Cuộc phỏng vấn Đức Giáo Hoàng |
JORGE MARIO BERGOGLIO LÀ AI? |
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh,
BVL |
|
1- Jorge Mario Bergoglio là ai? Tôi hỏi thẳng Đức Giáo Hoàng Phanxicô rằng: "Jorge Mario Bergoglio là ai?" Ngài chăm chăm nhìn vào tôi một cách trầm lặng. Tôi hỏi ngài xem tôi có được hỏi ngài câu này hay chăng. Ngài gật đầu và trả lời rằng: "Tôi không biết phải diễn tả làm sao cho thích đáng nhất đây... Tôi là một tội nhân. Đó là một định nghĩa chính xác nhất. Nó không phải là một lời nói bóng gió, một thứ văn chương. Tôi là một tội nhân". Đức Giáo Hoàng tiếp tục chia sẻ và tỏ ra tập trung vào vấn đề như thể ngài không ngờ về một câu hỏi như thế, như thể ngài bị bắt buộc phải chia sẻ thêm. "Đúng thế, có lẽ tôi có thể nói rằng tôi hơi khéo léo một chút, rằng tôi có thể thích ứng với các hoàn cảnh mà nói, thế nhưng tôi cũng thật sự là hơi ngây ngô thẳng thắn. Phải đấy, thế nhưng cái tóm gọn đúng nhất, cái xuất phát từ trong lòng và tôi cảm thấy đúng nhất là thế này: Tôi là một tội nhân được Chúa đoái thương". Và ngài lập lại rằng: "Tôi là một kẻ được Chúa đoái thương. Tôi luôn cảm thức được câu tâm niệm của mình, Miserando atque Eligendo (vì thương mà chọn) là những gì rất đúng với tôi". Câu tâm niệm này được lấy từ các Bài Giảng của tác giả Bede the Venerable, vị viết trong phần dẫn giải của mình về câu truyện Phúc Âm liên quan đến việc Thánh Mathêu được Chúa Giêsu kêu gọi: "Chúa Giêsu đã trông thấy một người thu thuế, và vì Người nhìn anh ta bằng những cảm xúc yêu thương nên đã chọn anh ta, Người đã nói cùng anh ta rằng: 'Hãy theo Ta'". Đức Giáo Hoàng còn thêm: "Tôi nghĩ động danh từ Latinh miserandonày không thể dịch sang cả tiếng Ý lẫn tiếng Tây Ban Nha. Tôi thích dịch nó bằng một động danh từ (gerund) khác vốn không có, đó làmisericordiando ('mercy-ing' - việc thương xót)". Đức Giáo Hoàng tiếp tục chia sẻ mà nói, khi nhẩy qua một đề tài khác: "Tôi không biết rõ về Rôma. Tôi biết một ít điều thôi. Những điều này bao gồm Đền Thờ Đức Bà Cả; tôi thường đến đó. Tôi biết Đền Thờ Đức Bà Cả, Đền Thờ Thánh Phêrô... thế nhưng khi tôi cần phải đến Rôma thì tôi bao giờ cũng ở (vùng lân cận) của Via della Scrofa. Từ đó, tôi thường viếng thăm Nhà Thờ Thánh Louis Pháp Quốc và tôi đến đó để chiêm ngưỡng bức họa liên quan đến 'Ơn Gọi của Thánh Mathêu' của Caravaggio. "Ngón tay của Chúa Giêsu chỉ vào Thánh Mathêu. Tức là tôi. Tôi cảm thấy như ngài". Đến đây Đức Giáo Hoàng trở nên quyết liệt, như thể ngài cuối cùng đã thấy được hình ảnh ngài đã tìm kiếm: "Chính cử chỉ của Thánh Mathêu đã tác động tôi: Ngài giữ lấy tiền của ngài như muốn nói rằng 'Không, không phải là tôi! Không, tiền bạc này là của tôi'. Đấy, tôi đó, một tội nhân đã được Chúa hướng nhìn tới. Và đó là những gì tôi đã nói khi các vị hỏi tôi rằng tôi có chấp nhận được tuyển bầu làm giáo hoàng hay chăng". Bấy giờ vị giáo hoàng này đã thầm thỉ bằng tiếng latinh rằng: "Tôi là một tội nhân, nhưng tôi tin vào tình thương vô biên và nhẫn nại của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng tôi, và tôi chấp nhận bằng tinh thần thống hối". 