Món ăn bài thuốc dành cho tuổi vị thành niên


Theo Sức Khoẻ 360

Những thanh thiếu niên chậm phát dục, chiều cao chưa đạt so với tiêu chuẩn bình thường có thể dùng xương bò, xương dê, xương lợn, xương chó, xương gà mỗi thứ 100 g làm sạch, đập vụn, ninh kỹ lấy nước rồi cho gạo vào nấu thành cháo. Ăn 2 lần sáng, tối khi đói bụng. Thuốc có tác dụng làm khỏe gân, xương.

Dựa trên quan điểm "nhân nhân chế nghi" (tùy người mà chế định), y học cổ truyền đã tìm tòi và tích lũy khá nhiều kinh nghiệm về vấn đề dinh dưỡng và ăn uống đối với tuổi vị thành niên, trong đó có việc sử dụng các món ăn - bài thuốc độc đáo. Dưới đây là một số ví dụ điển hình:

Bài 1: Tủy xương trâu hoặc bò 30 g, gạo nếp 100 g, đường trắng 50 g. Gạo nếp đãi sạch, ngâm nước ấm rồi đổ vào chõ, đặt tủy xương lên trên rồi đồ chín, khi ăn chế thêm đường.

Công dụng: Bổ thận, ích tủy, thích hợp với thanh thiếu niên thể chất gầy yếu, phát dục chậm chạp, có nguy cơ còi xương.

Bài 2: Kỷ tử 25 g, não dê 1 bộ rửa sạch, cho vào bát, chế thêm hành, gừng và gia vị rồi đem hấp cách thủy, ăn nóng.

Công dụng: Bổ tủy, kiện não, thích hợp với thanh thiếu niên năng lực trí tuệ thấp, khả năng tư duy và trí nhớ kém.

Bài 3: Tam thất 5-10 g (đập vụn), gà nhỏ 1 con (chừng 500 g). Gà làm sạch rồi cho tam thất vào trong bụng cùng với hành, gừng và gia vị, hấp cách thủy cho chín rồi ăn. Mỗi tuần ăn 1-2 lần.

Công dụng: Hoạt huyết, bổ hư, thích hợp với thanh thiếu niên thể trạng suy yếu, phát dục chậm.

Bài 4: Thịt dê 250 g, hoài sơn 25 g, gừng tươi 10 g, hành củ 15 g, hạt tiêu 3 g. Thịt dê làm sạch, loại bỏ gân; hoài sơn thái phiến, hành và gừng thái vụn, ướp với thịt dê. Tất cả cho vào nồi, chế đủ nước và gia vị rồi hầm nhừ, ăn nóng.

Công dụng: Kiện tỳ, ích vị, thông dương, hoạt huyết, thích hợp với thiếu niên sinh trưởng và phát dục chậm.

Bài 5: Chim cút 2 con, đông trùng hạ thảo 5 g. Chim cút làm sạch, cho đông trùng hạ thảo và gia vị vào trong bụng, dùng chỉ khâu lại, đặt vào bát, đổ vừa nước rồi hầm cách thủy trong 60 phút, ăn trong ngày.

Công dụng: Bồi bổ hư yếu, làm mạnh gân cốt, thích hợp với thanh thiếu niên phát dục chậm, cơ thể gầy yếu.

Bài 6: Quả dâu chín 100 g, mật ong 25 g. Quả dâu rửa sạch bằng nước đun sôi để nguội, ép lấy nước rồi đun bằng lửa nhỏ, tiếp đó đổ mật ong vào quấy đều và tiếp tục cô đến khi thành dạng cao, đựng trong lọ kín dùng dần. Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 1 thìa cà phê với nước ấm.

Công dụng: Bổ thận, dưỡng can, giúp trẻ tăng năng lực ghi nhớ.

Bài 7: Kê nội kim (màng mề gà), sơn tra, bạch truật mỗi thứ 10 g. Kê nội kim nghiền vụn; sơn tra và bạch truật sắc lấy nước rồi uống cùng bột kê nội kim.

Công dụng: Kiện tỳ, hòa vị, tiêu thực, hành trệ, thích hợp với thanh thiếu niên gầy yếu, chán ăn, chậm tiêu, khả năng hấp thu thấp.

BS Hoàng Khánh Hiển, Sức Khỏe & Đời Sống