một phụ nữ tự gọi mình là “Maria Divine Mercy”  "Sứ Điệp Từ Trời"

LÀM CÁCH NÀO ĐỂ TỰ BẢO VỆ MÌNH...

Joe Bùi

LÀM CÁCH NÀO ĐỂ TỰ BẢO VỆ MÌNH VÀ GIÚP NHỮNG NGƯỜI KHÁC KHỎI NHỮNG CẠM BẪY CỦA KẺ THÙ GH LÀ MA QUỶ?

 

Vô tri bất mộ. Chúng ta không thể yêu một người mà chúng ta không biết về người đó. Cái gọi là “tiếng sét ái tình” chỉ là một cảm xúc của thể lý và tâm lý chứ không phải là bản chất của tình yêu chân thật. Chúng ta không thể yêu mến Chúa, nếu chúng ta không biết về những Lời Ngài giảng dạy và những việc Ngài làm được mặc khải trong Kinh Thánh. Chúng ta không thể yêu mến GH của Ngài nếu chúng ta không biết về lịch sử của GH, về giáo lý và những lời giảng dạy của GH.

 

Giáo lý và tín lý CG là kết quả của những suy tư của một nền thần học do các thánh giáo phụ và những nhà triết gia và thần học gia lỗi lạc để lại cho GH trong hai ngàn năm qua. Thần học là một khoa học thánh, khoa học về tâm linh, khoa học về siêu nhiên, dựa trên triết lý và những sự mặc khải của Thiên Chúa trong GH của Ngài. Không như nhiều người lầm tưởng, khoa học siêu nhiên (thần học) này không bao giời đối nghịch hoặc mâu thuẫn với khoa học tự nhiên, trái lại cả hai đều có thể hỗ trợ và làm sáng tỏ hơn cho nhau. Ít nhất là chúng ta nên biết thần học căn bản về Kitô học, Giáo Hội học, và về Thánh Mẫu học, để chúng ta hiểu biết và yêu mến hơn đối với Đức Giêsu, GH và Mẹ Ngài. Sự hiểu biết về thần học sẽ giúp chúng ta hiểu biết giáo lý và tín lý rõ ràng hơn, nó sẽ giúp chúng ta tránh khỏi những sự mê tín dị đoan phù phiếm trong đời sống đức tin, và nhất là nó sẽ giúp chúng ta biết nhận định những MKT nào đúng và những MKT nào sai (*).

 

Những sách thiêng liêng,  những hạnh các thánh là những món ăn tinh thần giúp chúng ta tăng trường trong đời sống tâm linh. Thánh Inhaxio có những cách thức cho chúng ta biết phân biệt Thần Khí và tà khí để giúp chúng ta tránh khỏi những mưu chước của ma quỷ. Nếu chúng ta say mê đọc những thông điệp (hoặc những sách vở tài liệu vô bổ nguy hại), mà trong khi đó chúng ta không chịu học hỏi những điều căn bản như đã đề cập ở trên, thì rõ ràng là chúng ta đã phí phạm thì giờ và công sức cho một sự vô bổ và nguy hại. Người viết nói lên điều này do chính kinh nghiệm của mình, chứ không phải do người viết tự ý suy diễn. Người viết có lần nhận được một email của một việt kiều cư ngụ bên Pháp, bà nói là bà cảm thấy cuộc sống rất hạnh phúc sau khi bà bỏ đạo CG. Khi hỏi lý do tại sao bà bỏ đạo, bà trả lời là bà có đọc một cuốn sách rất hay, và nó làm cho bà bỏ đạo. Bà có cho người viết tên cuốn sách và tác giả, nhưng rất tiếc là bà không biết cuốn sách đó được viết bởi một người rất có thành kiến và ác cảm với đạo CG. Dù bà nói là bà cảm thấy rất hạnh phúc, nhưng qua những lời bà viết trong email, người viết nhận thấy bà không hề có bình an thật sự, vì bà chỉ nói những điều tiêu cực, chê bai, trách móc Hội Thánh là Nhiệm Thể của Chúa Giêsu. Người viết đã giải thích những sự hiểu lầm của bà về GHCG, và hứa sẽ cầu nguyện cho bà. Sau đó thì người viết không còn nhận được email của bà nữa. Hy vọng là bà đã được bình an thật sự…!  Ma qủy sẽ để yên cho những người sống xa lìa Chúa và GH, nhưng chúng sẽ không bao giờ để yên cho những người sống kết hiệp với Chúa và GH của Ngài, và đó là sự thật mà người viết đã từng được chứng kiến và cảm nghiệm trong cuộc sống! 

