GIA ĐÌNH TẬN HIẾN ĐỒNG CÔNG VIỆT NAM

TỔ CHỨC GIA ÐÌNH TẬN HIẾN ÐỒNG CÔNG

Sinh Hoạt Gia Ðình Tận Hiến Ðồng Công Trải Qua Ba Giai Ðoạn

I.   GIAI ÐOẠN ÐẦU: TỪ NĂM 1978-1987

1) Tổ chức Gia đình Ðồng Công

Ngày 04.4.1941, linh mục Ðaminh Maria Trần Ðình Thủ được ơn soi sáng lập nên một dòng bản quốc, nhằm huấn luyện cho người Việt Nam làm thánh. Ý nguyện này đã được thực hiện khi hiến pháp dòng Ðồng Công được Giáo Hội phê chuẩn ngày 15.12.1952, và dòng được chính thức thành lập ngày lễ Ðức Mẹ dâng Chúa Giêsu trong đền thờ 02.2.1953. Khi nhận giúp dòng Thăm Viếng quãng năm 1947-1948, Cha có ý huấn luyện cho nữ giới Việt Nam nên thánh. Vào trong Nam, thấy dòng Trinh Vương được Cha Bênađô Maria huấn luyện khá vững chắc, Cha đã bãi dòng Thăm Viếng và cho các nữ tu nào còn chí tu thật thì sang dòng Trinh Vương (x. Lý tưởng Ðồng Công tập 2, tr. 13-15). Như vậy, ước nguyện đào tạo cho người Việt Nam nên thánh đã được thực hiện nơi các linh hồn tận hiến trong bậc tu trì. Còn những giáo dân sống giữa đời thì sao? Vấn đề này đã được đưa ra bàn thảo và được Tổng Tu Nghị IV chấp thuận (Tổng Tu Nghị IV tức Ðại Công Hội theo Hiến pháp cũ dòng Ðức Mẹ Ðồng Công bế mạc ngày 15.9.1977 tại Nhà Mẹ Thủ Ðức). Từ sau Tổng Tu Nghị này, dòng mở ra một đường hướng mới là thành lập tổ chức “Gia đình Ðồng Công” nhằm giúp các gia đình tín hữu Việt Nam nên thánh, bằng việc tận hiến cho Ðức Mẹ. (Sau Tổng Tu Nghị năm 2006 đã đổi tên thành tổ chức Gia Ðình Tận Hiến Ðồng Công).

2) Sự hình thành

Tổ chức “Gia đình Ðồng Công” bắt đầu hình thành từ khi có ông Phêrô Hoàng Hữu Thịnh, sinh năm 1939, ở Cái Sắn đến xin tận hiến và gia nhập ngày 15.8.1978. Ôâng Thịnh quen với thầy Nghị do trước đây cùng học chung tại đại học ở Ðà Lạt và cùng dạy học tại Cam Ranh. Sau ba ngày tĩnh tâm và học hỏi tại Nhà Mẹ (Khu 30 gian), ngày lễ Mẹ Lên trời 15.8.1978 ông đã tận hiến cho Trái Tim Ðức Mẹ tại nguyện đường Nhà Mẹ, mở đầu việc tận hiến của tổ chức “Gia đình Ðồng Công”. Trở về gia đình, một tháng sau ngày tận hiến, ông đã giới thiệu người thứ hai đến xin gia nhập, đó là ông Giuse Dương Phách (thân phụ hai thầy: Ánh, Kiệt) sinh năm 1936, cư ngụ tại kênh B, Cái Sắn, thuộc giáo phận Long Xuyên. Sau ba ngày tĩnh tâm và học hỏi về việc tận hiến, ông Phách đã tận hiến cho Trái Tim Mẹ Maria ngày 15.9.1978 lễ Mẹ Ðau Thương, bổn mạng nhất của dòng. Như các môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu, khi biết Chúa liền giới thiệu Chúa cho anh em mình (x. Ga 1, 40-42), hai năm sau ông Thịnh giới thiệu thêm một gia trưởng cao niên hơn, cũng thuộc miền Cái Sắn “vựa lúa của miền Nam”, ông Luy Ðỗ Tiến Ðức, sinh năm 1920, lên nhà dòng để học hỏi và dâng mình cho Ðức Mẹ ngày lễ Mẹ Lên Trời 15.8.1980.

Tiếp đó, thầy Martinô M. Lê Ðình Lãm quê ở Phú Bình, Sài Gòn đã đưa thân phụ là ông Ðaminh Lê văn Y, sinh năm 1923, lên nhà dòng để tìm hiểu, học hỏi, và đã tận hiến cho Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria ngày 08.12.1980. Trở về gia đình, với lòng nhiệt thành sốt sắng làm tông đồ cho Trái tim Mẹ, không đầy một năm sau, ông đã giới thiệu lên nhà dòng thêm ba người khác cùng ở Phú Bình là các ông Gioan Tẩy Giả Vũ Phán, sinh năm 1915 tận hiến khóùa thứ năm ngày lễ Truyền Tin cho Mẹ 25.3.1981; và hai ông Giuse Nguyễn Tiệm Tiến, ông Giuse  Nguyễn Văn Kính, sinh năm 1928 tận hiến cho Ðức Mẹ dịp lễ Mẹ Lên Trời 15.8.1981 (khoá sáu).

Ðặc điểm của sáu khóa đầu tiên này: Vì còn trong giai đoạn đầu chưa mấy ai biết đến việc tận hiến, mỗi khóa chỉ có một người gia nhập (trừ khóa sáu có hai người), rồi người này giới thiệu cho người khác đến. Việc tổ chức còn sơ sài, trong sáu khóa này người hướng dẫn trực tiếp là cha Phanxicô M. Nguyễn Minh Ðăng, lúc ấy đang giữ chức Tổng phụ tá II và giám đốc tu viện Thánh Gia. Các ông được tĩnh tâm ba ngày, trong ba ngày đó cha Minh Ðăng chia sẻ về tinh thần tận hiến, việc sống tận hiến và các vấn đề cần thiết cho việc thánh hoá bản thân và gia đình. Và ngày thứ bốn – ngày lễ Ðức Mẹ - các ông dâng mình cho Mẹ trước sự chứng kiến của cha Minh Ðăng, đại diện nhà dòng.

Số người đến xin tận hiến ngày một đông hơn. Ngày lễ Mẹ Ðau Thương 15.9.1981, Cha Bề Trên mở thêm khóa thứ bảy cho ba người đến xin gia nhập. Trong số này có ông Ðaminh Bùi Ngọc Minh, sinh năm 1928, xứ Châu Bình, em ruột cha Bênađô M. Bùi Khải Hoàn và hai ông ở Cái Sắn. Tiếp đến là khóa thứ tám ngày lễ Mẹ Vô Nhiễm 08.12.1981 cho ba người nữa ở Phú Bình, Sài Gòn. Trong số này có anh Giuse M. Nguyễn Văn Cẩn (con ông Kính), sinh năm 1954, anh Cẩn sau có đến nhà dòng giúp cho một số thầy trong ca đoàn luyện giọng hát trong một thời gian. Sang năm 1982, có bốn khóa mà khóa đông nhất là khóa 12, ngày 21.11.1982: có 16 người dâng mình cho Mẹ. So với thời gian ba năm đầu (1978-1981), ngày càng có nhiều người được ơn soi động của Chúa, Mẹ qua sự giới thiệu của những người đi trước, đến xin gia nhập, và đáp lại, nhà dòng cũng đã cho mở nhiều khóa liền nhau.

Ðặc điểm của các khóa sau này: Từ khóa bảy (15.9.81) đến khóa 34 (1.11.84) thời gian tĩnh tâm là 7 ngày liên tiếp rồi mới tận hiến cho Trái Tim Mẹ, thường là vào một ngày lễ Ðức Mẹ theo lịch phụng vụ, đôi khi cũng vào lễ các thánh, sau này vào các thứ Bảy hàng tuần. Từ khóa 35 (21.11.84) trở đi, thời gian tĩnh tâm là 7 ngày, nhưng được chia ra ba ngày trước, ngày tận hiến, rồi học hỏi thêm ba ngày sau. Chẳng hạn khóa 35: từ 17-20.11 tĩnh tâm, 21.11 tận hiến và ở lại nhà dòng để học hỏi thêm ba ngày nữa (đến hết ngày 23.11).

Ðược sự đồng ý của Cha Bề Trên, các thầy phụ trách GÐÐC tổ chức các khóa tu dưỡng cho các khóa đã tận hiến được một thời gian (hơn, kém một năm) đến nhà dòng chừng ba, bốn ngày để được “hâm nóng” lại. Cũng có tổ chức cho một vài khóa “tuyên hứa” nghĩa là sau khi đã tận hiến được một năm, đến tĩnh tâm “tuyên hứa” gia nhập GÐÐC (Ðiều lệ GÐÐC,  đ. 6). Việc tuyên hứa này các khóa sau không còn, và việc “hâm nóng” cũng chỉ được một số khóa, để ưu tiên cho việc mở khóa mới. Về sau các ông xin cho các bà đến nhà dòng học hỏi và tận hiến, thế là tổ chức GÐÐC có thêm ngành nữ. Các bà mỗi khóa tĩnh tâm năm ngày.

