Nhờ Mẹ đến với Chúa ĐỀ TÀI THÁNG 5.2025 YÊU NGƯỜI NHƯ CHÚA YÊU Chúng ta đang trong Tuần Thánh tưởng niệm cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô. Đây là thời gian để suy niệm sâu xa về tình yêu Thiên Chúa, về bí tích yêu thương Ngài đã thiết lập, lòng thương xót, sự hy sinh và ơn cứu độ. Tháng năm với đề tài Yêu Người Như Chúa Yêu, trong tháng này, chúng ta cũng cùng nhau dành thời gian cầu nguyện, suy niệm về cuộc đời và vai trò của Mẹ Maria trong công trình cứu độ của Thiên Chúa. Tháng năm còn gọi là tháng hoa không chỉ là dịp để tôn vinh Đức Mẹ mà còn là cơ hội để mỗi người tái khám phá lòng nhân ái, sự vâng phục, khiêm nhường và đức yêu thương của Mẹ. Mẹ đều thể hiện lòng tin tưởng sâu sắc vào Thiên Chúa và sự chăm sóc ân cần đối với những người xung quanh, dù trong những lúc khó khăn nhất. Mẹ cũng là hình mẫu của sự cầu nguyện, vì Mẹ luôn cầu nguyện cho những người cần sự giúp đỡ, giống như trong tiệc cưới Cana, khi Mẹ xin Chúa Giêsu giúp đỡ gia chủ trong lúc thiếu rượu. Tin Mừng theo thánh Gioan “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12). I. Ý CHIA SẺ Khi Chúa Giêsu nói: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12). Ngài không chỉ đơn thuần đưa ra một lời khuyên hay một nguyên tắc đạo đức nào. Chúng ta hãy suy ngẫm về ý nghĩa này qua ba khía cạnh: 1. Yêu thương là một mệnh lệnh Chúa Giêsu đã dùng từ “hãy” để nhấn mạnh rằng yêu thương không phải là một lựa chọn hay điều kiện, mà là một mệnh lệnh thiêng liêng. Tuy nhiên, tình yêu Chúa mời gọi không dừng lại ở cảm xúc hay sự thiện cảm đơn thuần, mà là một tình yêu mang tính hành động. điều này đòi hỏi chúng ta phải yêu thương ngay cả khi đối mặt với những khó khăn, hiểu lầm hay tổn thương từ người khác. Câu hỏi đặt ra là: Làm thế nào để yêu thương những người mà chúng ta cảm thấy khó gần gũi? Chúng ta chỉ có thể thực hiện được điều đó khi đặt mình dưới ánh sáng của Chúa, để Ngài biến đổi trái tim và hướng dẫn hành động của ta. 2. Tình yêu của Chúa là mẫu gương hoàn hảo. Chúa Giêsu đã không chỉ nói về tình yêu, mà Ngài đã sống và thực hiện tình yêu ấy một cách trọn vẹn. Ngài yêu thương đến mức hy sinh chính mạng sống của mình cho chúng ta. Tình yêu ấy không hề ích kỷ, không tính toán, không phân biệt ai xứng đáng hay không không xứng đáng. Yêu như Chúa yêu là dám hy sinh, dám đặt lợi ích của người khác lên trên chính mình. Đó cũng là sự tha thứ, ngay cả khi ta bị xúc phạm hay tổn thương. Thánh Phaolô đã mô tả tình yêu này trong thư gửi tín hữu Corintô: “Tình yêu thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không khoe khoang, không tự đắc…” (1Cr 13,4-7). 3. Yêu thương là dấu hiệu của người môn đệ Chúa. Chúa Giêsu đã khẳng định: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy, nếu anh em yêu thương nhau” (Ga 13,35). Điều đó có nghĩa là tình yêu thương là dấu chỉ đặc biệt để người khác nhận ra chúng ta thuộc về Chúa. Thánh Gioan Tông đồ có nói: “Nếu ai nói yêu mến Chúa mà không yêu mến anh em là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1Ga 4,20) Trong thực tế, thế giới ngày nay đang cần tình yêu hơn bao giờ hết. xung đột, chia rẽ và lòng ích kỷ thường xuyên chi phối con người. chính trong bối cảnh đó, mỗi người Kitô hữu được mời gọi trở nên dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa qua việc yêu thương người thân, bạn bè, thậm chí cả những người xa lạ và đối nghịch với mình. Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI đã khẳng định trong thông điệp "Populorum Progressio" (Sự phát triển của các dân tộc) rằng: "Sự phát triển đích thực phải được xây dựng trên tình yêu, vì chỉ có tình yêu mới giúp con người sống trong hòa bình và công bằng." Trong tông huấn “Fratelli Tutti” (Tất cả là Anh Em), Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết: “ Bác ái không chỉ là một hành động, mà là một cách sống, là điều kiện để xây dựng một xã hội huynh đệ, nơi mọi người sống trong sự liên đới và tôn trọng lẫn nhau” và Ngài cũng nói thêm: “Không ai có thể bị loại trừ khỏi tình yêu của Thiên Chúa. Giáo Hội là ngôi nhà của lòng thương xót, và tất cả mọi người đều được chào đón." Khi chúng ta yêu thương theo cách của Chúa, chúng ta không chỉ làm trọn lệnh truyền của Ngài, mà còn góp phần biến đổi thế giới thành nơi tràn đầy ánh sáng và bình an. II. Ý CẦU NGUYỆN a/ Ý cầu nguyện chung: Cầu cho điều kiện lao động: Xin cho việc lao động giúp mỗi người được hạnh phúc trọn vẹn, cho các gia đình sống trên thuận dưới hòa, nhờ đó xã hội trở nên nhân văn hơn. b/ Ý cầu nguyện riêng: Cầu cho anh chị em tận hiến đã qua đời. c/ Cầu cho: Miền Hòa An: trong dịp lễ bổn mạng Mẹ Fatima 13/05 - Các Miền: An Bình, Bình An, Bà Rịa, Đồng Xoài, Hóc Môn, Mỹ Tho, Phan Rang - Xứ Mở Rộng: Tùng Nghĩa gp. Đà Lạt. Trong dịp lễ bổn mạng Mẹ Thăm Viếng: 31/5 Miền Xuyên Mộc: trong dịp lễ bổn mạng Mẹ Giáo Hội (Thứ Hai sau lễ Hiện Xuống) III. THỰC HÀNH Trong tháng 5, mỗi thành viên GĐTH dâng lên Đức Mẹ 5 hoa thiêng liêng kết bởi những việc bác ái, những hy sinh bác ái nho nhỏ trong cuộc sống hàng ngày.
|