NĂM ĐỨC TIN


Suy niệm về Đời Sống Đức Tin của Đức Mẹ Maria

Linh mục Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang

Đức tin là nhân đức nổi bật nhất trong cuộc đời của Đức Mẹ. Bà thánh Isave lớn tiếng ngợi khen đức tin của Đức Mẹ: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1,45).

Giáo Hội tuyên xưng Đức Mẹ là Mẹ của Các Tín Hữu, nghĩa là Mẹ của các kẻ tin. Thánh phụ Augustinô quả quyết: chính do đức tin mà Đức Mẹ đã sinh ra Đấng Cứu Thế: “Ngài thụ thai Con Thiên Chúa bằng đức tin và Ngài sinh hạ Con Thiên Chúa cũng bằng đức tin.”

 Đức Mẹ luôn sống chìm đắm trong biển sâu thẳm của đức tin.

Trong suốt cuộc đời dài của mình trên trần thế - đính hôn khi thanh nữ, con chết lúc trung niên, lìa đời lúc luống tuổi - Đức Mẹ luôn tin tưởng mãnh liệt vào Thiên Chúa, luôn nhìn thấy mọi sự xảy ra trong cuộc đời mình dưới ánh sáng đức tin.

Mặc dầu tổng lãnh thiên thần Gabirie được Thiên Chúa truyền phải làm tất cả mọi sự để cho Đức Mẹ dễ tin: nào là thái độ hết sức cung kính, thánh thiện và nghiêm trang của một thiên sứ từ trời được sai đến, nào là nói đúng theo lời các tiên tri từ xưa đã loan báo về Đấng Cứu Thế, nào là trưng ra phép lạ người chị họ Isave đã già cả son sẻ mà vẫn sinh con, nhưng Đức Me, với lòng khiêm nhượng thẳm sâu, vẫn nhận thấy những điều không thể nào tin được: một là, người phàm trần như Mẹ, thì làm sao trở nên Mẹ của Con Thiên Chúa được; hai là, một người nữ giữ mình đồng trinh tuyệt đối như Mẹ, thì làm sao thụ thai được? Những điều nầy không thể nào thực hiện được theo sức loài người. Dầu vậy, khi thiên sứ quả quyết rằng không có việc gì mà Thiên Chúa toàn năng không làm được, thì Đức Mẹ nhắm mắt tin vào Lời Chúa với tất cả mọi điều mạo hiểm, mọi sự nguy biến, mọi nổi đau khổ hồn xác sẽ xảy ra trong đời mình. Vì thế, sau hai tiếng vắn gọn “Xin Vâng”, Đức Mẹ quyết sống trọn vẹn đức tin của mình: đức tin này không hề bị lay chuyễn khi bị thánh Giuse hiểu lầm, khi bị hất hủi tại Bêlem, khi sinh Con lạnh lẽo trong hang đá thô hèn, khi đứng lặng trên Núi Sọ dưới chân thập giá treo xác Con Mình.

 Để sống đức tin và để chết trong đức tin của mình, Đức Mẹ đã luôn luôn tìm cách chiến thắng ba thử thách nặng nề về đức tin mà Chúa gởi đến cho bất cứ ai được Ngài ban đức tin cho.

 Thử thách thứ nhất: Đức Mẹ không thấy gì bên ngoài, nhưng Đức Mẹ vẫn tin mạnh mẽ bên trong.

 Khi sinh Con Thiên Chúa, Đức Mẹ không thấy bên ngoài có gì để tin đó là Con Thiên Chúa cao sang vô cùng: một trẻ thơ yếu hèn, run lên vì lạnh, khóc lên vì yếu; nơi sinh thì thúi tha hôi hám vì đây là nơi dành cho súc vật trú đêm. Dù không thấy gì bên ngoài, Đức Mẹ vẫn tin mạnh mẽ đây là Con thật của Thiên Chúa cao sang vô cùng.

