Ave Jesu Maria Joseph

Đề tài tháng 7 năm 2018

TÔNG ĐỒ BẰNG CẦU NGUYỆN

Anh chị em thân mến,

Chúng ta đang trong Năm Thánh mừng kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam (19.6 – 24.11.2018). Trong Năm Thánh này, chúng ta tạ ơn Thiên Chúa vì đã ban cho Giáo Hội Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng đã cam đảm tuyên xưng đức tin đến hy sinh mạng sống vì lòng yêu mến Chúa và phần rỗi các linh hồn, nên đáng được hưởng hạnh phúc Thiên Đàng. Chúng ta học nơi Các Thánh Tử Đạo Việt Nam mẫu gương sống thánh thiện, luôn kính mến Chúa hết lòng, thực thi bác ái, trung thành với Hội Thánh và yêu mến quê hương; đồng thời cũng theo gương các ngài để nhiệt thành loan báo Tin Mừng cho anh chị em đồng bào Việt Nam, những người chưa nhận biết Chúa.

“Đức Trinh Nữ Maria là tấm gương tuyệt hảo của con người dâng hiến hoàn toàn bản thân mình và tín thác vào Thiên Chúa; với niềm tin này, Mẹ đã nói với sứ thần tiếng ‘Này tôi đây’, và Mẹ đã đón nhận thánh ý Thiên Chúa. Ước gì Đức Maria giúp mỗi người trong chúng ta, trong Năm Thánh này, củng cố niềm tin của mình vào Thiên Chúa và vào Lời của Ngài” (Đức Bênêđictô XVI, 11.10.2012).

     *Tin Mừng theo thánh Matthêu (Mt 7:7-12): "Hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ cửa thì sẽ mở cho”.

I. Ý CHIA SẺ

      Vì Chúa Giêsu đã chết trên thánh giá vì chúng ta, nên sự cứu chuộc nhân loại đã được hoàn tất một cách khách quan. Mỗi người sống trong thế gian đều đã được cứu chuộc, theo nghĩa Máu Châu Báu Chúa Giêsu đã sắm cho họ mọi ơn cần thiết đủ cứu rỗi và thánh hóa. Còn việc áp dụng những ơn ấy cho mỗi linh hồn riêng biệt thì chính ở điểm này Thiên Chúa muốn ta cộng tác vào, đến độ Ngài định rằng mọi ơn cần thiết cho phần rỗi của ta và người khác đều lệ thuộc ở lời cầu nguyện của ta. Nói khác đi, nhờ công nghiệp của Chúa Giêsu, ân sủng, tình xót thương vô biên của Thiên Chúa sẵn sàng tràn lan dư dật cho loài người với điều kiện đôi tay khẩn nguyện phải vươn lên trời cao mà nhận lãnh... Khi lời cầu nguyện chưa tới ngai Đấng Tối Cao, thì ân sủng chưa được ban; chính điểm này cắt nghĩa sự cần thiết của lời cầu nguyện tông vụ và hậu quả lớn lao của nó. Chúa Giêsu đã nói: “Có một số quỉ chỉ có thể trục xuất bằng lời cầu nguyện” (Mc 9: 28). Lời cầu nguyện trực tiếp kín múc ân sủng ở tận nguồn là Thiên Chúa; không gì có thể loại trừ nó. Hoạt động, lời nói, công việc của chúng ta có thể chuẩn bị đón nhận ân sủng, nhưng ân sủng không xuống tắm gội linh hồn nếu không có lời cầu nguyện.

Dưới ánh sáng của những chân lý này, chúng ta có thể thẩm định xác đáng hơn nội dung lời khuyên cấp bách của Chúa Giêsu: “Phải cầu nguyện luôn luôn không ngừng” (Lc 18:1), “Hãy xin sẽ được, hãy tìm sẽ thấy, hãy gõ sẽ mở cho” (Mt 7:7).

Chúng ta không thể quyết đáp mọi lời chúng ta cầu nguyện đều được chấp nhận vì chúng ta không biết điều mình xin có phù hợp ý muốn của Thiên Chúa. Nhưng một khi nói về lời cầu nguyện tông vụ, lo lắng đến ân sủng và sự rỗi các linh hồn thì trường hợp lại khác. Thực vậy, khi chúng ta cầu nguyện vì mục đích tông đồ, chúng ta can dự vào chương trình của Thiên Chúa mà chính Ngài đã ấn định từ thuở đời đời cho phần rỗi mọi người. Thiên Chúa muốn thực hiện chương trình này hơn chúng ta bội phần và bởi đó chúng ta chẳng thể hồ nghi kết quả lời ta cầu nguyện. Vì lý do hữu hiệu ấy, lời cầu nguyện tông vụ đã là một trong những phương pháp tông đồ thế lực nhất.

