Dạy con, cha mẹ cũng cần phải học.


Cư xử với trẻ ngỗ nghịch, giúp con khám phá giá trị bản thân, hiểu con qua các giai đoạn cuộc đời... là các chuyên đề của khóa huấn luyện "Dạy con thành nhân & thành công" của Công ty ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt. Đến với khóa học, nhiều bậc cha mẹ đã giật mình với cách dạy con của mình bấy lâu.
 

Cư xử "độc tài" và "làm mọi" cho con!

Là hai kiểu "giáo dục" phổ biến với hầu hết các phụ huynh tham gia khóa huấn luyện này. Dạy con theo kiểu độc tài - bắt làm theo ý cha mẹ - khiến đứa trẻ tuy bất bình nhưng vẫn phải nghe theo do sợ bị trừng phạt, nhưng đến lúc nào đó trẻ sẽ phản kháng tiêu cực. Ngược lại, nhiều phụ huynh lại quá nuông chiều con. Các quí vị này muốn thông qua sự cung phụng con đủ đầy để "bù lỗ" thời ấu thơ gian khó của mình. Nhưng theo các chuyên viên, khi cọ xát với thế giới ngoài tổ ấm, trẻ dễ bị hụt hẫng do không nhận được từ người dưng sự chăm sóc, hi sinh vô điều kiện như bố mẹ chúng.


"Thành nhân" trước, thành công sau

Thạc sĩ tâm lý Hoàng Minh Tố Nga chia sẻ: "Qua tham vấn tâm lý, tôi phát hiện nhiều điều không ổn trong cách dạy con của người lớn". Cuộc sống đã có quá nhiều thay đổi, nhưng không ít người cứ dạy con "nguyên xi" theo cách mình từng được hưởng trước đây. Họ "ghi âm" sẵn những bài học đạo đức, đợi khi có dịp là phát ra để "lên lớp" chứ không quan tâm lắng nghe lời con trẻ. Khi bố mẹ không là "đồng minh", trẻ sẽ chia sẻ cuộc sống của mình với những người bên ngoài tổ ấm và điều đó thật nguy hiểm".


Nhiều phụ huynh thừa nhận: "Chúng tôi muốn con mình trở thành người biết sống tình cảm chứ không phải kiếm nhiều tiền". Vì lẽ đó, sau khóa học, các học viên đã lập thành một nhóm để có thể hỗ trợ nhau về kinh nghiệm dạy con khoa học hơn, tâm lý hơn!


Theo Tuổi Trẻ