 Khi thấy Con mình chết bất lực trên hai miếng gỗ lạnh lùng, bị người ta chê cười chế nhạo, bị các môn đệ chạy trốn bỏ rơi, không có gì là quyền năng vô biên của một vì Thiên Chúa. Dù không thấy gì bề ngoài, Đức Mẹ vẫn tin mạnh mẽ đây là Con thật của Thiên Chúa quyền năng vô cùng.

 Thử thách thứ hai: Đức Mẹ không hiểu gì trong trí, nhưng Đức Mẹ vẫn tin mạnh mẽ trong tâm hồn.

 Dù biết mình được đầy ơn Đức Chúa Thánh Thần, Đức Mẹ vẫn không hiểu được Lời Chúa một cách đầy đủ, nên Đức Mẹ đêm ngày tìm cách suy niệm Lời Chúa, ấp ủ Lời Chúa, luôn cầu xin cho được hiểu Lời Chúa mà đem ra thực hành trong cuộc sống. Vì thế, đời sống nội tâm của Đức Mẹ rất sâu xa và mãnh liệt.

 Thử thách thứ ba : Khi thấy trước mắt những điều hoàn toàn trái ngược, Đức Mẹ vẫn tin mạnh mẽ trong lòng.

Biết Con mình là Con Thiên Chúa toàn năng như lời quả quyết của thiên sứ Gabirie, nhưng Đức Mẹ chỉ thấy toàn những cảnh thất bại của Con mình : thất bại khi được sinh ra, phải được bồng chạy trốn mới khỏi bị giết; thất bại khi lớn khôn ở Nadarét, phải đổ mồ hôi sôi nước mắt trong vai người thợ mộc nhọc nhằn; thất bại khi ra giảng đạo, bị người ta bắt giết; thất bại khi chết nhục nhã trên hai miếng gỗ lạnh lùng, trơ trọi giữa trời và đất. Dầu vậy, Đức Mẹ vẫn thờ lạy Con Thiên Chúa trong hang dá Bêlem, vẫn tin Con Thiên Chúa trong vai một người thợ mộc khó nghèo và trong cái thân xác tiều tụy bị treo trên thập giá.

 Đức tin là điều đặc biệt nhất của người công giáo.

Khi xin được chịu phép Rửa Tội để trở thành con cái của Thiên Chúa, con cái của Giáo Hội, chúng ta chỉ xin có một điều: Xin cho được được Đức Tin.

 Đức tin làm cho chúng ta biết được Thiên Chúa là Cha chúng ta.

 Chúa Giêsu dạy rõ: :”Hể ai tin Tôi, thì không phải là tin Tôi, nhưng là tin Đấng đã sai Tôi. (Ga 21,44). Ngài dạy chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha, và dạy chúng ta ngày đêm cầu nguyện với Cha chúng ta trên trời: “Lạy Cha chúng con ở trên trời ” (Mt 6,9).

Điều hạnh phúc nhất của người công giáo là có Thiên Chúa là Cha. Tất cả chúng ta đều có thể nói như thánh Philiphê xưa: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện” (Ga 14,8).

 Đức tin làm cho chúng ta được sống đời đời.

Chúa Giêsu đã quả quyết như vậy: “Sự sống đời đời, đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giêsu Kitô” (Ga 17,3).

 Đối với người Công Giáo chúng ta, đức tin dạy chúng ta biết cuộc sống trên trần gian nầy chỉ là phần đầu của cuộc sống đời đời mà chúng ta sẽ được sống sau khi chết. Đây là điều hết sức an ủi cho người Công Giáo chúng ta và làm cho chúng ta luôn vui sống trong cuộc đời tạm chóng qua nầy.

 Sách Thánh để lại cho chúng ta nhiều gương đức tin mạnh mẽ.

 Gương đức tin của ông Nôê: “Nhờ đức tin, ông Nôê được Thiên Chúa báo cho biết những gì người ta chưa thấy; vì có lòng kính sợ Thiên Chúa, ông đã đóng một chiếc tàu để cứu gia đình ông. Tin như thế là ông đã lên án thế gian, và được phần gia nghiệp là sự công chính nhờ đức tin” (Dt 11,7).

