NĂM ĐỨC TIN


Nghĩ Về Đặc Tính Bí Tích Nơi Người Kitô Hữu

Jos.Vicn. Ngọc Biển, SsP.

Trong kinh nghiệm cuộc sống dân gian, người ta thường nói: “rỏ nhà ai, quai nhà nấy” để  chỉ về người đó thuộc gia đình, tầng lớp, và địa vị nào trong xã hội,… với người Công Giáo, chúng ta mang trong mình hình ảnh Đức Kitô ngày chúng ta lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, để từ đó, chúng ta trở nên người Kitô Hữu, là người thuộc về Đức Kitô, và được mời gọi trở nên giống Ngài. Vậy tại sao lại có sự biến đổi đó? kinh nghiệm của ta về sự thay đổi đó như thế nào? Xin được dựa trên nền tảng thần học của thánh Tôma Aquynô để làm sáng tỏ đặc tính Bí Tích nơi người Kitô Hữu.

1.  Đặc tính Bí Tích

Nếu nói: “Bí Tích là  những dấu chỉ hữu hiệu của ân sủng do Chúa Kitô thiết lập, và được trao lại cho Giáo Hội để ban sự sống thần linh cho chúng ta”[1] thì đặc tính Bí Tích là một cái gì đó sâu xa bên trong linh hồn không thể xóa nhòa. Đặc tính ấy là thường hằng, là cái sẽ tồn tại muôn đời, sẽ không thể bị đánh mất.[2] Nếu các Bí Tích là “cửa vào thánh thiêng”, thì đặc tính Bí Tích chính là một sự thay đổi sâu xa và lưu lại mãi mãi trong linh hồn người ta khi đã vào cửa thánh thiêng đó. Như vậy, việc lãnh nhận các Bí Tích nhờ sự biến đổi của Đức Kitô, người Kitô hữu được sinh vào trong chiều kích mới, chiều kích của sự hiện hữu, nghĩa là chiều kích của Thiên Chúa, một sự hiện hữu mà Chúa Kitô đã sống suốt cuộc đời trần thế của Ngài.[3]

2.  Kitô Hữu là người đồng hình đồng dạng với Đức Kitô nhờ đặc tính Bí Tích

Như đã nói, đặc tính Bí Tích chính là một sự thay đổi sâu xa từ bên trong, làm cho con người đó chung phần sự sống thần linh với Thiên Chúa thông qua Đức Giêsu. Đặc tính Bí Tích còn làm cho ta trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô nhờ được dìm vào trong một khuôn đúc mới, để xuất hiện trong một hình ảnh mới, hình ảnh của chính Đức Kitô, Đấng đã yêu mến và vâng phục Cha.[4] Vậy hình ảnh mới là gì?

Trước khi nói đến một hình ảnh mới trong Đức Kitô, chúng ta nói đến một hình ảnh cũ, hình ảnh của một con người thuần túy.

Con người của chúng ta mang nặng những ám ảnh bởi tội lỗi do nguyên tổ gây nên (x. St 3,8-15). Mặt khác những hệ lụy của tội (x. St, 3, 16-24) nó đã làm cho con người ưa chiều theo sự tội ( St 4, 1-16) và làm nô lệ cho nó, đó là thời Cựu Ước.

Sang thời Tân Ước, khi Đức Kitô đã nhập thể và trở nên Đấng Emmanuel (x. Lc 2,1-17) thì con người chúng ta được giao hòa lại với Thiên Chúa và được Người canh tân, đổi mới, để trở nên giống Người thông qua các Bí Tích. Khi chúng ta được dìm vào nước thánh tẩy, để thuộc về Đức Kitô Giêsu thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới…. Từ nay trong ta có Thiên Chúa và trong Thiên Chúa có ta, ta và Thiên Chúa cùng chung nhau một dòng máu thông qua Đức Giêsu[5] (x. Ga 15, 1-8; 17, 20 tt), bởi lẽ con người cũ nơi chúng ta đã bị đóng đinh vào thập giá với Đức Kitô, được cùng chết và mai táng với Ngài, thì chúng ta cũng được cùng sống lại với Ngài như Ngài đã sống  (x. Rm 6, 3 – 11 ).

 Như vậy, hình ảnh mới là hình ảnh tái sinh để trở nên giống Đức Kitô,  chiều kích mới là qua Đức Giêsu, nơi các Bí Tích, chúng ta được sống trong Thiên Chúa. Khi đã trở nên giống Người, chúng ta noi gương để sống trọn vẹn trong Thiên Chúa như Ngài đã sống. Vậy sống như Ngài chính là quy chiếu tất cả mọi thành công (x. Mt 11,25-27), thất bại (x. Ga 12,28) về Thiên Chúa, không dừng lại ở chính mình.

