Nỗi niềm dâu trưởng thời nay


Theo VnExpress

Trước khi cưới Văn, Hạnh không ngờ "chức" dâu trưởng làm cô mệt thế. Mới 24 tuổi, vốn vô tư, giờ lúc nào Hạnh cũng phải gồng mình lên vì lời nhắc nhở của mẹ chồng: "Con phải sống sao cho họ hàng không chê trách và làm gương cho các em". 

Hạnh và Văn đều quê Hưng Yên, lên Hà Nội học và lập nghiệp. Hai người sớm tìm được tiếng nói cảm thông bởi có nhiều điểm tương đồng về hoàn cảnh gia đình, học thức, quan điểm sống và cùng là con cả. Hồi yêu nhau, Văn đã đưa Hạnh về quê. Cô được bố mẹ và các em Văn rất quý.

Vừa cưới hôm trước, hôm sau, Hạnh được bố mẹ chồng gọi lên nói chuyện và giao cho một cuốn gia phả. Hai cụ còn dặn dò: "Nhà ta nền nếp quy củ. Họ hàng lại đông. Con phải cư xử đúng mực, giữ gìn gia phong vì trong nhìn ra, ngoài ngó vào". Nghe vậy, Hạnh thấy hơi hoảng nhưng được Văn động viên, lại nghĩ sau này mình ở thành phố là chính, thỉnh thoảng mới về quê nên chắc không có vấn đề gì.  

Cưới chưa đầy tháng, Hạnh phải xin nghỉ làm ở cơ quan 2 ngày để về quê lo đám giỗ ông nội chồng. Cô hơi hoảng khi biết, chỉ mời anh em sơ sơ mà đến 20 mâm cỗ. Thế là, Hạnh phải tất bật lo đi chợ mua đồ, rồi nấu nướng, nhờ người làm việc này, việc kia... Không chỉ thế, cô vẫn phải cười, nói, chào hỏi, nhớ tên người nào với "vai" nào. Hạnh bị lườm một cái rõ dài khi lỡ gọi "bác" một người có vai "bà" trong họ. Cô hãi nhất là lúc thu dọn chiến trường. Tối đó, Văn nhìn vợ bơ phờ mà thấy xót lòng. Anh ôm Hạnh vào lòng thủ thỉ: "Thôi, em cố gắng vì anh". Hạnh chẳng nói được gì, hai hàng nước mắt chảy dài, người như kiệt sức. 

Sau đó, ngoài việc hai tuần về thăm bố mẹ, cứ một năm vài chục bận hai vợ chồng Hạnh phải về đám cúng, giỗ, tiệc làng, cưới con cháu, thăm hỏi người ốm đau trong họ. "Nếu không phải vì chồng rất yêu thương, chu đáo thì chắc mình chẳng chịu được đâu", cô tâm sự. 

Chuyện của Như, nhân viên PR của một ngân hàng tại Hà Nội lại khác. Cả Như và chồng đều là người thành phố. Khéo léo, giỏi giang, lại có thu nhập cao, Như được bố mẹ chồng rất nể. Cô chưa bao giờ nghĩ vai trò dâu trưởng lại là một gánh nặng.  

Tuần trước, trong lúc đang vội chuẩn bị kế hoạch khai trương chi nhánh mới cho ngân hàng thì mẹ chồng bảo Như phải ở nhà lo cúng cụ. Bận tối mắt, lại quá mệt, Như muốn đặt cỗ ở nhà hàng rồi họ mang đến tận nơi nhưng mẹ chồng không nghe. Bà nói: "Mình tự nấu vừa thể hiện được thành tâm vừa tiết kiệm, con không làm được thì để đấy cho mẹ".  

Biết bà dỗi, Như nhờ chồng "ứng cứu" thì bị anh mắng luôn: "Em đừng cậy có tiền mà thích làm gì thì làm. Mình là trưởng, cả năm mới có mấy lần, phải tự làm đàng hoàng chứ". Tuy ấm ức, khó chịu nhưng vì cưới chưa được bao lâu nên Như đành chấp nhận. "Ức lắm, mình chả chịu thế này mãi đâu. Lần sau thì đừng có mơ", cô hậm hực kể lại với mấy chị cùng phòng. Hai vợ chồng cô cũng giận nhau từ hôm ấy chưa lành. 

