Dạy con cách cư xử


Nhiều lúc, trẻ sẽ khiến bố mẹ phải bực mình khi chúng đáp lại sự sai bảo của người lớn bằng những lời lẽ đôi co. Làm sao đây?

"Na lên lầu lấy hộ bà ví tiền, bà ra chợ một chút, khi về sẽ có quà cho Na". "Na không đi đâu, bà cũng có tay chân, sao bà không tự đi?".

Vừa dắt xe vào nhà, chị Ngân mẹ bé Na, giật nảy người khi nghe con trả lời bà ngoại.

Giận quá, chị đánh vào mông con bé mấy cái và hỏi: "Con hư quá! Ai dạy con ăn nói hỗn xược với bà thế hả?".

"Híc híc híc... hôm nọ con thấy anh Bi và anh Bo nói với nhau như vậy mà!", Na nói trong tiếng nấc. "Mọi người nói được, sao con lại không?"

Nghe đến đó, chị Ngân mới ngẩn người ra. Ai chứ Bi, Bo, con của anh Hai, chị biết quá rõ. Nhiều khi chứng kiến cảnh chúng nó nói chuyện với nhau, chị chỉ biết lắc đầu. Mỗi lần Bi mang quyền làm anh ra sai bảo: "Bo lấy cho anh cái điều khiển ti vi", "Bo, đưa anh thằng siêu nhân", Bo cũng chẳng vừa, thằng bé đáp lại: "Anh cũng có tay chân, sao không tự đi lấy?".

Thế nhưng chị không ngờ bé Na lại học theo kiểu cư xử ấy. Con bé áp dụng những lời nói đó để đối đáp với bà ngoại khi gặp lại tình huống lại xảy ra.

Tối đến, thấy Na cứ ngồi xem ti-vi mà không đi ngủ, chị giục: "Na, tới giờ lên giường rồi đấy". Bé Na lập tức trả lời: "Sao mẹ không bảo bố đi ngủ mà lại bắt con? Bố cũng đang xem kìa".

Nghe vậy, chị Ngân gí tay lên trán con, mắng yêu: "Con nói với người lớn như vậy là không lễ phép, chẳng ngoan đâu. Mẹ muốn con ngủ sớm để mai còn đi học. Trẻ con xem ti-vi khuya quá không tốt cho sức khỏe. Mẹ sẽ nói bố tắt ti-vi đi ngủ với Na nhé!".

Nghe mẹ giải thích, Na mới ngoan ngoãn về phòng.


Con muốn mẹ biết con đã lớn!


Trẻ đôi co, trả treo, dùng những câu nói từng nghe được để trả lời người lớn như bé Na là điều rất bình thường. Bạn không cần phải quá lo lắng.

Lý do khiến trẻ cãi lại người lớn rất đa dạng. Một số bé, không ý thức được việc mình làm, chúng chỉ đơn thuần học theo người khác mà thôi. Ở giai đoạn này, trẻ đang quan sát và ghi nhận những sự việc xảy ra xung quanh. Sau đó, chúng áp dụng những điều này ngay khi có cơ hội.

Không ít trẻ trả treo với người lớn do muốn được đối xử công bằng. Bé thường vặn vẹo lại khi trong lòng thấy ghen tỵ: "Mẹ bảo không có tiền mua búp bê cho con, sao lại mua đồ chơi cho em bé?".

Ý thức độc lập cũng là nguyên nhân khiến bé hay đôi co với các bậc phụ huynh. Càng lớn, trẻ con càng muốn được tự chủ hơn trong cuộc sống của mình. Trẻ không thích bị bố mẹ áp đặt phải làm điều này, điều nọ.


Làm gì khi con trả treo?


Nổi nóng khi con đôi co với mình chỉ làm cho tình hình xấu đi. Lúc này, bạn hãy cương quyết: "Nói vậy là không ngoan, con không được như thế nữa". Sau đó, giải thích rõ ràng cho bé hiểu.


Đôi khi, trẻ không có ý hỗn xược với người lớn, chỉ là do chúng không biết thể hiện thế nào để đạt được điều mình muốn. Chính vì vậy, bạn cần hướng dẫn con trình bày, bày tỏ nguyện vọng một cách đúng đắn.

Thay vì nói: "Bố cũng xem ti-vi, sao mẹ không bảo bố đi ngủ?", trẻ cần được dạy bày tỏ nguyện vọng của mình một cách trực tiếp: "Mẹ cho cho con xem thêm 5 phút nữa thôi". Như thế sẽ khiến bố mẹ vui lòng và mong muốn của bé cũng dễ được đáp ứng hơn.

Thế nhưng, tránh để trẻ ngộ nhận rằng chỉ cần hỏi xin một cách lễ phép thì mọi yêu cầu của bé đều được thông qua. Một điều quan trọng nữa là bạn hãy khen ngay khi trẻ biết nói năng lễ phép.


BẢO ANH

(Theo Tiếp Thị Gia Đình)