Như vậy, tuyên bố của Thánh Tôma khi nói “Đặc tính Bí Tích giống như dìm mình vào trong một khuôn đúc mới, để xuất hiện một hình ảnh mới, hình ảnh Đức Kitô”,  thực sự là một quan điểm mới về Bí Tích. Ngài đã sử dụng triết học của Aristôte để làm nổi bật lên được sức mạnh của đặc tính Bí Tích. Đặc tính ấy chính là một ấn tín thiêng liêng bên trong linh hồn không thể xóa nhòa, đó là một sức mạnh trường cửu. Đặc tính ấy ta không thể thấy được, nhưng ta vẫn có thể biết được nhờ việc lãnh nhận các bí tích. Khi tuyên bố như thế, thánh Tôma đã khai mở cho các nhà nghiên cứu phê bình một lối nhìn mới về Bí Tích và những đặc tính của nó, đồng thời cũng giúp cho mỗi người chúng ta ý thức về sự biến đổi siêu nhiên từ bên trong của các Bí Tích[6]. Theo Tôma, hình ảnh mới là hình ảnh của Đức Kitô, Ngài luôn làm theo ý Đấng đã sai mình, mọi vinh quang danh dự đều thuộc về Cha thì đến lượt chúng ta, khi lãnh nhận các Bí Tích, chúng ta được trao phó nhiệm vụ liêng liêng để phụng tự Thiên Chúa, đồng thời cũng phải trao truyền cho kẻ khác những điều liên quan đến việc thờ phượng Thiên Chúa, và đây là điều đặc biệt của ấn tích nơi các Bí Tích mà Thánh Tôma đã đề cập tới.[7]

3. Những áp dụng cụ thể để giữ lại hình ảnh Đức Kitô trong mình

Trong hành trình đời tu, hay đời thường, người ta sợ nhất hai điều. Một là sự cô đơn và hai là sự nhàm chán trong công việc. Nhưng nếu không cô đơn thì sự nhàm chán kia cũng khó có thể vùng vẫy trong tâm hồn được. Chiều dài thời gian nó làm cho con người ta cảm thấy chán trường và mệt mỏi, đồng thời nó cũng làm cho ta cảm thấy mọi chuyện trở thành bình thường, nhất là việc đạo đức, và, nó sẽ làm cho nhiều người mất niềm hy vọng, không còn tin vào những chuyện thánh thiêng mình cử hành nữa. Sống trong tình trạng tâm hồn trống rỗng, không có kinh nghiệm về Thiên Chúa trong cuộc đời và qua các cử hành phụng vụ,  ta sẽ cảm thấy mình cô đơn, hoang mang về niềm tin cũng như hy vọng của mình nơi Chúa và các công việc bổn phận mình làm.

Ước gì những công việc đạo đức hằng ngày như: tham dự Thánh lễ, cử hành các giờ kinh Phụng Vụ, Bí Tích và các việc đạo đức… ta hãy làm mới lại trong cung cách cử hành, nhờ lòng mến thúc đẩy, có thế, ta sẽ không bị rơi vào sự trống vắng ngay trong những mầu nhiệm mà ta cử hành hằng ngày.

Mong thay, trong năm đức tin này, mỗi người hãy làm mới lại hình ảnh của Đức Kitô, một Đức Kitô luôn làm theo ý Cha, bởi vì: “lương thực của Thầy là làm theo ý Đấng đã sai Thầy”, đồng thời luôn  giữ lại hình ảnh của Đức Kitô cách sống động trong cuộc đời của ta qua các cử hành Phụng Vụ cũng như trong đời sống thường ngày như một lời chứng về sự hiện diện của Chúa. Sống được như vậy, ta có thể nói: Cuộc đời Kitô Hữu của mình như là một Bí Tích giữa Thiên Chúa và con người và Đặc tính Bí Tích giống như dìm mình vào trong một khuôn đúc mới, để xuất hiện một hình ảnh mới, hình ảnh Đức Kitô Phục Sinh.


[1] X. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1113-1130.

[2] Lm. Đa Minh Nguyễn Đức Thông, CssR. Điểm Hẹn Thần Linh, Biên soạn 2007, tr. 101.

[3] Joseph Martos, Cửa Vào Thánh Thiêng, tập 1, tr. 113.

[4] X. William Bausch, Một Lối Nhìn Mới về Bí Tích, tr. 35.

[5] Khi chúng ta rước Mình và Máu Chúa, chúng ta được thông phần bản tính Thiên Chúa nơi Bí Tích Thánh Thể. Bởi vì Bí Tích Thánh Thể là chính Chúa Giêsu, mà Chúa Giêsu chính là Thiên Chúa. Khi ta rước lấy Chúa Giêsu Thánh Thể thì cũng là đón nhận Bản Thể Thiên Chúa trong linh hồn ta thật. Như vậy, Thiên Chúa ở trong ta và ta ở trong Thiên Chúa.

[6] X. Lm. Đaminh Nguyễn Đức Thông, CSsR. Điểm Hẹn Thần Linh, tr. 102-103.

[7] X. Bearbeitet von Gunter Koch, Bí Tích Học Qua Các Tác Giả, tr. 105-106.

 

Trang Độc Giả

Trang Nhà