3) Việc tận hiến

Như đã nói trên, thời gian đầu khi số người xin gia nhập còn ít, cha Minh Ðăng đứng ra giúp 7 khóa đầu tiên (5 khóa đầu mỗi khóa một người). Từ khóa thứ 7, số người đến nhà dòng xin tận hiến và gia nhập GÐTHÐC ngày càng đông hơn, tất nhiên phải có các tu sĩ trong dòng cộng tác với Cha Bề Trên để hướng dẫn họ. Chương trình khoá học, thời gian tĩnh tâm, các đề tài học hỏi đã hình thành Ðiều lệ. Ðiều lệ này do Cha Bề Trên viết đơn sơ vắn tắt, nhấn mạnh về việc thánh hoá gia đình, sống tinh thần tận hiến, phát cho mỗi người đến tận hiến một bản.

Thời khóa biểu tĩnh tâm: Vì việc học hỏi, tĩnh tâm ở trong khu vực dòng nên các người đến tĩnh tâm (nam giới) đều được tham dự các giờ chung của tu viện như: thánh lễ, kinh trưa, chầu Thánh Thể. Ngoài các giờ chung kể trên, các người tham dự tuần tĩnh tâm lúc ấy đều được nghe Cha Bề Trên huấn đức. Có bao nhiêu ngày tĩnh tâm thì Ngài dậy bảo bấy nhiêu ngày, kể cả ngày tận hiến. Các ông thì được nghe huấn đức tại phòng Cha Bề Trên (cuối Nhà 30 gian). Các bà thì nghe huấn đức tại phòng khách. Về sau lâu lâu họ cũng đến nghe huấn đức tại phòng khách nhà dòng. Ðối với người giáo dân ở ngoài, được nghe Cha Bề Trên cả huấn đức là một việc hiếm có và họ rất thích thú nghe. Có người vừa dự một buổi đã nói với một thầy: Ðược nghe Cha Bề Trên giảng, con thấy lòng sốt sắng chỉ muốn tận hiến cho Ðức Mẹ ngay!

Các đề tài được học hỏi trong thời gian tĩnh tâm tại nhà dòng là: “Chúa Giêsu Thánh Thể” do thầy Giuse M. Vũ Kim Ngân, sau là cha Gioan Bosco M. Phạm Ngọc Liên giúp; về “Thánh mẫu học” do cha Hilariô M. Ðỗ Tri Tâm (đề tài do cha Gioan M. Ðoàn Phú Xuân soạn). Vì mục đích tổ chức tận hiến là để “thánh hoá gia đình”, mà các người gia trưởng giữ vai trò chủ chốt, đề tài này do thầy Gioan Euđê M. Mai Hữu Nghị (Tổng phụ tá IV) hướng dẫn. Thầy Nghị được Cha Bề Trên đặt đứng đầu tổ chức GÐTHÐC, điều hành chung và nhận các đơn xin gia nhập. Thầy Tađêô M. Trần Trung Thần giúp suy niệm ban sáng trước thánh lễ. Sau thầy bận đi giúp ở các địa phương thì thầy Gioan M. Nguyễn Ðức Hùng thay. Thầy Thần còn giúp môn “Giáo cương tận hiến” tức sự tận hiến và thực hành tận hiến. Có khóa thì dạy 14 tiết, ngày hai tiết. Cũng có thêm một số thầy khác trong ban giảng huấn như thầy Micae M. Trần Thái Vĩnh (giúp một vài khóa); thầy Ðiển đi giúp ở Hố Nai, Cát Lái; thầy Thảo giúp ở vùng Sài Gòn, Phương Lâm. Ngoài ra khi các khóa mới đông người gia nhập, còn thêm một vài anh em GÐTHÐC cũ, tình nguyện đến phụ khóa như ông Thịnh (khóa đầu tiên), ông Cường (xứ Tam Hà, RIP), ông Huyền (Bảo Ðịnh), ông Lưu (Bảo Thị, RIP)… Những anh em phụ khóa này rất nhiệt tình phục vụ và giúp đỡ các anh em khóa mới, đáng nêu gương.

Sau ba ngày học hỏi, chiều áp ngày tận hiến xưng tội. Ngày tận hiến, mấy năm đầu còn ít người thì tận hiến sau thánh lễ ban sáng: Các ông quì trước toà Mẹ, một linh mục lên huấn dụ ít lời sau đó là nghi thức tận hiến: Hát kinh Veni Creator, bài hát tận hiến, đọc kinh tận hiến GÐTHÐC (bản kinh này do Cha Bề Trên soạn), hát kinh Ngợi Khen. Các tu sĩ cũng tham dự nghi thức tận hiến khá đông. Những năm sau các khóa đông hơn thì nghi thức tận hiến được làm trước thánh lễ: Sau ca Nhập lễ thì xướng tên, các người tận hiến lên quì giữa cung thánh, linh mục chủ tế ngồi chứng nhận. Rồi cộng đoàn hát kinh Veni Creator, bài hát tận hiến, kinh tận hiến, linh mục đọc lời nguyện kết thúc; tiếp tục thánh lễ: hát kinh Vinh danh… Các bà thì tận hiến tại nhà nguyện khu Giáo Sĩ Dưỡng Ðường của dòng và có thánh lễ riêng vào lúc 8 giờ sáng.

Khi đến tĩnh tâm tận hiến tại nhà dòng, những người tham dự không phải đóng góp gì, nhà dòng lo liệu chu đáo từ ẩm thực đến các nhu cầu khác như chỗ ăn chỗ ở, kể cả những thứ lặt vặt như thuốc lào để hút (dành cho các ông)… Các ông ở phòng bên cạnh phòng khách và sinh hoạt tại đây. Các giờ thiêng liêng thì xuống dự chung với cộng đoàn dòng. Khóa các bà thì ban ngày sinh hoạt tại phòng khách nhà dòng: nghe huấn đức, học hỏi, dùng bữa tại đây. Tối được gởi ra nhà người quen và một vài nhà khác ở xứ Châu Bình (nếu khoá đông người). Sáng dự lễ ở nhà thờ xứ, sau đó vào nhà dòng dùng điểm tâm và tiếp tục theo chương trình tĩnh tâm. Các bữa cơm dành cho khách GÐTHÐC thường khá hơn vì có thêm món riêng. Ngày tận hiến nếu không phải ngày lễ trọng hay đặc biệt thì Cha Bề Trên vốn cho mừng như bậc trọng theo Tục Lệ dòng: thêm món trứng luộc, bánh gai tráng miệng… Về mặt tinh thần vì được đến nhà dòng thấy bầu khí trang nghiêm của tu viện, được tham dự các giờ kinh, lễ sốt sắng, lại được các cha các thầy huấn đức bảo ban, được học hỏi về Chúa Giêsu Thánh Thểâ, về việc tận hiến, về đời sống thiêng liêng, về cách xử đối trong gia đình, tình yêu gia đình, giáo dục con cái…; bề trong được các ơn Chúa, Mẹ ban trong các ngày tĩnh tâm và tận hiến nên nhìn chung ai đến tận hiến cũng đều rất sốt sắng và khi trở về được ơn biến đổi. Phần đông đều cố gắng sống tốt hơn và điều đó đã ảnh hưởng tới gia đình, lối xóm và xứ đạo. Quà mừng trong ngày tận hiến thường mỗi người được tặng cho quyển “Ðiều lệ Gia đình Ðồng Công”, quyển “Ðường nhỏ mến yêu”, “Giáo cương Tận hiến”, tràng hạt…

4) Thành quả

 Sinh hoạt tại xứ đạo sau khi tận hiến: Trở về gia đình các anh chị em GÐTHÐC thỉnh thoảng cũng họp nhau tại địa phương. Những ông đi các khóa đầu do nhiệt tình làm việc nghiễm nhiên trở thành các người đứng đầu (dù không ai đặt). Vì tổ chức GÐTHÐC nhằm giúp thánh hoá các gia đình, nên các người gia nhập thường được khuyến khích tham dự thánh lễ mỗi ngày và đọc chung 50 kinh mân côi trong gia đình (Ðiều lệ GÐÐC, đ. 14 & 12). Ðây là việc làm cần thiết để thánh hoá bản thân và gia đình. Ðọc 50 lần tác động mến yêu: Giêsu Maria Giuse con mến yêu, xin cứu rỗi các linh hồn” (Lời nguyện Chúa Giêsu dạy chị Consolata) (Ðiều lệ GÐÐC, đ. 11). Thêm vào đó, nhờ được khuyến khích, có nhiều gia đình đã tổ chức các cuộc vui gia đình lành mạnh trong bầu khí thân thương vào các dịp lễ lớn của Giáo Hội như các lễ Chúa Giáng Sinh, Phục Sinh, hoặc các lễ trọng kính Ðức Mẹ, các thánh…

Như đã đề cập đến ở những trang trước, tổ chức GÐÐC nhằm giúp thánh hoá các gia đình. Nhiều gia đình trước hay cãi cọ, muốn li dị nhau,… sau ngày tận hiến - nhờ ơn Chúa, Ðức Mẹ - đã cải lại, sửa tính đổi nết rất nhiều và gia đình sống hoà thuận yêu thương nhau. Xin đan cử một số trường hợp - trong rất nhiều trường hợp - minh chứng ơn Chúa tác động trên các tâm hồn đã tận hiến cho Ðức Mẹ.