2- Tại sao ngài lại trở thành một tu sĩ Dòng Tên? Tôi tiếp tục: "Tâu Đức Thánh Cha, cái gì đã khiến ngài chọn gia nhập Dòng Chúa Giêsu? Cái gì đã đánh động ngài về Dòng Tên?" "Tôi đã muốn một cái gì hơn nữa. Thế nhưng tôi không biết đó là cái gì. Tôi đã nhập chủng viện của địa phận. Tôi thích anh em tu sĩ Dòng Đa Minh và tôi có bạn bè Đa Minh. Thế nhưng tôi đã chọn Dòng Chúa Giêsu là dòng tôi đã biết rõ vì chủng sinh được ủy thác cho các Cha Dòng Tên. Có 3 điều đặc biệt đánh động tôi về Dòng này, đó là tinh thần truyền giáo, cộng đồng và kỷ luật. Và đó mới là điều lạ, vì tôi là một con người thật là phi kỷ luật. Thế nhưng, kỷ luật của họ, cách thức họ điều hành giờ giấc của họ - những điều ấy đã đánh động tôi rất nhiều. "Rồi còn một điều nữa thật sự là quan trọng đối với tôi, đó là cộng đồng. Tôi luôn luôn tìm kiếm một cộng đồng. Tôi không coi tôi như là vị linh mục một mình. Tôi cần một cộng đồng. Và cha có thể thấy điều này nơi sự kiện tôi ở Nhà Thánh Matta đây. Vào thời điểm mật nghị hồng y bầu giáo hoàng, tôi đã ở Phòng 207. (Phòng được phân chia bằng việc rút thăm). Phòng mà giờ đây chúng ta ở là một phòng khách. Tôi đã chọn sống ở đây, tại Phòng 201, vì khi tôi định lấy căn giáo hoàng thất thì trong bản thân mình tôi đã nghe rõ một tiếng 'đừng'. Căn giáo hoàng thất ở Tông Dinh không sang trọng lộng lẫy gì. Nó cũ kỹ, được trang hoàng đẹp đẽ và rộng rãi, nhưng không sang trọng lộng lẫy. Thế nhưng, nó ở cuối giống như một cái phễu lộn ngược. Nó lớn và rộng rãi, thế nhưng lối vào lại thật là nhỏ. Người ta chỉ có thể đi vào từng ít một và buồn tẻ, và tôi không thể sống mà thiếu dân chúng. Tôi cần sống cuộc đời mình với những người khác". 3- Một tu sĩ Dòng Tên làm Giám Mục Rôma có nghĩa là gì? Tôi hỏi Đức Giáo Hoàng Phanxicô về sự kiện ngài là tu sĩ Dòng tên đầu tiên được chọn bầu làm giám mục Rôma rằng: "Đức Giáo Hoàng hiểu như thế nào về vai trò phục vụ giáo hội hoàn vũ mà ngài đã được kêu gọi để thực hiện theo chiều hướng của linh đạo I Nhã (Ignatio)? Việc một tu sĩ Dòng Tên được chọn làm giáo hoàng có nghĩa là gì? Yếu tố nào trong linh đạo I Nhã có thể giúp ngài sống thừa tác vụ của ngài?" Ngài trả lời rằng: "Nhận thức. Nhận thức là một trong những điều đã tác động nội tâm của Thánh I Nhã. Đối với thánh nhân thì nó là một khí giới của một cuộc gắng gỏi để nhận biết Chúa và theo Người chặt chẽ hơn. Tôi luôn bị đánh động bởi một câu nói diễn tả cái nhãn quan của Thánh I Nhã, đó là câu: non coerceri a maximo, sed contineri a minimo divinum est ("không bị hạn chế bởi những gì vĩ đại nhất mà vẫn được chất chứa trong những gì bé mọn nhất - đó là thần linh"). Tôi đã nghĩ rất nhiều về câu này liên quan đến vấn đề các vai trò khác nhau trong việc quản trị giáo hội, về việc trở thành bề trên của một ai khác: vấn đề quan trọng ở đây là đừng bị hạn chế bởi một khoảng rộng lớnmà vẫn cần phải có thể ở trong những khoảng hạn hẹp. Nhân đức về những gì lớn nhỏ này là nhân đức cao thượng đại lượng. Nhờ cao thượng đại lượng chúng ta mới luôn có thể nhìn về chân trời từ vị trí chúng ta đang ở. Nghĩa là có thể thực hiện những điều nghỏ mọn hằng ngày bằng một con tim to lớn hướng về Thiên Chúa và về người khác. Nghĩa là có thể cảm nhận được những gì nhỏ bé bên trong những chân trời rộng lớn, những chân trời của vương quốc Thiên Chúa. Đức Giáo Hoàng nói tiếp: "Câu tâm niệm này cống hiến cho chúng ta những yếu tố để có thể cho rằng mình nắm bắt được nhận thức, để nghe những gì về Thiên Chúa theo 'quan điểm' của Thiên Chúa. Theo Thánh I