Ave Jesu Maria Joseph

                        Đề tài tháng 1 năm 2022

 

     MẸ ĐẤNG CỨU CHUỘC TRONG THÁNH KINH
VÀ GIÁO HUẤN CỦA GIÁO HỘI

Anh chị em thân mến.

Qua một năm với biết bao đau thương đổ về trên quê hương đất nước chúng ta nói riêng, vì đại dịch Covid, nhiều hoàn cảnh tang thương, nhà nhà ly tán, con cái mất cha mẹ, thật đau buồn cho một năm đã qua đi. Chúng ta bắt đầu chào đón một năm mới, năm 2022 với những hy vọng vui tươi trở lại, niềm tin sẽ chấp cánh bay cao với những hồng ân Chúa ban, những ơn lành phần hồn phần xác. Chính Thiên Chúa lại ban cho chúng ta có thời gian để lập công, để đưa nhiều anh chị em sống chung quanh chúng ta về nhận biết và yêu mến Chúa nhiều hơn nữa, vì Thiên Chúa muốn cho hết mọi người được cứu rỗi và nhận biết chân lý. Một trong những lý do khiến Con Thiên Chúa nhập thể làm người sống giữa nhân loại là để nêu gương cho nhân loại. Khi chiêm ngắm Chúa Hài Nhi nằm trong máng cỏ bò lừa, chúng ta cũng được mời gọi học hỏi trong năm nay đó là: Trong văn kiện của Công đồng Vaticanô II “Hiến chế Tín lý về Giáo Hội - Lumen Gentium” (ban hành ngày 21/11/1964) nơi chương VIII (từ số 52), Ðức Nữ Trinh Maria Mẹ Thiên Chúa trong Mầu Nhiệm Chúa Kitô và Giáo Hội được trình bày trong tháng một là: “Mẹ Ðấng Cứu Chuộc trong Thánh Kinh: Cựu Ước cũng như Tân Ước, và Thánh Truyền đáng kính, trình bày ngày một sáng tỏ hơn vai trò của Mẹ Ðấng Cứu Chuộc trong nhiệm cuộc cứu rỗi và đưa vai trò ấy ra cho chúng ta chiêm ngắm. Chúng ta cùng học hỏi.

* Tin Mừng theo Thánh Gioan (Lc 1, 28): Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng Bà”.

 I. Ý CHIA SẺ

Lời mở đầu chương VIII đã nói cho chúng ta rằng: “Thiên Chúa là Đấng vô cùng nhân hậu và khôn ngoan đã muốn hoàn tất việc cứu chuộc thế giới, nên khi đến thời viên mãn, Ngài đã sai Con Mình đến, sinh bởi người Nữ... để chúng ta được nhận làm nghĩa tử (Gl 4,4-5). “Vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta, Người đã từ trời xuống thế, bởi phép Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria”. Mầu nhiệm cứu rỗi thần linh này được mạc khải cho chúng ta và vẫn tiếp tục trong Giáo hội.

1. Mẹ Đấng Cứu Chuộc Trong Cựu Ước

Đức Maria đã được Thánh Kinh tiên báo qua các lời tiên tri trong Cựu Ước; không những thế, hình ảnh của Mẹ còn được vén mở qua những chân dung là các người phụ nữ Do Thái; các biểu tượng quen thuộc trong Cựu Ước cũng nói lên vị thế cao cả của Đức Maria trước mặt Thiên Chúa và trước toàn thể vũ trụ vạn vật. Mẹ Ðấng Cứu Chuộc, theo ánh sáng và mạc khải ấy, người nữ được diễn tả trước trong lời hứa chiến thắng con rắn “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy, dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi và mi sẽ cắn vào gót đó” (St 3,15). Cũng thế, Người Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh con trai và được đặt tên là Emmanuel (Is 7,14 so sánh với Mik 5,2-3; Mt 1,22-23). Người trổi vượt lên trên những con người khiêm hạ và nghèo khó của Chúa. Chính Thiên Chúa đã tuyển chọn và gìn giữ Mẹ để Mẹ thực thi thánh ý cao cả của Thiên Chúa trong việc cứu độ nhân loại. Điều này cho thấy rõ vị thế quan trọng của Mẹ trong công trình cứu độ nhân loại: Mẹ là Evà mới sẽ hạ sinh một nhân loại mới cho Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô - Người Con yêu quý của Mẹ. Cũng thế sứ vụ của Mẹ qua các biểu tượng như con tàu Noe, chiếc thang Giacob, hòm bia Giao ước, đền thờ Giêrusalem và núi Sinai đã cho chúng ta thấy rõ hơn vai trò cộng tác đắc lực của Đức Maria trong công cuộc cứu độ của Thiên Chúa.

2. Mẹ Đấng Cứu Chuộc Trong Tân Ước:

Trong Tân Ước, Mẹ Đấng Cứu Chuộc được trình bày rất nhiều nơi thánh sử Luca như: Thiên sứ truyền tin cho Đức Maria (Lc 1,26-38), “Này tôi là tôi tớ Chúa. Xin hãy xảy ra cho tôi theo lời ngài”, như thế Đức Maria con cháu Ađam, vì chấp nhận lời Thiên Chúa, đã trở nên Mẹ Chúa Cứu Chuộc.