* Chừa rượu

 Ở một xứ thuộc giáo phận Sài Gòn có một người tên B làm nghề đạp xích lô. Hàng ngày, sau khi đạp xích lô trở về gia đình khoảng 5g30 – 6g chiều, dùng cơm chiều xong là hàng xóm nghe thấy tiếng chửi nhau, đánh nhau. Vì rượu vào rồi chửi vợ, đánh con!!! Một tháng 30 ngày thì chừng 28 ngày cái cảnh “cơm không lành canh không ngọt” lại tái diễn! Cảnh sát khu vực và bà con lối xóm đã quá quen với “tiết mục văn nghệ sau giờ làm việc” của gia đình đương sự! Có lẽ do được ông cố một anh em dòng lôi kéo, ông B đã lên nhà dòng tĩnh tâm tận hiến. Ngày ông tận hiến, ông ngồi gần thầy Thần, trong giờ học hỏi, hôm ấy thầy Thần đề cập đến việc uống rượu, ông mới nói: Con không uống rượu con không ngủ được. Ngày con uống một lít rưỡi! Con mang theo chai rượu nhưng cả tuần nay không uống tí nào. Con xin Mẹ giúp con bỏ rượu.

Ôâng trở về gia đình với quyết tâm đổi cách sống, uống rượu có mức độ cho khỏe thôi. Sau một tuần ông vắng nhà trở về công an khu vực thấy lạ: thay vì cãi nhau lại đọc kinh chung gia đình. Công an lấy làm lạ vì ông đã thay đổi lối sống mà chẳng hiểu lý do. Ba tháng sau, thầy Thần đến gặp gỡ nhóm GÐTHÐC ở xứ ấy thấy một ông mập ngồi kế bên, ông hỏi: - Thầy biết con không? - Anh B hả? - Vâng, từ đó con uống mức độ nay lên được 7 kg. Công an lấy làm lạ, khu xóm lấy làm lạ. Nhờ Mẹ giúp mà ông đã chế ngự được đam mê. Sau ông bỏ luôn ma men. Năm 1994 ông đến thăm thầy Thần, thầy hỏi: Giờ sao rồi? - Con bỏ rượu luôn rồi.

* Bỏ canh rau muống

 Câu truyện xảy ra tại một gia đình ở một xứ đạo gần nhà dòng. Trong gia đình này, ông bố có một món ăn khoái khẩu là canh rau muống. Ông thiùch canh rau muống đến tưởng chừng mọi người trong nhà đều thích món canh đó và đã áp đặt trên bà vợ và các con: chỉ được nấu canh rau muống. Vì chiều ông mà cả gia đình ấm ức, muốn đổi các món canh khác cho dễ ăn mà không được. Sau ngày tận hiến về ông tuyên bố: Tôi vào nhà dòng dùng bữa, các thầy nấu canh gì cũng thấy ngon, ăn được. Từ nay bà và các con muốn nấu canh gì cũng được. Từ đấy gia đình có niềm vui chung vì được thay đổi các thứ canh…

Cô con gái lớn của gia đình kể: Ðộ một tháng sau, hôm ấy cô nấu canh cải với cua, thêm gừng thơm phức đưa lên mâm cơm. Bố hỏi: Kỳ này chợ không bán rau muống nữa hả? - Hôm nọ ba tuyên bố nấu canh gì cũng ăn, mà nay ba nhớ canh rau muống của ba rồi à? Ông đánh lảng đi: - Tao hỏi vậy thôi… Nhờ sự thay đổi của ông bố, gia đình có được niềm vui chung, tạo nên bầu khí yêu thương đầm ấm khi ngồi vào bàn ăn.

* Tác động yêu mến

 Một gia trưởng kể chuyện gia đình: Gia đình ông có hai cô con gái lớn. Vì gia đình toàn nữ nên các cô về phe với mẹ và mỗi khi có chuyện bất đồng thì cùng nhau tấn công bố (võ miệng). Ông bực lắm. Có anh em bạn đến khuyên ông đi tận hiến. Khi tận hiến về đôi lần gia đình có sự xích mích bất đồng thì bà vợ nói: Tận hiến rồi mà còn nóng nảy, còn như vậy... Và mấy mẹ con tiếp tục nói móc méo chì chiết ông. Tức mình ông đe: Ðứa nào to mồm tao sẽ cho ăn sẹo! Dường như họ bỏ ngoài tai các lời đe doạ và màn kịch vẫn thường tiếp diễn. Lần kia ông không nhịn được, củ sẵn dao để trong ngăn kéo tủ. Khi mấy mẹ con tái diễn màn kịch đấu khẩu chê bai thì ông quát lên: Câm hết mồm đi tao không nhịn nữa đâu! – Có giỏi làm đi, đây đâu có sợ! Bà vợ làm tới. Ông đến ngăn kéo. Ông kể tiếp: Con điên lên rồi, nhất định rạch mặt vợ. Ông thọc tay vào ngăn và thay vì con dao ông cầm vào cỗ tràng hạt. Nhớ lại mình đã tận hiến và nhớ đến tác động yêu mến ông than thở mấy câu. Khi tác động được mấy câu thì cơn nóng dịu lại. Ông bỏ sang hàng xóm độ một giờ rồi trở về nhà. Trước thái độ của ông khiến bà vợ mủi lòng nghĩ lại... Chúa nhật kế đó thầy Ðích lên gặp anh em GÐTHÐC nói về Tác động yêu mến, ông lên kể tích ấy và nói nhờ tác động tình yêu mà cầm mình được. Sau này cả gia đình đều sửa sai và sống tốt. Các con biết tôn trọng bố. Gia đình trở nên đầm ấm.

 * Uống rượu chừng mực

 Tại một xứ gần nhà dòng, có một ông khi uống rượu say thường gây gỗ với vợ con. Người con ông thuật lại: Sau một tuần lên nhà dòng tận hiến về ông tuyên bố trong buổi đọc kinh gia đình: Bà hứa mua rượu đầy đủ cho tôi thì tôi uống mức độ. Các thầy cho uống chừng một ly. - Tôi hứa nếu ông uống như vậy thì tôi mua đầy đủ. Ðể chắc ăn, ông giao cho cô con gái lớn giữ chai rượu, tới bữa đưa ra rót cho ông một ly. Ăn uống xong rồi đi làm. Người con kể tiếp: Thấy bố con đổi tính, mẹ con lại thương, lại chiều, đi chợ về mua thêm gan, thêm lòng để bố nhâm nhi một chút. Ðược chừng một tháng, có lần bà mua dồi trường về, ông uống hết ly rượu mới hết có một chút đồ nhắm. Ông nói với con: - Thôi con gái bố rót thêm cho bố một ly. - Con không rót nữa. - Tại mẹ mày mua dồi trường ngon quá! Cô cương quyết: - Con không rót nữa. Bố chửi luôn!... Lúc ấy bà lên tiếng: - Thôi ông đã hứa với các thầy rồi. Ông ắng đi, tiếp tục ăn cơm rồi đi làm như thường lệ. Từ đấy ông vẫn giữ được mức độ, không uống quá.

5)     Phát triển theo dòng thời gian

Từ ngày bắt đầu hình thành tổ chức GÐÐC, vì nhắm đến mặt tinh thần nhiều hơn là bên ngoài: “Tổ chức Gia đình Ðồng Công là một đường lối sống đạo hơn là một đoàn thể Công Giáo tiến hành” (Ðiều lệ GÐÐC, đ. 9), nên nhà dòng không có cổ động rầm rộ, nhưng do người này biết giới thiệu cho người khác đến xin tận hiến. Lại nữa, việc tận hiến là việc hoàn toàn tự do, tự tình do đó chỉ nhận những người nào trực tiếp đến xin, lại chỉ nhận các gia trưởng nên chỉ những người đã lập gia đình mới được thâu nhận. Những người ở xa có thể nhờ người khác đến xin hộ nhưng phải biết rõ ý muốn của đương sự. Cũng vì ở xa và nhờ người xin hộ nên có trường hợp mấy thanh niên chưa lập gia đình được tận hiến đó là hai anh T.và Trí. Anh Giuse M. Hoàng Việt T., sinh năm 1955, ở Sài Gòn, tận hiến khóa 16 ngày lễ hai thánh Phêrô và Phaolô Tông Ðồ 29.6.1983 và anh Giuse M. Phạm Minh Trí, sinh năm 1958, ở kênh B Cái Sắn, tận hiến khóa 17 ngày lễ Mẹ Lên Trời 15.8.1983. Sau vì mộ mến đời tu và dòng Ðồng Công các anh đã xin nhập tu. Hiện nay anh Maximilianô Kôlbê M. Phạm Ðức Lãng (Trí) đã thụ phong linh mục trong dòng, còn anh Matthêu M. Hoàng Việt T. đã thôi tu và đang sống với gia đình ở Canada. Phải kể thêm trường hợp ông Hùng Lân, một nhạc sĩ Công Giáo, cũng đã đến nhà dòng xin gia nhập, nhưng trước ngày lên tĩnh tâm tận hiến, ông đã bị bệnh và qua đời tại Sài Gòn.

