Mẹ chồng hay vú em?


Theo Tiếp Thị Gia Đình

Nhiều bà mẹ chồng vì muốn giữ hạnh phúc cho con trai, thương cháu nội nên đã im lặng khi bị con dâu đối xử không khác người giúp việc.

"Mẹ ơi! Cu Bin tè!". Nghe tiếng gọi ơi ới của cô con dâu từ trên lầu vọng xuống, bà Nga bỏ dở mớ rau đang nhặt, rửa nhanh tay, vội vã chạy lên.

"Bà đây, bà đây! Ngoan nào, để bà thay tã cho Bin nhé!", vừa nói, bà Nga vừa lúi cúi quấn chiếc tã mới cho cháu nội. Trong khi đó Mai, mẹ cu Bi, đang chăm chú giũa móng tay.

"Mẹ nhớ lau chỗ nước đó luôn giúp con!", Mai vừa nhắc mẹ chồng, vừa cười xòa. Nói xong, cô con dâu tiếp tục dán mắt vào mười đầu ngón tay. Bà Nga lại lom khom "giải quyết" hậu quả mà cu Bin, thằng cháu đích tôn của bà, vừa gây ra.

Nỗi niềm thương con cháu

Đó là chuyện diễn ra thường ngày ở nhà chị Mai, Q.Gò Vấp, TP.HCM. Nhiều người trong xóm thấy chướng mắt cảnh bà cụ hơn 60 tuổi cặm cụi làm việc nhà, trong khi nàng dâu trẻ cứ lo chăm sóc sắc đẹp. Có người lên tiếng, bà Nga chỉ cười cho qua chuyện: "Con dâu tui thường xuyên gặp gỡ các đối tác nên phải chăm chút ngoại hình".

Từ ngày Mai sinh cu Bin, bà Nga bỏ cả ruộng vườn ngoài quê vào chăm sóc cháu. Thương con dâu đang trong thời gian kiêng cữ, bà đi chợ nấu cơm, làm thay Nga tất cả việc nhà.

Thế nhưng, nàng dâu thích "chỉ tay năm ngón" này không hề tỏ ra biết ơn mẹ chồng. Ngược lại, Mai còn xem như đây là việc đương nhiên. Từ việc nhỏ như ra đầu ngõ mua cây kim đến chuyện cu Bin sốt, bà Nga đều một tay chu tất.

Tuy không hài lòng về thái độ của con dâu nhưng bà đều "ngậm bồ hòn" cho qua chuyện để được yên cửa yên nhà.

Anh Lâm, chồng Mai, mỗi khi đi làm về, nhìn nhà cửa gọn gàng, vợ đẹp con ngoan nên cũng chẳng mấy quan tâm đến mẹ. Anh cứ ngỡ mẹ mình đang hưởng trọn niềm vui bên cạnh con cháu.

Khi sức chịu đựng vượt quá giới hạn

Một lần, Mai đi làm về mệt nên lên thẳng phòng mà không dùng cơm tối. Thấy vậy, bà Nga mang thức ăn đến tận nơi cho con dâu. Mai cau có: "Có nhờ đâu mà mẹ làm chi vậy? Mẹ mang xuống bếp đi!". Bà cụ lại lặng lẽ mang xuống, chẳng thể nói lời nào.

Lần khác, Mai nhờ mẹ chồng là gấp chiếc váy để đi dự tiệc. Do bà sơ ý nên trang phục bị cháy sém.

Trang điểm xong, nhìn chiếc váy, Mai lớn tiếng: "Là đồ cũng không xong, bà còn làm được việc gì nữa?". Mặt bà Nga tái lại, không ngờ con dâu lại to tiếng với mình.

Lúc này, không thể chịu được cô con dâu ngày càng quá đáng, bà quyết định về quê.

Trên đây là một trong rất nhiều tình huống xảy ra trong xã hội hiện nay. Theo các chuyên gia tư vấn tâm lý, quan niệm mẹ chồng nàng dâu hiện không còn gay gắt như trước. Tư tưởng của nhiều bà mẹ chồng cũng đã thay đổi và các nàng dâu nắm giữ vai trò trụ cột kinh tế của gia đình ngày càng nhiều.

Là con dâu, nếu gặp trường hợp tương tự, bạn cần quan tâm đến suy nghĩ, tình cảm của mẹ chồng nhiều hơn. Quan trọng là hãy xem bà như chính mẹ đẻ của mình.

Người chồng có thể tổ chức các buổi đi chơi cho cả gia đình, là cầu nối để mẹ và vợ gần nhau hơn.

Ngoài ra, người mẹ phải khẳng định vị trí của mình trong nhà. Dù thương cháu, giúp con nhưng tuyệt đối không thể để con dâu lấn lướt. Nếu con dâu quá quắt, có thể góp ý với con trai, tránh âm thầm chịu đựng.

 THU TRANG