CHIA SẺ ĐỜI LINH MỤC


Lm Antôn Nguyễn Văn Nên

 

“Là thi sĩ nghĩa là ru với gió,
Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây “


Lý tưởng linh mục cũng bay rất cao, cũng đầy mơ với mộng, và cũng rất là mượt mà như ơn gọi của thi sĩ. Để làm thi sĩ chính hiệu, cần phải có một tâm hồn bay bổng tận chốn trời cao, thì làm linh mục cũng phải có một lý tưởng cao ngút ngàn. Nhưng nhìn lại con người thấp hèn của mình, linh mục không thể nào mà không bồn chồn lo lắng cho con đường đang đi tới. Lúc đó, linh mục cũng mang tâm trạng của Hàn mạc Tử trong những vần thơ bất hủ :

‘Maria, linh hồn con ớn lạnh,
Run như run thần tử thấy long nhan,
Run như run hơi thở chạm tơ vàng,
Nhưng lòng vẫn thắm nhuần ơn trìu mến’


Lý tưởng linh mục quá cao cả, còn con người lại quá thấp hèn. Nhưng lý tưởng cao cả ấy lại nhập thể trong thân xác của con người linh mục, đầy khuyết điểm và tội lỗi, đầy tham sân si, hỉ nộ ái ố.

Ngày thụ phong linh mục, theo cái nhìn của người đời thì hôm ấy là ngày vinh quy bái tổ, đánh dấu thành đạt trên con đường lập thân lập nghiệp. Nhưng với cái nhìn của thiên chức, thì hôm đó chỉ là ngày bắt đầu… Ngày thu dọn hành trang, trân trọng kính chào ông bà cha mẹ, bà con xa gần để chính thức bước lên đường theo Thầy Chí Thánh Giêsu Linh Mục. Thành thật mà nói, trong ngày chịu chức, có lẽ linh mục mới hiểu biết một phần nhỏ về thiên chức. Mọi lễ lạc trọng thể, rầm rộ bên ngoài không phải là cái thực chất của con người linh mục. Thực chất của con người linh mục luôn là một ẩn số nằm ở phía trước, phải đợi 25 năm sau, hoặc 50, 60 năm nữa mới dần dần khám phá ra !

Người đời thường nói “nghề dạy nghề”, có lẽ không sai, nhất là đối với con người linh mục. Bởi vì kiến thức học được ở Đại Chủng Viện, cũng vẫn là những kiến thức còn nằm ở trên cao, cần phải đợi một ngày nào mưa xuống mới thấm nhuần vào lòng đất thấp, theo dòng thời gian… Hơn nữa, đó là những kiến thức của triết học và thần học. Còn hôm nay, khi linh mục là cha phó hay cha sở, chứ không còn là ông cử nhân triết lý thần học, thì linh mục phải là người cha nhân từ, mục tử tận tâm ở giữa cộng đoàn dân Chúa. Nếp sống này, tuy còn mớI mẻ, nhưng rất hiện thực, chan chứa trong cõi lòng, nhiều khi gợi lên nơi chính linh mục những cảm giác khó tả, mà có lẽ mấy vần thơ mộc mạc của Lưu Trọng Lư sau đây diễn tả không kém phần chí lý :

“Em nghe chăng mùa thu,
Lá thu rơi xào xạc,
Con nai vàng ngơ ngác,
Đạp trên lá vàng khô “


Quả vậy, bắt đầu xa mái nhà chủng viện, bắt đầu thi hành sứ mệnh mục vụ, linh mục cũng cảm thấy nhiều thi vị cao đẹp, nhiều chông gai, và cạm bẫy đang chờ sẵn. Nhớ lại ngày dâng lễ mở tay, người ta thi nhau chúc tụng, linh mục giảng lễ mặc sức đề cao các tước vị cao sang của thiên chức, các đức độ và tài ba của ‘cha mới’. Nhưng xét theo thân con người, thì như mọi tín hữu, linh mục chẳng có cái gì khác hơn là thành tâm trông cậy vào Thầy Chí Thánh.

‘Lạy Chúa,
Lòng chúng con còn xao xuyến mãi,
Cho tới khi được an nghỉ trong Chúa‘
(Th. Augustin)

Thế rồi, khi đã sống qua 10 năm, 25 năm... hay vào ngày mừng Kim Khánh, Ngọc Khánh…linh mục lại tự hỏI : Con đường tình giữa linh mục với Chúa còn dang dở và còn đẹp như thuở nào không ? Nếu ai nghĩ rằng: hôm nay đã vẹn câu thề, thì, theo tôi, đó là một sai lầm, nếu không nói là một sai lầm trầm trọng.

Quả vậy, khi va chạm với cuộc sống hôm nay, linh mục làm sao tránh hết dang dở hay nói theo thánh Augustin, ‘hết xao xuyến’ được ? Thực tế, khi ngồi tòa giải tội, linh mục được coi là người thánh thiện, thay mặt Chúa để tha thứ hay buộc tội, nhưng nhiều giáo dân có tâm hồn thật trong sạch, đến độ linh mục sẽ nhận ra rằng : chính linh mục phải là kẻ qùy xuống để xin ơn tha thứ mới hợp lý !

Làm sao không dang dở và xao xuyến được, mỗi khi linh mục đọc lời truyền phép : “Này là mình Thầy, sẽ bị nộp vì các con”, linh mục nhận ra mình còn sống cho bản thân nhiều quá, chứ đâu dám chịu nộp 100% cho anh em !

Làm sao không dang dở và xao xuyến được, khi linh mục va chạm với thực tế mới thấy rằng, những kiến thức của trường lớp vẫn còn là lý thuyết, lý tưởng quá cao siêu ở tận chín tầng mây, đang khi đó linh mục vẫn còn phải mang nặng thân phận con người, vớI biết bao sân si như muôn vàn người khác.

Chức linh mục là chức thánh, nhưng chức thánh này không còn ở trong sách vở, hay ở trên mây, nhưng đã nhập thể và nhập thế, đã đi vào cụ thể, trong chính con người xác thân của linh mục, với tất cả hệ lụy thế thái nhân tình của nó. Chức thì thánh mà con người xác thân thì vẫn chưa thánh. Nói đúng hơn là đang lần mò để nên thánh. Con đường nên thánh của linh mục còn dài, còn nhiều dang dở, mang nhiều xao xuyến, nhưng rất cao đẹp. Đó là chặng đường đầy phấn đấu với biết bao mưu ma chước qủy đang giăng mắc đầy rẫy trong cuộc đời. Nói như vậy không có nghĩa là bi quan yếm thế, mà nhìn rõ con đường của mai hậu, để thấy rằng đời sống linh mục còn dang dở với bao phấn đấu, cho tới giờ lâm chung trong tình yêu của Chúa, như lời thánh Augustinô : ‘Lạy Chúa, tâm hồn chúng con còn xao xuyến, (còn dang dở) cho tới khi nào được an nghỉ trong Chúa’.

Ý thức rõ thân phận mỏng manh của mình, các linh mục, cũng như tất cả những ai đang sống đời tận hiến, hằng ngày hãy xin Thánh Nữ Đồng Trinh, Mẹ Thiên Chúa, Mẹ của Giáo Hội, thương gìn giữ tất cả chúng ta, can đảm chiến đấu và tin tưởng sống trong tình yêu bao la của Thiên Chúa, của Mẹ và của Giáo Hội. Chúng ta phải xác tín rằng ơn gọi tận hiến hay đời sống hiến dâng là một HỒNG ÂN để phụng sự Chúa, phục vụ tha nhân và xây dựng Giáo Hội.