Ave Jesu Maria Joseph

Đề tài tháng 3 năm 2019

            VẤN ĐỀ TẬN HIẾN

Anh chị em thân mến,

Bước vào tháng 3, cùng với Giáo Hội chúng ta bắt đầu Mùa Chay thánh. Chay tịnh là kiêng cữ mọi của ăn thức uống trong một ngày hay nhiều ngày. Thánh Kinh xác định rõ ý nghĩa và việc thực hành chay tịnh. Cùng với kinh nguyện và sự làm phúc, Thánh Kinh coi chay tịnh là một trong những hành vi chính yếu bày tỏ lòng khiêm nhường, sự hy vọng và tình yêu của con người trước Thiên Chúa và đó chính là ý nghĩa việc chay tịnh mà chúng ta thực hiện. Khởi đầu Mùa Chay thánh, chúng ta xức tro trên đầu và ăn chay để bày tỏ lòng khiêm nhường thống hối. Nhưng “nếu không có sự hối cải nội tâm, các việc thống hối bên ngoài sẽ vô hiệu và dối trá. Thống hối nội tâm và trở lại cùng Thiên Chúa với cả tâm hồn, đoạn tuyệt với tội lỗi, quay lưng với tội lỗi, và ghê tởm những hành động xấu xa chúng ta đã phạm. Đồng thời thống hối nội tâm cũng bao gồm ước muốn và quyết tâm thay đổi đời sống, với niềm hy vọng vào lòng thương xót của Thiên Chúa và lòng tin tưởng vào sự trợ giúp của ân sủng của Ngài. Việc thống hối đòi buộc chúng ta tự nguyện chịu đựng mọi sự, ăn năn tội trong trái tim, xưng tội ra ngoài miệng, khiêm tốn trong việc làm và đền tội một cách có hiệu quả” (GLHTCG số 1430, 1431, 1450).

Đức giáo hoàng Phanxicô nói với chúng ta: “Anh chị em thân mến, anh chị em hãy mở toang cánh cửa của đời sống mình cho sự mới mẻ của Thiên Chúa mà Thần khí đã ban tặng cho anh chị em, hầu Ngài có thể biến đổi, làm cho anh chị em mạnh mẽ trong những thử thách, củng cố sự hiệp nhất của anh chị em với Thiên Chúa giúp anh chị em vững mạnh ở lại trong Ngài: đó là niềm vui đích thật!” (Rôma, trích bài giảng ngày 28.4.2013).

Trong tháng 3 này, chúng ta mừng Lễ trọng Thánh Giuse và Lễ Truyền Tin cho Đức Mẹ, xin Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse cầu cùng Chúa ban ơn giúp chúng ta sống Mùa Chay sốt sắng để đón mừng đại lễ Chúa Phục Sinh sắp tới.

       * Tin Mừng theo thánh Luca (Lc 1: 26-38): Maria liền thưa: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền”.

I-  Ý CHIA SẺ

1. Tầm Quan Trọng

Ta phải học hỏi đặc biệt vấn đề tận hiến, vì đây là vấn đề quan trọng, liên hệ đến sự thánh thiện của ta.

Có hiểu rộng, ta mới quý chuộng việc tận hiến, và do đó mới trung thành, và Chúa dùng việc ta tận hiến cho Ngài mà làm cho ta nên nên dụng cụ vừa tay, đẹp ý Chúa để phân phát lòng thương xót của Chúa cho nhân loại.

2. Tận Hiến là gì?

Tận hiến là cho hết, là dâng hết, không còn giữ lại cho mình cái gì. Tận hiến cho ai? Chỉ có mình Chúa mới đáng có quyền tuyệt đối trên ta và ta phải tận hiến cho Ngài.

Nhưng để của lễ ta dâng được tốt đẹp và hoàn hảo ta phải nhờ Đức Mẹ Maria, nên trước tiên là phải tận hiến cho Mẹ, rồi nhờ Mẹ ta tận hiến mình cho Thiên Chúa.

3. Tận hiến những gì?

Ta phải tận hiến cho Chúa:

- Linh hồn và các tài năng: trí nhớ, ý chí, tình cảm, và sự sống, cùng mọi hoạt động suy nghĩ, ngôn ngữ.

- Thân xác, giác quan, của cải vật chất, thời giờ sức khỏe.

- Mọi công nghiệp, mọi tội lỗi, yếu hèn, đau khổ.

