Nhờ Mẹ đến với Chúa

ĐỀ TÀI THÁNG 1 NĂM 2025

XIN BAN BÌNH AN CHO CHÚNG CON

Thầy ban bình an của Thầy cho các con” (Ga 14,27)

 

Quý Anh Chị thân mến!

          Ngày đầu năm Dương lịch, cũng là ngày mừng lễ Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, đồng thời cũng là ngày cầu cho Hòa Bình Thế Giới, và chúng ta thường chúc nhau những câu chúc: sức khỏe dồi dào, công việc hồng phát, thăng quan tiến chức, bình an, gia đình hạnh phúc... Chúng ta cũng thấy trên những xe khách, xe lửa, thường có hàng chữ “chúc quý khách thượng lộ bình an”. Và người công giáo chúng ta, khi có những phương tiện để đi lại luôn có hình ảnh Đức Mẹ với hàng chữ “Nữ vương ban sự bình an”. Vì vậy chúng ta luôn đi tìm sự bình an và sự bình an đó sẽ ở đâu?

 

          Tin mừng theo thánh Gioan:

          “Thầy ban bình an của Thầy cho các con” (Gn 14,27 ).

          I. Ý CHIA SẺ

          1. Bình an ở đâu?

          Ở đây, Chúa Giêsu muốn nói về thứ bình an nào? Quả thật, Người không nói về sự bình an bên ngoài, sự bình an vắng bóng chiến tranh, không có tranh chấp giữa người với người,  giữa các dân tộc hay giữa các quốc gia với nhau. Người nói về thứ bình an trong tâm hồn. Nhiều người bị căng thẳng, bị trầm cảm, chán đời, tự tử; có người lại rơi vào nghiện ngập, bạo hành gia đình, sống một cuộc đời trụy lạc. Trong gia đình nhiều khi cũng chẳng có sự bình an, khi có xung đột vì cơm áo gạo tiền, ngoại tình, ly dị... Sự bình an của người đời là tạm bợ và sẽ không bền vững; bởi vì người đời chỉ dựa vào của cải vật chất để trấn an tâm hồn đầy bất an. Người ta chúc nhau được bình an, nhưng không ai tìm được bình an trong cuộc sống. Người giàu có thì cảm thấy bất an khi đêm về vì sợ kẻ trộm dòm ngó. Người có địa vị thì sợ kẻ khác chiếm đoạt, lật đổ. Người mạnh khoẻ thì sợ đau ốm, bệnh tật… Tất cả đều ở trong trạng thái bất an.

          Vì thế, con người nôn nóng đi tìm sự bình an nơi những giáo phái, liệu pháp tâm lý, cho nên Chúa nói: “Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5,9). Chúa Giêsu nói đến một thứ bình an hoàn toàn khác, thứ bình an nội tâm, mà chúng ta có là nhờ sống kết hợp với Thiên Chúa.

          2. Chúa chính là bình an (Hoàng Tử bình an)

          Để hiểu ý nghĩa của sự bình an mà Chúa Giêsu ban tặng một cách tích cực, nó diễn tả sự yên bình trong nội tâm con người. Thật vậy, Kinh Thánh nói về sự “bình an của Thiên Chúa” ( Pl 4,5) và cũng nói về “Thiên Chúa của bình an” (Rm 15,32), “Thầy ban bình an của Thầy cho các con” (Ga 14,27 ). Bởi thế, khi nhập thể làm Người, Chúa Giêsu được gọi là “Hoàng Tử Bình An” và cũng là nguồn mạch sự bình an. Bình an của Chúa Giêsu mang đến không phải là thứ bình an mà thế gian ban tặng. Bình an của thế gian thường chỉ là đồng nghĩa với an phận, với trốn tránh, với thoả hiệp. Bình an của Chúa mang đến chỉ có thể có được bằng một giá đắt đỏ: Nó đòi hỏi sự chiến đấu, chấp nhận mất mát, có khi cả hy sinh mạng sống mình nữa. Cho nên chúng ta phải tin vào Chúa để bình an tâm hồn luôn ở với chúng ta. “Bình an cho các con” (Ga 14,27 ).