Mặc dù tổ chức GÐTHÐC mới chỉ ở giai đoạn đầu, nhưng nhờ ơn Chúa, ngày càng nhiều người đến xin gia nhập, nên có những thời gian phải mở các khóa liên tiếp để đáp ứng cho số người xin. Qua hội dòng Ðồng Công bé mọn, Ðức Mẹ đã làm những việc lạ lùng đó là biến đổi những tâm hồn đã phó trót mình cho Mẹ. Việc tận hiến cũng có ảnh hưởng và lây lan: Có một số nơi, các linh mục cũng thích và tổ chức cho các gia đình giáo dân thuộc quyền các ngài tận hiến; hoặc liên hệ nhờ nhà dòng giúp tận hiến, hoặc chính các ngài cũng tận hiến, như trường hợp có mấy linh mục đến nhà dòng tĩnh tâm và tận hiến, như cha Antôn Nguyễn Văn Hiệu, Hải Phòng…

 Như hạt cải nhỏ bé, tượng trưng cho Nước Trời, được Chúa Giêsu nói đến trong Tin Mừng “Hạt ấy nhỏ bé hơn các giống khác, song khi đã mọc lên, lại lớn hơn các thứ rau; rồi thành cây, đến nỗi chim trời xuống trên cành nó được” (x. Mt 13,31-32), khởi đi từ một người đến xin gia nhập (ông Thịnh, khóa 1, 15.8.1978) đến ngày 15.5.1987 (khóa 87), tức chỉ sau 9 năm, con số người gia nhập GÐTHÐC đã lên tới 1.864 người với 87 khoá cho các ông (Theo bản danh sách các khoá GÐÐC từ năm 1978-1987). Các ông chồng tận hiến thì các bà vợ trong gia đình cũng xin tận hiến, nên con số các bà tận hiến khoảng 1.800 người. Số khoá dành cho các bà ít hơn nhưng số người tham dự các khóa thường đông hơn. Ngoài ra theo Ðiều lệ GÐÐC đ. 22, Cha Bề Trên cũng đồng ý cho một vài tu sĩ phụ trách GÐÐC ra giúp một số gia đình các xứ gần nhà dòng, ưu tiên những gia đình có con tu trong dòng, được hiểu về đời sống tận hiến và tận hiến gia đình. Cha Bề Trên soạn bản kinh thánh Giuse để đọc cho gia đình, và tôn nhận thánh Giuse làm quản gia gia đình. Việc tận hiến gia đình tổ chức được mấy năm cho một số gia đình, sau phải ngưng vì nhiều lý do… Không kể số người được giúp tận hiến riêng tại các gia đình, thì tổng số anh chị em GÐTHÐC cho đến ngày 15.5.1987 là trên 3.000 người.

Không phải tất cả các khóa tổ chức đều xuôi thuận. Một vài khóa cũng bị trục trặc cách này cách khác. Khóa 44 khai mở chiều 15.12.1985 đến trưa 16.12 tạm giải tán, rồi 12-19.1.1986 mở lại và tận hiến ngày 16.1.1986. Hoặc khóa 69 khai mạc ngày 30.9.1986 nhưng chiều 1.10.1986 tạm bãi, rồi chiều 5.11.1986 lại tiếp tục và tận hiến sáng 11.11.1986. Ðặc biệt là khóa 87 gặp biến cố đặc biệt vào buổi sáng thứ Sáu 15.5.1987 nên sau cơm trưa chia tay! Ðây là khóa chót của giai đoạn đầu. Khóa các bà cũng giải tán sau cơm trưa cùng ngày! Tổng số 87 khóa tĩnh tâm tận hiến là 1.895 người, nhưng khóa thứ 87 chưa kịp tận hiến là 31 ông nên số tận hiến là 1.864 người.

II. GIAI ÐOẠN HAI TỪ NĂM 1987-1993

Biến cố đau thương của mẹ dòng 15.5.1987 đã khiến cho các hoạt động của dòng phải khép lại. Cùng chung với mẹ dòng, anh chị em thuộc GÐTHÐC cũng được “hân hạnh” mang những thương đau vì tình yêu Chúa Kitô. Sự hi sinh âm thầm liên lỉ ấy tựa như trầm hương bay lên toà Chúa. Vì thế, Thiên Chúa đã khứng nhận và tuôn đổ hồng ân của Ngài trên GÐTHÐC, nhờ đó mà số thành viên thuộc GÐTHÐC mới được như ngày hôm nay.

1. Biến cố lịch sử

Khi biến cố ngày 15.5.1987 xảy ra, lúc ấy đang có khoá 87… Sau giờ cơm trưa thì các anh chị ra về, và từ đó không còn sinh hoạt chung nữa.

Những ngày sau đó, các tu sĩ phải tản mát các nơi thì chính các anh chị em GÐTHÐC giang rộng đôi tay đón tiếp, không kể tu sĩ, tập sinh hay đệ tử…  để anh em tạm lánh.

Còn sinh hoạt của anh chị em GÐÐC chẳng nói thì cũng phải đình hoãn hết, và tâm trạng của nhiều người rất hoang mang!...

2. Giai đoạn chuyển mình

Từ cuối năm 1987, anh chị em GÐTHÐC sinh hoạt dần dần trở lại nhưng hoàn toàn tại các tư gia. Chính các tu sĩ dòng đang ở các nơi đó lại được mời để giúp họ, hoặc ôn lại đời sống tận hiến, hoặc giúp họ dọn mình chuẩn bị tận hiến cho Ðức Mẹ. Khi ấy phần đông anh em trú ngụ ở hai vùng Hố Nai và Gia Kiệm, nên ở hai vùng này sinh hoạt khá sầm uất.

Bước sang năm 1988, khi “biến cố” đã lắng dần, có rất nhiều người muốn tận hiến. Vì có nhiều người ước ao tận hiến, nên nảy sinh ra các nhóm. Nhiều anh chị em đi giúp các nơi, trong đó có hai ông nhiệt thành hơn cả là ông M. và ông H. Hai ông đã cùng nhau đi giúp ở vùng Hố Nai, đến các giáo xứ, các anh chị em tụ họp lại và chính hai ông đứng ra để giúp, ai muốn tận hiến thì hai ông dạy luôn. Các ông dạy những gì mà các ông đã học được ở dòng. Ðó là nhóm thứ nhất.

Nhóm thứ hai do cha Bêđa, OSB. Khi thấy có nhiều người ước ao tận hiến thì cha giúp đỡ họ, vì ngài cũng thích đời sống tận hiến. Thế là họ đến dòng Biển Ðức để học hỏi và tận hiến, những anh chị em này thuộc các giáo xứ Gia Cốc, Kim Bích… Sau nhóm này đã trở thành Gia Ðình Bảy Sự, có qui chế riêng, cũng dựa theo qui chế GÐTHÐC.

Nhóm thứ ba tại giáo xứ Tân Thành do cha Giuse M. Huyên phụ trách. Người ta đến xin lễ, xin huấn đức, và cha đã mở khoá để giúp cho họ tận hiến. Ðây là nhóm chính thức do linh mục Ðồng Công đứng ra tổ chức, và được một số anh em dòng cộng tác. Và đây là nơi sầm uất hơn cả, phần vì là giáo xứ do linh mục dòng phụ trách, phần vì tiện đường đi lại dễ dàng, nên nhiều người đã chọn để đến học hỏi và tận hiến.

Nhóm thứ tư tại giáo xứ Giang Ðiền. Nhóm này rất ít, có thầy Bonifaciô M. Trị giúp, nhưng thường thì thầy Trị ra giúp cho nhóm của cha Huyên ở Tân Thành.

Ngoài các nhóm này ra, còn có một số người giúp rải rác ở các vùng khác, chẳng hạn ông T. ở Cái Sắn…

3. Ôn Cố Tri Tân

Khi nhìn vào sinh hoạt của GÐTHÐC hiện nay, chúng ta thấy thật khả quan cả về nhân sự cũng như về đời sống đạo. Nhưng nhìn về dĩ vãng, anh chị em đã trải qua bao thăng trầm trong thời gian đầu và nhất là trong thời gian biến cố của mẹ dòng. Ðể hiểu được phần nào các sinh hoạt trong thời gian ấy, xin trích lại một bài viết của các anh chị miền Xóm Mới nhân dịp mừng kỷ niệm ngân khánh thành lập GÐTHÐC (21.11.1978 – 21.11.2003).

