NĂM TÂN PHÚC ÂM HÓA GIA ĐÌNH


CẢM NHẬN CỦA ĐỨC CHA EMILIUS GOULET,

GIÁO PHẬN SAINT – BONIFACE (PHÁP).

Nguồn: Hội đồng Giám mục Việt Nam

Cụm từ “Tân Phúc Âm hóa” lưu hành trong nhiều môi trường công giáo hiện nay. Thực tế, ý nghĩa chính xác của cụm từ ấy là gì? Nó quy chiếu vào đâu? Những đặc tính của Tân Phúc Âm hóa là gì?

Mười năm sau Công đồng Vaticanô II, Thượng Hội đồng Giám mục đã được triệu tập để suy tư về đề tài loan báo Tin Mừng. Cuộc họp mặt mang tính Giáo hội toàn cầu này đã phát sinh một kết quả kỳ diệu, Tông huấn của Tôi tớ Chúa Phaolô VI, “Evangelium nuntiandi”, về việc loan báo Tin Mừng trong thế giới hiện nay. Tài liệu lỗi lạc này, có thể được coi như như sự triển khai giáo huấn Công đồng về sứ vụ cốt yếu của Giáo Hội: là loan báo Tin Mừng.

“Thật vậy, loan báo Tin Mừng là ân huệ và ơn gọi riêng của Giáo hội, là căn tính sâu xa nhất của Giáo hội. Giáo hội hiện hữu là để loan báo Tin Mừng, nghĩa là để rao giảng và dạy dỗ, trở nên con kênh thông truyền ân sủng, giao hòa người có tội với Thiên Chúa, kéo dài hiến tế của Đức Kitô trong Thánh lễ, nhằm tưởng niệm cái chết và cuộc sống lại vinh hiển của Ngài” (EN, số 14).

Tân Phúc Âm hóa là cụm từ được Đức Chân phước Gioan – Phaolô II sử dụng lần đầu tiên, ngày 09.3.1983, tại Haïti, khi ngài ngỏ lời với các Giám mục Châu Mỹ Latinh: “Việc kỷ niệm 500 năm công cuộc loan báo Tin Mừng sẽ mang tròn đầy ý nghĩa, nếu anh em, các Giám mục, sẽ chấp nhận một dấn thân, kết hợp với hàng linh mục và tín hữu của anh em, dấn thân không phải để thực hiện một công cuộc tái rao giảng Tin Mừng, nhưng là để thi hành một cuộc Tân Phúc Âm hóa. Mới nhờ nhiệt tình, nhờ các phương pháp, nhờ cách diễn tả”. Đó là rao giảng Tin Mừng một cách mới cho những người đã mất nguồn gốc Kitô giáo của mình và loan báo Tin Mừng cho mọi nền văn hóa mới lạ, đối lập với di sản Kitô giáo.

Sau đó, Đức Thánh Cha càng làm cho toàn thể Giáo hội quan tâm đến cụm từ này. Định nghĩa rõ ràng nhất về Tân Phúc Âm hóa chắc chắn được nhận ra trong Thông điệp “Redemptoris Missio” (Sứ vụ Đấng cứu thế). Quả thực, trong số 33 của văn kiện này, Chân Phước Gioan – Phaolô II đã diễn tả ba trạng huống việc loan báo Tin Mừng cần thực hiện: trước hết, là những môi trường mà Tin Mừng chưa được nhận biết; tiếp đến là những cộng đoàn Kitô hữu đang sống động, nhưng cần nhờ hoạt động mục vụ của Giáo hội để tiến triển trong đức tin của mình; và cuối cùng, đó là những nhóm người đã chịu Phép rửa, nhưng đã mất ý thức về đức tin.

“Bên trong sứ vụ duy nhất của Giáo hội, những khác biệt trong các hoạt động không phát sinh ra những lý do nội tại cho chính sứ vụ, nhưng là những hoàn cảnh khác nhau trong đó sứ vụ được thi hành. Khi xem xét thế giới hiện nay theo quan điểm loan báo Tin Mừng, ta có thể phân biệt ba hoàn cảnh.

