Ave Jesu Maria Joseph

Trong tình yêu thương của Chúa Giêsu Kitô và Mẹ Maria,

 

Kính chào tất cả Anh Chị Em trong gia đình tận hiến,

 

Anh chị em thân mến,

 

Công đồng Vatican II, là Công Đồng lớn nhất trong lịch sử Giáo Hội, quy tụ hàng Giám mục của cả thế giới.

 

Công đồng kéo dài từ năm 1962 đến năm 1965, đã mang lại cho Giáo hội một luồng gió mới đầy Thánh Thần.

 

Công đồng đã để lại 16 văn kiện, gồm: 4 Hiến chế, 9 Sắc lệnh và 3 Tuyên ngôn.

 

Một trong những hiến chế quan trọng của công đồng Vaticanô II, chính là hiến chế tín lý về Giáo hội : Lumen Gentium (Ánh sáng muôn dân - LG).

 

Trong Hiến chế này, thánh công đồng đã cổ động lòng tôn sùng Mẹ Maria cách đặc biệt là: “do việc Mẹ Thiên Chúa được gắn liền với mầu nhiệm cứu rỗi của Chúa Kitô. Vì Mẹ Maria được dự phần  vào mầu nhiệm này hơn bất cứ ai khác”.(LG 66).

 

Thánh công đồng lưu ý : Mẹ Maria chỉ là một thụ tạo của Thiên Chúa (LG 53, 55, 60) nhưng cũng xác nhận địa vị ưu tuyển của Mẹ “Lãnh nhận sứ mệnh và vinh dự cao cả là được làm Mẹ Con Thiên Chúa, do đó làm Ái Nữ của Chúa Cha và cung thánh của Chúa Thánh Thần” (LG 53)

 

Công đồng dành hẳn chương 8, được đa số các nghị phụ thuận ý bàn về Mẹ Maria trong hiến chế tín lý về Giáo hội, về vai trò của Mẹ Maria, là Mẹ Thiên Chúa trong mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể, và minh định bổn phận Kitô hữu đối với Mẹ Maria.

 

Gia đình tận hiến của chúng ta theo định hướng của năm nay, 2022, qua ý lực tin mừng: “Đấng toàn năng đã làm cho tôi biết bao điều trọng đại” (Lc 1, 49) là lời kinh Tạ Ơn của Mẹ Maria ca lên khi nghe Bà chị họ Isave cất tiếng chào Mẹ là Mẹ Thiên Chúa.

 

Là con cái đã tận hiến cho Mẹ, chúng ta cùng tiếp tục học hỏi và tìm hiểu giáo lý về Mẹ, dựa theo chương 8 của Hiến chế Lumen gentium (Ánh sáng muôn dân – LG)

 

theo chủ đề tháng năm, năm  2022

đề ra: Mẹ Maria đứng dưới chân thập giá. (Jn 19, 25)

 

Anh Chị Em trong Gia đình tận hiến thân mến,

-         Mẹ Maria đứng dưới chân thập giá.

Kế hoạch cứu độ đầy nhân từ và khôn ngoan của ý muốn Thiên Chúa. Theo như lời Thánh Giêronimô gọi,: Đó là đỉnh cao của công trình ơn cứu độ,

 

Và qua sự kiện Mẹ đứng dưới chân thánh giá, các nghi phụ trong công đồng đã đồng thuận viết lên trong LG số 58 : “Ðức Trinh Nữ Maria đã tiến bước trong cuộc lữ hành đức tin, trung thành hiệp nhất với Con cho đến bên thập giá, là nơi mà theo ý Thiên Chúa, Mẹ đã đứng đó (x. Gio 19,25). Ðức Maria đã đau đớn chịu khổ cực với Con một của mình, và dự phần vào hy lễ của Con, với tấm lòng của một người mẹ, hết tình ưng thuận hiến tế lễ vật do lòng mình sinh ra. Và cuối cùng chính Chúa Giêsu Kitô khi hấp hối trên thập giá đã trối Ngài làm Mẹ của môn đệ qua lời này: "Thưa Bà, này là con Bà" (x. Gio 19,26-27)

-         Mẹ Maria đứng dưới chân thập giá.

Là một sự vâng phục phù hợp với Thánh ý Chúa, vì Chúa muốn có một Evà Mới bên cạnh Adam Mới.