Nhã, những đại nguyên tắc cần phải được thể hiện nơi các hoàn cảnh về nơi chốn, thời gian và nhân sự. Theo cách thức riêng của mình, Đức Gioan XXIII đã thích ứng thái độ này với việc quản trị giáo hội, khi ngài lập lại câu tâm niệm 'Hãy nhìn xem tất cả mọi sự; hãy hướng con mắt mù lòa về phần đông; hãy điều chỉnh cái chút xíu'. Đức Gioan XXIII đã thấy tất cả mọi sự, thấy cái chiều kích tối đa, thế nhưng ngài chỉ muốn điều chỉnh một chút ít, chiều kích tối thiểu. Ông có thể có những đại dự phóng và thực hiên chúng bằng một chút những cái nhỏ mọn nhất. Hay ông có thể dùng phương tiện yếu kém tác hiệu hơn là những phương tiện hùng hậu, như Thánh Phaolô cũng đã nói ở trong Thư Thứ Nhất của ngài gửi Giáo Đoàn Corintô. "Cái nhận thức này cần đến thời gian. Chẳng hạn, nhiều người nghĩ rằng các thứ thay đổi và canh tân cải cách có thể xẩy ra trong vòng một thời gian ngắn. Tôi tin rằng chúng ta luôn luôn cần thời gian để đặt nền móng cho các đổi thay thực sự hiệu nghiệm. Và đó là thời gian của việc nhận thức. Trái lại, đôi khi việc nhận thức thôi thúc chúng ta thực hiện chính xác những gì ông nghĩ ngay từ đầu ông cần phải làm gì sau đó. Và đó là những gì đã xẩy ra cho tôi trong những tháng vừa qua. Việc nhận thức bao giờ cũng cần phải thực hiện trước nhan Chúa, khi nhìn vào các dấu chỉ, khi lắng nghe những gì xẩy ra, cảm thấy dân chúng, nhất là người nghèo. Những chọn lựa của tôi, bao gồm những chọn lựa liên quan tới các khía cạnh sống hằng ngày, như việc sử dụng một cái xe bình dân, đều liên hệ tới một thứ nhận thức thiêng liêng có thể đáp ứng một nhu cầu nào đó xuất phát từ việc nhìn vào các sự vật, vào dân chúng cũng như từ việc thấy được các dấu chỉ thời đại. Việc nhận thức trong Chúa là những gì hướng dẫn tôi về đường lối tôi quản trị. "Thế nhưng, tôi bao giờ cũng thận trọng về các quyết định vội vàng thực hiện. Tôi bao giờ cũng thận trọng về quyết định đầu tiên của mình, tức là về điều đầu tiên đến trong đầu của tôi nếu tôi cần phải đi đến quyết định. Đây thường là một điều sai lầm. Tôi cần phải chờ đợi và thẩm định, nhìn sâu xa vào bản thân mình, trong một thời gian cần thiết. Sự khôn ngoan của việc nhận thức là những gì bù đắp lại cho cái mập mờ cần thiết trong đời sống, và giúp cho chúng ta tìm thấy phương tiện thích đáng nhất, cái mà không phải bao giờ cũng trùng hợp với những gì có vẻ vĩ đại và hùng tráng". (còn tiếp) Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tạp chí Americacủa Dòng Tên
Cuộc phỏng vấn GH Phanxico
Thật là một cơ hội ngàn vàng để tìm hiểu sâu xa về vị tân Giáo Hoàng Phanxicô ngoại thường của chúng ta về đời sống, tâm tình, nhận định và chủ trương của ngài. Cuộc phỏng vấn dài này kéo dài 3 buổi khác nhau, tại chính phòng trọ của ngài ở Casa Santa Marta - Nhà Thánh Matta, trong Tháng 8/2013 vừa rồi. Nhân vật phỏng vấn ngài là Cha Antonio Spadaro, chủ bút tờ La Civiltà Cattolica của Dòng tên bên Ý. Vị linh mục Dòng Tên này đã phỏng vấn ngài với tư cách là đại diện cho 16 tờ báo khác nữa của Dòng tên trên khắp thế giới, chẳng hạn như Thinking Faith, America v.v. Các vị chủ bút của các tờ báo này đã gửi các câu hỏi cho Cha Spadaro, người đã đúc kết chúng lại một cách thứ tự. Ngôn ngữ được sử dụng cho cuộc phỏng vấn này là bằng tiếng Ý, và sau khi bản tiếng ý được chấp nhận thì một nhóm 5 chuyên viên độc