          3. Đức tin mang lại bình an

          Tin vào Chúa Kitô không có nghĩa là chúng ta được miễn chuẩn khỏi đau khổ, khó khăn và thử thách. Tin Mừng không hứa ban một phương thuốc để giải quyết hết mọi vấn đề; một cách nào đó, lo lắng, khó khăn, thử thách là một phần của thân phận con người. Nhiều lúc chúng ta còn phải đối diện với những khó khăn đó nhiều hơn cả những người không tin. Nhưng Tin Mừng chỉ ra một phương dược giúp chúng ta vượt qua khó khăn và được bình an trong khi gặp thử thách. Đó là lời đầu tiên trong Tin Mừng Gioan: “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy” (Ga 14,1).

          Có lẽ mỗi người đều có kinh nghiệm tương tự như thế, những lúc gặp khó khăn thử thách và cả những lúc êm ả, chỉ có Chúa là nơi chúng ta nương thân, chỉ có Chúa mới mang lại bình an cho tâm hồn chúng ta. Giờ đây chúng ta hiểu được ý nghĩa mà chúng ta cầu chúc trong thánh lễ khi chúc bình an cho nhau. Chúng ta chúc nhau được bình an, có tương quan tốt với Thiên Chúa và với tha nhân. Nói cách khác, chúng ta chúc nhau có một con tim đầy bình an của Chúa Kitô, là sự bình an nền tảng cho toàn bộ cuộc sống con người. Ai cũng cần đến thứ bình an đó của Chúa. “Bình an của Chúa ở cùng anh chị em!”

          Chúng ta hãy chất vấn lương tâm chúng ta và chúng ta hãy tự hỏi mình, trong năm qua chúng ta đã làm gì để có sự bình an?

          Đã nhiều lần trong đời, tôi đã cảm nghiệm sự bất an vì đã trót lầm lỡ, sa ngã, tội lỗi làm cho tôi mất bình an, vậy tôi có quyết tâm sống thánh thiện, tránh xa tội lỗi, để luôn sống trong bình an với Chúa không?

           Tôi có ý thức mình cũng là sứ giả của bình an đối với tha nhân không? Tôi có dùng lời nói và hành động yêu thương để đem lại bình an cho những người sống quanh tôi, hay tôi thường gieo rắc sự chia rẽ và bất an?

          Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc mọi người tự xét mình về thứ bình an mà mỗi người đang tìm kiếm: “Tôi tìm bình an ở đâu? Trong sự an lạc, sung túc, trong những gì tôi có được; hoặc tôi tìm bình an trong hồng ân của Chúa. Tôi phải trả giá cho bình an hay tôi nhận được cách nhưng không từ Chúa? Nếu tôi nổi giận khi tôi bị thiếu một điều gì đó, đây là một bằng chứng cho thấy tôi không có bình an của Chúa. Tôi có muốn đem bình an đến cho người khác không? Nếu tôi muốn, đó là bình an của Chúa. Nếu ngay cả những thời khắc khó khăn tôi vẫn bình an, đó là bình an của Chúa, bình an tràn đầy hy vọng và hướng về trời cao. Bình an của Chúa là bình an cho hiện tại và cả tương lai, không ru ngủ, không gây mê”.

          II. Ý CẦU NGUYỆN

a. Ý Cầu Nguyện Chung

          Cầu cho việc giáo dục những người di dân: Xin cho quyền giáo dục của những người di dân, những người tị nạn và những nạn nhân của chiến tranh luôn được tôn trọng và bảo đảm, nhằm xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.

b. Ý Cầu Nguyện Riêng:

          Cầu cho các miền Hố Nai, Phước Long, Tân Sơn Nhì và Thủ Đức trong dịp mừng lễ Bổn mạng Mẹ Thiên Chúa 01/01

c. Cầu cho 50 anh chị em tận hiến đã qua đời

          III. THỰC HÀNH

          Trong tháng giêng cùng Giáo Hội cầu cho các Kitô hữu được hiệp nhất.