Anh em linh mục thân mến,
Vào ngày lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, với cái nhìn yêu thương kiên vững,
chúng ta hướng ánh mắt tâm hồn và trái tim của chúng ta về Đức Kitô,
Đấng Cứu Độ duy nhất của đời sống chúng ta và của thế giới. Nhớ đến Đức
Kitô nghĩa là nhớ đến Khuôn Mặt mà dù ý thức hay không, mỗi người chúng
ta đều tìm kiếm như là câu trả lời duy nhất thoả mãn khát vọng hạnh phúc
trào dâng trong chúng ta.
Khuôn mặt này, chúng ta đã gặp thấy, và ngày hôm nay, vào giờ phút này,
Tình Yêu của Người đã làm cho cõi lòng chúng ta phải thổn thức, đến nỗi
chúng ta không thể làm gì khác hơn là không ngừng van xin được hiện diện
trước mặt Người: “Ngay từ sớm, Ngài đã nghe tiếng con; ngay từ sớm,
con tỏ bày ước nguyện, rồi chăm chú đợi trông” (Tv 5).
Phụng Vụ Thánh lại dẫn chúng ta vào chiêm ngưỡng mầu nhiệm Nhập Thể của
Ngôi Lời, nguồn gốc và thực tại sâu thẳm của cộng đoàn Giáo hội: Thiên
Chúa của Abraham, Isaac và Giacốp mạc khải chính mình nơi Đức Giêsu
Kitô. “Chẳng ai đã có thể nhìn thấy Vinh Quang của Người, trừ khi họ
được chữa lành nhờ sự khiêm hạ của thân xác Người. Bụi đất đã làm cho
con người nên mù quáng, thì cũng nhờ bụi đất mà con người được chữa
lành; sự mù quáng của con người do bởi xác phàm, thì cũng nhờ xác phàm
mà con người được chữa lành” (Thánh Augustinô, Chú giải Tin Mừng
theo thánh Gioan, Bài giảng, 2, 16).
Chỉ khi nhìn ngắm lại nhân tính hoàn hảo và cuốn hút của Đức Giêsu Kitô,
Đấng Hằng Sống và không ngừng hoạt động trong hiện tại, Đấng đã tự mạc
khải chính mình cho chúng ta và hiện vẫn còn nghiêng mình trên mỗi người
chúng ta với tình yêu hoàn toàn đặc biệt của riêng Người, chúng ta mới
có thể để cho Người chiếu dọi chúng ta và lắp đầy vực thẳm đói khát là
chính nhân tính của chúng ta, khao khát tìm thấy niềm hy vọng, khao khát
lòng Thương xót bao phủ những giới hạn của chúng ta, khi dạy chúng ta
biết tha thứ những điều mà chính chúng ta cũng không thể nhận ra về bản
thân mình. “Kìa vực thẳm kêu gào vực thẳm, khi tiếng thác của Ngài
tuôn đổ ầm vang” (Tv 41).

Vào ngày truyền thống cầu nguyện xin ơn Thánh hoá các linh mục, được cử
hành vào ngày lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, tôi muốn nhắc lại sự ưu tiên của
cầu nguyện so với hoạt động, theo nghĩa là chiều sâu của hoạt động phải
tuỳ thuộc vào chính việc cầu nguyện. Sứ vụ của Giáo hội tuỳ thuộc sâu
rộng vào mối tương quan cá vị của mỗi người với Chúa Giêsu. Vì thế, sứ
vụ này phải được nuôi dưỡng bằng lời cầu nguyện: “Đã đến lúc phải tái
xác định sự quan trọng của việc cầu nguyện đối mặt với chủ thuyết duy
hoạt động và chủ thuyết tục hoá đang thống trị” (ĐGH. Bênêđictô XVI,
Thông điệp Thiên Chúa Là Tình Yêu - Deus caritas est, số 37). Chúng ta
phải không ngừng kín múc nơi Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, và để cho
Lòng Thương Xót của Ngài thẩm định và chữa lành những vết thương đau vì
tội lỗi của chúng ta, hầu biết cảm phục trước sự kỳ diệu luôn luôn mới
lạ nơi nhân tính được cứu chuộc của chúng ta.