Tâm lý của đa số chúng ta là chỉ thích những tin tức gì có vẻ bí mật, nóng bỏng, giật gân, và nhất là những thông điệp mang tính cách tiên tri (những sự kiện sẽ xảy đến trong tương lai gần). Ma quỷ luôn lợi dụng tính tò mò này của chúng ta để chúng khai thác một cách triệt để. Bằng chứng điển hình là chúng ta thích chú tâm tìm hiểu về những bí mật của sứ điệp Fatima hơn là những lời khuyên nhủ của Mẹ. Vì bản tính tò mò tai hại này mà nhiều thầy bùa thầy pháp, thầy bói thầy ngãi, và những kẻ lừa đảo có cơ hội để sinh sống và phát triển. 

Một em bé trong lúc đang vui đùa, sẽ khó mà nghe lời mẹ nó kêu gọi để từ bỏ cuộc chơi mà đến với mẹ. Nhưng khi nó bị té ngã, nó sẽ tự động chạy đến trong vòng tay người mẹ để được an ủi vổ về; hoặc khi nó gặp sự đe dọa, sự nguy hiểm đang xảy tới, thì nó lập tức sẽ chạy đến bên người cha để được sự bảo bọc chở che. Chúng ta đối với Chúa và Mẹ cũng thế, vì cho dù chúng ta có sống đến mấy trăm tuổi, thì đối với các Ngài, chúng ta cũng chỉ là những đứa trẻ ham chơi và hay lơ đãng. Đôi khi chúng ta cũng cần phải có những biến cố thật nặng nề xảy đến cho chúng ta để giúp chúng ta quay về với các Ngài. Tất cả mọi sự đều bởi tình yêu của Chúa và Mẹ đối với con cái loài người của các Ngài mà thôi. Chân phước ĐTC Gioan Phaolo II đã nói: “Không những Mẹ dẫn dắt chúng ta đến với Chúa Giêsu Con Mẹ, chính Chúa Giêsu cũng dẫn dắt chúng ta đến với Mẹ Người” (**) 

Mới đây, trong bài gỉảng Thánh Lễ tại nhà nguyện của Nhà Trọ Thánh Martha ngày 4/5/2013,  ĐGH Phancico đã nói: “Chúng ta hãy luôn hiền lành và khiêm nhường hầu có thể đánh bại những lời hứa trống rỗng và sự thù hận của thế giới.” Chỉ có bắt chước và cầu nguyện cùng Thánh Gia (Giêsu-Maria-Giuse) thì chúng ta mới học được bài học hiền lành và khiêm nhường (6). 

Thật ra, chúng ta không cần thiết phải đi tìm những MKT từ những người khác, vì mỗi người trong chúng ta đều được Chúa Thánh Linh luôn mặc khải trong suốt cuộc sống, chỉ có điều là chúng ta có nhận thấy những gì được Ngài mặc khải hay không mà thôi. Ngài mặc khải cho chúng ta qua những biến cố lớn nhỏ trong cuộc sống: những người chúng ta gặp gỡ, những đau yếu bệnh tật chúng ta mắc phải, những thất bại trong những dự án, khi thân nhân bạn hữu qua đời, khi bị người yêu ruồng bỏ, khi bị người khác hiểu lầm, khi no ấm cũng như lúc đói lạnh, khi được kính trọng cũng như lúc bị khinh chê, v.v…. và nhất là khi chúng ta cầu nguyện nói chuyện trực tiếp với Ngài. 

