“Tính
chất bất khả phân ly như là một sự thiện đối với vợ chồng, con cái, đối
với Giáo Hội cũng như toàn thể nhân loại”
ĐTC Gioan Phaolô II với Pháp Đình Tòa Thánh dịp mở màn cho một Tân Pháp
Niên, 28/1/2002
Tôi chân thành cám ơn Đức Ông Giám Pháp Funghini, trong khi bày tỏ những
cảm mến và mối quan tâm của qúi vị, đã giải thích công việc vất vả hằng
ngày của qúi vị đối với những phê phán cũng như với việc thống kê chú
trọng tới những vấn đề trầm trọng và phức tạp cần đến quyết định của quí
vị. Cuộc khai mạc long trọng cho một tân pháp niên này khiến Tôi có cơ
hội được gặp gỡ thân tình với tất cả những ai đang thi hành sứ vụ về
công lý nơi Pháp Đình Rôma – Quí Vị Thẩm Phán, Công Tố, Bảo Hệ, Viên
Chức và Biện Hộ – để nói lên cho quí vị thấy lòng tri ân của Tôi, niềm
cảm mến và phấn khởi của Tôi. Việc điều hành công lý trong cộng đồng
Kitô hữu là một công cuộc phục vụ quí giá, vì nó tạo nên một điều kiện
tiên quyết bất khả châm chước cho một đức ái chân chính.
Hoạt động pháp đình là một hình thức của công cuộc mục vụ
Hoạt động pháp đình của quí vị, như vị Giám Pháp đã nhấn mạnh, trước hết
nhắm đến những trường hợp giải hôn. Về vấn đề này, cùng với các tòa án
thuộc giáo hội khác, cũng như với vai trò đặc biệt của mình trong số
những tòa án này, một vấn đề Tôi đã nhấn mạnh trong văn kiện Pastor
Bonus (x khoản 126), quí vị đã thể hiện cho thấy việc Giáo Hội tỏ ra
quan tâm về cơ cấu chuyên biệt trong việc phán quyết theo sự thật và
công lý cái vấn đề tế nhị của việc hôn nhân thành hiệu hay không. Sứ vụ
của các tòa án trong Giáo Hội, một đóng góp không thể thiếu, thuộc về
toàn cục bộ của việc phục vụ đời sống hôn nhân và gia đình. Chính khía
cạnh mục vụ cần đến một sự cố gắng liên lỉ để khai triển toàn vẹn hơn sự
thật về hôn nhân và gia đình, thậm chí như là một điều kiện thiết yếu để
điều hành công lý trong lãnh vực này.
Tính cách bất khả phân ly vốn là một sự thiện hợp với dự án của Đấng
Hóa Công dành cho vợ chồng
2.- Những tính chất chính yếu của hôn nhân – tính chất hiệp nhất và bất
khả phân ly (x Giáo Luật khoản 1056; Giáo Luật Giáo Hội Đông Phương
khoản 776 3) – hiến cho chúng ta cơ hội để suy tư sâu xa về hôn nhân. Để
tiếp theo những gì Tôi đã bàn đến trong bài diễn từ của Tôi năm ngoái về
tính cách bất khả phân ly của hôn nhân, hôm nay, Tôi muốn cứu xét đến
tính chất bất khả phân ly như là một sự thiện đối với vợ chồng, con cái,
đối với Giáo Hội cũng như toàn thể nhân loại.
Việc trình bày một cách tích cực về mối hiệp nhất bất khả phân ly để tái
nhận thức được sự thiện hảo và tốt đẹp của tính cách này là một điều
quan trọng. Trước hết, cần phải thắng được quan niệm coi tính cách bất
khả phân ly của hôn nhân như những gì giới hạn quyền tự do của đôi phối
ngẫu và là những gì nặng nề có những lúc không thể nào gánh vác nổi… Đối
với vấn đề này, cũng cần phải nói thêm về quan niệm cho rằng vấn đề hôn
nhân bất khả phân ly chỉ dành cho thành phần những tín đồ mà thôi, bởi
thế, họ không thể nào ‘áp đặt’ nó trên toàn khối xã hội dân sự được.