Anh em linh mục rất thân mến, chúng ta là những chuyên viên về Lòng
Thương Xót của Thiên Chúa nơi chính bản thân mình, và chỉ như thế mới
trở nên những dụng cụ của Lòng Thương Xót khi chúng ta ôm lấy nhân tính
bị thương tích một cách hoàn toàn mới mẻ. “Đức Kitô không cứu chúng
ta khỏi nhân tính của chúng ta, nhưng qua nhân tính này; Người không cứu
chúng ta khỏi thế gian, nhưng Người đã đến trong thế gian để nhờ Người
mà thế gian được cứu độ (x. Ga 3,17)” (ĐGH. Bênêđictô XVI, Thông
điệp Urbi et Orbi, ngày 25 tháng 12 năm 2006). Sau hết, chúng ta trở
thành linh mục nhờ Bí tích Truyền chức, hành động cao cả nhất của Lòng
Thương Xót của Thiên Chúa, cũng như của tình yêu thương đặc biệt của
Ngài.
Kế đến, trong cơn khát khao Đức Kitô cháy bỏng và trào dâng trong lòng
chúng ta, chiều kích đích thực nhất của Chức Linh Mục là sự van nài, lời
cầu nguyện đơn thành và liên lĩ mà chúng ta học biết qua việc cầu nguyện
trong thinh lặng; lối cầu nguyện này luôn là đặc tính của đời sống các
thánh, và phải được van nài với lòng kiên trì. Ý thức về mối tương quan
với Đức Kitô phải được thanh luyện từng ngày qua thử thách. Mỗi ngày,
chúng ta lại nhận ra rằng, là những Thừa Tác Viên hành động nhân danh
Đức Kitô là Đầu, chúng ta không được miễn chước khỏi bi kịch này: chúng
ta không thể sống trong sự hiện diện của Người dù chỉ một khoảnh khắc
thôi nếu không có ước muốn khoan hoà nhận ra Người, hiểu biết Người và
kết hợp với Người. Chúng ta đừng nhường bước trước cám dỗ xem bản chất
linh mục của chúng ta như một nhiệm vụ không thể tránh né, không thể
thoái thác và vì thế phải đảm nhận, để rồi nghĩ mình có thể chu toàn
cách máy móc chỉ bằng việc đơn giản theo đuổi một chương trình mục vụ ăn
khớp và chặt chẽ. Chức linh mục là ơn gọi, là nẻo đường, là cách thức mà
qua đó Đức Kitô cứu độ chúng ta, với cách thức ấy Người đã kêu gọi chúng
ta, và giờ đây lại mời gọi chúng ta sống với Người.
Đối với ơn gọi thánh thiện của chúng ta, mức độ duy nhất thích hợp là
tính triệt để. Với ý thức về sự bất trung của chúng ta, sự tận hiến hoàn
toàn chỉ có thể diễn ra như một quyết định được lặp lại trong lời cầu
nguyện từng ngày, và rồi Đức Kitô sẽ bổ khuyết. Chính hồng ân độc thân
linh mục phải được đón nhận và sống trong chiều kích triệt để này, một
chiều kích được thể hiện trọn vẹn nơi Đức Kitô. Ngoài mối tương quan với
Đức Kitô, mọi quan điểm khác đều có nguy cơ trở thành không tưởng.
Chính công việc bề bộn, đôi khi vô cùng lớn lao mà những hoàn cảnh hiện
tại của thừa tác vụ đòi buộc chúng ta phải gánh vác, thay vì làm chán
nãn, lại càng thúc đẩy chúng ta phải chú tâm nhiều hơn nữa đến căn tính
linh mục của mình, một căn tính có nguồn gốc thần linh không thể giảm
thiểu. Trong ý nghĩa này, theo một lý lẽ trái ngược với lý lẽ của thế
gian, chính những hoàn cảnh của thừa tác vụ phải thúc đẩy chúng ta “nâng
cao trình độ” đời sống tâm linh, để làm chứng bằng một một niềm xác tín
lớn lao nhất và đầy hiệu quả rằng chúng ta thuộc trọn về Chúa.
