Nhờ Mẹ đến với Chúa

ĐỀ TÀI THÁNG 6.2025

HÃY THẢO KÍNH CHA MẸ - Giới Răn Thứ Tư

 

Sách Huấn ca đã từng nói về bổn phận con cháu biết ơn các tiền nhân: “chúng ta hãy ca ngợi những vị danh nhân, cũng là cha ông của chúng ta qua các thế hệ.” (Hc 44, 1.10-15). Chúng ta là phận con cháu đã và đang thừa hưởng gia tài ân đức các ngài để lại, nên phải “kể lại sự khôn ngoan của các ngài” để noi theo, các ngài đã giữ các điều răn của Chúa, con cháu cũng phải một mực trung thành. Như thế, dòng dõi các ngài mới trường tồn vạn đại. Nhớ đến công ơn sinh thành, dưỡng dục, tất cả chúng ta đều phải biết sống hiếu thảo, vâng lời, giúp đỡ cha mẹ lúc sinh thời cũng như khi đã khuất bóng. Điều nhấn mạnh: Thiên Chúa đã đặt lòng hiếu thảo thành điều răn thứ tư: “Hãy thảo kính cha mẹ”.

Tháng Sáu là tháng Giáo Hội sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu và Trái Tim Vẹn Sạch Mẹ Maria, với đề tài “Thảo Kính Cha Mẹ” cho tháng này thật là phù hợp và phải đạo.

 

Tin Mừng Chúa Giê su Ki-tô theo thánh Mác-cô [7, 10-12]

Quả thế, ông Mô-sê đã dạy rằng: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ và kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử! Còn các ông, các ông lại bảo: "Người nào nói với cha với mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ đều là "co-ban" nghĩa là lễ phẩm đã dâng cho Chúa" rồi, và các ông không để cho người ấy làm gì để giúp cha mẹ nữa.

 

I. Ý CHIA SẺ

1. Cha mẹ tiếp nối quyền sáng tạo của Thiên Chúa. Ngay từ đầu sáng tạo thế giới, Thiên Chúa đã truyền lệnh cho “con người phải sinh sôi nảy nở cho đầy mặt đất và thống trị mọi loài ” (St 1,28). Nên sự truyền sinh chỉ duy có nơi cha mẹ mà thôi, khoa học không thể tạo ra được mầm sống, mặc dù con người (khoa học) vẫn luôn khát vọng làm chủ sự sống bằng mọi cách nhưng vẫn luôn thất bại. Vì chỉ có Thiên Chúa là chủ quyền trên sự sống mọi loài (Ga 10, 18; 17,2; 19,11). Vì thế, Thiên Chúa đã nâng đạo hiếu này thành điều răn thứ tư, có vai trò quan trọng trong đời sống gia đình nhân loại, cũng như là thước đo cho niềm tin và yêu mến Thiên Chúa. Từ đó, Đạo hiếu đã ăn sâu vào mọi dân tộc qua mọi thời đại.

2. Cha mẹ là đấng thay mặt Chúa sinh dưỡng và giáo dục con cái. Ngày ký ước hôn nhân, anh chị còn nhớ lời nguyện chúc của linh mục trong khi cử hành bí tích hôn phối:

- Anh chị có sẵn sàng đón nhận con cái Chúa sẽ ban, và giáo dục chúng theo luật Đức Kitô không?

- Thưa có. (cả hai người cùng thưa lớn tiếng)

Vì thế, cha mẹ luôn mau chóng đưa con nhỏ tiếp nhận phép rửa tội, để chúng trở nên con cái của Chúa trong Giáo Hội, và chịu trách nhiệm đời sống đức tin của con cái mình cho đến khi chúng trưởng thành.

3. Noi gương Chúa Giêsu trong gia đình Thánh gia: “Người trở về Nazaret và vâng phục ông bà” Đức Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa đã sẵn sàng vâng ý Chúa Cha “xuống trong lòng Trinh Nữ Maria, và đã làm Người”, và sống cuộc đời 33 năm trần thế, cũng luôn vâng ý cha mẹ dưới đất (Cha thánh Giuse và Mẹ Maria) cũng như ý Cha trên trời.