- Trước hết, hoàn cảnh mà hoạt động truyền giáo nhắm đến: các dân tộc, những nhóm người, các môi trường văn hóa xã hội trong đó Đức Kitô và Tin Mừng của Ngài không được biết đến, hay trong đó không có những cộng đoàn Kitô hữu trưởng thành đủ, để có thể tháp nhập đức tin vào môi trường của họ và loan báo đức tin ấy cho các nhóm khác. Nói cho đúng, đó là sứ vụ đến với muôn dân (ad gentes).

- Tiếp đến, có những cộng đoàn Kitô hữu với tổ chức Giáo hội vững mạnh và thích ứng, với đức tin và đời sống nhiệt thành, luôn làm chứng cho Tin Mừng cách tỏa sáng trong môi trường của mình, và ý thức sâu xa bổn phận đối với sứ vụ phổ quát. Trong những cộng đoàn như thế, hoạt động mục vụ của Giáo hội được thể hiện.

- Cuối cùng, có một hoàn cảnh trung gian, nhất là trong những nước có truyền thống Kitô giáo lâu đời nhưng đôi khi cũng ở trong các Giáo hội trẻ hơn, ở đó toàn bộ những nhóm người đã chịu Phép rửa lại mất ý thức về đức tin sống động, hay đi đến tình trạng không còn nhận ra mình là phần tử của Giáo hội nữa, bằng cách sống một cuộc đời xa cách Đức Kitô và Tin Mừng của Ngài. Trong trường hợp này, cần phải có một cuộc “Tân Phúc Âm hóa” hay một cuộc “Tái truyền giảng Tin Mừng” (Gioan – Phaolô II, Thông điệp “Redemptoris Missio”, số 33).

Do đó, Tân Phúc Âm hóa trước hết liên hệ đến một nhóm người rất đặc biệt, nghĩa là những Kitô hữu đã bỏ đức tin. Đa phần những người công giáo trong thế giới phương Tây đều thấy họ cần đến loại hình loan báo Tin Mừng này trong môi trường hay hoàn cảnh riêng của họ. Thật vậy, mỗi người trong chúng ta đều biết rõ, khá đông người đã chịu Phép rửa hay nhiều nhóm người đã được rửa tội, mà không còn thực hành đức tin nữa. Chân Phước Gioan – Phaolô II mong ước rằng, các tín hữu nhiệt thành đạo đức cần nhận biết rõ ràng tình trạng này và nỗ lực mang đến một giải pháp chho hoàn cảnh ấy.

“Tôi cho rằng thời điểm đã đến để dốc toàn lực của Giáo hội vào công cuộc Tân Phúc Âm hóa và vào sứ vụ đến với muôn dân (ad gentes). Không có người nào đang tin vào Đức Kitô, không có cơ cấu nào của Giáo hội lại có thể được chước miễn khỏi bổn phận cao cả này: loan báo Đức Kitô cho mọi dân tộc” (Thông điệp Redemptoris Missio, số 3).

“Để đạt được điều đó, hơn bao giờ hết, các tín hữu cần phải trải qua từ một đức tin theo lối mòn, có thể chỉ dựa vào nguyên môi trường mình sống, đến một đức tin có ý thức hơn, được sống cách cá biệt. Đổi mới trong đức tin sẽ luôn là con đường tốt nhất để mọi người được dẫn đến Chân Lý của Đức Kitô” (JPII, Tông huấn Giáo Hội tại Mỹ Châu, số 27).

“Tân Phúc Âm hóa, mà toàn thể Châu lục (Châu Mỹ) đang dấn thân nhập cuộc, minh chứng rằng, đức tin không thể được coi như một giả định, nhưng nó phải được đề nghị cách rõ ràng trong tất cả sự sâu rộng và phong phú của nó” (Tông huấn Ecclesia in America, số 69).