Chúng ta được dạy để biết tận hiến hoàn toàn bởi Đấng đã yêu thương
chúng ta trước. “Ta tỏ mình ra cho kẻ chẳng hề tìm kiếm Ta. Ta nói: “Này
Ta đây” với kẻ chẳng hề kêu cầu Danh Ta”. Nơi thể hiện sự tự hiến tuyệt
hảo chính là Thánh Thể, vì “Trong Bí tích Thánh Thể, không phải Chúa
Giêsu trao ban “một điều gì”, nhưng Người tự hiến chính mình; Người đã
hiến dân thân xác mình và đã đổ máu mình ra. Với cách thức này, Người
ban tặng trọn vẹn cuộc sống của mình và mạc khải nguồn mạch nguyên thuỷ
của tình yêu này” (ĐGH. Bênêđictô XVI, Sacramentum Caritatis, số 7).
Anh em linh mục rất thân mến, chúng ta trung thành cử hành mỗi ngày
Bí tích Thánh Thể Cực Thánh, không chỉ để chu toàn một dấn thân mục
vụ hay đáp ứng cho nhu cầu của cộng đoàn đã được giao phó cho chúng ta,
nhưng còn vì một nhu cầu tuyệt đối của bản thân mà chúng ta cảm nhận,
như hơi thở, như ánh sáng cho đời sống chúng ta, như lý do duy nhất
thích đáng cho một đời sống linh mục thành toàn.
Trong Tông huấn hậu thượng hội đồng Sacramentum caritatis, Đức Thánh Cha
lại mạnh mẽ đề nghị xác quyết của thánh Augustinô: “Không ai ăn thịt
này mà trước đó đã không thờ lạy; nếu không thờ lạy, chúng ta sẽ có tội”
(Thánh Augustinô, Enarrationes in Psalmos, 98,9). Chúng ta không thể
sống, chúng ta không thể nhận ra sự thật về chính mình nếu không để cho
Đức Kitô nhìn ngắm và sinh ra chúng ta qua việc tôn thờ Thánh Thể hằng
ngày. Và “sự đứng vững” (Stabat) của Mẹ Maria, “Người Nữ Thánh Thể”,
dưới chân thập giá của Con Mẹ, là mẫu gương ý nghĩa nhất về việc chiêm
ngắm và tôn thờ Hy lễ thần linh đã được ban tặng cho chúng ta.
Cũng như chiều kích truyền giáo thuộc về bản chất của Giáo hội, sứ vụ
của chúng ta được hàm chứa trong căn tính linh mục, chính vì thế
tính khẩn thiết của việc truyền giáo là vấn đề tự ý thức về chính mình.
Căn tính linh mục của chúng ta được thiết lập và được đổi mới từng ngày
qua cuộc “đối thoại” với Chúa chúng ta. Mối tương quan với Người, luôn
được nuôi dưỡng trong lời cầu nguyện thường hằng, có hệ quả trực tiếp là
nhu cầu chia sẻ nó cho những người chung quanh. Thật vậy, sự thánh thiện
mà chúng ta khấn xin mỗi ngày không thể được quan niệm như một sự tiếp
nhận cá nhân cằn cỗi và trừu tượng, nhưng rõ ràng đó là sự thánh thiện
của Đức Kitô lan toả cho chúng ta: “Sự kiện được hiệp thông với Đức
Giêsu đưa chúng ta vào lối sống của Người là “sống cho mọi người”; điều
đó làm nên cách thể hiện hữu của chúng ta” (ĐGH. Bênêđictô XVI, Spe
Salvi, số 28).
