NĂM LINH MỤC |
LINH MỤC CẦN ĐƯỢC THÔNG CẢM |
Tôi có nhiều bạn thân làm linh mục, và khi hiều hoàn cảnh các linh mục ấy cũng như khi ngồi chia sẻ với nhau giữa người đang tu trong sứ vụ linh mục và người đang tu… tại gia (!) thì dường như các linh mục cần được cảm thông hơn. Sự đồng cảm sẽ làm giảm bớt các hiểu lầm, các lời trách móc và cả những khó khăn trong việc gặp gỡ. Một linh mục
cùng lớp với tôi thích dịch sách. Cha ấy dịch kha khá sách. Nhưng những
người đọc sách tiếng Anh nhiều, nhất là các anh bạn học thần học hải
ngoại hay chê “cụ này dịch…ngẫu hứng và không chính xác”. Lại nói đến một linh mục hay viết lách. Cụ viết về nhiều vấn đề. Đôi khi ý kiến cụ đưa ra xét về nhiều mặt thì còn phải bàn bạc. Một người bạn cũ sắp trình luận án tiến sĩ Thần Học Kinh Thánh tại học viện Saint Paul, Canada, tỏ ra ưu tư và không quan tâm đến các bài viết của cụ. Anh em cựu chủng sinh, vốn được học ít nhiều, cũng có lời ra tiếng vô. Nhưng ấy là họ chưa có lòng cảm thông cho đủ. Phải hiểu rằng cha ấy học hành dở dang vì thời cuộc, rồi cũng vì thời cuộc dở dang và vì nhiều lý do khá tế nhị, anh được chấp nhận vào chủng viện học chưa đầy hai năm, và ngày anh sắp chịu chức, nhiều linh mục phản đối… Biết rõ về hoàn cảnh của người bạn ấy, tôi vẫn nói với bạn bè: “Hãy cảm thông, anh ấy còn phải cố gắng!” (Dĩ nhiên, bây giờ chuyện này ít xảy ra. Theo Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ của giáo phận Thái Bình, dù lớn tuổi, chủng sinh cũng phải học ở chủng viện bảy năm mới được thụ phong linh mục, điều này sẽ giúp đào tạo kỹ cả về kiến thức lẫn nhân đức cho các linh mục). Một chuyện khác cũng cần giãi bày. Nhiều linh mục tu sĩ đi học ở Philippines về đã phàn nàn với tôi vì một linh mục bạn tôi đi học ở học viện X. về, viết bài phê bình xối xả học viện ấy, chê các sinh viên tu sĩ từ Việt nam sang và cũng chê cha giám đốc không nghiêm trang trong nhà thờ… Học viện ấy biết được rất bực bội và nghe đâu không dám nhận sinh viên Việt Nam nữa. Tôi ngẫm nghĩ, chắc phải có lý do gì thì cha bạn ấy mới làm thế. Mà quả thật, sau mới hiểu ra là vị linh mục sinh viên này vốn quá nhạy cảm với các vấn đề văn hoá, mà trước khi đi học thì anh lại ít có cơ hội tiếp xúc. Nên khi thấy có sự khác biệt về văn hoá, lối sống, anh không “tiêu hoá” được nên anh đặt vấn đề ngay, chẳng may cho anh là vấn đề bị nhầm! Nếu hiểu được anh thì người ta sẽ không trách anh nhiều nữa, mà sẽ trách… hoàn cảnh! Mới đây anh em cựu chủng sinh họp mặt, và trong bữa ăn, họ phàn nàn về một cha bạn. Chuyện là khi anh em lớp cũ họp nhau đi chơi, một cha đề nghị “các cha mỗi vị bỏ ra ít tiền dẫn anh em đi chơi núi”. Các cụ vui vẻ mở ruột tượng! Sau đó một cha viết trên forum là anh em “bất nhân, bất nghĩa” vì moi tiền các cha! Thế là có anh giận hứa sẽ không thèm nhìn mặt cha ấy. Nhưng tôi nói với anh em: “Cũng phải thông cảm cho bạn mình. Trước khi làm linh mục, anh ấy đã vất vả biết bao. Như thế cái nhìn về tiền bạc sẽ khắt khe hơn. Và dĩ nhiên anh cần tiết kiệm hơn các vị khác”. Vâng, cứ xét mọi khía cạnh thì ta hiểu các vị và đỡ phải lên án. Rồi lại có người bảo “sao cha ấy im lặng trước các vấn đề công lý?”, nhưng mấy ai hiểu là gia đình cha có một người đang ráo riết hoạt động cho nhóm “quốc doanh”. Quả cũng là khó xử. Tôi cũng bị hố một lần. Số là có một cha khách đến xứ tôi dâng lễ. Cha giảng đại ý là VN bây giờ không còn cảnh bách hại đạo, nên chúng ta không thể tử đạo, rồi cha ấy đưa ra những thông tin không chính xác. Chúng tôi đi lễ mà nhìn nhau ngao ngán. Sau đó tôi đến xin góp ý với cha, nhưng ông nóng nảy và bỏ đi. Sau đó nghe các cha khác nói rằng “Hãy thông cảm vì cha ấy đang có những lo buồn trong gia đình, ông bà cố bệnh nặng lâu ngày làm tinh thần cha không ổn định…”. Biết vậy, tôi nghĩ lại thấy hiểu tại sao cha nóng nảy. Dĩ nhiên là linh mục, các ngài phải biết tự điều chỉnh và tự hoàn thiện mình để xứng đáng với chức vụ linh mục. Nhưng là giáo dân, chúng ta cũng nên có một cái nhìn toàn diện để không kết án quá vội vàng… Gioan Lê Quang Vinh |
Nguồn: xuanbichvietnam.wordpress.com/ |