6 điều tâm niệm cho cha mẹ có con tuổi mới lớn


Theo Sức Khoẻ 360

Không cần phải xẻ nhỏ tuổi mới lớn ra thành từng mảnh để xem xét dưới kính hiển vi. Không cần phải luôn luôn cảnh giác, dòm ngó, coi chừng. Tuổi đang lớn cần được nghe, hiểu và cảm thông. Nhưng các bậc cha mẹ cũng nên biết một số điều cần thiết...

1. Đang lớn không có nghĩa là bệnh hoạn, mặc dù các cháu đang sống thời kỳ thay da đổi thịt, và vì thế các cháu phải không ít nhiều đau khổ.

2. Tuổi đang lớn thì luôn có “vấn đề”. Nói cách khác, nếu thấy mọi chuyện đều “êm đẹp” như lúc các cháu còn đang bé tí thì ngược lại, phải lo lắng. Tuổi đang lớn thường nổi loạn. Có cuộc nổi loạn nào bọc nhung?

3 Có thể ví tuổi đang lớn như một công trình xây dựng lớn. Các cháu đang đập bỏ để xây dựng, đang đào sâu tới tận cái nền móng mà mình đã sống lúc còn bé tí. Điều đó sẽ đưa tới một vài hậu quả sau:

- Khó mà biết được là công trình xây dựng này sẽ kéo dài bao lâu.

- Khó mà tránh khỏi một số vấn đề. Một công trình “tầm cỡ” như thế không thể nào không có vài chuyện rắc rối.

Nếu cái nền móng lúc còn bé tí có vài trục trặc thì thế nào cũng gặp nhiều khó khăn khi muốn xây dựng tiếp. Nếu tuổi thơ có vấn đề thì tuổi đang lớn cũng khó tránh khỏi. Biết để rồi khổ, nhưng nói ra để dễ giải quyết.

4. Và công trình xây dựng đó là gì? Các cháu đang xây dựng những mấu chốt của đời sống tâm thần của chính mình:

- Nhìn lại mình, hình ảnh tốt hoặc xấu của mình: thân thể và tâm thần đang có quá nhiều biến chuyển, nên thường là kém tự tin. Chưa hiểu chính xác được những cái nhìn của người khác về mình.

- Gái hay trai? Cháu gái đôi khi lại nghịch ngợm gan lì như một cậu trai. Cháu trai vì sợ mình không đủ “chất đàn ông”, nên lại thường quá lì lợm, liều lĩnh.

 - Tính dục: yêu ai? làm sao yêu? Nếu mình là đồng tính luyến ái? Tất cả những điều đó làm các cháu phân vân, lo ngại. Thống kê nói rằng 95% các cháu ở tuổi đang lớn đều thủ dâm.

 - Cá tính: vừa muốn sống độc lập, suy nghĩ và quyết định một mình, nhưng lại hay lưỡng lự, e ngại. Đôi khi lại thích nhờ cậy cha mẹ những chuyện mà chính mình có thể làm được.

- Dự tính cho tương lai: muốn tiến tới, muốn tạo tương lai cho riêng mình nhưng lại thường đặt câu hỏi về cuộc đời. Như thế để làm gì? Tại sao? Làm chi cho mệt?...

- Luật lệ xã hội: Biết những điều cấm kỵ của xã hội, biết giới hạn của chính mình. Nhưng đôi khi lại nổi loạn, đùa chơi với luật lệ.

- Giao tiếp: Thích quen bạn bè nhiều hơn trước hoặc trái lại không còn muốn liên lạc với ai. Nhập băng đảng để hoàn toàn vâng theo băng đảng, không còn một cá tánh riêng biệt.

5. Khi nào phải lo? Khi vấn đề trở nên quá nghiêm trọng hoặc kéo dài quá lâu. Khi các cháu không còn muốn tiếp xúc với ai, không bạn bè để trao đổi. Khi các cháu lúc nào cũng buồn, muốn bỏ học rồi trở thành du côn, du đãng. Khi các cháu lúc nào cũng chống lại mẹ cha, dù đó chỉ là một chuyện rất nhỏ nhen, thì đó cũng là cách để trốn tránh những câu hỏi thực sự đang ở trong tâm hồn các cháu.

6. Không thờ ơ nhưng cũng không mặc cảm tội lỗi: Để trưởng thành, các cháu đôi khi cần tách rời mình với cha mẹ, cần chống lại cha mẹ. Mặt khác, có cha mẹ nào mà hoàn hảo được đâu? Đôi khi, những thiếu sót của bậc cha mẹ lại là một điều may mắn cho các cháu…

Theo Nutifood