 Gương đức tin của ông Ápraham: “Nhờ đức tin, ông Ápraham đã vâng nghe tiếng Chúa gọi mà ra đi đến một nơi ông sẽ được lãnh nhận làm gia nghiệp, và ông đã ra đi mà không biết mình đi đâu” (Dt 11,8). “Ông cứ vững tin, mặc dầu trong trường hợp mình, ông không còn hy vọng gì nữa... Lòng tin của ông không chút nao núng, mặc dầu ông cảm thấy thân xác mình gần tàn phế vì khi ấy, ông đã ngót một trăm tuổi, và vợ ông là bà Sara đã hết thời sinh con” (Rm 4,18-19).

 Gương đức tin của ông Môsê: “Nhờ đức tin, ông Môsê, khi lớn lên đã từ chối không chịu cho người ta gọi là con của công chúa Pharaô; ông thà cùng chịu ngược đãi với Dân Thiên Chúa còn hơn là được hưởng cái sung sướng chóng qua do tội lỗi mang lại; ông coi sự ô nhục của người được xức dầu là của cải quý báu hơn các kho tàng của người Ai-cập, vì mắt ông vẫn đăm đăm nhìn phần thưởng mai sau. Nhờ đức tin, ông bỏ Ai-cập mà không sợ cơn thịnh nộ của nhà vua; ông vững vàng không nao núng, như thể xem thấy Đấng vô hình” (Dt 11,24-27).

 Gương đức tin của thánh Phaolô: Sau khi trở lại với Chúa, thánh Phaolô đã sống trọn vẹn đức tin của mình trong nhiều thập niên hăng say đi rao giảng Lời Chúa khắp nơi. Trước khi chết, ngài nói cho đồ đệ Timôtêô biết đức tin mạnh mẽ của mình: “Thầy đã chiến đấu anh dũng. Thầy đã chạy hết con đường và Thầy đã giữ vững được đức tin” (2 Tm 4,7).

Đối với đức tin Thiên Chúa đã ban, người Công Giáo chúng ta phải sống thế nào?

 Chúng ta phải có lòng tin trọn vẹn. Chúng ta hãy đến với Chúa với lòng tin trọn vẹn, như lời tác giả Thư Do Thái khuyên: “Chúng ta hãy tiến lại gần Thiên Chúa với một lòng chân thành và một đức tin trọn vẹn, vì trong lòng thì đã được tẩy sạch mọi vết nhơ của lương tâm, còn ngoài xác thì đã được tắm rửa bằng nước tinh tuyền” (Dt 10,22). Chúa Giêsu dạy chúng ta phải dứt khoát, phải tin trọn vẹn vào Chúa vì chúng ta không thể nào làm tôi hai chủ được: “Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được” (Lc 16,13).

 Chúng ta phải có lòng tin mạnh mẽ. Thánh Phêrô khuyên hãy lấy đức tin mạnh mẽ mà chống lại ma quỷ là kẻ tìm đủ cách để tiêu diệt đức tin của chúng ta : “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé. Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự, vì biết rằng toàn thể anh em trên trần gian đều trải qua cùng một loại thống khổ như thế” (Pr 5,8-9).

 Chúng ta phải có lòng tin vững vàng. Thánh Phaolô dạy các tín hữu Côlosê hãy tin vững vàng và quyết tâm giữ vững đức tin: “Vậy như anh em đã nhận Đức Kitô Giêsu làm Chúa, thì hãy tiếp tục sống kết hợp với Người. Anh em hãy bén rễ sâu và xây dựng đời mình trên nền tảng là Đức Kitô Giêsu, hãy dựa vào đức tin mà anh em đã được thụ huấn, và để cho lòng chan chứa niềm tri ân cảm tạ” (Cl 2,6-7).

 Chúng ta phải có lòng tin bền đổ. Chúa Giêsu khuyên chúng ta đừng bao giờ từ bỏ đức tin mà liều mình chết mất linh hồn đời đời: “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn đời đời, nào được ích lợi gì?” (Mc 8,36). Tác giả Thư Do Thái khuyên chúng ta hãy sống bền đổ đức tin cho đến cùng, không bao giờ bỏ cuộc: “Phần chúng ta, chúng ta không phải là những người bỏ cuộc để phải hư vong, nhưng là những người có lòng tin để bảo toàn sự sống” (Dt 10,39).

