LINH MỤC PHẢI HỌC NÓI
NGÔN NGỮ THẾ GIỚI


Đức Hồng y Cláudio Hummes

WHĐ (04.06.2009) – Còn 2 tuần nữa, ngày 19.6, là bắt đầu năm linh mục. Nhân dịp này, Đức Hồng y Cláudio Hummes, Bộ trưởng Bộ Giáo sĩ, đã mời gọi các linh mục “hiểu và nói ngôn ngữ của thế giới để thế giới nghe và hiểu được”.

Trong một bài trả lời phỏng vấn được phổ biến trên tờ Osservatore Romano ngày hôm qua, 03-06-2009, Đức Hồng y đã đề cập đến khó khăn của sứ vụ này trong một xã hội bị “một thứ chủ nghĩa thế tục hóa - đôi khi tỏ ra bất nhẫn với Giáo Hội - chế ngự”.

Ngài giải thích: Điều quan trọng là “linh mục phải cảm thấy thoải mái trong Giáo hội” và rằng chúng ta tập hợp “mọi điều kiện” để giúp linh mục có thể là “một chứng từ lành mạnh và đích thực trong một xã hội có quá nhiều thách thức phải đối mặt”.

Để có được điều đó, Đức Hồng y nói đến tầm quan trọng phải có “sự phân định suốt con đường từ khi tiếp nhận [vào chủng viện] cho tới khi phong chức”, đồng thời “chú trọng tới việc đào tạo thường xuyên” để giúp những người tận hiến có được “các phương tiện và do đó khả năng để ở trong thế giới họ được mời gọi để loan báo Tin Mừng”. Điều này có nghĩa là giúp người tận hiến “biết, hiểu và nói ngôn ngữ của thế giới để thế giới nghe và hiểu được”, ngài nói thêm.

Đối với Đức Hồng y, điều thiết yếu hiện nay là đưa việc học cách sử dụng các kỹ thuật mới “vào chương trình đào tạo dành cho các chủng sinh và linh mục”. Ngài khẳng định: “Việc sử dụng hệ thống thông tin từ nay là điều không thể thiếu  nếu người ta muốn sống trong thời đại của mình”.

Đức Hồng y tự hỏi: Nhưng cái “xã hội bị đảo lộn và luôn bị đẩy xa khỏi Đức Kitô này liệu có còn khả năng đón nhận chứng từ của linh mục?”, và trả lời: “Tôi lạc quan, bởi vì lòng tin, lòng tin của chúng ta, dạy chúng ta lạc quan và tin tưởng”.

Và  ngài nhấn mạnh: “Linh mục có thể và phải là một dụng cụ để chuyển lòng tin này cho những người thuộc thời đại mình… Có lẽ đối với thời này thì có khó khăn hơn trước. Nhưng điều chắc chắn, đó là người trẻ ngày nay chỉ biết có xã hội này, nền văn hóa này… Họ chỉ có kinh nghiệm về nền văn hóa này… Và chúng ta cần phải đi vào trong xã hội này để đến với họ”. Tuy nhiên, ngài cũng nhìn nhận rằng “điều này quả là khó”.

Theo Đức Hồng y Bộ trưởng, “nền văn hóa ngày nay chủ yếu có tính cách tương đối chủ nghĩa, bị một thứ chủ nghĩa thế tục hóa - đôi khi tỏ ra bất nhẫn với Giáo hội và tất cả những gì đại diện Giáo hội - chế ngự… Thiên Chúa bị để ở xa xa, còn tôn giáo thì bị chế diễu… Nhưng tôi tin rằng ngay trong xã hội này vốn tự cho mình là hậu Kitô giáo, cũng vẫn có thể làm cho người ta biết Đức Kitô, tạo thuận lợi cho việc gặp gỡ đích thân với Ngài… Cần phải tìm ra một cái gì khác với cách tiếp cận có tính cách học thuyết và đạo đức”.

(Theo Zenit)