Lối "sống cho mọi người" của Đức Kitô được thể hiện cho chúng ta trong
Ba Chức Năng (ria Munera) [= loan báo, thánh hiến và qui tụ] mà chúng ta
được mặc lấy nhờ chính bản chất của chức linh mục. Ba chức năng này cấu
thành toàn thể thừa tác vụ của chúng ta. Nó không phải là nơi vong thân,
hay tệ hơn nữa, nơi giản lược ngôi vị của chúng ta vào chức năng nghề
nghiệp mà thôi, nhưng là lối diễn tả đích thực nhất việc chúng ta thuộc
trọn về Đức Kitô. Ba chức năng này là nơi thể hiện mối tương quan với
Người. Đoàn Dân được giao phó cho chúng ta giảng dạy, thánh hoá và lãnh
đạo không phải là một thực tại làm chúng ta sao lãng "đời sống mình",
nhưng là gương mặt của Đức Kitô mà chúng ta phải chiêm ngắm hàng ngày,
như phu quân chiêm ngắm gương mặt của hôn thê, như Đức Kitô chiêm ngắm
Hội thánh, Hiền thê của Người. Đoàn dân được giao phó cho chúng ta là
con đường chúng ta phải đi để đạt đến sự thánh thiện, nghĩa là con
đường nhờ đó Chúa Kitô tỏ hiện vinh quang của Chúa Cha qua chúng ta.
"Nếu người nào làm cớ vấp phạm cho chỉ một người nhỏ bé nhất, thì nó
đáng bị đeo cối đá vào cổ và ném xuống biển [...] Ngược lại, những ai
đưa cả một đoàn dân đến chỗ hư mất [...], thì nó phải chịu đau khổ đến
mức nào và với hình phạt nào nó đáng phải chịu đây?" (Thánh Gioan
Chrysostome, De sacerdotio VI, 1.498). Trước nhận thức về nhiệm vụ nặng
nề và trọng trách lớn lao đối với cuộc sống và ơn cứu độ của chúng ta,
nơi mà lòng trung thành với Đức Kitô gắn liền với "lòng vâng phục" đối
với những đòi buộc của việc cứu rỗi các linh hồn, chúng ta không nên để
cho có một chút không gian nghi nan nào về ân sủng đã lãnh nhận. Chúng
ta chỉ có thể cầu xin cho mình biết dành chỗ rộng lớn nhất có thể cho
Tình yêu của Người, để Người hành động qua chúng ta. Bởi vì, hoặc chúng
ta để cho Chúa Kitô cứu độ thế giới bằng cách hành động trong chúng ta,
hoặc là chúng ta có nguy cơ phản bội lại chính bản chất ơn gọi của mình.
Anh em linh mục thân mến, thước đo lòng tận tâm vẫn là tất cả. Với "năm
cái bánh và hai con cá", không có gì đáng kể. Đúng vậy, nhưng đó là tất
cả ! Ân sủng của Thiên Chúa tạo nên mối Hiệp thông nuôi dưỡng cả đoàn
dân từ chính sự nhỏ bé hoàn toàn của chúng ta. Những linh mục già yếu
hay đau bệnh tham dự vào "sự tận tâm hoàn toàn" này cách đặc biệt. Các
ngài thi hành hàng ngày thừa tác vụ thần linh trong sự kết hợp với cuộc
khổ nạn của Đức Kitô và đồng thời hiến dâng cuộc đời linh mục của các
ngài cho sự thiện hảo đích thực của Giáo hội và ơn cứu độ các linh hồn.
Sau cùng, nền tảng không thể thay thế của cả đời sống linh mục còn có
Mẹ rất thánh của Thiên Chúa. Mối tương quan với Mẹ không thể gói gọn
trong việc thực hành lòng hiếu thảo và sùng kính, nhưng phải được nuôi
dưỡng bằng sự tận tâm liên lỉ phó dâng trong vòng tay Mẹ trọn đời đồng
trinh tất cả đời sống và toàn thể tác vụ của chúng ta. Rất Thánh Đồng
Trinh Maria tiếp tục dìu dắt chúng ta, như thánh Gioan, đến dưới chân
thập giá của Con Mẹ và là Chúa chúng ta, để cùng với Mẹ chiêm ngắm Tình
yêu vĩnh cửu của Thiên Chúa: "Thập giá ngã bóng trên mặt đất, Sự sống
của chúng ta, Sự sống thật. Thập giá mang lấy cái chết của chúng ta để
tiêu diệt nó bằng Sự sống dồi dào" (Thánh Augustinô, Tự thuật IV, 12).
