một phụ nữ tự gọi mình là “Maria Divine Mercy” "Sứ Điệp Từ Trời" |
RƯỚC LỄ
BẰNG TAY HAY BẰNG MIỆNG |
Hiện nay đang rộ lên phong trào của những người cực đoan cổ vũ cho hình thức rước lễ bằng miệng và phê phán đến mức gay gắt hình thức rước lễ bằng tay. Họ rước lễ bằng miệng thì quá tốt rồi nhưng đâu thể áp đặt, rồi lại phê phán người khác rước lễ không giống mình. Có thể họ quá yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể đến mức cực đoan, bảo thủ hoặc có thể họ đi theo bà MDM để cổ vũ cái gọi là sứ điệp từ trời dị giáo nhằm chống lại ĐGH Phanxicô qua việc ĐGH không cho áp dụng chỉ một hình thức rước lễ bằng miệng. Họ quên rằng trước ĐGH Phanxicô, ĐGH Bênêditô và các ĐGH khác sau Công Đồng Vaticanô II cũng cho áp dụng hai hình thức rước lễ. Chúng ta nhớ lại, từ trước Công Đồng Vaticanô II (1962-1965) việc rước Mình Thánh Chúa (rước lễ) chỉ được trao trên lưỡi mà thôi. Nghĩa là không ai được phép rước lễ bằng tay ở bất cứ nơi nào trong Giáo Hội Công Giáo. Nhưng sau Công Đồng, nhiều cải cách quan trọng đã được thực hiện. Liên quan đến phụng vụ Thánh, thì Nghi Thức Thánh Lễ mới được Đức Thánh Cha Phaolô VI ban hành năm 1970, đã cho phép cử hành Thánh Lễ Misa và các bí tích khác bằng ngôn ngữ địa phương thay vì bằng tiếng Latinh theo nghi thức cũ áp dụng từ năm 1570. Cũng nằm trong những đích cải cách này, thì đặc biệt, việc rước lễ đã được phép lãnh nhận trên tay thay vì buộc phải trên lưỡi như trước. Nhưng đây không phải là luật mới bó buộc mà chỉ là sự chọn lựa được phép mà thôi. Nghĩa là ai muốn rước lễ bằng lưỡi hay trên lòng bàn tay thì đều được phép. GIÁO HỘI CÔNG GIÁO DẠY GÌ VỀ VIỆC RƯỚC LỄ: 1. Giáo lý Hội Thánh Công giáo (GLHTCG) giới thiệu hệ thống của “các giáo huấn trong Kinh thánh, Tông truyền và Giáo quyền, cũng như di sản tâm linh của các Giáo phụ, các Tiến sĩ, và các Thánh của Giáo hội”, cho phép “hiểu đúng hơn về mầu nhiệm Kitô giáo đối với việc làm sống động đức tin của Dân Chúa” (Tông hiến Fidei Depositum của ĐGH Gioan Phaolô II, ngày 11-10-1992, nói về việc xuất bản sách GLHTCG). Nói cách khác, nếu bạn muốn biết điều gì Giáo Hội thực sự dạy thì hãy tìm trong GLHTCG. Vậy Giáo Hội dạy rước lễ như thế nào: Xin xem trong Mục 3: Bí tích Thánh Thể: VI. BÀN TIỆC VƯỢT QUA: http://www.giaoly.org/vn/tai-lieu/giao-ly-hoi-thanh-cong-giao/ Hiệp lễ: "Tất cả các con hãy cầm lấy mà ăn" Các số từ 1384 tới 1389 GLHTCG không nói nên rước lễ bằng miệng hay bằng tay, cũng không nói nên quỳ hay đứng khi rước lễ. Do vậy chúng ta được quyền lựa chọn. 2. Chuyển sang các tài liệu của các Bộ trong Giáo hội Công giáo: - Bộ Phụng Tự và Kỷ luật Bí tích đã ban hành Huấn thị Redemptionis Sacramentum (Bí tích Cứu độ) nói về các vấn đề nên giữ hoặc nên tránh đối với Thánh Thể: [92.] Mặc dù mỗi tín hữu đều có quyền rước lễ bằng miệng, tùy ý chọn (x. Sách lễ Rôma, phần Tổng quát, số 161.), nếu người đó muốn rước lễ bằng tay, trong quyền hạn Hội đồng Giám mục (HĐGM) mà Tòa thánh cho phép, Thánh Thể được trao cho người đó. Tuy nhiên, nên lưu ý để bảo đảm Thánh Thể được người đó dùng trước mặt thừa tác viên, nghĩa là không đem Thánh Thể đi nơi khác. Nếu có nguy cơ phạm Thánh, không được trao Thánh Thể vào tay người rước lễ (Bộ Phụng Tự và Luật về Thánh Thể Bộ Phụng Tự và Luật về các Bí tích, Dubium: Notitiae 35 (1999) tr. 160-161). Nói rõ thêm, nếu Hội Đồng Giám Mục địa phương thấy tiện và xin phép Toà Thánh, thì việc rước lễ có thể được lãnh nhận trên tay thay vì trên lưỡi như xưa. Như vậy, nơi nào Hội Đồng Giám Mục