Trong tinh thần “chị ngã em nâng”, chúng ta luôn cầu nguyện cho nhau, vì sự cầu nguyện là điều quan trọng nhất giúp chúng ta luôn gắn bó với Chúa và Mẹ. Nếu chúng ta luôn cầu nguyện, thì Thiên Chúa sẽ không bao giờ cần phải dùng những biến cố nặng nề thảm hại để thức tỉnh chúng ta. Nhiều người mất đức tin chỉ vì không cầu nguyện, và đó là một thực trạng trong xã hội yêu chuộng vật chất, tự do phóng túng, và tham lam quyền hành của thời nay. Một thế giới mà tình yêu đang ngày càng biến mất giống như màn đêm đang phủ xuống trên toàn thể địa cầu. Một khi tình yêu không còn nữa, người ta sẽ mất hết hy vọng, và người ta sẽ tự đi tìm cái chết để mong được giải thoát. Gần đây, tin tức về những thanh thiếu niên, và có cả con trẻ (9 tuổi), đã đua nhau tự tử chì vì những chuyện buồn nhỏ như con kiến. Đó là hậu quả tang thương của thuyết vô thần duy vật, họ cố tình dẹp bỏ các niềm tin tôn giáo vì họ cho nó là thuốc phiện, nhưng họ không ý thức được rằng, chính niềm tin tôn giáo mới có thể đem lại cho họ niềm hy vọng vào đời sau và sự bình an ở đời này. Sự cầu nguyện sẽ tăng thêm đức tin-cậy-mến. Đức tin sẽ tăng thêm hy vọng và đem đến cho chúng ta tình yêu (vì tình yêu đến từ Thiên Chúa), và chỉ có tình yêu mới cứu được chúng ta, mới cứu được thế giới đang bị chế ngự bởi nền văn hóa sự chết và đầy thù hận này! 

Trong cuốn sách “To Whom Shall We Go? Lessons from the Apostle Peter” của ĐTGM Timothy M. Dolan (bây giờ ngài là Hồng Y) đã viết rất hay về những cách thức cầu nguyện như sau: 

“Hãy xét mình về 3 thái độ khi cầu nguyện: 

1. Cầu nguyện cho qua: để giữ ơn kêu gọi, để đạt được mục đích, giống như thái độ của người đi học chỉ nhắm thi cho đậu. Thái độ này sẽ đưa đến sự tầm thường, “lình xình” trong đời sống thiêng liêng. 

2. Cầu nguyện một cách nghiêm chỉnh: coi như nền tảng của mọi sự, nhằm thực sự gặp gỡ Chúa, có một cuộc sống thân thiết với Người. Thái độ này dẫn tới sự tiến triển thiêng liêng. 

3. “Tất cả cho cầu nguyện!”: coi cầu nguyện như điều cần thiết, như là “Tất cả”, như là “Mọi sự”. Đây là con đường đưa tới sự hoàn thiện, tới sự thánh thiện chân thực. Đây là con đường của các thánh. 

Chúng ta muốn chọn thái độ nào thì tùy ý.” (**) 

San Jose, Tháng Hoa Kính Mẹ, 2013 

Joseph V. Bùi

 


Chú thích:

 

(*) Web Link của Thần Học CG:

 http://www.htth.org/cac_so_bao.html#mucluc38

 

      Web Link của Giáo Lý CG:   http://xuanha.net/

 

      Web Link của Lịch Sử CG:    http://xuanha.net/

 

 (**) To Whom Shall We Go? Lessons from the Apostle Peter

 

Archbishop Timothy M. Dolan

Our Sunday Visitor 2008

Dịch giả: LM. Giuse Nguyễn Văn. Chữ, OP. “Bỏ Thầy, Chúng Con Sẽ Theo Ai?”

 

“… Thầy là cây nho anh em là cành…” (Ga 15,5)

 

“… Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời…”    (Mt 18, 3)

 

       ”…Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên…” (Lc 14, 11)

 

“… Nên hễ cây tốt thì sinh quả tốt, cây xấu thì sinh quả xấu. Cây tốt không thể sinh quả xấu, cũng như cây   xấu không thể sinh quả tốt…” (Mt 7,17-18)

 

“…Cứ dấu này mà mọi người biết các con là môn đệ của Thầy, đó là các con yêu thương nhau…”  a 13, 35 )

 

“…Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi…”  (Mt 16, 18)

 

“…hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường….” (Mt 11, 29)