Từ đầu triều đại Giáo hoàng của mình, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã tiếp tục nhấn mạnh đến sứ vụ Tân Phúc Âm hóa. Quả thực, ngài đã đưa ra nhiều lời kêu gọi để cổ vũ cho công cuộc Tân Phúc Âm hóa đối với các nhóm đặc biệt, cũng như đối với Giáo hội phổ quát. Năm 2010, ngài đã thiết lập Hội đồng Giáo hoàng đặc trách công cuộc Tân Phúc Âm hóa. Ngài đã triệu tập một Thượng hội đồng Giám mục để suy tư về đề tài Tân Phúc Âm hóa. Trong thời gian hội nghị, các nghị phụ Thượng hội đồng có dịp phát biểu, bàn thảo, góp ý xây dựng cho biến cố quan trọng này của Giáo hội.

Tiếp theo Thượng hội đồng về Lời Chúa,  Đức Thánh Cha đã giải thích trong Tông huấn hậu Thượng hội đồng của ngài về Lời Chúa trong đời sống và sứ vụ của Hội Thánh (30/9/2010), việc tái khám phá Lời Chúa trong đời sống Kitô hữu là nền tảng cần thiết cho sứ vụ đến với muôn dân (ad gentes) và Tân Phúc Âm hóa như thế nào:

“Một cách thích đáng, thời đại của chúng ta phải càng ngày càng trở nên thời đại của việc lắng nghe lại Lời Chúa và của công cuộc Tân Phúc Âm hóa. Tái khám phá đặc tính trọng điểm của Lời Chúa trong đời sống Kitô hữu sẽ giúp ta cũng gặp lại ý nghĩa thâm sâu nhất của những gì mà Đức Giáo Hoàng Gioan – Phaolô II đã mạnh mẽ nhắc nhở: tiếp tục sứ vụ đến với muôn dân và dùng mọi sức lực để thực hiện công cuộc Tân Phúc Âm hóa, nhất là trong những quốc gia mà ở đó Tin Mừng bị lãng quên hay phải chịu đựng thái độ lãnh đạm của biết bao người vì phong trào tục hóa đang lan tràn. Chớ gì Chúa Thánh Thần khơi dậy nơi mọi người sự đói khát Lời Chúa và làm xuất hiện nhiều sứ giả và chứng nhân nhiệt thành của Tin Mừng!” (Tông huấn về Verbum Domini, số 122).

Tài liệu làm việc được gửi cho các nghị phụ Thượng hội đồng đã đưa ra một định nghĩa cho Tân Phúc Âm hóa, bằng cách xác định đó là “sự phục hồi thiêng liêng” của một phong trào hoán cải trong toàn Giáo hội.

“Tân Phúc Âm hóa là tên gọi được gán cho sự phục hồi thiêng liêng này, cho một sự bắt đầu phong trào hoán cải mà Giáo hội yêu cầu chính mình, mọi cộng đoàn, mọi người đã chịu Phép rửa của mình. Vì vậy, đó là một thực tại, không chỉ liên hệ đến những miền nhất định đã được xác định, mà là con đường giúp giải thích và chuyển dịch trong thực hành di sản tông đồ cho thời đại chúng ta. Với công cuộc Tân Phúc Âm hóa, Giáo hội muốn dẫn vào trong thế giới hôm nay và trong cuộc tranh luận hiện tại đề tài độc đáo và đặc biệt hơn của mình: là nơi mà ở đó giờ đây ta đã cảm nghiệm được Thiên Chúa, mà ở đó, được Thần Khí của Đấng Phục sinh hướng dẫn, ta để cho ân huệ đức tin biến đổi. Tin Mừng luôn là một loan báo mới mẻ về ơn cứu độ do Đức Kitô thực hiện, để nhân loại tham dự vào mầu nhiệm Thiên Chúa và đời sống yêu thương của Ngài, đồng thời mở đến một tương lai hy vọng đầy sinh động và mạnh mẽ. Nhấn mạnh rằng, vào thời điểm này của lịch sử, Giáo hội được mời gọi thực hiện công cuộc Tân Phúc Âm hóa, là muốn nói rằng cần tăng cường hoạt động truyền giáo, để đáp ứng trọn vẹn lệnh truyền của Chúa” (Tài liệu làm việc, số 88).