Tình thơ

Kính thăm Mẹ yêu dấu!

Mẹ ơi, GÐÐC của mình sắp sửa được 25 năm nghĩa là mừng ngân khánh đấy mẹ nhỉ?

Nhân dịp này, chúng con muốn kể lại với Mẹ từ ngày Mẹ cho chúng con ra riêng tới nay. Chúng con nhớ lại ngày ấy 14.10.1984, cả hạt Xóm Mới gồm 15 xứ đạo mà chỉ có 5 người. Qua mấy lần Mẹ sinh chúng con ra, rồi Mẹ bảo chúng con tìm đến nhau, chúng con vẫn nhớ lời Mẹ dặn: “Các con Mẹ phải biết nhau, yêu thương nhau thực sự, giúp đỡ nhau, sống với nhau như anh chị em con cùng một mẹ, tin yêu Mẹ trong tinh thần tín thác, để yêu mến và noi gương Mẹ, để nên thánh, để Chúa được vinh danh, góp phần cứu các linh hồn…”

Thế là chúng con cố gắng tìm ra nhau, rồi cứ mỗi tháng chúng con gặp nhau hai lần vào ngày mùng 1 và 15 giữa tháng. Sau một năm chúng con quây quần bên nhau, Mẹ lại sinh ra cho chúng con thêm 10 anh chị em nữa. Thế rồi sau thời gian ấy, Mẹ bận lắm, Mẹ dặn chúng con cố gắng dìu dắt nhau và sống kín ẩn, khiêm tốn… Lúc này không có Mẹ dẫn dắt từng bước, chúng con cũng có lúc thăng, lúc trầm, gia đình con Mẹ chậm, nhưng vẫn phát triển.

Vì Mẹ bận nên mấy anh chị Ban Phục Vụ thay Mẹ lo cho chúng con. Mà khả năng các anh chị ấy cũng dở như chúng con vậy! Thật tội nghiệp các anh chị ấy học ngày, học đêm: Tại sao phải tận hiến? Tận hiến là gì? Tận hiến để làm gì? Mục đích chính yếu của GÐÐC là gì? v.v… để truyền đạt những gì Mẹ dậy chúng con. Nhưng con đã nói với Mẹ đấy, các anh chị nói “chẳng hay” tí nào Mẹ ạ, mà còn dở là đàng khác, kém xa các thày giảng huấn của Mẹ một trời một vực, thế mà chúng con cứ mong được tận hiến cho Mẹ thôi. Mỗi lần như thế là có khoảng 5 - 7 người. Các anh chị cũng bắt chúng con phải học 7 ngày liền mới chịu dẫn chúng con lên cha xứ, xin cha giải tội chung để chuẩn bị tâm hồn dâng mình cho Ðức Mẹ. Mỗi người vào toà xưng chung các tội của mình từ thuở bé tới giờ, xem có gì quên sót, nghi hoặc gì thì xưng hết cho thật trong sạch rồi mới được dự lễ tận hiến.

Sau thánh lễ có chừng mười người cả cũ lẫn mới âm thầm làm nghi thức dâng mình cho Mẹ, như vậy có đúng tinh thần kín ẩn như lời Mẹ dặn không Mẹ?

Rồi thời gian qua đi, chúng con đã dần dần lớn lên khoảng 80 thành viên. Tới năm 1992, một tin vui bất ngờ đã đến với chúng con: Mẹ đã gởi các thày giảng huấn về tận địa phương chúng con để dạy dỗ thêm cho chúng con tinh thần sống tận hiến của Mẹ. Sau đó được về Nhà Mẹ để làm nghi thức tận hiến và hợp thức hoá để chúng con chính thức là những thành viên trong GÐÐC. Mẹ ơi! Mẹ biết không? Lần đầu tiên chúng con được về Nhà Mẹ, niềm cảm xúc của chúng con dâng cao đến nghẹn ngào, bù lại những ngày tháng đầu, chúng con lần lượt âm thầm, lủi thủi dâng mình cho Mẹ.

Mẹ ơi! Chúng con thật diễm phúc được làm con Mẹ, được làm thành viên trong gia đình yêu thương của Mẹ. Chúng con biết Mẹ muốn chúng con trở nên những người con riêng, nên tông đồ của Mẹ, cùng với Mẹ sống thánh trong gia đình, sống thánh giữa đời, cùng với Mẹ cứu các linh hồn,… nhưng chúng con chưa thực hiện điều Mẹ mong muốn! Ðược làm những người con ưu tuyển của Mẹ, chúng con hứa sẽ cố gắng thật nhiều hơn nữa, và nhờ ơn Chúa giúp, chúng con sẽ không để Mẹ thất vọng vì chúng con đâu!

Mẹ ạ, việc sinh hoạt của miền chúng con âm thầm lặng lẽ như Mẹ đã rõ, xin Mẹ đồng hành từng bước với chúng con, từng việc chúng con làm.

Xin Mẹ chúc lành và ban cho chúng con biết yêu mến Chúa như Mẹ, nhiệt thành, hăng say chu toàn đời sống tận hiến vì yêu thương hết mọi người.

Chúng con kính chào Mẹ.

Ðoàn con Miền Xóm Mới.

4. Sinh hoạt có tổ chức (1990-1993)

Sang năm 1990, thì có nhiều nhóm đến thăm Cha Bề Trên tại K3, Ông Ðồn và xin Cha cho các tu sĩ giúp họ, hoặc là mở các khoá tận hiến.

Từ K3, Cha thấy có nhiều nhóm sinh hoạt khác nhau, nhưng cũng mang danh Ðồng Công tận hiến như ta đã biết. Nào là nhóm của chú M. và ông cố H., nào là nhóm do cha Bêđa giúp, có nhóm thì cha Tuyến (cha Huyên) giúp… Do đó, Cha đã đặt thầy Tađêô M. Trần Trung Thần phụ trách GÐTHÐC thay thầy Gioan Êuđê M. Mai Hữu Nghị, để thống nhất và tổ chức sinh hoạt GÐTHÐC. Khi ấy thầy Thần đang lánh mặt trong vườn ở Long Khánh.

Cùng với thầy Thần, Cha Bề Trên cho một số tu sĩ khác nữa để giúp sinh hoạt GÐTHÐC đó là các thầy: Bonifaciô M. Nguyễn An Trị, Têphanô M. Phạm Cao Ðích, Antôn Claret M. Nguyễn Ngọc Lâm và một số thầy khác...

Nhận được chỉ thị của Cha Bề Trên, các thầy đã lên một chương trình hoạt động:

a. Thăm viếng và củng cố tinh thần cho anh chị em GÐTHÐC.

b. Thứ đến là hợp thức hoá. (Như ta đã biết, có nhiều người tận hiến cùng xưng mình là Ðồng Công, nhưng không do các tu sĩ dòng giúp. Vì thế, Cha Bề Trên ấn định là chỉ có những ai học hỏi dưới sự hướng dẫn của các tu sĩ hay linh mục dòng Ðồng Công và chứng kiến việc tận hiến ấy thì mới là thành viên thuộc GÐTHÐC).

Như vậy chỉ nhóm của cha Huyên là chính thức, các nhóm khác thì xếp vào các khoá để học hỏi thêm và hợp thức hoá việc tận hiến cho họ, để họ trở thành thành viên của GÐTHÐC. (Sở dĩ có danh từ “tận hiến lại” là như thế).

Và cứ như thế… các thầy tuỳ theo tình thế mà sinh hoạt, khi chung, khi riêng. Giờ đây sinh hoạt ở các giáo xứ có vẻ “xôm trò” hơn, nhưng nó cứ âm thầm vậy thôi, thường thì trong các tư gia, có nhóm 10, 20, có nhóm tới 30, 40 người. Vì họ đã biết có tổ chức để giúp cho việc tận hiến, nên họ xin mở khoá để được học hỏi, và các khoá lại được mở. Khi ấy thường là mở ở giáo xứ Hà Nội, Hố Nai hoặc Trà Cổ, vì ở những nơi này mở khoá dễ dàng.

Thời gian bấy giờ đi lại gặp nhiều khó khăn, nhưng các anh em cùng cố gắng khắc phục để mỗi tháng gặp nhau một lần để phác hoạ chương trình, sau đó ai ở vùng nào thì phụ trách vùng đó. Hoạt động ấy cứ âm thầm cho tới ngày Cha Bề Trên từ trại K3 trở về.

