NĂM TÂN PHÚC ÂM HÓA GIA ĐÌNH


"Tân Phúc Âm Hóa":
 Những Trục Chính Của Thượng Hội Đồng

Nguồn: tgpsaigon.net

Bài của Đức Cha Pierre – Marie Carré, Tổng Giám mục Montpelliers, Thư ký đặc biệt của Đại Hội Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ XIII

Đề tài của Đại hội Thượng Hội Đồng Giám Mục lần Thứ XIII là: “Tân Phúc Âm hóa để thông truyền Đức tin Kitô giáo”. Có thể nêu lên 8 định hướng chính trong nội dung Đại hội. Tuy nhiên, không thể tách rời mỗi định hướng khỏi toàn bộ các định hướng khác.

1. Hoán Cải.

Điểm nhấn đầu tiên chắc chắn liên hệ đến Giáo hội vì trong suốt Đại hội Giáo hội luôn được bàn đến. Trước khi nghĩ đến việc loan báo Tin Mừng cho kẻ khác, Giáo hội cần phải đón nhận trọn vẹn Tin Mừng của Đức Kitô và đem ra thực hành. Đó là lý do khiến mọi thành phần Dân Chúa cần phải lặp lại cuộc hoán cải, nếu không làm sao lời rao giảng của ta có thể đáng tin được, khi hành động của ta ngược với lời mình nói?

Bên cạnh việc hoán cải luân lý, vấn đề “hoán cải mục vụ” cũng được đặt ra. Hoán cải mục vụ có nghĩa là: ta mong muốn cho Đức Kitô nhất thiết phải được đặt tại trọng tâm các hoạt động và chọn lựa mục vụ. Như thế, ta không cầu nguyện để xin Chúa ban cho các kế hoạch của ta mang lại hoa trái, nhưng ta cầu nguyện để Ngài ban cho ta biết phân định kế hoạch nào phù hợp với lòng mong ước của Ngài. Vì vậy, việc hoán cải mục vụ đòi hỏi thái độ thoát ra khỏi mình, để bước vào những dự kiến của Chúa! “Những việc Thiên Chúa muốn, là các ông hãy tin” (Ga 6,27).

Cần nhắc lại rằng, một cuộc hoán cải như thế không bao giờ được thực hiện một lần thay cho tất cả. Chỉ Thiên Chúa mới có thể đụng đến các tâm hồn, hoán cải một con người và mặc khải cho biết Ngài là Đấng nào. Ta cần phải thật sự trở thành những người cộng tác vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa, không đặt mình làm trọng tâm, nhưng xin lửa của Thần Khí để một lễ Hiện Xuống mới lại xảy đến!

2. Loan báo đầu tiên.

Định hướng thứ hai đó là: loan báo đầu tiên! Khó khăn chính ngày nay gặp phải là khả năng tiếp cận với con người và giúp họ khám phá ra Thiên Chúa là Ai, như Đức Giêsu đã thể hiện. Ban đầu, những diễn từ dài không đánh động được gì. Một sứ điệp ngắn gọn, trực tiếp và đanh thép lại rất cần. Trong Tân Ước, điều đó được gọi là Kêryma. Trọng tâm của đức tin được diễn tả trong một số cụm từ: Thiên Chúa ở cùng chúng ta, Đức Giêsu mạnh hơn sự chết, Ngài yêu bạn và hiểu biết bạn.

Cần phải thú nhận rằng Giáo Hội Công giáo không mấy ưa hình thức loan báo này, nên đã dành mảnh đất cho các Giáo hội Tin lành hay những nhóm rao truyền khác. Ta cần phải học kiểu loan báo trực tiếp, tươi vui và hiệu lực này, và chắc chắn ta phải tập dượt.

3. Huấn giáo.

Sau việc va chạm mà cuộc loan báo đầu tiên Kêryma có thể tiêu biểu, phải đi đến việc huấn luyện đầy đủ và có cấu trúc hơn. Đó là thời gian huấn giáo. Huấn giáo phải liên hệ đến mọi lứa tuổi: trẻ em, giới trẻ và người lớn. Tại Thượng Hội đồng, người ta lặp lại nhiều lần những phương tiện hiện hữu: sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo, bản Toát yếu sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo và sách Giáo lý dành cho Giới trẻ (Youcat). Nhưng có một điều kiện tiên quyết, đó là việc xác tín rằng, sự đào sâu đức tin là một điều cần thiết; và việc đào sâu đức tin này cần phải được thể hiện cách liên kết và có tổ chức. Một nỗ lực như thế đòi hỏi người đảm trách sứ vụ này phải có đời sống đức tin phong phú và biết trình bày đức tin cách sáng sủa và đầy đủ.