cho phép thì Toà Thánh ưng thuận và việc rước lễ cách này là hợp pháp không có gì sai trái bất kính để phải thắc mắc, đặt vấn đề đúng hay sai. Có chăng chỉ nên lưu ý xem có sự lạm dụng, phạm Thánh nào trong việc này mà thôi. Nghĩa là nếu có ai rước lễ bằng tay nhưng đã không bỏ ngay Mình Thánh Chúa vào miệng trước mặt linh mục hay phó tế hoặc thừa tác viên giáo dân cho rước lễ, mà cầm Mình Thánh về chỗ ngồi, dù là để thờ lạy, thì cũng không được phép. Và ai chứng kiến việc này thì phải báo ngay cho cha chủ tế biết để lấy lại Mình Thánh kia, hoặc buộc người nhận lãnh phải bỏ ngay vào miệng. Nếu ở nơi nào thường xẩy ra tình trạng này thì cha xứ có lý do chính đáng để ngưng cho rước lễ bằng tay hầu tránh nguy cơ phạm Thánh. Như thế, khi trao Mình Thánh Chúa vào tay người nhận, thừa tác viên cần chú ý xem người đó có bỏ Mình Thánh ngay vào miệng sau khi thưa “Amen”, hay cầm Mình Thánh về chỗ ngồi để làm gì. Việc này đã xẩy ra ở nhiều nơi, nên cần chú ý để ngăn chặn kịp thời. 3. Quan tâm các miếng vụn. Một số người Công giáo tranh luận rằng chỉ nên rước lễ bằng tay. Một số điều cơ bản cần được cân nhắc ở đây, (1) Khi linh mục bẻ bánh, không ai biết những miếng vụn ở đâu; và (2) Không chắc chắn có những miếng vụn nào rơi ra khi trao Mình Thánh vào miệng hoặc tay. Trả lời một người Công giáo đã bày tỏ mối quan tâm này với Quốc vụ khanh Tòa thánh Pedro Lopez Quintan, và được trả lời trong lá thư đề ngày 21-6-2002 (website của Huynh đoàn Thánh Piô X ở Hoa Kỳ). Ngài đã nhắc nhở về việc yêu mến Chúa Giêsu hơn là quá chú ý các chi tiết tỉ mỉ. 4. Quan tâm sự khác biệt giữa tay linh mục và tay giáo dân. Sự tranh luận gây lầm lẫn nhiều nhất về việc chỉ được phép rước lễ bằng tay đối với các linh mục vì bàn tay của họ đã được thánh hiến. Đúng, nhưng cũng đúng là chúng ta có sự thừa hành ngoại lệ (cả nam và nữ), dù không là linh mục, cũng được trao Mình Thánh – như chúng ta vẫn thấy có những tu sĩ và giáo dân là những thừa tác viên cho rước lễ. Quan trọng hơn, TRONG Đức Kitô, những người đã chịu phép rửa đều là những người được thánh hiến (consecrated people), và tham dự vào chức tư tế của Đức Kitô dù không là linh mục – bình đẳng về sứ vụ và rõ ràng về sự thừa tác của các linh mục (x. Ga 17; GLHTCG số 873). TRÍCH DẪN KINH THÁNH: - Thánh Thể hoặc Bữa Vượt Qua thể hiện trong Manna ở hoang địa, bánh đó được con cái Israel cầm bằng tay và ăn bằng tay: “Sáng nào cũng vậy, mỗi người lượm tuỳ theo sức mình ăn được bao nhiêu. Và khi mặt trời toả sức nóng, thì nó tan ra. Ngày thứ sáu, họ lượm bánh gấp đôi, mỗi người hai đấu. Tất cả những người lãnh đạo cộng đồng đến báo tin cho ông Môsê. Ông nói với họ: “Đây là điều Đức Chúa phán: mai là ngày nghỉ, ngày sa-bát thánh để kính Đức Chúa. Cái gì phải nấu, thì nấu; cái gì phải luộc, thì luộc; tất cả những gì còn dư, thì hãy cất đi, để dành cho đến sáng hôm sau” (Xh 16, 21-23). - Khi Chúa Giêsu ăn mừng Bữa Vượt Qua của Giao Ước Mới với các môn đệ, rõ ràng đó là Seder (Bữa tối Vượt qua) mà người ta họp lại và ngồi trên nền nhà, trên tấm thảm lớn, có thể ngồi trên chiếc gối, và họ dùng bữa bằng tay. Sau khi Chúa Giêsu bẻ bánh, Ngài đã trao cho mọi người cùng bẻ ra bằng tay của từng người và ăn Thánh Thể của Đức Kitô. Chắc chắn họ là các tư tế của Giao Ước Mới, nhưng có điều là Đức Kitô là Thượng tế không đặt Thánh Thể Ngài vào miệng lưỡi của họ: Các ông ra đi, thấy mọi sự y như Người đã nói, và các ông dọn tiệc Vượt Qua. Khi giờ đã đến, Đức Giêsu vào bàn, và các Tông Đồ cùng vào với Người. Người