 

Ngay khi nguyên tổ Adam Eva phạm tội, Thiên Chúa đã xót thương con người, và trong vườn địa đàng Ngài đã hứa ban ơn cứu độ, như chương đầu của Sách Sáng thế ký đoạn 3, 15 đã nói, mà các Thánh Giáo Phụ đã coi đây như tiền phúc âm, dành cho Mẹ được đứng bên cây thập giá :

 

“Ta sẽ đặt mối thù giữa ngươi và người nữ, giữa dòng giống mi và dòng giống người nữ, chính người nữ sẽ đạp nát đầu mi, còn mi sẽ rình cắn gót chân người. (15 inimicitias ponam inter te et mulierem et semen tuum et semen illius ipsa conteret caput tuum et tu insidiaberis calcaneo eius) Genesis 3, 15) (Bible Sacra Vulgata)

 

Chính vì thế mà thánh Irenê đã nói:

-         Mẹ Maria đứng dưới chân thập giá.
Dưới cái nhìn của các thánh Giáo phụ :

Evà mới đã thông phần mật thiết vào đau khổ với Adam mới trong hy tế cứu độ núi Calvê, đỉnh cao của công trình cứu chuộc con cháu Adam. Evà mới đã đau khổ với Chúa Cứu thế bằng trái tim hiền mẫu, đã hiến dâng những đau thương cay đắng của con làm một với đau thương của riêng mình, để trở nên “nguyên nhân ơn cứu độ cho chính mình và toàn thể nhân loại” (St Irenê, Adversus haeresses, III, 22, 4; PG 7, 959.)  .

 

Các thánh Giáo phụ cũng như Công đồng đã lặp lại, gọi Mẹ Maria là “Mẹ kẻ sống” và thường nói: “Sự chết đến từ Evà, sự sống đến nhờ Đức Maria”. (LG 56) (St Jerônimô : Epist, 22, 21; PL 22, P. 408 )

-         Mẹ Maria đứng dưới chân thập giá.

Được Thánh Công đồng nhìn nhận sự cộng tác của Mẹ không những chỉ vào lúc ưng thuận để cưu mang, sinh dưỡng Đấng Cứu Thế, mà còn kéo dài suốt dòng lịch sử của Giáo hội cho đến ngày tận thế (x. LG 53, 62, 63). 

 

Và khẳng định hoa trái tuyệt diệu của sự cộng tác này là chức làm Mẹ phổ quát của nhân loại: “chính vì thế Đức Maria đã trở thành Mẹ của chúng ta trong trật tự ân sủng” (LG 61).

-         Mẹ Maria đứng dưới chân thập giá.

Theo Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong thông điệp Mẹ Đấng Cứu thế, tr. 40).

 

Nhờ Đức Tin:

 

Chính trên đồi Golgôtha “Ngài đã tự hạ và đã vâng phục cho đến chết và chết trên thập giá” (x. Phil 2, 5-8). Dưới chân thập giá, Mẹ Maria nhờ đức tin, đã thông phần vào mầu nhiệm ghê sợ của việc hy sinh xả kỷ này. Có lẽ đây là “sự hy sinh xả kỷ” sâu thẳm nhất của đức tin trong lịch sử nhân loại. Nhờ đức tin, Mẹ Maria đã thông phần với cái chết của Con mình, cái chết đem lại ơn cứu chuộc, nhưng khác với đức tin của các môn đệ, là những kẻ đã chạy trốn, đức tin của Mẹ Maria sáng chói hơn. Tại đồi Golgôtha, trên cây thập giá, Chúa Giêsu đã xác nhận một cách rõ ràng Ngài là “dấu hiệu gây mâu thuẫn” mà ông Simêon đã tiên báo. Đồng thời cũng đã ứng nghiệm tại đồi Golgôtha lời ông Simêon nói với Đức Mẹ: “một lưỡi gươm sẽ đâm thấu lòng bà” (TĐ Mẹ Đấng Cứu thế, tr. 39)

 

Có thể nói suốt cuộc đời của Mẹ bên Chúa Giêsu đã trở thành cuộc tử nạn liên lỉ. Mẹ biết Mẹ đang nuôi dưỡng một lễ vật hi sinh. Mẹ biết ngày mai ngày đây, Con Mẹ sẽ chịu treo thây trên thánh giá. Khăn khắn với ý tưởng đó bên lòng, Mẹ đã nhìn Chúa Giêsu với cặp mắt xót thương ái ngại. Nhưng Mẹ vẫn sẵn lòng hi hiến Con Mẹ. Hỏi còn hi sinh nào lớn lao bằng hi sinh của Mẹ?

-         Mẹ Maria đứng dưới chân thập giá.
Dưới cái nhìn của các Đức Giáo Hoàng

Đức GH Benedictô XV tuyên bố rằng: trên núi Calvê, Mẹ Maria đã sát tế Chúa Kitô đến mức độ hết khả năng của Mẹ, để làm nguôi phép công bình Thiên Chúa, nên chúng ta có lý mà nói rằng, Mẹ đã cùng với Chúa Kitô cứu chuộc nhân loại” (AAS 10 (1918) 182).