3.- Để trả lời một cách chắc chắn và đầy đủ cho vấn đề này, người ta
phải bắt đầu bằng lời của Thiên Chúa. Cụ thể là Tôi đang nghĩ đến đoạn
Phúc Âm Thánh Mathêu thuật lại cuộc đối thoại của Chúa Giêsu về vấn đề
ly dị với một số người Pharisiêu rồi với môn đệ của Người (x Mt
19:3-12). Chúa Giêsu đã đi vào tận gốc rễ của vấn đề, vượt cả giới hạn
tranh luận trong thời của Người về những yếu tố có thể dùng để biện minh
cho hành động ly dị, khi Người cho biết là: “Vì lòng chai cứng của quí
vị mà Moisen mới cho phép quí vị ly dị vợ mình, chứ từ ban đầu không hề
có như vậy” (Mt 19:8).
Theo giáo huấn của Chúa Giêsu thì chính Thiên Chúa mới là Đấng liên kết
con người nam nữ lại với nhau trong cuộc liên hệ hôn nhân. Cuộc hiệp
nhất này được thực hiện chắc chắn cần phải được cả đôi bên tự do đồng ý
lấy nhau, thế nhưng việc đồng ý lấy nhau này lại liên quan đến một dự án
thần linh. Nói cách khác, chính chiều kích tự nhiên của cuộc hiệp nhất
này, hay nói một cách cụ thể hơn, chính bản tính của con người được
chính Thiên Chúa dựng nên, đã cho thấy chiếc chìa khóa cần thiết không
thể thiếu trong việc giải thích những tính chất thiết yếu của hôn nhân.
Việc làm kiên vững hơn những tính chất nơi hôn nhân Kitô giáo theo bí
tích ấy (x Giáo Luật khoản 1056) được đặt nền tảng trên lề luật tự
nhiên, một lề luật mà, nếu bị loại trừ, sẽ không thể nào hiểu được chính
công cuộc cứu độ cũng như việc thăng hóa thực tại phối ngẫu được Chúa
Giêsu hiệu lực hóa một lần vĩnh viễn.
Tính cách bất khả phân ly không phải là một lý tưởng, mà là đòi hỏi
của luật tự nhiên trong việc áp dụng chung.
4.- Có vô số con người nam nữ ở mọi thời và khắp mọi nơi đã sống hợp với
dự án thần linh và tự nhiên này, ngay cả trước khi Chúa Cứu Thế xuất
hiện, và cũng có rất nhiều người sau khi Người đến đã thực hiện điều này
nữa, cho dù họ không biết Người. Tự do của họ hướng về tặng ân của Thiên
Chúa, cả lúc họ kết hôn cũng như trong suốt cuộc sống vợ chồng của họ.
Tuy nhiên việc nổi loạn chống lại dự án yêu thương này bao giờ cũng có
thể xẩy ra, bởi vậy mới nói đến “lòng chai cứng”, yếu tố đã khiến Moisen
cho phép ly dị nhưng lại là việc ly dị Chúa Kitô nhất định chế ngự. Đối
với những trường hợp giống như những trường hợp ấy, con người cần phải
đáp ứng bằng một lòng can đảm khiêm hạ của đức tin, một đức tin nâng đỡ
và kiên cường chính lý trí, khiến nó có thể thực hiện một cuộc trao đổi
với tất cả những ai tìm kiếm sự thiện đích thực của con người cũng như
của xã hội. Việc giải quyết tính cách bất khả phân ly không phải như là
một qui chuẩn pháp lý tự nhiên, mà như là một lý tưởng thuần túy, sẽ làm
mất hết ý nghĩa lời công bố bất khả vãn hồi của Chúa Giêsu Kitô, Đấng
tuyệt đối phủ nhận việc ly dị vì “từ ban đầu không có như thế” (Mt
19:8).
