Giấc ngủ của tuổi teen


Theo Sức Khoẻ 360

Tất cả các bậc cha mẹ có con cái đang ở lứa tuổi teen đều chứng kiến những thay đổi trong lứa tuổi dậy thì như cơ thể bỗng lớn bổng, hay tâm tính thay đổi và ngủ miên man trong những ngày cuối tuần. Nhưng thói ngủ đó mới xuất hiện ở tuổi này không phải là biểu hiện của sự biếng nhác hay phản ứng của cách sống, mà nó chính là sự thay đổi về mặt sinh lý ẩn sâu bên trong bộ não của lứa tuổi này. 

Tuổi tác sẽ quyết định nhu cầu ngủ của mỗi người. Trẻ sơ sinh sẽ ngủ triền miên 16 đến 18 tiếng mỗi ngày. Tới 5 tuổi thì thời gian ngủ mỗi ngày còn 11 tiếng và tiếp tục giảm theo độ tuổi tăng dần cho tới thời kỳ dậy thì và tuổi vị thành niên. Tới lúc này lượng thời gian cho việc ngủ tăng trở lại. Theo cách tính dựa vào sự phát triển của xương thì tuổi dậy thì sẽ kết thúc lúc 17,5 tuổi ở thiếu niên và 16 tuổi ở thiếu nữ. Tuy nhiên tuổi vị thành niên vẫn còn kéo dài trong vài năm kế tiếp.

Tuổi vị thành niên là thời kỳ không còn là trẻ con nhưng vẫn chưa thành người lớn. Ở độ tuổi này, nhịp sinh học bị xáo trộn. Trước hết là hiện tượng lâu buồn ngủ có thể do quá trình giải phóng hóc môn melatonin diễn ra chậm hơn. Tôi nhớ lúc mình đang ở độ tuổi đó cũng hay nằm thao thức mãi trên giường chưa chịu ngủ ngay. Có khi tôi còn nằm đếm thời gian trôi qua đúng 2 tiếng rưỡi đồng hồ rồi mới chìm vào giấc ngủ. Do đó nếu trẻ mới lớn nói là vẫn chưa thấy buồn ngủ cho dù lúc đó đã là 11h đêm rồi thì có khi là chúng đang nói thật. Sự thay đổi thứ hai về mặt sinh lý ở vị thành niên là cần được ngủ nhiều hơn, từ 9 đến 10 tiếng mỗi đêm. Dấu hiệu của việc chấm dứt thời kỳ vị thành niên là nhu cầu ngủ bỗng trở nên ngắn lại và sớm hơn giống như đối với người trưởng thành. Thường thường, điều này sẽ xảy ra với phụ nữ lúc 19,5 tuổi và ở nam giới lúc 20,9 tuổi.

Tất cả những điều này cho thấy là chuyện ngủ nghê ở tuổi teen là rất lộn xộn. Chúng không thể đi ngủ sớm đồng thời nhu cầu ngủ lại nhiều hơn.

Những tác hại chết người chỉ vì thiếu ngủ.

Với trẻ vị thành niên thì hầu hết hôm nào phải đi ngủ sớm thì chẳng qua là không cưỡng được cơn buồn ngủ. Ở lứa tuổi này trẻ cần phải ngủ từ 9 đến 10 tiếng mỗi ngày nhưng cũng thường phải đi học từ sáng sớm và vào những hôm có giờ thể thao thì còn phải dậy sớm hơn. Tôi vẫn thường phải dậy từ 4 rưỡi sáng để đưa con gái đi học chèo thuyền. Ta có thể quan sát tác động của sự thiếu ngủ này khi trẻ phải đi học trở lại sau mỗi kỳ nghỉ dài. Khi vào một học kỳ mới, các em sẽ ngủ ít đi 2 tiếng mỗi ngày trong tuần và phải cố ngủ bù vào cuối tuần. Kết quả là học sinh giữa cấp trung học sẽ mang trạng thái mơ màng trong suốt cả ngày ở trường, đây là biểu hiện thường xuyên của tình trạng thiếu ngủ.

Hàng loạt nghiên cứu đã chỉ ra rằng tình trạng thiếu ngủ này có thể gây ra một chuỗi tác hại ghê gớm. Nó có liên quan đến hành vi quậy phá, triệu chứng trầm cảm, hút sách, béo phì, lo lắng bất an và điểm số kém. Làm bài kiểm tra IQ trong tình trạng mệt mỏi có thể làm bạn mất tới 7 điểm cũng như ảnh hưởng tới chất lượng các bài thi thông thường khác. Và chứng thiếu ngủ hoàn toàn có thể giết chết trẻ vị thành niên như thường. 20% số ca tử vong trong các vụ tai nạn giao thông gây ra bởi những người thiếu ngủ lái xe trong tình trạng mệt mỏi, và khoảng phân nửa nạn nhân trong các trường hợp này lại là những người đang ở trong độ tuổi từ 16 đến 25.

Một nghiên cứu khác lại nhắm vào hiện tượng REM- sleep (tạm dịch là ngủ lịm) tức là chuyển động nhanh của mắt khi hai nhãn cầu di chuyển dưới mi mắt như thể đang theo dõi một trận đấu quần vợt vô hình. Hầu hết các giấc mơ xảy ra trong khoảng thời gian ngủ lịm này và vào lúc đã bắt đầu ngủ được chừng một tiếng đến một tiếng rưỡi đồng hồ. Nhưng phân nửa học sinh trung học đều rất mệt và một khi có cơ hội được ngủ thiếp đi tại trường lúc giữa giờ buổi sáng là lập tức chỉ cần sau vài phút là các em đã ngủ lịm đi chứ chẳng cần phải đợi đến cả tiếng rưỡi sau. Dẫu vậy mặc lòng đây vẫn chưa phải là những học sinh phải làm việc kiếm tiền. Các nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng những học sinh phải đi làm kiếm tiền 20 tiếng mỗi tuần hoặc nhiều hơn thì lại còn mệt mỏi, kiệt lực và thiếu ngủ trầm trọng hơn nữa.

Vậy giải pháp nào đây cho tình trạng này? Trước hết trẻ vị thành niên nên tránh đồ uống có chất caffeine vì chất này sẽ làm rối nhịp sinh học của họ. Đồng thời họ cũng không nên để máy tính cá nhân hoặc TV trong phòng ngủ vì chúng chỉ khiến bọn trẻ thêm thức khuya.

Nhưng giải quyết vấn đề một cách triệt để có khi lại phải cần tới sự điều chỉnh của xã hội trước nhu cầu ngủ của trẻ vị thành niên. Tiến sỹ tâm lý học Martin Ralph tại Đại học Tổng hợp Toronto thì đơn giản đề nghị các trường đại học và trung học nên bắt đầu giờ học lúc 11 giờ sáng. Làm như vậy trẻ có thể thức khuya hơn mà vẫn được ngủ đủ rồi sẽ tỉnh táo trong lớp học.

 Theo abc.net.au