III. GIAI ÐOẠN 1993-2008

1) Mở các khoá GÐÐC

a- Tại Nhà Mẹ

Hiến pháp điều 105 viết: “Sứ mệnh của Ðức Kitô Ðấng Cứu Thế đã được trao phó cho Giáo Hội vẫn còn phải thi hành lâu dài. Bởi đó, Hội Dòng phải cố liệu cho có nhiều trợ tá hay cộng sự viên hợp tác trong việc truyền giáo. Vì vậy, bất cứ ở đâu, dù sống trong cộng đoàn hay tham gia hoạt động tại các xứ truyền giáo, tu sĩ Ðồng Công hãy kêu gọi nhiều người gia nhập ngành Cộng sự viên Ðồng Công bao nhiêu có thể, đặc biệt là hiệp hội tín hữu mang danh Gia đình Tận hiến Ðồng Công”. Việc phát triển tổ chức GÐTHÐC hay nói khác đi là giúp cho nhiều người tận hiến cho Ðức Mẹ và sống tận hiến là công việc dòng đã làm suốt từ năm 1978 đến nay. Vì hoàn cảnh khó khăn, không thể mở các khoá đông người như trước nên ưu tiên cho những vùng xa như: Miền Bắc, miền Tây, Lâm Ðồng (Bảo Lộc), Phước Long, Phước Tỉnh… Cha Bề Trên cho mở các khoá tại Nhà Mẹ dành cho các gia trưởng. Các ông đến nhà dòng từ chiều thứ Ba để tĩnh tâm, học hỏi việc tận hiến. Thứ Bảy tận hiến cho Ðức Mẹ sau thánh lễ sáng. Các khoá này không mở thường xuyên. Thường từ 5 – 10 người một khoá. Ban tối các ông ra trọ ở nhà người thân của một thầy. Ban sáng vào sớm dự lễ và tĩnh tâm. Có khoá đặc biệt ngoại lệ dành cho một vài người Việt kiều; người sắc tộc Nơ-mông, Phước Long…

Cũng trong thời gian này có 17 linh mục, 5 chủng sinh và 4 tu sĩ đến tĩnh tâm tận hiến cho Ðức Mẹ Maria. Các ngài đến tĩnh tâm 3, 4 ngày hoặc một tuần và được một linh mục cao niên của dòng hướng dẫn. Nghi thức tận hiến cử hành trước thánh lễ, sau ca nhập lễ. Ngày tận hiến nếu không phải ngày lễ trọng cũng được Cha Bề trên cho mừng đặc biệt. Các linh mục khi tận hiến về, một thời gian sau thường mời các thầy đến tổ chức tận hiến cho giáo dân thuộc quyền mình.

b- Tại các địa phương

 Ðược tin Cha Bề Trên trở về dòng ngày 18.5.1993, anh chị em GÐTHÐC ở các miền gần nhà dòng đã đi thành nhiều phái đoàn đông đảo, vui vẻ đến thăm Ngài. Mọi sinh hoạt của dòng được hồi sinh và tiếp tục phát triển. Các nơi nhiều người ghi danh tận hiến. Thời gian này các khoá được mở tại địa phương do các tu sĩ đến giúp. Sáng ngày tận hiến – thường vào thứ Bảy – anh chị em về Nhà Mẹ để cử hành nghi thức tận hiến trong một thánh lễ riêng tại nhà nguyện dòng. Sau lễ, anh chị em GÐTHÐC dùng bữa trưa tại nhà cơm tu viện do các thầy nấu nướng và dọn lên. Ðây cũng là một hân hạnh cho anh chị em (vì mấy ai có dịp dùng cơm tại tu viện với các cha các thầy). Các khoá này không đông lắm, chừng ba, bốn chục người. Từ khoảng năm 1994 các khoá mới tổ chức tất cả tại địa phương, từ việc tĩnh tâm đến nghi thức tận hiến, thánh lễ và tiệc mừng.

Ðiều lệ GÐTHÐC không có khoản đóng góp tiền bạc. Trong sinh hoạt có những lần đi thăm hỏi người bệnh, xin lễ dịp bổn mạng GÐTHÐC trong xứ v.v… để làm những việc đó anh chị em GÐTHÐC cùng đóng góp (bỏ túi kín) tuỳ khả năng mỗi người.

Các khoá tổ chức tại địa phương trong giai đoạn 1993-2008 này tăng đáng kể về số khoá và số người mỗi khoá. Có khoá cả trăm người xin gia nhập. Các khoá mở gần như liên tiếp hết miền này sang miền khác. Hiện nay hằng tháng vẫn mở khóa cho các Miền có những người đã tìm hiểu một thời gian và muốn xin gia nhập, hoặc giúp tận hiến cho các người bệnh nặng không thể tham dự các khóa được.

2) Hoạt động của các tu sĩ ban giảng huấn GÐTHÐC

a- Ði giúp các khoá mới

Ðể mở các khoá mới, trước hết anh em đến giáo xứ nơi định tổ chức để gặp gỡ cha xứ, xin phép ngài mở khoá. Ðược sự đồng ý của cha xứ, anh em liên hệ với ban phục vụ xứ để chọn địa điểm hội họp chia sẻ, tìm chỗ trọ nếu là nơi xa phải trọ qua đêm.

Thời khoá biểu khoá mới

* Sáng

7g: Anh trưởng (miền hoặc xứ) họp phổ biến nhắc nhở ít điều cần thiết về ngày tĩnh tâm.

7g30: Kinh khai mạc: Hát kinh Chúa Thánh Thần, kinh Aên năn tội, kinh Lạy Cha, 12 kinh Kính Mừng, kinh Sáng Danh, kinh Hãy Nhớ.

Thầm lặng cầu nguyện (anh trưởng có thể gợi ý cầu nguyện).

Nghe sách 10 phút.

Hát một bài kính Ðức Mẹ.

8g-11g: Anh chị em nghe các thầy chia sẻ về nhiều chủ đề (sau mỗi giờ có giải lao 10 phút).

11g: Kinh kết thúc nửa ngày: Kinh Lạy Cha, 3 kinh Kính Mừng, kinh Sáng Danh.

Hát một bài về Ðức Mẹ.

Kinh Trông Cậy.

* Chiều

13g: Ðọc chung 50 kinh Mân Côi, nghe sách.

13g30: Nghe giảng bài.

16g30: Kinh kết thúc (như kinh lúc 11 giờ).

Mỗi khoá sẽ học hỏi 3 ngày với các đề tài:

Ơn gọi nên thánh; Ðiều Lệ GÐÐC; Giáo Cương Tận Hiến; thánh hoá gia đình; Bí tích Giải tội; Thánh Thể, thánh lễ; tác động yêu mến liên lỉ và kinh Mân Côi.

Trung bình mỗi thầy ban giảng huấn trong 3 ngày sẽ chia sẻ 3 giờ (mỗi giờ nói 45 phút, hoặc 50 phút, nghỉ giải lao 10 phút) nếu là 6 anh em. Những khoá ở các miền xa như miền Trung, miền Tây, Bảo Lộc… chỉ có hai, ba anh em tới thì phải nói nhiều hơn, mỗi anh phải chia sẻ 2, 3 đề tài sao cho vẫn đủ các đề tài và đủ số giờ (18 giờ cho 3 ngày). Ngày cuối làm đơn xin gia nhập, tập nghi thức. Sau khoá học sẽ có thánh lễ tận hiến do linh mục dòng cử hành, hoặc nhờ cha xứ nơi tổ chức tận hiến.

Sau đây là một vài khoá được ghi lại như một thí dụ điển hình:

“Ngày 26.11.1994 phái đoàn giảng viên GÐÐC gồm các thầy Ðích, Lâm, Việt, Mẫn, Tài, Tường lên đường đi Phan Rang giúp tận hiến cho một số giáo xứ theo nguyện vọng của một vài cha xứ thị xã Phan Rang như: Phan Rang, Tân Hội, Tấn Tài… Ðây là chuyến đi xa nhất của đoàn Ðồng Công từ ngày Cha Bề Trên trở về (1993). Phái đoàn làm việc một tuần trọn; có xe nhà dòng đưa đón và một số anh em trẻ tháp tùng.

Ngày 27.2.1997 khoá GÐÐC thứ 104 được tổ chức cho xứ Tân Bình, Hố Nai (52 anh chị em xứ Tân Bình và một vài xứ đạo quanh đó). Anh em giảng viên GÐÐC từ Nhà Mẹ được phân công đến tận nơi để chia sẻ với họ theo từng chủ đề chuyên môn.

Mấy ngày nữa một khoá GÐÐC sẽ được làm tại xứ Giang Ðiền do cha dòng làm chánh xứ, và nếu không gì ngăn trở, sẽ giúp bên Phước Lý 3 khoá liền nữa.

 Ngày 15.4.2000: Trong niềm vui tận hiến cho Ðức Mẹ, vùng Ðồng Nai phát triển mạnh nhất. Lúc 8 giờ hôm nay, tại nhà thờ giáo xứ Bắc Hải, Hố Nai, có 147 anh chị em thuộc gần 10 xứ hạt Hố Nai đã tận hiến cho Ðức Mẹ, dưới sự chủ lễ của chính cha quản hạt.