 Chúng ta phải có lòng tin thật sự trong tâm hồn. Thánh Gioan khuyên các tín hữu đầu tiên trong Giáo Hội hãy tin thật trong lòng: “Ai tin Con Thiên Chúa, kẻ đó phải mang lời chứng ấy trong lòng mình” (1 Ga 5,10).

 Chúng ta phải tuyên xưng đức tin ra bên ngoài. Chúa Giêsu nói rõ : “Ai chấp nhận Thầy trước mặt người đới, Thầy sẽ chấp nhận kẻ đó trước mặt Cha Thầy ở trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt người đời, Thầy cũng sẽ chối kẻ đó trước mặt Cha Thầy ở trên trời ” (Mt 10,32-33 ). Thánh Phaolô quả quyết với tín hữu Rôma: “Quả thế, có tin thật trong lòng, mới được nên công chính; có xưng ra ngoài miệng, mới được ơn cứu độ” (Rm 10,10 ). Ngài căn dặn đồ đệ Timôtê của ngài: “Con hãy sống gương mẫu về đức tin” (1 Tm 4,12)

 Chúng ta phải cùng nhau bênh vực đức tin. Thánh Phaolô mong ước tín hữu Philiphê hiệp nhất với nhau để bênh vực đức tin: “Chỉ có một điều là anh em phải ăn ở làm sao cho xứng với Tin Mừng của Đức Kitô. Như thế, dù tôi có đến thăm anh em hay vắng mặt đi nữa, tôi vẫn muốn được nghe người ta nói về anh em là anh em luôn đứng vững, cùng chung một tinh thần, một lòng một dạ cùng nhau chiến đấu vì đức tin mà Tin Mừng mang lại cho anh em. Về bất cứ điều gì, đừng sợ những kẻ chống đối anh em: đó là dấu chỉ cho thấy họ sẽ bị hư vong, còn đối với anh em, thì lại là dấu chỉ ơn cứu độ. Điều ấy là ân huệ Thiên Chúa ban”(Pl 1,27-28).

Chúng ta hãy xin Đức Mẹ Maria cho chúng ta biết sống đức tin như Mẹ.

Lạy Mẹ Maria, hơn ai hết, Mẹ có lòng tin trọn vẹn, xin Mẹ dạy chúng con luôn sống tin Chúa một cách trọn vẹn như Mẹ.

Lạy Mẹ Maria, hơn ai hết, Mẹ có lòng tin mạnh mẽ, xin Mẹ dạy chúng con luôn sống tin Chúa một cách mạnh mẽ như Mẹ.

Lạy Mẹ Maria, hơn ai hết, Mẹ có lòng tin vững vàng, xin Mẹ dạy chúng con luôn sống tin Chúa một cách vững vàng như Mẹ.

Lạy Mẹ Maria, hơn ai hết, Mẹ có lòng tin bền đổ, xin Mẹ dạy chúng con luôn sống tin Chúa một cách bền đổ như Mẹ.

Lạy Mẹ Maria, hơn ai hết, Mẹ có lòng tin thật trong lòng, xin Mẹ dạy chúng con luôn sống tin Chúa thật trong lòng như Mẹ.

Lạy Mẹ Maria, hơn ai hết, Mẹ luôn xưng đức tin ra bên ngoài, xin Mẹ dạy chúng con không những tin Chúa trong lòng, mà còn tuyên xưng đức tin ra bên ngoài trong lời nói, trong cử chỉ thái độ, trong cuộc sống của mình như Mẹ.

Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ cho chúng con biết cùng nhau bảo vệ và bênh vực đức tin vô cùng quý báu của mình như Mẹ.

Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ cho chúng con sống hạnh phúc trong đức tin và chết hạnh phúc trong đức tin như Mẹ.

Amen.

 

Trang Độc Giả

Trang Nhà