Thiên Chúa Cha đã chọn lựa chờ đợi tiếng "xin vâng" (Fiat) của
một Trinh Nữ trước lời truyền tin của thiên sứ như một điều kiện cho ơn
cứu độ của chúng ta, cho sự thành toàn nhân tính của chúng ta, và cho
việc Nhập Thể của người Con được thực hiện. Có thể nói rằng, Đức Kitô đã
quyết định trao phó cả đời sống của Người cho tự do tràn đầy tình yêu
của Mẹ: "Khi đón nhận Đức Kitô và sinh Ngài vào thế gian, khi nuôi nấng
Ngài và dâng Ngài trong Đền thờ cho Thiên Chúa Cha, khi đau khổ với Con
chết trên thập giá, Mẹ Maria đã đóng góp vào công trình của Đấng Cứu Thế
một sự cộng tác tuyệt đối, không thể so sánh, bằng sự vâng phục, đức
tin, hy vọng, đức ái mãnh liệt của Mẹ để đem lại cho các linh hồn sự
sống siêu nhiên. Chính vì thế, Đức Maria đã trở nên Mẹ chúng ta, trong
trật tự ân sủng" (Hiến Chế Lumen gentium, số 61).
Thánh Giáo hoàng Piô X đã khẳng định: "Mọi ơn gọi linh mục đều đến từ
trái tim của Thiên Chúa, nhưng qua trái tim của một người mẹ". Điều
này đúng với vai trò mẫu tử sinh học, nhưng cũng đúng với "sự hạ sinh"
của bất cứ lòng trung thành nào với Ơn gọi của Đức Kitô. Chúng ta không
thể thiếu tình mẫu tử thiêng liêng cho cuộc sống linh mục của mình:
chúng ta cầu xin sự trợ giúp nền tảng này với đầy lòng tin tưởng phó
thác cho lời cầu nguyện của Mẹ Giáo hội thánh thiện, cho tình mẫu tử của
Dân Chúa mà chúng ta là những mục tử của họ và họ cũng được giao cho sự
canh phòng và sự thánh thiện của chúng ta.
Anh em linh mục thân mến, ngày nay thật là cấp bách phải có "một
phong trào cầu nguyện mà trung tâm là việc tôn thờ Thánh Thể liên tục
suốt cả ngày, trên khắp cả thế giới, để thường xuyên dâng lên Thiên Chúa
lời cầu nguyện tôn thờ, tạ ơn, xin ơn và tạ tội, nhằm mục đích chính là
khơi dậy đủ số ơn gọi thánh thiện vào chức linh mục, và trong chiều kích
của Thân Thể mầu nhiệm, bằng tình mẫu tử thiêng liêng, cũng là để đồng
hành thiêng liêng với những ai đã được gọi vào chức linh mục thừa tác và
được biến đổi trọn bản thân nên giống vị Thượng Tế Vĩnh Cửu duy nhất, để
họ phục vụ Ngài và những người anh em ngày càng tốt hơn, như những người
vừa ở trong Giáo hội, vừa vượt lên trước Giáo hội" (x. Gioan Phaolô
II, Tông huấn Những mục tử như lòng mong ước, số 16), khi đại diện cho
Đức Kitô là đầu, mục tử và hôn phu của Giáo hội" (Thư của Thánh bộ Giáo
sĩ, ngày 8/12/2007).