Phong trào tận hiến ngày càng lên cao. Có nơi, cha xứ xin giúp tận hiến các giới của giáo xứ cho Ðức Mẹ, để nhờ Mẹ giúp sống Năm Thánh. Ví dụ: Xứ Bình Thuận (Sài Gòn), Bình Hải (Biên Hoà)…” (Ghi lại các ngày 26.11.94; 27.2.97; 15.4.2000).

b- Hâm nóng tinh thần tận hiến

“Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt thì ít” (Mt 9, 37). Hiện nay (2008) chỉ có gần 20 giảng viên GÐTHÐC mà phải sinh hoạt trong nhiều giáo phận với chừng 30 ngàn thành viên GÐÐC thì quả thật không dễ dàng.

Nhưng đã có sinh thì phải có dưỡng, những miền gần nhà dòng như Sài Gòn, Hố Nai mỗi tháng một lần được các cha các thầy về giúp. Còn các miền xa hơn thuộc các giáo phận Ðà Lạt, Long Xuyên, Nha Trang… thì hai, ba tháng anh em mới đến được một lần.

Chương trình sinh hoạt hàng tháng

 Chương trình của giờ cầu nguyện gồm:

- Kinh Chúa Thánh Thần (đọc hay hát).

- Trưởng xứ nêu các ý nguyện chung (theo sinh hoạt tháng), những ý nguyện riêng nếu có và xin ơn làm giờ kinh cho sốt sắng.

- Hướng ý sám hối, hoặc đọc kinh Aên năn tội.

- Nghe Phúc Âm. Sau đó thinh lặng (ngồi), cầu xin để được biết: Chúa muốn nói gì với tôi và muốn tôi làm gì?

- Ðọc kinh Lạy Cha, 12 kinh Kính Mừng, kinh Sáng Danh.

- Kinh Tận Hiến, kinh Thánh Giuse bảo trợ những vụ khó khăn, và tác động yêu mến (3 lần), kinh Vực Sâu cầu cho các thành viên (toàn quốc) đã qua đời trong tháng.

- Chia sẻ và sinh hoạt.

- Lời cầu nguyện theo đề tài chia sẻ.

- Nếu chia sẻ trong nhà thờ hoặc nhà nguyện, hát một bài kính Thánh Thể và thinh lặng một chút, tâm sự với Chúa Giêsu Thánh Thể và cầu xin những ơn cần thiết để luôn sống đẹp lòng Chúa và Ðức Mẹ, thánh hoá bản thân và gia đình mình.

- Kinh Trông Cậy, bốn câu than

- Hát một bài về Ðức Mẹ (hoặc về Thánh Tâm Chúa nếu vào thứ Sáu; về thánh Giuse nếu vào thứ Tư).

Trong những lần gặp gỡ này, sau khi chia sẻ về nếp sống tận hiến, anh chị em cùng nhau giải quyết những thắc mắc và các khó khăn gặp phải trong việc thánh hoá gia đình, cũng như trong môi trường sống. Trong phần huấn đức này, có thể một người trong ban phục vụ có uy tín và hiểu biết sâu sắc chia sẻ thay khi các giảng viên không tham dự được; cũng có thể thay thế bằng cách đọc sách hợp với đề tài tháng do giảng viên chọn.

c- Họp mặt ban phục vụ

Bất cứ tổ chức nào muốn tồn tại và phát triển đều cần có ban lãnh đạo, để điều hành các công việc chung. Trong GÐTHÐC, ban lãnh đạo được gọi dưới một danh hiệu rất khiêm tốn, đó là ban phục vụ. Trong mỗi miền hay gia đình xứ đều có ban phục vụ. Ban phục vụ gồm một trưởng, hai phó (phó nội và phó ngoại) và một thư ký.

Các giảng viên vì không thường xuyên gặp gỡ anh chị em thuộc miền mình phục vụ được, nên ngoài ngày chia sẻ hàng tháng, còn có một ngày gặp mặt ban phục vụ để chia sẻ và chuyển đạt các chỉ thị cần thiết cho miền của mình. Ngày họp ban phục vụ diễn ra hàng tháng hay vài ba tháng một lần tuỳ theo miền gần hay xa, cũng như ngày chia sẻ chung miền vậy.

d- Giúp bệnh nhân tận hiến

Ngoài ra khi có thể anh em còn gặp gỡ thăm hỏi những anh chị em GÐTHÐC gặp những khó khăn do bệnh tật, tai nạn này khác, để nâng đỡ khích lệ. Cũng có những người bệnh nặng muốn tận hiến cho Ðức Mẹ, trong trường hợp này ngoài các tu sĩ dòng, còn có những thành viên trong GÐTHÐC cùng giúp các người bệnh học hỏi về việc tận hiến. Sau khi tận hiến, trước sự chứng kiến của tu sĩ dòng, thì tên của đương sự được ghi vào sổ và gởi về cho văn phòng GÐTHÐC.

d- Những sinh hoạt khác

* Tổ chức thi đua

Ðể sinh hoạt của anh chị em GÐTHÐC tại mỗi miền được khởi sắc hơn, các thầy cũng có sáng kiến tổ chức các cuộc thi đua giáo lý, thánh ca, ứng xử… có phát thưởng, thường mỗi năm một lần và tuỳ theo cách tổ chức của mỗi miền. Nhờ các cuộc thi này anh chị em có dịp ôn lại giáo lý, tập hát thánh ca, xem lại cách ứng xử trong gia đình, ngoài xã hội sao cho tốt đạo đẹp đời và thêm sự gắn bó thân thiết giữa anh chị em thuộc các xứ trong miền.

* Hành hương và du ngoạn

Hành hương những đền thánh kính Ðức Mẹ là một trong những cách thế giúp anh chị em GÐTHÐC thêm lòng sốt sắng yêu mến Ðức Mẹ, đồng thời lãnh nhận các ân xá như trong các dịp kỷ niệm 200 năm Ðức Mẹ hiện ra ở La Vang (1998), Năm Thánh 2000 của Giáo Hội hoàn vũ… Nhiều nơi anh chị em tổ chức các chuyến hành hương đền thánh Ðức Mẹ La Vang, Ðức Mẹ Tàpao, Ðức Mẹ Bãi Dâu, Ðức Mẹ Fatima Bình Triệu… Nhân đó nhiều phái đoàn GÐTHÐC cũng ghé thăm Nhà Mẹ dòng tại Thủ Ðức.

* Giúp tĩnh tâm mùa chay

Một đôi lần, anh em tu sĩ cũng được các cha mời đến giúp tĩnh tâm mùa chay trong các xứ, như mùa chay năm 1997 các thầy Lâm, Tài, Quan, Nhất đến giúp tuần phòng ba ngày cho giáo xứ Phú Thọ Hoà, và ba ngày cho giáo họ Thánh Giuse (gần xứ Phú Thọ Hoà).

3) Sinh hoạt của anh chị em GÐTHÐC

a- Ban phục vụ GÐTHÐC

Trong bất kỳ đoàn thể nào, những người làm đầu rất quan trọng. Tổ chức các buổi sinh hoạt hàng tháng hoặc những dịp ngoại thường, thông báo những vấn đề thuộc nội bộ và giữ vai trò thông tin liên lạc giữa các cha các thầy phụ trách với anh chị em GÐTHÐC đó là công việc của những người làm đầu trong GÐTHÐC, được mang tên là ban phục vụ.

Ban phục vụ trong các xứ được bầu chọn cứ 4 năm một khoá, ban phục vụ miền được bầu chọn cứ 6 năm một khoá và có thể tái nhiệm làm lâu hơn. Ban phục vụ trong một xứ thường gặp nhau mỗi tháng một lần.

Thông thường mỗi năm đại diện GÐTHÐC gồm các ban phục vụ miền và các xứ biệt lập, về Nhà Mẹ họp mặt một lần. vào dịp trước Tết Nguyên Ðán để anh chị em các miền gặp gỡ chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm sống tận hiến, nhờ đó tình đoàn kết thân ái giữa các miền và nhà dòng được thân thiết hơn, cũng để chúc tuổi mới cho nhau. Lần khác vào dịp trước lễ bổn mạng Cha Bề Trên Sáng Lập (8.8) để chúc mừng lễ thánh Ðaminh bổn mạng ngài. Hiện nay thường về Nhà Mẹ một lần vào trước lễ Giáng Sinh.

b- Những sinh hoạt chung

Theo Ðiều Lệ, điều 29 có ghi: “Những thành viên thuộc GÐTHÐC trong một họ đạo hay một giáo xứ, hãy tích cực họp mặt với nhau mỗi tháng ít là một lần, tại một địa điểm thích hợp, để cùng nhau cầu nguyện, trao đổi kinh nghiệm sống đạo, khuyến khích nâng đỡ nhau sống tận hiến. Trong dịp này nên chân thành góp ý, sửa bảo nhau nếu cần, để việc thánh hóa bản thân và gia đình mình được thăng tiến hơn”.

c- Những sinh hoạt riêng

Ngoài những chương trình sinh hoạt chung hàng tháng, tại gia đình anh chị em GÐTHÐC được khuyến khích tham dự thánh lễ, đọc chung 50 kinh Mân Côi, tác động yêu mến và nhất là sống tận hiến bằng cách làm mọi việc với Mẹ và nhờ Mẹ, đồng thời sống bác ái yêu thương tha nhân (x. Ðiều Lệ GÐTHÐC từ điều 11-16).

