Ngăn ngừa thiếu máu cho lứa tuổi dậy thì


Theo Mẹ & Con

Thường buồn ngủ trong giờ học là một trong những dấu hiệu phổ biến của trẻ bị thiếu máu

Dạo gần đây, bé Trang, con chị Thu thường hay buồn ngủ trong giờ học, dễ hoa mắt, hay chóng mặt mỗi lần đứng lên ngồi xuống sau một lúc lâu… Thấy con vẫn ăn uống, học hành đều đặn, chị Thu cũng như nhiều phụ huynh khác không để ý rằng bé cưng của mình đang bị thiếu máu!

Khi nào biết bé bị thiếu máu?

Thiếu máu không hiếm gặp ở các bé tuổi đến trường do ăn uống không đủ lượng, thức ăn không chứa đủ chất sắt hay một số ký sinh trùng làm mất máu kinh niên. Ngoài ra, lứa tuổi dậy thì, hoạt động thể lực nhiều cũng hay bị thiếu máu do lượng sắt mất đi nhiều mà chất sắt qua bữa ăn hằng ngày không đủ cung cấp.

Các trường hợp thiếu máu nhẹ như bé Trang ở trên thì không có triệu chứng rõ rệt. Thường thì chóng mặt, mau mệt khi hoạt động thể lực, chậm lên cân, hơi xanh xao, dễ mất tập trung, mau quên,… là những dấu hiệu phổ biến của thiếu máu. Hiện nay, bạn rất dễ xác định chứng thiếu máu của bé với một xét nghiệm đơn giản lượng hồng cầu trong máu.

Muốn ngăn ngừa chứng thiếu máu có hiệu quả, ngoài chế độ dinh dưỡng, bạn cần:

Giúp bé giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống, tẩy giun định kỳ.

Tránh để bé (nhất là lứa tuổi dậy thì) học đòi ăn kiêng, làm cơ thể suy dinh dưỡng.

Khuyến khích bé uống viên sắt thường xuyên. Nó có thể có tác dụng phụ như buồn nôn, táo bón hoặc phân có màu đen… nhưng không ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Tránh để bé uống thuốc với nước trà hoặc sữa làm chất sắt khó hấp thu.

Chứng thiếu máu khiến bé hay mệt mỏi, dễ bị các bệnh nhiễm trùng, hay buồn ngủ, có thể ngủ gật trong lớp, học bài lâu thuộc… ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và hiệu quả học tập của bé. Do đó, bên cạnh việc uống thuốc bổ sung chất sắt, bạn cần có chế độ dinh dưỡng ngăn ngừa thiếu máu cho con.

Thực phẩm giàu chất sắt

Thực phẩm chứa nhiều chất sắt rất phong phú, đa dạng và không quá "xa xỉ". Những thức ăn có nguồn gốc động vật như thịt, cá, trứng,… đều có nhiều sắt chất lượng cao, dễ được hấp thu và sử dụng. Các loại phủ tạng của động vật như tim, gan, huyết, cật không chỉ cung cấp chất sắt chống thiếu máu cho bé mà còn chứa nhiều vitamin A có tác dụng bổ mắt tăng cường sức đề kháng và tăng trưởng cho trẻ em. Loại thực phẩm này, bạn chỉ nên cho bé ăn vừa phải. Mỗi tuần ăn 2-3 lần, mỗi lần chỉ nên ăn từ 30-50g/bữa…

Không chỉ động vật, nhiều thực phẩm có nguồn gốc thực vật cũng dồi dào chất sắt như rau muống, các loại đậu (đậu Hà Lan, đậu xanh, đậu đũa hạt, đậu tương), mộc nhĩ, nấm hương… Để cơ thể bé hấp thu chất sắt tốt hơn, bạn cũng có thể bổ sung vào bữa ăn của bé các loại rau, củ, quả và trái cây tươi giàu vitamin C như cam, bưởi, sơri…

Tuy nhiên, bạn cũng cần biết rằng các loại thức ăn từ thực vật khác như ngũ cốc, gạo, ngô, một số loại rau có nhiều chất xơ, lại thường có lượng sắt thấp, kém chất lượng, làm cơ thể khó hấp thu.