Khi Chúa Giêsu lên 12 tuổi, Ngài ở lại trong đền thờ… Mẹ Maria cứ tưởng rằng đã đến giờ Con của Mẹ phải ra đi thực hiện ý Chúa Cha để cứu độ nhân loại: “Cha mẹ không biết rằng con phải lo việc của Cha con sao?” Khi đó, Chúa Giêsu dư khả năng để cứu độ nhân loại, nhưng vì “giờ của Ngài chưa đến” nên Ngài vẫn quay về sống với cha mẹ Ngài cho đến 30 tuổi.

Áp dụng:

* Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo số 239: “Mối thâm tình giữa Thiên Chúa và thụ tạo như “Cha-con trong gia đình”. Theo ngôn ngữ đức tin được hình thành từ kinh nghiệm về cha mẹ trần thế, cha mẹ dưới đất một khía cạnh nào đó, là đại diện đầu tiên của Thiên Chúa nơi con cái mình”.

Con người yếu hèn chúng ta không dễ được Thiên Chúa trực tiếp dạy dỗ từng người, nhưng qua các ngôn sứ và cha mẹ đấng thay mặt Chúa, Ngài chăm sóc và dạy dỗ chúng ta. Nên phần nào, khi con cái vâng lời cha mẹ là vâng lời Thiên Chúa. “Ai nghe các con là nghe Ta” (Lc 10, 16).

* Dân gian Việt Nam vẫn thường nói: “sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đó”, hay như: “Cha mẹ để phúc cho con”. Bậc cha mẹ phải đối diện muôn vàn khó khăn, áp lực bao điều, để lèo lái con thuyền gia đình đến hạnh phúc bình an. Điều cần thiết nhất, cha mẹ để lại gương sáng, bằng đời sống đức tin, vì “lời nói lung lay, gương bày lôi kéo”. Là vợ, là chồng, là con cái trong gia đình, mỗi người đều là viên gạch nối kết với nhau xây dựng gia đình “trong ấm ngoài êm”. Nên khi gặp trái ý, bất đồng quan điểm, mỗi người cần hạ “cái tôi” mình xuống, bớt đi cái “tính gia trưởng”. Những gia đình không có tiếng nói chung là gia đình thất bại vì thiếu sự lắng nghe và tôn trọng nhau. Thành công nhất của con người không phải là giầu có, không phải là quyền lực… mà là “gia đình hạnh phúc”.

* Con cái: sống trong thời đại văn minh, đầy đủ phương tiện và cuộc sống khá hơn ngày xưa. Cho dù, thành công đến mấy ở bên ngoài xã hội, khi về đến gia đình, con cái vẫn luôn tôn trọng cha mẹ mình, vì đó là “đạo hiếu”, và Chúa Giêsu đã làm gương “Người luôn vâng phục cha mẹ”. Vì chẳng có sự thành công nào nơi những đứa con bất hiếu, ngược lại, con cái biết vâng nghe người trên luôn là những đứa con biết làm đẹp gia phong. Nếu con cái gặp tình trạng đau thương như thế nào thì trong mắt cha mẹ, chúng vẫn luôn “được yêu thương nhất”.

Và khi cha mẹ qua đời, con cái vẫn luôn hiếu thảo công ơn trời bể đó, bằng nhiều lời cầu nguyện, và thánh lễ dâng lên xin ơn giải thoát cho linh hồn cha mẹ sớm hưởng nhan thánh Chúa. Vì sự sống đời đời luôn nối kết đất - trời, và nối kết giữa người sống và kẻ chết trong gia đình Thiên Chúa Ba Ngôi.

 

II. Ý CẦU NGUYỆN

Ý cầu nguyện chung: Cầu cho thế giới hôm nay biết động lòng trắc ẩn nhiều hơn: Xin cho mỗi người chúng ta tìm được sự an ủi cá nhân với Chúa Giêsu và học nơi Thánh Tâm Người lòng trắc ẩn đối với thế giới.

Ý cầu nguyện riêng:

-         Cầu cho  49  anh chị tận hiến đã qua đời

-      Cầu cho anh chị GĐTH nhân dịp lễ Bổn mạng Miền Xuyên Mộc Lễ Đức Trinh Nữ Mẹ Hội Thánh (09/06/2025) Miền Phương Lâm Lễ Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ (28/06/2025)

Ý cầu nguyện riêng:

       - Năng đọc lời nguyện: “Lạy Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường trong lòng, xin uốn lòng con nên giống Trái Tim Chúa”.

         - Thực hành bác ái là biết sống khiêm tốn, khoan dung, nhân hậu và nhẫn nhục với anh chị em mình.