Tóm lại, có một hình thức bổ sung tình mẫu tử thiêng liêng luôn đồng
hành cách âm thầm với gia đình ưu tuyển là các linh mục trong
lịch sử Giáo hội: đó là việc tín thác thừa tác vụ của chúng ta vào một
khuôn mặt rõ ràng, một tâm hồn tận hiến được Đức Kitô mời gọi, và vì thế
chọn hiến dâng chính bản thân mình với những khổ đau cần thiết và những
khó khăn không thể tránh khỏi trong cuộc sống, để chuyển cầu hữu hiệu
cho cuộc đời linh mục của chúng ta, và nhờ đó chúng ta luôn sống trong
sự hiện diện dịu hiền của Đức Kitô.
Trong tình mẫu tử này tỏ hiện khuôn mặt từ ái của Mẹ Maria. Tình mẫu tử
này phải được cầu xin trong kinh nguyện, vì chỉ có Thiên Chúa mới có thể
khơi dậy và nâng đỡ. Không thiếu những gương mẫu tuyệt vời trong tình
mẫu tử này; chúng ta hãy nghĩ đến những giọt nước mắt tốt lành của thánh
nữ Mônica dành cho con ngài là Augustinô, vì người con này mà ngài khóc
"nhiều hơn các người mẹ đã khóc vì cái chết của các con của họ"
(Thánh Augustinô, Tự thuật III, 11). Một gương sáng hấp dẫn khác là của
Eliza Vaughan, người đã sinh ra và dâng cho Thiên Chúa 13 người con,
trong số 8 người con trai thì 6 là linh mục, và trong số 5 người con gái
thì 4 là nữ tu. Thế nên chúng ta không thể thực sự trở thành những "hành
khất" trước mặt Đức Kitô, Đấng ẩn mình cách tuyệt diệu trong mầu nhiệm
Thánh Thể mà không biết cầu xin cách cụ thể sự trợ giúp hữu hiệu và lời
cầu nguyện của những kẻ Người đặt bên cạnh chúng ta, và họ không ngần
ngại phó thác chúng ta cho những tình mẫu tử mà Thánh Thần gợi lên cách
mạnh mẽ cho chúng ta.
Trong thư gửi chị Céline, thánh nữ Têrêxa Hài đồng Giêsu đã xác tín nhu
cầu khẩn thiết phải cầu nguyện cho các linh mục, nhất là những người
nguội lạnh: "Chúng ta hãy sống cho các linh hồn, hãy là những tông đồ,
nhất là hãy cứu lấy linh hồn của các linh mục [...] Chúng ta hãy cầu
nguyện, chịu đau khổ vì họ và ngày sau cùng, Chúa Giêsu sẽ biết ơn chúng
ta" (Thánh Têrêxa Hài đồng Giêsu, thư số 94).
Chúng ta phó dâng cho sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Rất Thánh, Nữ Vương
các Tông Đồ, Mẹ rất dịu hiền, và cùng với Mẹ hướng nhìn về Đức Kitô,
không ngừng cố gắng để thuộc trọn về Người; đó là căn tính của chúng ta
!
Chúng ta nhớ lại những lời của cha thánh họ Ars, bổn mạng các Cha sở:
"Nếu tôi đã bước một chân lên trời mà có người đến nói với tôi hãy trở
lại trần gian để làm cho những người tội lỗi trở lại, tôi sẽ vui lòng
trở lại trần gian. Và vì việc này, nếu cần thiết phải ở lại trần gian
cho đến tận thế, dù phải thức dậy lúc nửa đêm và phải đau khổ như tôi
đau đã khổ, tôi chấp nhận với cả tấm lòng" (FRERE ATHANASE, Procès
de l'Ordinaire, p. 883).
Ước gì Chúa hướng dẫn và bảo vệ tất cả và mỗi người trong chúng ta, nhất
là những người bệnh tật và những người đau khổ nhất, trong hiến lễ liên
lỉ của đời sống vì tình yêu của chúng ta.
+ MAURO PIACENZA
Tổng Giám mục hiệu toà Vittoriana, Thư ký.
(Lm. Tôma-Thiện Trần Quốc Hưng và Lm. Phaolô Nguyễn Thành Sang chuyển
ngữ) |