Cũng là dâu trưởng nhưng gánh nặng của Trang, kế toán trưởng của một công ty xuất nhập khẩu ở Gia Lâm, Hà Nội, lại khác. Minh, chồng Trang là anh trai trưởng của ba đứa em. Hồi yêu và mới cưới, Trang rất nể phục chồng vì anh là người sớm tự lập, có trách nhiệm với gia đình và biết quan tâm đến người khác. Thế mà, gần đây, vợ chồng cô thỉnh thoảng lại cãi nhau vì cái tính trách nhiệm của anh. 

Bố mẹ đã già nên từ khi đi làm, Minh phải lo cho các em. Ngay với chú em kém Minh có 4 tuổi, lúc đi học thì vợ chồng anh phải chu cấp từ tiền ăn ở, quần áo, vui chơi, đến "tình phí". Khi ra trường, hai người lại năm lần bảy lượt xin việc cho nó. Rồi công ăn việc làm chưa ổn định, chú ấy đòi cưới vợ, anh chị lại đứng ra lo hết. Tưởng cưới vợ rồi thì em tu chí làm ăn, ai ngờ, việc gì cũng vẫn gọi đến anh.  

"Vợ chồng mình đều có thu nhập cao, mà cũng biết chi tiêu tằn tiện, thế mà vẫn chẳng để ra được chút nào, nhà cũng chưa có vì toàn phải lo chuyện đâu đâu", Trang nói. Cô còn kể thêm, không phải chỉ một chú em chồng, ở nhà có chuyện gì hơi tí là gọi điện bảo Minh về lo. Hiểu và thương yêu chồng nhưng nhiều khi nghĩ buồn, tức, Trang cũng to tiếng và chì chiết anh khiến hai đứa lại cãi nhau. 

Theo bà Trần Thị Hồng Hà, Giám đốc Trung tâm tư vấn tình yêu - hôn nhân - gia đình thuộc Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam, trong cuộc sống hiện đại, không nên đặt hết gánh nặng gia đình, họ hàng lên vai người con trưởng, dâu trưởng.  

Với những cô gái trẻ, quen lối sống hiện đại, đảm đương chức dâu trưởng như quan niệm truyền thống là một áp lực lớn và đó cũng là một trong những lý do gây nên mâu thuẫn mẹ chồng-nàng dâu.  

Theo bà, truyền thống gia đình với quan hệ gắn bó họ hàng, anh em đùm bọc nhau là điều rất quý ở phương Đông nhưng cũng cần có sự linh hoạt. Mỗi thành viên trong nhà có thể chia sẻ trách nhiệm, giúp đỡ, yêu thương nhau nhưng không nên quá phụ thuộc và ràng buộc. Xét cho cùng, mỗi người có cuộc sống và công việc riêng, tự chịu trách nhiệm với hành động của mình, nếu quá được bao bọc, họ sẽ ỉ lại, mất tính tự lập.  

Ngoài ra, theo quan điểm của bà Hà, bố mẹ chồng cũng cần tôn trọng con dâu, đừng áp đặt làm cho họ cảm thấy quá nặng nề về ý nghĩa của từ "dâu trưởng". 

Với người con dâu, điều quan trọng nhất là phải biết dung hoà giữa các mối quan hệ cũng như giữa công việc riêng và trách nhiệm gia đình. Nếu như không đồng ý với điều gì, tốt nhất, không nên tỏ thái độ phản kháng, khó chịu ngay. Vì đó là một lối sống, lối suy nghĩ nên không thể thay đổi ngay được, chỉ có thể từ từ phân tích, tác động để mọi người hiểu và thông cảm. Nếu ở xa, tuỳ điều kiện, hoàn cảnh, hai vợ chồng có thể chia nhau về những ngày, dịp quan trọng để không ảnh hưởng nhiều đến công việc.

Khi người chồng phải lo cho gia đình, các em, hai vợ chồng nên thống nhất về quan điểm, mọi thứ cần được công khai và bàn bạc với nhau.

Trong trường hợp có mâu thuẫn giữa vợ với gia đình mình về trách nhiệm, ràng buộc của người "dâu trưởng", vai trò của người chồng rất quan trọng. Nếu yêu thương vợ và có đầu óc tân tiến, anh ta phải tác động dần với gia đình mình, cùng bàn bạc với vợ để có cách cư xử hợp tình, hợp lý nhất.