Mẹ chồng - Nàng dâu


Theo Tuổi Trẻ

Nhiều bạn chuẩn bị lên xe hoa về làm dâu nhà chồng thường lo lắng cảnh mẹ chồng - nàng dâu. Thực tế bây giờ cái nhìn về mối quan hệ ấy đã có phần khác xưa; không hiếm mẹ chồng và nàng dâu đã cùng đi mua sắm, cùng đi spa, gửi email, chat tâm sự...

Nguyễn Trần Thụy Khanh - nhân viên một công ty dược phẩm - chia sẻ: “ Thằng nhóc nhà mình cứ bám lấy bà nội. Ăn cũng bà nội đút, ngủ cũng thích ngủ với bà. Có bà nội ở nhà trông nom, chăm sóc cháu mình an tâm đi làm. Về đã có cơm ăn nên mới dành nhiều thời gian cho công việc được”.

Mẹ “người ta” như mẹ mình

Từ ngày về làm dâu, Khanh chỉ có thể vào vai “dâu thảo” được mỗi tuần một ngày (ngày nghỉ), thậm chí có khi cả tuần không thể vào bếp một lần bởi làm ở phòng kinh doanh nên ngày nghỉ cũng phải đi công tác! Hai năm làm dâu, mỗi lần nói về mái ấm, Khanh tự hào: “Tất cả nhờ mẹ chồng, nếu ở riêng chắc vợ chồng mình không cãi chày cũng cãi cối. Mỗi lần hai đứa to tiếng, mẹ chồng lại về phía mình để dàn hòa ổn thỏa”.

Quen nhau từ thời còn ngồi trên giảng đường Đại học Luật TP.HCM, sau lần ra mắt ba mẹ người yêu, Phan Nguyễn Ngọc Thuận vẫn thường được chàng đưa về nhà chơi vào những ngày cuối tuần. Mẹ chàng là người phụ nữ rất mực yêu thương, chăm sóc chồng con, nên cứ cuối tuần lại bày ra nấu những món ăn để chồng con được ngon miệng. Mỗi lần gặp dịp vậy, Thuận cũng vào bếp phụ mẹ của chàng.

Sau khi ra trường, cả hai có công việc ổn định được hơn một năm thì cưới. Về làm dâu, nhưng Thuận cảm nhận không khác gì ở nhà mình bởi lẽ đã quen với nếp sống của gia đình chồng từ trước. Không chỉ hướng dẫn cô con dâu nấu các món ngon vào những ngày nghỉ mà mẹ chồng Thuận còn rất hợp gu với cô khi cả hai mẹ chồng - nàng dâu cùng đi mua sắm! “Về nhà chồng nhiều điều còn bỡ ngỡ trong cách ứng xử, tổ chức cuộc sống, nhưng mình được mẹ chồng hướng dẫn không khác gì mẹ của mình” - Thuận thú thật.

Ru cháu ngủ xong, bà Tâm tuổi ngoài 60 ngồi chờ cửa đến hơn 24g đêm, hai vợ chồng đứa con trai bà đi xem ca nhạc vẫn chưa về. Không nặng lời ca cẩm cô con dâu như chúng tôi tưởng, bà còn nói: “Tụi nó đi làm vất vả, lâu lâu mới xin đi tối một bữa. Thôi thì để con nó vui cũng không sao”. Không chỉ thương yêu con dâu như thế, bà còn tạo mọi điều kiện chăm sóc gia đình chu toàn để con dâu có thời gian lo cho công việc của một người làm báo. Từ quê lên Sài Gòn trông nom nhà cửa, chăm sóc cháu có lẽ bà biết nỗi vất vả của con dâu mình...

Nghệ thuật làm dâu

“Không biết thì hỏi, cứ làm bừa ai lại không giận” - Minh Anh chia sẻ. Ngày về nhà chồng, Minh Anh còn chưa biết nấu ăn như thế nào cho phù hợp với cả gia đình chồng. Mỗi bữa cô đều vào bếp phụ mẹ chồng chuẩn bị lặt rau, vo gạo..., còn chế biến đồ ăn thì để mẹ chồng làm, cô nhìn theo sự hướng dẫn của mẹ chồng, chỉ sau vài tuần cô đã thay mẹ chồng làm... bếp trưởng.

Tất nhiên chuyện lo lắng của các nàng dâu là có cơ sở. Khoảng cách giữa mẹ chồng, nàng dâu cũng là khoảng cách của cô dâu mới với những thành viên trong gia đình chồng. Điều quan trọng là làm sao để khoảng cách ấy dần dần được xóa đi. Trần Thị Minh Thi - công nhân KCX Tân Thuận - bật mí bí quyết rút ngắn khoảng cách với gia đình chồng. “Mình cứ lấy tình cảm chân thật để sống trong môi trường mới, có lẽ nhà chồng sẽ hiểu và cảm nhận được. Khi đấy mẹ chồng sẽ xem mình như con trong nhà thôi”.

Riêng với chị Thu Thủy ở Q.Gò Vấp thì có khó khăn hơn khi mẹ chồng bị liệt. Buông công việc ở cơ quan về nhà, chị là người xoa bóp và đút cơm cho bà như mẹ mình. Đã ba năm nay chị chăm sóc mẹ chồng như chính người mẹ đã sinh ra mình. Chồng công tác xa, một tay chị lo cho hai đứa con và chăm chút mẹ từ chuyện tắm rửa đến ăn uống. Trong một lần giao lưu “người con hiếu thảo” cấp quận, chị tâm sự: “Tôi xem mẹ chồng cũng như mẹ mình nên chuyện hiếu thảo là bổn phận của con cái đối với cha mẹ, không sinh ra mình nhưng bà nội tụi nhỏ đã sinh ra chồng tôi là một người rất yêu thương vợ con, có trách nhiệm với gia đình”. 

M. ANH