Vì Thiên Chúa muốn việc ban phát các ơn sủng trong thế gian tùy thuộc vào lời con người cầu nguyện, nhưng trong thời đại chúng ta, người ta cầu nguyện quá ít, nhiều người, có thể là phần đông, không cầu nguyện gì cả! Vậy thật vô cùng khẩn thiết là trong Giáo Hội cần có những linh hồn tận hiến cho việc cầu nguyện... Bằng một đời sống cầu nguyện liên lỉ, tôn thờ, ngợi khen Đấng Tối Cao, những linh hồn này bổ túc vào sự hờ hững của bao người khác và tái lập trong thế giới mức quân bình giữa quyền lợi của Thiên Chúa và quyền lợi của con người, giữa hoạt động và chiêm niệm. Trong khi cầu nguyện cho mọi người, các tâm hồn đó là những phần tử ẩn khuất nhưng quí báu trong nhiệm thể Đức Kitô đang tuôn trào nhựa sống thần linh ơn sủng nơi các chi thể. Trong Giáo Hội họ là trung tâm năng lực siêu nhiên sản sinh và phong nhiêu nhờ cầu nguyện và nhờ cầu nguyện năng lực siêu nhiên được ban phát đến tận cùng trái đất. Lời cầu nguyện của những tu sĩ chiêm niệm nam và nữ là bí quyết và bảo đảm toàn thắng cho những người đang chiến đấu giữa trần gian, như lời cầu nguyện của Môisen là bí quyết và bảo đảm chiến thắng cho người Do Thái. Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu nói: “Các anh tôi làm việc thay cho tôi, còn tôi, đứa em nhỏ bé, tôi sẽ đứng gần ngai Đấng Chí Tôn, tôi yêu thay cho những người đang chiến đấu” (x. Một Tâm Hồn tr. 231). “Tôi yêu” đó là cầu nguyện, đau khổ và hiến dâng thay họ.

Lời cầu nguyện liên lỉ mà những tu sĩ chiêm niệm dâng lên Chúa nhân danh toàn thể Giáo Hội, đã không miễn chuẩn cho các giáo hữu khác khỏi giữ bổn phận trọng đại này. Nhất là những ai tận hiến làm tông đồ bên ngoài, phải dành cho lời cầu nguyện một địa vị đầy đủ trong đời sống. Khốn thay, chúng ta quan tâm nhiều vào công việc hơn là cầu nguyện; chúng ta tin quá ít vào hiệu quả của nó, vào sự trợ giúp mà Thiên Chúa ban cho những kẻ kêu cầu Ngài với hết tâm thành và bởi thế thời giờ cống hiến cho cầu nguyện ta cảm thấy hình như mất mát. Ước gì những người hoạt động đến rã rời xương thịt tưởng rằng mình có thể rung động thế giới bằng lời giảng và hoạt động bên ngoài, hãy hồi tâm trong giây phút, họ sẽ dễ dàng hiểu rằng mình nên hữu ích cho Giáo Hội, đẹp lòng Thiên Chúa hơn nữa nếu hiến thời giờ cho việc cầu nguyện, ấy là chưa kể gương lành họ làm. (Sống với Chúa t. 6, tr. 56-59).

II. Ý CẦU NGUYỆN CHUNG

a/ Ý chung: Cầu cho các linh mục đang làm việc mục vụ: Xin cho các linh mục đang mệt mỏi và cô đơn trong công việc mục vụ của các ngài được tình thân mật của Chúa và tình huynh đệ của anh em linh mục nâng đỡ và ủi an.

      b/ Một kinh Vực Sâu, hợp ý cầu cho 41 linh hồn anh chị em GĐTH mới qua đời.

III. Ý THỰC HÀNH RIÊNG

  Trong tháng 7, chúng ta cùng dâng Mẹ Maria những kinh Mân Côi đọc trong ngày với ý cầu cho Đức Thánh Cha và Giáo Hội.