4) Hoạt động của GÐTHÐC trong các giáo xứ, giáo phận

Ngoài mục đích chính là thánh hoá gia đình bằng việc chu toàn bổn phận làm cha, làm mẹ, anh chị em GÐTHÐC còn tham gia các sinh hoạt khác trong các giáo xứ cũng như giáo phận. Xin đan cử một thí dụ.

“Lúc 10g30 thứ Hai 27.3.95 cha chính giáo phận Xuân Lộc và cha thơ ký đến gặp Cha Bề Trên. Mục đích để xin bề trên đặc chuẩn cho phép được mời anh chị em GÐÐC ở giáo phận Xuân Lộc tham dự các công tác xây dựng và đóng góp cho việc truyền giáo của giáo phận, và cách riêng ngày 20.4.95 mời GÐÐC Xuân Lộc tham dự buổi khánh thành nhà thờ Núi Ðỏ (riêng GÐÐC) dưới sự điều động của thầy Trị.

Cha Bề Trên cho các cha biết: Mục đích huấn luyện GÐÐC là để về gia đình và xứ đạo sống tốt và để các cha xứ điều động vào các việc trong giáo xứ cũng như ở giáo phận. Thành viên GÐÐC phải tuân thủ công tác như mọi người. Còn việc xây dựng tuỳ giáo phận và tuỳ các cha xứ điều động”. (Ghi lại ngày 27.3.95).

Ghi nhận ngày 4.4.95: 3000 thiệp của giáo phận Xuân Lộc mời GÐÐC để góp vào việc xây cất các nhà thờ kinh tế mới của giáo phận, đã được phân phối cho các miền GÐÐC trong buổi sáng nay. Ðược biết, mỗi thiệp trung bình thu 20.000 đồng, do thiện chí của anh chị em. Có thể hai, ba người chung một thiệp. Ðợt này dành cho nhà thờ Núi Ðỏ, Long Khánh rất thành công. Tổng cộng thu được cho nhà Chúa là 50 triệu đồng Việt Nam.

“Phong trào tận hiến ngày càng lên cao. Có nơi cha xứ xin giúp tận hiến các giới của giáo xứ cho Ðức Mẹ, để nhờ Mẹ giúp sống Năm Thánh, như giáo xứ Bình Thuận (Sài Gòn), Bình Hải (Biên Hoà), Phan Rang… Trong Năm Thánh 2000 này, hoạt động tông đồ của dòng đặc biệt khởi sắc hơn, như một ân ban cần ghi nhận: GÐÐC và phong trào tận hiến theo linh đạo Ðồng Công tăng lên mạnh mẽ về số lượng và có lẽ cả về chất lượng. Hàng ngàn người tận hiến tại các giáo xứ, đặc biệt nơi một số giáo phận mà việc tận hiến còn mới mẻ (đối với giáo dân) như giáo phận Nha Trang, Mỹ Tho, Buôn Mê Thuật, Phú Cường…

Cũng xin ghi lại sự kiện đáng nhớ ngày lễ Mẹ Mân Côi 7.10 trong Năm Thánh 2000. Hiệp mừng với toàn thể Hội Thánh, sự kiện tận hiến năm 2000, sự kiện lịch sử trong Giáo Hội:

Vào lúc 17 giờ tại quảng trường thánh Phêrô, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II và hơn 1.500 hồng y, giám mục và tín hữu hiện diện đã dâng mình cho Ðức Mẹ (trước tượng Mẹ Fatima, Bồ Ðào Nha), sau khi đọc kinh Mân Côi.

Chúa nhật 8.10.2000, lễ Mẹ Mân Côi được mừng trọng thể vào Chúa nhật. Lúc 10 giờ, sau lời nguyện hiệp lễ của thánh lễ đồng tế trọng thể với các hồng y, giám mục dự đại hội Năm Thánh, Ðức Thánh Cha và mọi người đọc lời kinh phó dâng thế giới và Giáo Hội cho Ðức Mẹ. Có người cho rằng Trái Tim Mẹ toàn thắng là ở chỗ này.

Linh đạo tận hiến và làm tông đồ cho sự tận hiến cho Ðức Mẹ của dòng Ðồng Công, đã được thêm hậu thuẫn chắc chắn và lớn lao”. (Ghi lại các ngày 7, 8 và 17.10.2000).

5) Mừng bổn mạng GÐTHÐC chính thức

Từ khi có tổ chức GÐTHÐC, anh chị em các xứ các miền đều có những ngày mừng bổn mạng riêng, thường là các ngày lễ Ðức Mẹ. Nhưng chung tổ chức GÐTHÐC thì đến lễ Mẹ Dâng Mình 21.11.2000, lần đầu tiên tổ chức GÐTHÐC toàn quốc mừng lễ bổn mạng cách chính thức. Các miền đều tổ chức làm hoa thiêng, hiệp thông và thánh lễ tạ ơn ở mỗi miền, theo qui định thống nhất từ văn phòng GÐTHÐC. Từ đây hằng năm anh chị em GÐTHÐC sẽ mừng bổn mạng vào lễ này và được ghi vào lịch phụng vụ của dòng, vào bảng cầu nguyện tại các nhà nguyện của dòng để toàn dòng cùng hiệp thông trong lời cầu cho anh chị em GÐTHÐC trong ngày mừng bổn mạng.

6) Hy sinh trong công tác tông đồ

 Tai nạn giao thông

- Trong bất cứ việc nào, bên cạnh những thành công là những hy sinh gian khổ; sự hy sinh ấy lớn hay nhỏ tuỳ vào mỗi công việc; có khi còn đòi phải hy sinh cả tính mạng nữa: Thầy Tôma Aquinô M. Ðinh Thành Tài là một thí dụ.

Ngày 2.7.2000 sau khi giúp giảng huấn GÐTHÐC, 20 giờ 45 phút thầy Tài rời Tân mai về dòng thì bị tai nạn xe tại quãng đường ngã tư Tam Hiệp…

Sau nhiều ngày tìm kiếm, mãi tối ngày 11.7.2000 anh em mới tìm thấy thầy trong phòng cấp cứu bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng bất động, băng bó, thở ôxy. Bệnh viện cho biết: hôn mê từ lúc đưa vào cho đến hôm nay, không biết gì; tai nạn giao thông; chấn thương sọ não!...

Với sự chữa trị của bác sĩ và sự săn sóc giúp đỡ của anh em dòng, sau một thời gian dài thầy đã tạm bình phục, tuy vậy, tay chân không còn cử động nhanh nhẹn như trước. Phải tập luyện bằng cách đi lại, chạy, châm cứu, tập vật lý trị liệu… và phải nghỉ mọi công tác.

- Không chỉ đường bộ – do sự gia tăng lượng xe máy quá nhiều – mới hay gặp tai nạn mà còn trên đường thuỷ, cũng xảy ra những sự cố ngoài ý muốn con người nhưng không ngoài ý Thiên Chúa cho phép xảy ra. Vào một dịp Tết Nguyên Ðán, một thầy trong ban GÐTHÐC đi về miền Cái Sắn vừa lo công việc chung vừa có lẽ cũng đi du xuân. Chiếc canô nhỏ chở một linh mục, người anh em CMC và một số anh chị em GÐTHÐC (trong số đó có mấy ông cố anh em). Canô do một cựu đệ tử lái, tất cả chừng 10 người. Khi tàu lớn đi qua, canô bị khẳm nên lật và mọi người ngồi trên đều rơi xuống sông… May thay không ai chết đuối! Thầy nhà ta sau này kể lại: Nếu hôm đó không biết bơi, có lẽ đã chết chìm!

7) Một vài thống kê

Sau 34 năm thành lập, tổ chức GÐTHÐC Việt Nam tính đến tháng 5.2012 có:

- 30 miền (mỗi miền có nhiều gia đình xứ), với 277 gia đình xứ hiện đang sinh hoạt chung hằng tháng và 10 gia đình xứ biệt lập.

- Có mặt trong 13 giáo phận: Tp. Hồ Chí Minh, Xuân Lộc, Bà Rịa, Ðà Lạt, Nha Trang, Phú Cường, Long Xuyên, Mỹ Tho, Ban Mê Thuật, Phan Thiết, Vĩnh Long.

- Số thành viên có tên trong sổ bộ GÐTHÐC là 43.319 người; trong đó có 5.031 người đã qua đời và nhiều người không sinh hoạt vì nhiều lý do: xuất ngoại, đổi nơi ở, không rõ địa chỉ…