Ave Jesu Maria Joseph

ĐỀ TÀI CHIA SẺ GĐTH THÁNG 7 NĂM 2019

LÝ DO ĐỨC BÁI ÁI

 

Anh chị em Gia Đình Tận Hiến rất thân mến,

Tất cả chúng ta là con cái Giáo Hội. Mà Đức Maria là Mẹ Giáo Hội. Vì thế, Đức Maria là Mẹ của mỗi người chúng ta. Con thì phải giống mẹ, cũng thế, các Tín hữu luôn được mời gọi nhìn lên Đức Maria như là gương mẫu tuyệt hảo để chúng ta noi theo, bắt chước. Mẹ là gương mẫu cho chúng ta về mọi nhân đức, nhưng có thể nói, nhân đức nổi bật nơi Mẹ là lòng mến Chúa và yêu thương tha nhân. Trong tháng năm vừa qua, chúng ta đã được chiêm ngắm đức yêu thương của Mẹ qua biến cố Thăm viếng bà Elisabeth.

Tháng này chúng ta chia sẻ với nhau về đức yêu thương dưới khía cạnh: lý do của đức yêu thương, hay nói rõ ràng hơn là tại sao ta phải yêu thương tha nhân?

* Tin Mừng theo thánh Matthêu (Mt 22: 34-40): “Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: Ngươi phải yêu thương người thân cận như chính mình”. 

I. Ý CHIA SẺ

Chúng ta yêu thương tha nhân vì những lý do sau đây:

1.  Vì tha nhân là công trình sáng tạo của Thiên Chúa và là hình ảnh của Ngài. Ngay từ những trang đầu của sách Sáng Thế đã cho chúng ta biết rằng con người là công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Sau khi đã sáng tạo trời đất cùng muôn loài trong vũ trụ, thì Thiên Chúa đã sáng tạo con người, theo lời Kinh Thánh: “Chúng ta hãy dựng nên con người theo hình ảnh chúng ta, giống chúng ta” (St 1, 26). Điều Chúa đã dựng nên thì chúng ta phải trân quý yêu thương. Hơn nữa, con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, nghĩa là chúng ta được dựng nên giống hình ảnh Ngài có linh hồn thiêng liêng, có lý trí và ý chí tự do. Như vậy, tất cả mọi người là hình ảnh của Thiên Chúa, dù người đó giàu sang hay nghèo khổ, dù người đó tài năng hay ngu muội, dù người đó xinh đẹp hay xấu xí, dù người đó mạnh khỏe hay tàn tật, dù người đó tốt lành hay tội lỗi, tất cả họ đều phải được chúng ta yêu thương, không yêu thương họ là không yêu thương Thiên Chúa.

2. Vì tha nhân là đồng loại với ta. Chúng ta phải yêu thương tha nhân vì họ là anh em, là người đồng loại của ta, nên ta phải yêu thương tất cả mọi người. Đặc biệt hơn nữa người cùng chủng tộc chúng ta càng phải yêu thương đùm bọc nhau hơn. Điều này ông bà ta vẫn khuyên bảo con cháu qua câu:

Bầu ơi thương lấy bí cùng,

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.

3. Vì tha nhân là giá Máu cứu chuộc của Chúa Kitô. Khi con người sa ngã Thiên Chúa đã không bỏ mặc con người, mà Ngài đã sai Con Ngài đến cứu chuộc con người: “Thiên Chúa yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban chính Con Một Ngài” (Ga 3,1). Vì thế, tất cả mỗi người đều được giá Máu vô cùng của Chúa Kitô tẩy rửa, hoặc đã được tẩy sạch hoặc sẽ được tẩy rửa. Do đó, chúng ta phải quý trọng giá Máu của Chúa.

Ngoài những lý do chung của đức yêu thương, chúng ta còn có những lý do riêng để yêu thương tha nhân. Chúng ta còn phải yêu thương cách riêng những Kitô hữu bởi vì:

4. Họ là đền thờ của Thiên Chúa. Đền thờ là nơi Thiên Chúa hiện diện giữa dân của Người, là nơi con người gặp gỡ Thiên Chúa. Vì thế, buộc mọi người phải gìn giữ bảo vệ và tôn kính. Cũng vậy, tất cả những ai đã được rửa tội đều trở nên đền thờ của Thiên Chúa, đền thờ Chúa Thánh Thần như lời thánh Phaolô: “Anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao?” (1Cr 6, 19), những người được rửa tội trở nên đền thờ sống động của Thiên Chúa đáng cho chúng ta phải tôn kính hơn.

5. Họ là chi thể của Chúa Kitô. Khi rửa tội, các Tín hữu trở nên chi thể mầu nhiệm của Chúa Kitô (1 Cr 6, 15). Chúa Kitô là đầu, còn chúng ta là chi thể. Chi thể không những phải gắn bó với đầu mà còn liên kết với các chi thể khác. Cũng vậy, chúng ta yêu mến Chúa Kitô là đầu mà còn phải yêu thương anh em ta nữa.

Khi hiện ra với Saolô trên đường đi Đamát Chúa nói: “Saolô, Saolô, sao ngươi tìm bắt Ta” (Cv 9, 4). Saolô bắt bớ các Kitô hữu, đâu có bắt Chúa, mà Chúa lại hỏi thế, như vậy, Chúa coi mỗi người Kitô hữu là chính Ngài.

Thưa anh chị em, đức yêu thương là giới răn Thiên Chúa đòi buộc chúng ta phải thực hiện. Chính Chúa đã dạy và đã làm gương cho chúng ta. Chúa đã ban Mẹ Maria cho chúng ta như là gương mẫu đức bác ái yêu thương, bởi vì Mẹ là người đã thực hiện giới răn này cách tuyệt hảo. Chúng ta hãy năng chạy đến bên Mẹ, xin Mẹ dạy ta biết sống yêu thương tha nhân như Mẹ, để mỗi người chúng ta mỗi ngày trở nên chứng nhân tình thương của Chúa cho mọi người.

II. Ý CẦU NGUYỆN

1. Cầu cho Giáo Hội luôn được hiệp nhất và bình an.

2. Cầu cho Đức Thánh Cha như điều 22: “Tôn kính, yêu mến và trung thành với Đức Thánh Cha và giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo”.

3. Dâng chung một kinh vực sâu hiệp ý cầu nguyện cho 51 anh chị em Gia Đình Tận Hiến mới qua đời.

III. Ý THỰC HÀNH RIÊNG

Sốt sắng dâng lên Chúa mỗi ngày ba lần: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến canh tân bộ mặt trái đất này”.