Ave Jesu Maria Joseph

Đề tài tháng 5 năm 2018

CHÚA THÁNH THẦN VÀ VIỆC TÔNG ĐỒ

Anh chị em thân mến,

Tháng 5 tháng kính Đức Mẹ. “Tháng hoa kính Đức Mẹ bắt nguồn từ thời Trung cổ. Vào thế kỷ 18, chân phước Henry Suso đã có sáng kiến làm việc tôn sùng kính mến Đức Mẹ vào tháng 5. Sáng kiến đó xuất phát từ tập tục rất phổ biến thời bấy giờ: Vào tháng 5 cảnh vật như bừng sống sau giấc ngủ đêm dài của mùa đông nghiệt ngã, bởi vì mùa xuân đang trở lại. Vào buổi tối ngày 30 tháng 4, người ta đem hoa tới để trang hoàng nhà cửa của các thiếu nữ người ta muốn ca tụng vì một nhân đức hay vì một công trạng nổi bật nào đó. Chân phước Henry Suso nghĩ rằng mình cũng cần phải làm như vậy đối với Đức Trinh Nữ Maria. Thế là vào những ngày đầu tháng 5, ngài đã trang hoàng bàn thờ Đức Mẹ bằng những bông hoa xinh tươi và dâng lên Mẹ những lời kinh, những tiếng hát thật dịu dàng và tha thiết. Đó là tháng 5 đầu tiên được tổ chức để tôn sùng kính mến Đức Mẹ.

Chân phước Henry Suso là người đầu tiên làm việc tôn sùng kính mến Mẹ trong tháng 5 và sau này việc đạo đức đó đã được lan rộng, bắt đầu từ thành Napples rồi tới Roma, sau đó đã được thực hiện tại Đức, Ý, Pháp, Thụy Sĩ và ở khắp nơi trên thế giới” (Martinô Lê Hoàng Vũ, VietCatholic News 5.2003, Góp nhặt 28, tr. 148).

Trong tháng 5, chúng ta dâng lên Mẹ không chỉ những bông hoa tươi thắm, nhưng còn dâng lên Mẹ những bông hoa thiêng liêng là những tràng kinh Mân Côi, những hy sinh nhỏ được thực hiện trong gia đình, ngoài xã hội... đó là những cử chỉ lịch sự trong giao tiếp hằng ngày, những lời cám ơn để bày tỏ lòng biết ơn, những thái độ sẵn sàng tha thứ bỏ qua những lỗi lầm của người khác do vô tình hay hữu ý xúc phạm đến ta... Chắc hẳn Mẹ sẽ vui lòng đón nhận những bông hoa nhỏ bé ấy của chúng ta, Mẹ sẽ chúc lành cho gia đình chúng ta và những người chúng ta gặp gỡ.

Trong tháng kính Đức Mẹ, Đức Thánh Cha Phanxicô có lời nhắn nhủ chúng ta như sau: “Tôi muốn phó dâng tất cả anh chị em cho Đức Mẹ. Đức Trinh Nữ dạy cho chúng ta biết sống trong Chúa Thánh Thần và biết chấp nhận mọi điều Chúa muốn cho đời mình. Đức Mẹ đã cưu mang Chúa Giêsu bởi quyền năng Chúa Thánh Thần. Mọi Kitô hữu và từng người chúng ta được mời gọi đón nhận lời Chúa, đón nhận Chúa Giêsu vào trong mình và ra đi mang Chúa đến với mọi người. Mẹ Maria đã kêu cầu Chúa Thánh Thần với các tông đồ tại nhà Tiệc ly. Cả chúng ta nữa, mỗi lần tụ họp cầu nguyện, đều được gìn giữ do hiện diện tinh thần của Mẹ Chúa Giêsu, để đón nhận ơn Chúa Thánh Thần và để có sức mạnh làm chứng cho Chúa Giêsu phục sinh” (Ngày 28.4.2013 tại Quảng Trường Thánh Phêrô).

     * Tin Mừng theo thánh Gioan (Ga 20:19-23): “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai thì tội người ấy bị cầm lại.”

I. Ý CHIA SẺ

Tình yêu là con tim của việc tông đồ. Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã hiểu rất rõ điều ấy, nên sau khi đã duyệt qua những ơn gọi có thể, và nhận ra rằng những ơn gọi đó không đủ để dập tắt những nỗi ước vọng tông đồ bao la của mình, thánh nữ kết luận: “Sau cùng, tôi đã tìm thấy ơn gọi của tôi! Ơn gọi của tôi, chính là tình yêu... Trong lòng Giáo Hội là mẹ tôi, tôi sẽ là tình yêu, như vậy, tôi sẽ là tất cả” (HA. tr. 229). Nhưng kín múc nơi đâu một đức ái tận toàn như thế? Chúng ta đừng quên rằng nguồn mạch chính yếu của đức ái là Chúa Thánh Thần, tình yêu hiện thân của Chúa Cha và Chúa Con. Chúa Thánh Thần đã “được ban” cho chúng ta, Ngài đã thành nên “của chúng ta”. Ngài ngự trong tâm hồn chúng ta, chính là để tuôn đổ đức ái siêu nhiên ấy, làm ta cháy lửa mến Chúa và các linh hồn. “Lòng mến của Thiên Chúa đã đổ xuống lòng ta, nhờ bởi Thánh Thần Ngài đã ban cho ta” (Rm 5:5).