 

Và theo lời Đức GH Piô XII, Đức Maria đã cộng tác vào công trình cứu độ, “cho nên ơn cứu rỗi của chúng ta đã tuôn tràn từ tình yêu thương của Chúa Giêsu Kitô và những đau khổ của Ngài đã được liên kết mật thiết với tình yêu thương và những đau khổ của Mẹ Ngài…”(AAS 48 (1956) 352)

 

Đức Giáo Hoàng Lêô XIII, trong thông điệp “Jucunda semper”, ban hành ngày 8.9.1894, có viết : “Khi hiến dâng mình cho Thiên Chúa như tôi tá hèn mọn cũng như khi dâng Con trong đền thánh, Mẹ đã cộng tác với con trong việc đền tội cho nhân loại: do đó, chắc chắn Mẹ đã cùng chịu đau khổ với Chúa Giêsu trong lúc Chúa chịu cực hình…Vì lòng thương yêu Mẹ đã nhận chúng ta làm con, Mẹ đã đứng bên thánh giá Con Mẹ, mà dâng Con cho phép công bằng Thiên Chúa, cùng chịu lưỡi đòng đâm thâu qua mà chịu chết với Con”.

 

Đức Piô XII trong thông điệp “Haurietis aquas” ngày 15.5.1956 viết : “Do thánh ý Thiên Chúa, Đức Trinh Nữ Maria đã kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu trong sự nghiệp cứu chuộc loài người, cho đến nỗi chúng ta được cứu rồi là do tình yêu và đau thương của Chúa Giêsu Kitô hợp nhất keo sơn với tình yêu và đau thương của Mẹ”.

 

Chính vì thế mà thánh Augustinô đã nói : “Thịt và máu cứu độ của Chúa Giêsu Kitô cũng là thịt và máu cứu độ của Mẹ Maria (La chair et le sang Rédempteurs de Jesus-Christ sont aussi la chair et le sang de sa Mère.)

 

Và trong bài giảng tại quảng trường Fatima của Đức Hồng Y  Mauro Piacenza, ngày 15.9.2017, cho những khách hành hương đến Fatima, nhân dịp kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra. Ngài nói:

 

“Chúng ta đã được cứu bởi máu của Chúa Cứu Thế tràn đổ ra vì tội lỗi của chúng ta, nhưng chúng ta cũng đã được cứu bởi những giọt nước mắt của Đức Trinh Nữ, được liên kết với Con của Mẹ là thành viên ưu tú nhất trong Nhiệm Thể của con Mẹ. (« Nous avons été sauvés par le sang du Seigneur répandu pour nos péchés », a affirmé le cardinal Piacenza, « mais nous avons aussi été sauvés par les larmes de la Vierge, associée à son Fils comme le membre le plus éminent de son Corps mystique »).

 

Lời Fiat trang trọng Mẹ thưa với thiên sứ trong ngày truyền tin là một lời tự do sinh ra một kết quả, theo lời các thánh, có giá trị như lời Fiat của Thiên Chúa khi bắt đầu sáng tạo vũ trụ, mà còn hơn thế nữa.

 

Cho nên, thánh Anselmô nói : Thiên Chúa đã sinh ra Đấng sáng tạo muôn loài, còn Mẹ Maria sinh ra đấng cứu độ muôn loài. Nếu không có đấng sáng tạo muôn loài, thì chẳng có gì hiện hữu, nhưng nếu không có đấng cứu chuộc muồn loài, thì chẳng có gì tốt lành. Ôi! Chúa ở cùng Mẹ, bởi vì Chúa đã ban cho Mẹ ơn làm mọi loài mắc nợ Mẹ.

-         Mẹ Maria đứng dưới chân thập giá.
Dưới cái nhìn của thần học:

Thiên Chúa là Đấng Khôn ngoan, Công bằng, Quyền phép và Nhân từ vô cùng, đã yêu thương dành cho Mẹ được đứng dưới chân thánh giá, với tất cả ý chí tự do ưng thuận của Mẹ.

 

1. Đối với Thiên Chúa.

 

a/ Thiên Chúa khôn ngoan vô cùng, dùng chính người Nữ để đạp tan mưu mô ma quỉ, vì chính ma quỉ cũng đã dùng người nữ để nhân loại phải trầm luân.

 

b/ Thiên Chúa công bằng vô cùng, vì Adam Evà cùng nhau cộng tác phá đổ công trình của Chúa, thì Chúa cũng dùng Giêsu-Maria (Adam-Evà mới) mà tái tạo công trình ấy.

c/Thiên Chúa quyền phép vô cùng, vì đã dùng một người Nữ yếu đuối mà thực hiện một sự việc tối đại là cứu chuộc nhân loại.

 

d/ Thiên Chúa nhân từ vô cùng, vì người nữ thường bị coi là nguyên nhân mọi sự dữ, lại trở nên nguyên nhân mọi sự lành.

 

Đối với nhân loại.