lập đã được ủy thác để cùng nhau thực hiện bản dịch sang tiếng Anh là bản được người dịch này sử dụng trong việc cố gắng thực hiện nhanh bao nhiêu có thể để phổ biến trong cộng đồng Dân Chúa Việt Nam về vị giáo hoàng Phanxicô đương kim đặc biệt của chúng ta. Nội dung của cuộc phỏng vấn bao gồm những câu hỏi liên quan đến các vấn đề thứ tự sau đây: 1- Jorge Mario Bergoglio là ai? 2- Tại sao ngài lại trở thành một tu sĩ Dòng Tên? 3- Một tu sĩ Dòng Tên làm Giám Mục Rôma có nghĩa là gì? 4- Dòng Tên 5- Mô Phạm: Peter Faber, 'Vị Linh Mục Cải Cách' ('Reformed Priest’) 6- Kinh Nghiệm trong Việc Quản Trị Giáo Hội 7- Suy tư với Giáo Hội 8- Các Giáo Hội trẻ trung và Các Giáo Hội cổ xưa 9- Giáo Hội như là một Bệnh Viện Lưu Động (Field Hospital) 10- Một Vị Giáo Hoàng của Một Dòng Tu 11- Tòa Thánh Rôma 12- Nữ Giới trong Đời Sống của Giáo Hội 13- Công Đồng Chung Vaticanô II 14- Tìm Kiếm và Tìm Gặp Thiên Chúa trong hết mọi sự 15- Tính chất vững chắc và sai lầm 16- Chúng ta cần phải lạc quan? 17- Nghệ thuật và sáng tạo 18- Những giới tuyến và các phòng thí nghiệm 19- Việc tự thức nhân bản 20- Việc cầu nguyện Cha Spadaro đã bắt đầu viết về cuộc phỏng vấn này bằng những nhận định của mình về nơi cư trú hiện nay của Đức Thánh Cha cũng như về thái độ của ngài trong cuộc hỏng vấn như sau: "Cảnh trí giản dị, khắc khổ. Chỗ làm việc là một cái bàn nhỏ. Tôi ngạc nhiên chẳng những về tính chất giản dị của đồ đạc mà còn về những vật ở trong căn phòng này nữa. Chỉ có vài thứ thôi. Những thứ này bao gồm ảnh Thánh Phanxicô, một tượng Đức Mẹ Luján là quan thày của Nước Á Căn Đình, một tượng chuộc tội và một tượng Thánh Giuse đang thiếp ngủ. Cái linh đạo của Đức Jorge Mario Bergoglio không phải được làm nên bởi 'những thứ năng lực hài hòa' như ngài nói, mà là những bộ mặt con người, đó là Đức Kitô, Thánh Phanxicô, Thánh Giuse và Mẹ Maria. Đức Giáo Hoàng nói về chuyến viếng thăm Ba Tây của ngài. Ngài cho đó thực sự là một ơn Chúa ban, đến dộ, đối với ngài, Ngày Giới Trẻ Thế Giới là một 'mầu nhiệm'. Ngài nói rằng ngài không quen nói với quá nhiều người: 'Tôi có thể gặp gỡ cá nhân, từng người một, để giao tiếp riêng với người đó trước mặt tôi. Tôi không quen với các thứ đám đông', Ngài cũng nói về giây phút trong cuộc mật nghị hồng y bầu giáo hoàng khi mà ngài bắt đầu nhận thức được rằng ngài có thể là vị giáo hoàng. Vào bữa trưa Thứ Tư ngày 13/3, ngài đã cảm thấy một bình an sâu xa khôn tả trong lòng và niềm an ủi, như ngài nói, cùng với một thứ tối tăm cả thể. Và những cảm nhận này đã theo ngài cho đến ngài được chọn bầu vào chiều hôm đó. "Vị giáo hoàng đã nói trước về vấn đề rất khó khăn của ngài trong việc để cho phỏng vấn. Ngài nói rằng ngài thích suy tư hơn là cống hiến những câu trả lời tại chỗ cho các cuộc phỏng vấn. Trong cuộc phỏng vấn này, Đức Giáo Hoàng đã mấy lần ngắt quãng những gì ngài đang nói để trả lời cho một câu hỏi, hầu thêm vào một điều gì nữa cho một câu trả lời trước đó. Nói chuyện với Đức Giáo Hoàng Phanxicô là một thứ lưu lượng núi lửa tư tưởng được quyện lại với nhau. Ngay cả việc ghi nhận cũng khiến cho tôi cái cảm giác không thoải mái làm sao ấy, như thể tôi đang cố gắng chèn nén một mạch suối đối thoại đang dâng trào". Xin chờ coi tiếp diễn tiến và nội dung của cuộc phỏng vấn hiếm quí và đầy hy hữu này trong các ngày tới. |