nói với các ông: “Thầy những khát khao mong mỏi ăn lễ Vượt Qua này với anh em trước khi chịu khổ hình. Bởi vì, Thầy nói cho anh em hay, Thầy sẽ không bao giờ ăn lễ Vượt Qua này nữa, cho đến khi lễ này được nên trọn vẹn trong Nước Thiên Chúa”. Rồi Người nhận lấy chén, dâng lời tạ ơn và nói: “Anh em hãy cầm lấy mà chia nhau. Bởi vì, Thầy bảo cho anh em biết, từ nay, Thầy không còn uống sản phẩm của cây nho nữa, cho đến khi Triều Đại Thiên Chúa đến”. Rồi Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các ông và nói: “Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy”. Và tới tuần rượu cuối bữa ăn, Người cũng làm như vậy và nói: “Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em” (Lc 22:13-20). - Và cũng tại Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã đặt Bánh Thánh vào tay của ông Giu-đa chứ không đặt vào miệng ông: Ông Gioan nghiêng mình vào ngực Đức Giêsu và hỏi: “Thưa Thầy, ai vậy?”. Đức Giêsu trả lời: “Thầy chấm bánh đưa cho ai, thì chính là kẻ ấy”. Rồi Người chấm một miếng bánh, trao cho Giuđa, con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt. Y vừa ăn xong miếng bánh, Satan liền nhập vào y. Đức Giêsu bảo y: “Anh làm gì thì làm mau đi!” (Ga 13:25-27). Như vậy, rước lễ đúng cách là vấn đề trọn vẹn – trí tuệ, cơ thể, và linh hồn. Nếu bạn thực sự yêu mến và tôn kính Thiên Chúa Ba Ngôi và bạn thực sự biết Chúa Giêsu là Thánh Thể, là chính Máu Thịt Ngài, Linh hồn và Thiên tính Ngài, bạn xứng đáng lãnh nhận Ngài qua Bí tích Thánh Thể, rồi bạn đến gần Thiên Chúa với mức độ tôn kính mà Đức tin sâu đậm đem lại cho bạn. Chỉ khi nào bạn nhận biết mối quan hệ của bạn với Thiên Chúa, bạn mới không xét đoán người khác theo bề ngoài, vì Thiên Chúa thấu suốt linh hồn chúng ta, còn chúng ta không thể. Đừng e ngại, đừng mặc cảm hoặc bối rối khi rước lễ bằng tay chỉ vì bạn nghe nói như vậy là không đúng, là bất xứng. Đừng để ai nói bạn không tôn kính Thiên Chúa vì bạn không cẩn trọng như họ. Chúng ta chỉ vì tin Chúa Giêsu hiện diện thật trong Bí tích Thánh Thể, và được quyền tự do chọn lựa mà Ngài để bạn tùy ý muốn yêu Ngài hoặc ghét Ngài, dù Ngài đã đến thế gian hơn 2.000 năm trước để trao ban chính Ngài cho cả những người yêu Ngài lẫn những người ghét Ngài. Yêu Ngài là bạn đã chọn lựa đúng và bạn còn muốn yêu Ngài nhiều hơn bằng cách tham dự Đại tiệc Thánh Thể. Do đó, hãy chọn lại cách tiếp nhận Ngài như lòng bạn muốn và theo khuôn khổ của Giáo hội, Hiền Thê của Đức Kitô. *** Tóm lại: Qua Tông Thư nói trên, chính Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã cho phép việc rước lễ dưới hai hình thức (khi thuận tiện) cũng như được phép rước Mình Thánh Chúa trên tay, hoặc trên lưỡi, trừ trường hợp Mình Thánh được chấm vào Máu Thánh thì buộc phải rước trên lưỡi. Thánh Bộ Phụng Tự đã minh xác những thay đổi nói trên và cho áp dụng chung trong toàn Giáo Hội cho đến nay. Vậy bao lâu chưa có quyết định thay đổi nào khác của Toà Thánh, thì mọi thành phần dân Chúa – giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân – có bổn phận vâng phục thi hành nghiêm chỉnh. Không ai được phép đưa ra những lý do chủ quan, cá nhân để phê phán hay đòi sửa đổi theo ý của mình. Giáo Hội không phải là một tổ chức chính trị cai trị theo những nguyên tắc gọi là “dân chủ” dân quyền mà phải theo kỷ luật chung của Hàng Giáo Phẩm dưới quyền lãnh đạo tối cao của Đức Thánh Cha là Đại Diện duy nhất và hợp pháp của Chúa Kitô trên trần gian. Không tôn trọng nguyên tắc này thì không còn là Giáo Hội nữa. |