Có thể còn phải thêm một suy tư kiểu hộ giáo, để giúp đương đầu cách khách quan với một số vấn đề hay những ý kiến bác bẻ thường được nêu lên: vấn để sự ác ngược với lòng nhân hậu của Thiên Chúa, tương quan khoa học và đức tin; những gì Kitô hữu nói về Thiên Chúa so chiếu với những điều các tôn giáo nói về Ngài; nghi ngờ và đức tin… đời sống luân lý cũng bước vào bối cảnh này.

4. Tương quan cá nhân với Thiên Chúa.

Đức tin trước hết không phải hay chỉ là một nhận thức. Đức tin là một tương quan cá nhân với Thiên Chúa, để ta cảm nhận mình được Ngài yêu thương và ta nỗ lực yêu lại Ngài hết lòng, hết linh hồn, hết sức mình (x.Đnl 6,5). Vì vậy, Tân Phúc Âm hóa đòi hỏi một sự nhập môn, nhưng cũng cần một đồng hành phù hợp với mọi lứa tuổi, trong thái độ cầu nguyện cá nhân và cộng đoàn, phụng vụ và các bí tích. Thật vậy, ta không cầu nguyện cách tự nhiên với tư cách là con cái Thiên Chúa, trong tinh thần và trong Hội thánh. Khi cầu nguyện cần phải được hướng dẫn và nâng đỡ nhờ những người trưởng thành trong đức tin và từng trải trong tương quan với Đức Kitô và Cha Ngài.

Thượng Hội đồng lần này đã quan tâm rất đặc biệt đến các bí tích nhập môn Kitô giáo, trước hết dưới khía cạnh dần dần bước vào trong đời sống Kitô hữu cách tròn đầy. Thượng Hội đồng cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của bí tích Thêm sức, đối với những nhà truyền giảng Tin mừng cách mới mẻ: “Họ lãnh nhận tròn đầy Thánh Thần, những đặc sủng của Ngài và sức mạnh làm chứng cho Tin Mừng cách thẳng thắn và can đảm”.

Một bí tích khác cũng được đề cao cách mạnh mẽ; đó là bí tích Sám hối và Hòa giải. Nhiều bài phát biểu đã muốn rằng, bí tích này cần được xác định như một loại hình Tân Phúc Âm hóa!

5. Bác ái huynh đệ.

Dĩ nhiên, Thượng Hội đồng đã nghe tiếng Đức Giêsu mời gọi: “Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35). “Cần phải cổ vũ các cộng đoàn rộng mở đón tiếp mọi người, để những người bị loại trừ cảm thấy ở đó như là nhà mình, trải nghiệm được sự hiệp thông, để với sức mạnh nồng nhiệt của tình yêu, “Hãy nhìn xem họ thương yêu nhau biết bao”, các cộng đoàn ấy lôi cuốn được cái nhìn tỉnh ngộ của nhân loại hiện nay”.

6. Yêu thương những người khổ đau.

Một thái độ khác của tín hữu Chúa Kitô: đó là bác ái vô biên với những người đang gặp đau khổ. Họ phải đảm nhận trách nhiệm, trước hết không phải nhằm cho những người khổ đau trở lại với Đức Kitô, nhưng là vì khi chịu đau khổ, họ là hiện thân của Đức Kitô, theo Mátthêu 25,31-46. Phạm vi thật rộng lớn. Cần nối kết lại với số 14 của Tông thư “Cửa Đức tin”, trong đó Đức Bênêđictô XVI đề cao việc đức tin phải được chuyển dịch thành những hành động (dựa theo Thư của thánh Giacôbê tông đồ). Đức Bênêđictô XVI cũng minh chứng, hành động bác ái của ta cần được đức tin soi dẫn và rõ ràng được nâng đỡ bởi đức tin, chứ không giản lược vào một quan điểm từ thiện nào.

7. Vẻ đẹp – Mỹ thuật.

Vẻ đẹp được trình bày như một con đường để loan báo Tin Mừng: đề cao giá trị của di sản Kitô giáo, nghệ thuật, âm nhạc v.v…

8. Đạo đức bình dân.

Một định hướng được nêu lên trong Thượng Hội đồng, là Đạo đức bình dân. Một số Giám mục, dựa theo Tài liệu làm việc, đã nhấn mạnh đến điểm này, khi các ngài lưu ý: đây là chiều kích khá tự nhiên của con người, nên có thể là một điểm tựa để thực hiện các cuộc loan báo ơn cứu độ của Đức Kitô đầy đủ hơn; nhưng việc đạo đức bình dân này cần phải được Tin mừng hóa, để không dừng lại ở những thực hành bên ngoài, đôi khi mang chút ít dị đoan

 

Trang Độc Giả

Trang Nhà