- Mọi lo toan, bổn phận, thành công, thất bại, dĩ vãng, hiện tại và tương lai. Tắt một lời: Là bất kỳ điều gì thuộc về ta, cả những người thân yêu của ta.

4. Việc tận hiến của ta dựa trên việc tận hiến rửa tội

Ngày ta chịu phép rửa tội, người đỡ đầu đã thay ta mà thưa: Con xin bỏ ma quỷ và mọi việc của chúng, và cứ mỗi đêm lễ Vọng Phục sinh ta lại tuyên lại lời hứa này. Mà phép rửa của ta dựa trên sự chết và sống lại của Chúa Kitô. Ngài đã tận hiến mình cho Chúa Cha trên thập giá, để nhờ sự chết và sự sống lại của Ngài mà ta được chết cho tội lỗi và thuộc trọn về Chúa. Người giáo hữu đã rửa tội là đã tận hiến cho Chúa. Tuy nhiên, người ta quên lãng và ra khô khan, nên người muốn nên thánh phải tận hiến cho Chúa để Chúa giúp cho ly thoát vết tích tội lỗi, mà đạt tới sự trọn lành.

5. Lý do tận hiến

a) Đức công bằng đòi buộc: Tự ta, ta không có gì hết, mọi sự của ta do Chúa ban, như lời Thánh Phaolô đã nói: “Sự gì anh em có há chẳng phải nhận lãnh sao?” (1Cr 4:7). Nếu ta đã nhận, thì ta lại dâng cho Chúa là điều công bằng phải lẽ.

b) Đức khôn ngoan cũng khuyên ta dâng mình cho Chúa. Ta dâng cho Chúa rất ít, cuộc sống ta chẳng là gì mà đổi lại, Chúa ban cho ta sự sống đời đời, cũng như khi dâng bánh rượu, đổi lại, Chúa đã ban cho ta Mình Máu Thánh Chúa. Cho ít lấy nhiều, ai dại gì mà không đổi như vậy.

Mặt khác ma quỉ tinh quái, thế gian đầy cạm bẫy, linh hồn ta lại yếu hèn y như người đựng vàng bạc trong bình sành mỏng giòn, nếu không trao phó cho Chúa, ta sẽ bị ma quỉ cướp hết và ngã quị dọc đường, không về tới quê trời được (Men Trong Bột, tr. 67-69). 

II. Ý CẦU NGUYỆN CHUNG

     a/ Ý Chung: Cầu cho các cộng đoàn Kitô hữu. Xin cho các cộng đoàn Kitô hữu, cách riêng các cộng đoàn đang bị bách hại, để họ cảm thấy Đức Kitô luôn gần gũi họ và nhận biết quyền lợi của mình.

     b/ Cầu nguyện cho: Anh chị em GĐTH các Miền Bảo Lộc, Tân Mai và Giáo xứ mở rộng Phú Hiệp trong dịp mừng bổn mạng lễ Truyền Tin cho Đức Mẹ (25/3).

      c/ Một kinh Vực Sâu cầu cho linh hồn Cha Antôn Phạm Trung Kiên (hưu tại Giáo Sĩ Dưỡng Đường Đồng Công), qua đời ngày 25.1.2019, thọ 91 tuổi và 47 anh chị em GĐTH mới qua đời.

III. Ý THỰC HÀNH RIÊNG

Trong tháng kính Thánh Giuse, mỗi ngày chúng ta hãy đọc kinh thánh Giuse bầu cử để cầu cho Giáo Hội và quê hương Việt Nam.

IV. TÂM TÌNH DÂNG MẸ

Lạy Mẹ Maria, ước chi mọi thế hệ đều ngợi khen Mẹ là người diễm phúc.

Mẹ đã tin lời sứ thần Gabriel, và nơi Mẹ đã nên trọn tất cả những điều kỳ diệu ngài đã loan báo.

Lạy Mẹ Maria, linh hồn và toàn thể hữu thể của con chúc tụng Mẹ.

Mẹ đã tin mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa trong dạ trinh khiết của Mẹ, và Mẹ đã trở nên Mẹ Thiên Chúa.

Và rồi, ngày hạnh phúc nhất trong lịch sử nhân loại đã rạng sáng. Chúng con được tiếp nhận Thiên Chúa Tôn Sư, Thượng Tế Đời Đời duy nhất, Bánh Thánh đền bồi, Ông Vua hoàn vũ... Amen (Một Trăm Danh Hiệu Của Đức Maria tr. 72).