Khi thông truyền ngọn lửa bác ái của Chúa Thánh Thần cho người ta, khi kết nạp họ vào tình yêu của Ngài, Chúa Thánh Thần là Đấng hứng khởi thầm kín và nguồn nâng đỡ cho mọi công cuộc tông đồ. Đức Giáo Hoàng Piô XII dạy: “Nhờ hơi sống thần linh của Ngài, Chúa Thánh Thần phải được coi như nguyên lý cho mọi hành động đem lại sự sống và ơn cứu rỗi thực sự... trong Nhiệm thể Đức Kitô” (Thông điệp Nhiệm Thể). Ngài là linh hồn của Giáo Hội. Ta có muốn nên nhà tông đồ không? Hãy mở rộng cửa lòng để Chúa Thánh Thần ngự vào, đức ái Ngài xâm chiếm, thấu nhập đến độ thu hút tình yêu hèn mọn của ta vào với Ngài. Khi tình yêu của một tâm hồn kết hợp với “Ngọn lửa tình yêu nồng cháy” là Chúa Thánh Thần, đến nỗi “nên một với Ngài” (x. J. C., V. F., I. tr. 914), lúc ấy, tâm hồn kia sẽ trở nên một tình yêu sống động trong lòng Giáo Hội. Đấy là cách thế duy nhất để thực hiện lý tưởng cao cả “trở nên tình yêu trong lòng Giáo Hội. Như thế, tôi sẽ là tất cả”. Để đạt tới tuyệt đỉnh yêu mến và tông đồ ấy, từng ngày, từng lúc, ta phải ngoan ngoãn vâng theo hoạt động của Ngài để cho Ngài hướng dẫn và cai quản, nhất là phải theo tác động đức ái của Ngài.

Trong Giáo Hội, tông vụ đã được mở màn vào ngày Lễ Hiện Xuống, khi các tông đồ “đầy Chúa Thánh Thần... và bắt đầu nói tiếng lạ, tùy như Thánh Thần ban cho họ được tuyên ngôn” (Cv 2:4). Trước kia, các tông đồ là những người hèn kém, yếu đuối, sợ hãi, nhưng này, Chúa Thánh Thần chiếm hữu họ, biến đổi họ thành những người nhiệt huyết, sẵn sàng hiến mạng sống để minh chứng về Chúa Giêsu.

Ở thời chúng ta, Thánh Linh vẫn có thể tái diễn phép lạ vĩ đại ấy. Cũng như thuở xưa, Ngài có thể biến đổi những con người hèn mọn, yếu đuối nên những tông đồ nhiệt thành. Đâu là điều kiện Ngài đặt ra? Một sự ngoan ngoãn tột bực, tế nhị đến hoàn toàn vâng theo hoạt động, những soi giục của Ngài. Ơn Ngài soi giục có thể đến với chúng ta giữa lúc ta đang làm việc, cũng như khi ta cầu nguyện: vậy phải tập sống kết hợp bề trong với Ngài, dù bề ngoài phải lo đến các việc. Thái độ này, thật cần thiết khi giao tiếp thẳng với các linh hồn. Lúc đó, hơn bao giờ hết, người tông đồ phải khẩn cầu Chúa Thánh Linh, đặt mình dưới ảnh hưởng của Ngài, để Ngài hướng dẫn cho các linh hồn là thuộc về Chúa, nên phải điều khiển họ không theo tinh thần riêng của ta, nhưng theo Thần Linh của Chúa. Để được hoàn toàn ngoan ngoãn vâng theo Thánh Linh đòi ta phải có một xác tín, một đức cậy vững chắc ở hoạt động toàn năng của Ngài. Chỉ bằng cách đó, người tông đồ mới có can đảm nhận bất cứ công việc nào, mặc dù biết mình bất lực; chỉ khi đó, mới có thể quảng đại đương đầu với bất cứ hy sinh nào, mặc dầu ý thức mình hèn yếu. Chúa Thánh Thần ở trong ta, và Ngài có thể biến đổi ta nên “dụng cụ tuyển chọn” để vinh danh Chúa và cứu các linh hồn, miễn là ta tận hiến toàn thân cho Ngài (Sống Với Chúa, t. 6, tr. 150-153).

II. Ý CẦU NGUYỆN CHUNG

   a/ Ý chung: Cầu cho sứ vụ của giáo dân: Xin cho các Kitô hữu giáo dân biết hoàn thành sứ vụ đặc biệt của mình, khi dùng óc sáng tạo để đương đầu với những thách đố của thế giới hôm nay.

   b/ Cầu cho: Anh chị em các Miền Hiệp Thạnh, Hòa An trong dịp mừng bổn mạng lễ Đức Mẹ Fatima (13/5); Miền Bình An trong dịp mừng bổn mạng lễ Đức Mẹ Phù Hộ (24/5)các Miền An Bình, An Thạnh, Bà Rịa, Đồng Xoài, Hạnh Thông Tây, Hóc Môn, Mỹ Tho, Phan Rang, Giáo xứ mở rộng Tùng Nghĩa trong dịp mừng bổn mạng lễ Đức Mẹ Thăm Viếng (31/5).

   c/ Một kinh Vực Sâu hợp ý cầu cho Thầy Bêđa M. Nguyễn Quang Tuyến CRM, qua đời tại Tỉnh Dòng Hoa Kỳ ngày 3.4.2018, thọ 79 tuổi và 39 anh chị em Gia Đình Tận Hiến mới qua đời.

III. Ý THỰC HÀNH RIÊNG

Hằng ngày trong tháng 5, mỗi thành viên GĐTH dâng lên Đức Mẹ 5 hoa thiêng liêng kết bởi những việc bác ái, những hy sinh nhỏ mọn.