
không thể bị coi là một điều xấu nội tại.”
Hoặc theo ý kiến của
nhà thần học
Surtees: “có
thể hiểu được của hành động nơi cặp vợ chồng muốn đón nhận phôi khi họ tự do
thực hiện điều ấy, đó là việc đón nhận, một hành động hoàn toàn hợp pháp và
hợp luân lý, một hành động có liên quan đến một đứa trẻ đã được thụ thai
nhưng bị khước từ, một hành động không bao giờ bị Huấn Quyền kết án. Dù cho
"mái ấm" đầu tiên của phôi được đón nhận đó là cung lòng của bà mẹ mới,
nhưng tôi chẳng thấy có lý do nào để "mái ấm" như thế bị ngăn cản không cho
vận dụng. Mặt khác, lời đề nghị có thể hiểu được của cặp vợ chồng muốn sử
dụng phương thế sinh sản nhân tạo khi họ tự do thực hiện điều ấy, đó là việc
sinh sản nhân tạo".
Chúc chị tìm được bình an |