Để kết luận, có lẽ ta nên đặt câu hỏi cho mình như sau: Tân Phúc Âm hóa có thể có ý nghĩa gì đối với chúng ta hôm nay? Lời mời gọi thực hiện công cuộc Tân Phúc Âm hóa có liên hệ đến cá nhân ta không? Trong mỗi người chúng ta, có những vùng cần loan báo Tin Mừng hay cần tái truyền giảng Tin Mừng… Trong mỗi người chúng ta, có mmột đức tin cần đào sâu hay cần tái giáo dục… “Kẻ vô tín ở trong tôi”, như Đức Hồng y Maria Carlo Martini S.j quen nói, phải được loan báo Tin Mừng. Chân Phước Gioan – Phaolô II đã quả quyết ở trên: “Đổi mới trong đức tin sẽ luôn là con đường tốt nhất để mọi người được dẫn đến Chân Lý là Đức Kitô” (Ecclesia in America, số 73). Phần chúng ta, chúng ta cũng nêu câu hỏi: “Chúng tôi phải làm gì để có sự sống đời đời?”. Và Chúa Giêsu đã trả lời: “Các con hãy tin vào Thầy”. Đức tin là nền tảng. Đó không phải là theo một ý tưởng, một kế hoạch; nhưng là gặp gỡ Đức Giêsu như một con người sống động, là để cho Ngài và Tin Mừng Ngài lôi cuốn hoàn toàn. Đức Giêsu mời gọi ta không dừng lại ở một chân trời thuần túy nhân loại, nhưng mở đến chân trời của Thiên Chúa, đến chân trời của đức tin. Ngài yêu cầu một việc làm duy nhất: đó là đón nhận chương trình của Thiên Chúa, nghĩa là “tin vào Đấng Ngài sai đến” (Bênêđictô XVI, Kinh truyền tin, ngày 05/8/2012).

Vì vậy, về cơ bản, Tân Phúc Âm hóa phải chất vấn mỗi người chúng ta. Quả thật, qua ơn gọi Phép rửa, mỗi người được mời gọi sống hiệp thông với Đức Kitô. Do đó, mỗi người được mời gọi đào sâu mối tương quan cá nhân mà mình thể hiện với Đức Kitô. Chính lời mời gọi thực hiện công cuộc Tân Phúc Âm hóa, phải thúc đẩy mỗi người tiến đến tình trạng đó, nghĩa là đến việc cá nhân đào sâu ý nghĩa đời sống Kitô hữu của mình.

Sau đó, khi được mối tương quan với Chúa thâm nhập và tác động, mỗi phần tử Giáo hội phải tìm kiếm những phương tiện để nói với anh chị em mình về tầm quan trọng của sự hiệp thông mật thiết với Chúa. Mỗi chúng ta được mời gọi công bố cho người khác Tin Mừng của Đức Giêsu – Kitô và ơn cứu độ Ngài mang đến.

Vì vậy, đó là một cách rất quan trọng để nhận định về Tân Phúc Âm hóa.

Tóm lại, Tân Phúc Âm hóa trong đời sống cá nhân chúng ta phải được coi như một tiến trình hay một hoạt động gồm hai chuyển động.

Trước hết, chúng ta cần ý thức mối tương quan cá nhân mà mình thực hiện với con người Đức Giêsu – Kitô.

Tiếp theo, một khi ý thức mối tương quan như thế, hằng ngày trong đời sống của mình chúng ta phải chia sẻ với người khác những lý do khiến sự tương quan hay thông hiệp trở nên rất cơ bản, và phải chỉ cho họ cách thế đạt tới.

Chuyển động hai thì này sẽ làm cho ta lớn lên trong đức tin cá nhân của mình. Càng xem xét mối tương quan của mình với Đức Kitô, ta càng sống và chia sẻ mối tương quan ấy với người khác. Càng chia sẻ mối tương quan ấy cho người khác, ta càng đào sâu nó. Khi lặp lại tiến trình này, ta tin chắc càng ngày ta càng đồng hóa với Chúa Giêsu và như thế càng tin trong sự thánh thiện. Đó có thể là mục đích khiến Giáo hội mở lời kêu gọi mỗi người chúng ta thực hiện công cuộc Tân Phúc Âm hóa: một cuộc Tân Phúc Âm hóa bản thân mình “để thông truyền đức tin Kitô giáo”.

 

Trang Độc Giả

Trang Nhà