Sự tăng trưởng của cơ thể ở vị thành niên


Theo Sức Khoẻ 360

Ở lứa tuổi vị thành niên các em trai và gái nói chung đều có sự tăng trưởng rất nhanh về cơ thể (thường được nhận xét là “lớn phổng”). Tuy nhiên với các em gái, tăng trưởng sớm hơn ở các em trai nhưng nhìn toàn cục thì sự tăng trưởng ở các em gái lại có mức thấp hơn.

- Tăng trưởng về chiều cao: Ở tuổi từ 11-15, mỗi năm một em gái có thể cao thêm 4 cm, tốc độ tăng nhanh nhất ở tuổi 12-13 (có thể đến 6 – 7cm/năm); còn ở em trai, chiều cao tăng nhanh từ tuổi 13-16 và tốc độ tăng nhanh nhất vào tuổi 14-15; do đó ở tuổi 11-14 chiều cao của các em gái lớn hơn các em trai nhưng về sau các em trai thường cao hơn các em gái. Chiều cao sẽ đạt mức tối đa ở các em gái lúc 17-18 tuổi, còn ở các em trai lúc 20-21 tuổi. Để các em có thể tự đánh giá mức tăng trưởng về chiều cao của mình, xin giới thiệu một công thức tính chiều cao trung bình cho các em từ 1 đến 15 tuổi như sau:

Chiều cao (từ 1-15 tuổi) = 75 + 5n (cm)

trong đó “n”  là số tuổi tính theo năm. Ví dụ một em gái 15 tuổi, mức chiều cao trung bình sẽ là 75 + (5x15) = 150 cm.

- Tăng trưởng về cân nặng: Cân nặng của các em trong lứa tuổi vị thành niên cũng tăng nhanh; mỗi năm từ tuổi 11-15, cân nặng các em tăng trung bình từ 3-3,5 kg và các em gái thường tăng cân sớm hơn các em trai 1-2 năm; do đó từ tuổi 11 đến 14, cân nặng các em, gái lớn hơn các em trai nhưng sau đó cân nặng các em trai lại lớn hơn các em gái. Có thể ước tính cân nặng trung bình các em trai lại lớn hơn các em gái. Có thể ước tính cân nặng trung bình cho các em vị thành niên từ 11-15 tuổi theo công thức:

Cân nặng (ở tuổi 11-15) = 21 + 4 (n - 10)  kg

trong đó "n" là tuổi vị thành niên tính theo năm. Ví dụ một em gái 15 tuổi sẽ có cân nặng trung bình là 21 + 4 (15 - 10 ) = 41 kg. Như vậy em gái 15 -16 tuổi nếu có cân nặng trên dưới 40 kg thì đừng lo là đã bị "béo phì" để rồi tìm cách giảm cân là không tốt.