Sự liên kết giữa Mẹ và Con trong công cuộc cứu độ được tỏ rõ từ khi Đức Maria thụ thai Chúa Kitô cách trinh khiết cho đến lúc Chúa Kitô chết. Trước hết Đức Maria vội vã lên đường thăm chị họ là bà Elizabeth và đã được bà ấy chào là “người có phúc” (Lc 1,41-45). Cuộc đời công khai của Chúa Giêsu cũng đã được Ông Simêon báo trước về Mẹ Đấng Cứu Chuộc thật rõ hơn. Như vậy Thánh Công Đồng cho chúng ta thấy rõ nơi hoạt động của Chúa Giêsu mà theo tin mừng Gioan lúc khởi đầu và kết thúc sứ vụ công khai đều có sự hiện diện của Đức Maria. Sau cùng đứng dưới chân thập giá với Con (Ga 19,25) và dự phần hy tế của con, hơn thế nữa Chúa Giêsu đã chối Ngài làm Mẹ của môn đệ yêu dấu. Vì thế Mẹ là Đấng hiệp công cứu chuộc với con mình.

3. Mẹ Đấng Cứu Chuộc Trong Giáo Huấn Của Hội Thánh

- Công đồng Vatican II không minh nhiên nói về Mẹ Đấng Cứu Chuộc, Thánh GH Gioan Phaolô II vẫn nói rằng Công đồng vẫn dạy sự thật về Mẹ Đấng Cứu Chuộc “Lumen Gentium” (Ánh Sáng Muôn Dân), trong đó có giáo huấn của Công đồng về Mẹ Đấng Cứu Chuộc: “…Đức Mẹ chịu đựng cùng Con Yêu Dấu trong nỗi đau cực độ của Con, lòng Mẹ cũng chia sẻ sự hy sinh của Con, và bằng lòng hiến tế chính Con Yêu Dấu của Mẹ. Với những từ ngữ này, Công đồng nhắc chúng ta về “lòng trắc ẩn của Đức Mẹ”; lòng Mẹ phản ánh mọi nỗi đau thân xác và tâm hồn, nhắn mạnh sự sẵn sàng chia sẻ sự hy sinh cứu độ của Con và kết hiệp nỗi đau lòng Mẹ với việc hiến tế của Con. …Hiến chế Lumen Gentium liên kết Đức Mẹ với Đức Kitô, Đấng giữ vai trò chính trong ơn cứu độ, làm rõ việc Mẹ tự kết hợp với sự hy sinh của Con, còn Mẹ vẫn phụ thuộc Con Thiên Chúa”.

- Thông Điệp “Mẹ Đấng Cứu Chuộc – Redemptoris Mater” Thánh GH Gioan Phaolô II đã nói: “Người Mẹ của Đấng Cứu Chuộc chiếm một vị thế đặc biệt nơi dự án cứu độ, vì ‘khi tới thời gian viên trọn thì Thiên Chúa đã sai Con mình, hạ sinh bởi người nữ, hạ sinh theo lề luật, để cứu chuộc những ai lệ thuộc lề luật, nhờ đó chúng ta được ơn làm nghĩa tử. Và vì anh chị em là con mà Thiên Chúa đã sai Thần Linh Con Ngài đến với tâm can của chúng ta, để vang lên ‘Abba! Lạy Cha’ (Gl 4,4-6).

Cùng Mẹ Đấng Cứu Chuộc, tất cả anh chị em GĐTH học hỏi những đề tài về Mẹ trong năm nay, để nhờ ơn Chúa giúp, anh chị em chúng ta có thể hiểu về Mẹ nhiều hơn, để yêu Mẹ như Chúa Giêsu bé thơ đã yêu Mẹ.

          * Các Sách Tham Khảo:

 ­- Trong văn kiện của Công đồng Vaticanô II “Hiến chế Tín lý về Giáo Hội - Lumen Gentium” nơi chương VIII (từ số 52...), Ðức Nữ Trinh Maria Mẹ Thiên Chúa trong Mầu Nhiệm Chúa Kitô và Giáo Hội.

- Sách Quyền Giáo Huấn của Giáo Hội Qua các Văn Kiện.

II. Ý CẦU NGUYỆN

1/ Ý Chung Của Giáo Hội: Cầu cho tình huynh đệ đích thực. Xin cho các nạn nhân của phân biệt đối xử và bách hại tôn giáo được xã hội nhìn nhận quyền lợi và phẩm giá của họ, nhờ tình huynh đệ đích thực.

2/ Ý GĐTH: Cầu cho đại GĐTH chúng ta trong năm nay, biết thăm hỏi và chia sẻ cho nhau những vui buồn của cuộc sống, để làm cho GĐ chúng ta càng thêm phấn khởi và vui tươi hơn.

3/ Cầu nguyện đặc biệt cho: Anh chị em các Miền Hố Nai, Phước Long, Tân Sơn Nhì và Thủ Đức trong dịp mừng bổn mạng lễ Đức Mẹ Thiên Chúa (1/1).

4/ Một Kinh Vực Sâu, hợp ý cầu cho 85 anh chị em GĐTH mới qua đời.

III. Ý THỰC HÀNH RIÊNG

Hằng ngày chúng ta hãy năng tác động yêu mến và dâng vài ba hy sinh nhỏ lên Chúa, Đức Mẹ và cha thánh Giuse để cầu cho Giáo Hội và thế giới được bình an.