Để lời khen luôn có hiệu qủa tốt


Lúc trước, nhờ con lấy hộ đồ gì, chị Hòa thường tấm tắc: "Chíp của mẹ ngoan quá" và cô bé đi làm ngay, mặt mũi hớn hở. Nhưng giờ, vẫn lời khen ấy, thì bé miễn cưỡng đi làm, có khi còn phớt lờ như chẳng nghe thấy.

Cũng chịu khó học hỏi về các cách dạy con, chị Hòa nghe nói nên thường xuyên khen ngợi để các bé ngoan và tự tin hơn hơn. Áp dụng với nhóc tì nhà mình, thời gian đầu, chị thấy rất hiệu nghiệm. Được khen, bé Chíp làm mọi việc tự giác và hào hứng hơn. Thế nhưng, càng về sau, chị thấy, bé hình như "nhờn dần" và chẳng còn vui vẻ, vâng lời mỗi lần được mẹ khuyến khích nữa.

Thật ra, cũng như chị Hòa, nhiều bậc phụ huynh đều biết lời khen có tác dụng rất tốt lớn trong việc giáo dục con nhưng họ quên rằng, nếu không biết cách, những lời nói ấy sẽ không hiệu nghiệm và có khi còn phản tác dụng.

Tiến sỹ tâm lý Đinh Thị Kim Thoa, chuyên gia giáo dục trường mầm non Hoàng Gia chia sẻ những nguyên tắc để lời khen thực sự "màu nhiệm" trong quá trình giáo dục con:

- Kịp thời, đúng lúc: Lời khen có tác dụng như một chất kích thích. Vì thế, khi thấy hành vi tốt của bé, bạn nên động viên ngay, chớ để khi sự việc qua đi, lúc bé đã quên mình làm được điều gì mới nói thì cảm xúc cũng đã "nguội".

- Cần cụ thể, chính xác: Khi khen con, bạn cần chỉ ra được những điều càng chi tiết càng tốt, chẳng hạn: "Trông cái lá trong tranh này mẹ cứ tưởng thật chứ" hay "Hôm nay con pha màu tươi thế"... Điều này còn giúp bé biết mình được khen vì cái gì và sẽ cố gắng phát huy điều đó. Ví dụ, khi đứa con đầu của bạn không tranh phần đồ ăn với em, bạn có thể động viên: "Mẹ rất tự hào khi con đã ra dáng người lớn vì đã biết nhường nhịn em".

- Biết cách bộc lộ cảm xúc khi khen. Lúc nói lời khen bé, bạn hãy nhìn vào mắt con, kéo con lại gần mình và mỉm cười, gương mặt thể hiện rõ sự trân trọng, đôi khi là ngạc nhiên trước điều bé làm được. Cho dù lúc đó bạn đang bận hay có tâm trạng không tốt thì hãy cố quên bản thân mình trong vài giây để "nhập vai" thật tốt. Trẻ em rất nhạy cảm với giọng điệu, nét mặt. Và đôi khi, thái độ nói quan trọng hơn cả những ngôn từ được thốt ra.

- Tối kỵ kiểu khen chung chung hay khen lấy lệ. Những lời khen chung chung kiểu như: "Bức tranh đẹp quá", "Con ngoan quá", "Con tốt quá"... sẽ nhanh chóng làm cạn "vốn" của các bậc phụ huynh và nó thường chỉ có tác dụng vài lần đầu vì dễ gây nhàm chán. Nếu cứ lặp lại, bé còn dễ sinh tính tự cao, kiêu căng.

Kiểu khen lấy lệ lại có thể làm trẻ thấy nó không được quan tâm và nếu quá nhạy cảm, bé còn cảm thấy bị tổn thương, dần dần sẽ ít gần gũi tâm sự hay khoe điều mình làm được với người lớn nữa. Chẳng hạn, cu Mít cầm bức tranh vừa vẽ ra khoe bố. Đang bận làm việc với máy tính nên bố Mít ngoảnh ra nhìn qua bức vẽ và bảo: "Ừ! Đẹp quá. Con ra chỗ khác chơi đi".

Để làm được tất cả những điều trên, bạn phải dành thời gian quan tâm đến con, có đủ tinh tế, nhạy cảm để quan sát và phát hiện ra những điều tốt dù rất nhỏ trong chuỗi hành vi ở bé. Từ đó, lời khen mới chính xác, cụ thể và phát huy tốt tác dụng.

MINH THUỲ

(Theo VNExpress)