 

a/ Một thụ tạo thuần túy (là Mẹ Maria) đã cùng với Thiên Chúa làm Người, mà trả được một phần vinh quang thụ tạo đã cướp của Thiên Chúa.

 

b/ Một người nữ đã gây nên cảnh điêu tàn cho nhân loại, thi một Người Nữ khác, phải cộng tác để cứu lại cảnh hoang phế ấy.

 

Mẹ Maria đã thực sự quyết tâm ưng thuận việc cứu chuộc nhân loại của Chúa cứu thế, đã trung thành kiên trì cho đến giây phút mọi sự đã hoàn tất của con Mẹ trên chân cây thập giá, thì có lẽ nào nói Mẹ Maria không có ảnh hưởng gì đến công trình cứu chuộc, thì có lẽ nào nói Mẹ chỉ là người môn đệ đi theo Chúa Giêsu Kitô.

 

Lumen Gentium số 61 mời gọi mọi tín hữu hãy bắt chước nhân đức của Mẹ Maria:

 

Giáo Hội, qua con người của Ðức Nữ Trinh, đã đạt tới sự toàn thiện làm cho mình nên thanh sạch và vẹn tuyền (x. Eph 5,27), nhưng Kitô hữu vẫn còn phải cố gắng chiến thắng tội lỗi để tiến trên đường thánh thiện. Vì thế, họ ngước mắt nhìn lên Ðức Maria là một mẫu gương nhân đức sáng ngời cho toàn thể cộng đoàn những người được Chúa chọn”.

 

1. Để chúng ta noi gương Mẹ, kết hợp cuộc đời đau khổ của chúng ta, với cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, mong mai sau, chúng ta được trường sinh vinh hiển với Người như Mẹ.

 

2. Để chúng ta thâm tín rằng Chúa Giêsu đã trao trối Mẹ Maria cho chúng ta, và chúng ta cho Mẹ qua thánh Gioan. Dưới chân cây thánh giá, Mẹ đã sinh chúng ta cách thiêng liêng, trong nỗi cực độ khổ đau, nên Mẹ Maria là Mẹ thật của chúng ta, và chúng ta là con thật của Mẹ.

 

3. Để chúng ta nhớ rằng, nhờ mầu nhiệm đồng thu nạn của Mẹ Maria với chuộc khổ nạn cứu thế của Chúa Giêsu, chúng ta được hưởng ơn cứu độ đã trào tràn từ những thương tích Chúa và nước mắt của Mẹ.

 

4. Để chúng ta ý thức sứ mạng của chúng ta là đồng công với Chúa và Mẹ, trong việc cứu rồi chính mình chúng ta và trong việc tồng đồ cứu rỗi người khác.

 

5. Khi chúng ta rao giảng về Mẹ và sùng kính mến yêu Mẹ, Giáo hội khích lệ chúng ta được Mẹ mời gọi đến kết hợp với hy lễ của con Mẹ, và yêu mến Chúa Cha (LG 65)

(trích  Mẹ Maria Đồng Công, Trung gian, Trạng sư, trang 309 của Lm Phêrô, CMC).

 

Vậy để kết thúc bài chia sẻ này, chúng ta cùng hiệp ý với lời kinh của ĐGH Pio XI và Đức Phanxicô, vị  Giáo hoàng đương kim cầu nguyện.

 

Lạy Mẹ yêu dấu và thương xót, khi Con đáng yêu của Mẹ hoàn tất công cuộc cứu chuộc loài người trên bàn thờ thập giá, Mẹ đứng bên cạnh Người, cùng với Người hiến tế như một Đấng Đồng Công Cứu Chuộc.


(trích kinh Đức Piô XI, cầu nguyện tại Lộ Đức, ngày 28-04-1935.)
(từ sách: “Mẹ Maria Đồng Công, Trung Gian, Trạng Sư” trang 10 của Lm Phêrô).

 

Lạy Mẹ là Thánh Mẫu Thiên Chúa, khi đứng dưới thập giá, Chúa Giêsu khi thấy người môn đệ đang ở bên cạnh, đã nói: “Này là con của Mẹ” (Ga 19:26). Bằng cách này, Chúa Giêsu đã giao phó mỗi chúng con cho Mẹ. Người nói với môn đệ và với từng người trong chúng con: “Này là Mẹ của anh em” (c. 27).

 

Trong lòng Mẹ, Chúa Giêsu đã lấy xác thịt; thúc đẩy và nuôi dưỡng sự hiệp thông của chúng con. Mẹ đã từng lướt qua các đường phố trong thế giới của chúng con; giờ đây xin hãy dẫn dắt chúng con trên những con đường hòa bình. AMEN.

 

(Trích kinh tận hiến của ĐTC Phanxicô dâng nước Nga và Ukraine cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, ngày 25/03/2022