Hôn nhân “là” việc bất khả phân ly, ở chỗ, tính cách này không phải chỉ
là một sự kiện chủ quan. Bởi đó, sự thiện của tính cách bất khả phân ly
là sự thiện của chính hôn nhân, và nếu không hiểu được bản chất bất khả
phân ly này cũng không hiểu được yếu tính của hôn nhân. Bởi thế, “gánh
nặng” của tính cách bất khả phân ly và những giới hạn từ đó mà ra, đối
với tự do của con người, chính là mặt trái của một đồng tiền, nếu xét
đến sự thiện cũng như đến khả thể vốn chất chứa nơi một cơ cấu hôn nhân
như vậy. Theo quan điểm này, nói rằng lề luật của con người “áp đặt” là
vô lý, vì lề luật của con người phải phản ảnh và bảo toàn lề luật tự
nhiên và thần linh, một thứ lề luật bao giờ cũng là một sự thật giải
thoát (x Jn 8:32).
Việc chăm sóc về mục vụ cần phải minh bạch về tính cách bất khả phân
ly, cũng như cần phải nâng đỡ tình yêu và mối hiệp thông hôn nhân
5.- Sự thật về tính cách hôn nhân bất khả phân ly, cũng giống như toàn
bộ sứ điệp Kitô giáo, được ngỏ cùng con người nam nữ ở mọi thời và mọi
nơi. Để thực hiện điều này, chứng từ về sự thật này cần phải được Giáo
Hội bày tỏ, nhất là cần phải được mỗi gia đình là “Giáo Hội tại gia” tỏ
ra, một giáo hội tại gia được vợ chồng nhìn nhận rằng họ vĩnh viễn gắn
bó với nhau bằng một mối giây đòi phải có một tình yêu luôn đổi mới,
quảng đại và sẵn sàng hy sinh.
Người ta không được ngả về chiều hướng chủ trương ly dị, cho rằng cái
ngăn trở chúng ta là ở chỗ chúng ta tin tưởng vào những ơn tự nhiên và
siêu nhiên của Thiên Chúa ban cho con người. Những khía cạnh về tín lý
cần phải được truyền đạt, sáng tỏ và bảo toàn, nhưng liên lỉ hoạt động
còn quan trọng hơn thế nữa. Khi đôi vợ chồng đang trải qua những khó
khăn, thì mối cảm thông của vị Chủ Chiên, cũng như của tín hữu, cần phải
đi đôi với tính cách minh bạch và vững vàng trong việc ý thức rằng tình
yêu phối ngẫu là cách thực hiện việc giải quyết tích cực cho tình trạng
khủng hoảng của họ. Nếu Thiên Chúa đã kết hợp họ lại với nhau bằng một
mối giây bất khả phân ly, thì vợ chồng, nhờ lợi dụng tất cả mọi nguồn
nhân lực của mình, cùng với thiện chí, nhất là với lòng tin tưởng nơi sự
trợ giúp của ân sủng thần linh, họ có thể và phải thoát khỏi những lúc
khủng hoảng tái diễn và tăng phát.
6.- Khi con người nghĩ đến vai trò của lề luật trong những cơn khủng
hoảng hôn nhân, người ta chỉ vội nghĩ đến tiến trình chấp nhận giải hôn
hay nới lỏng mối liên hệ. Thậm chí có những lúc ý hệ này lan cả vào giáo
luật nữa, trở thành đường lối giải quyết những vấn đề hôn nhân của tín
hữu theo kiểu không phạm đến lương tâm con người.
Thực sự là đã xẩy ra điều này, thế nhưng, những giải quyết cho gọn ấy
cần phải được cứu xét ở chỗ, tính cách bất khả phân ly của hôn nhân, một
khi đã thấy là thành hiệu, thì phải được tiếp tục bảo toàn. Thái độ của
Giáo Hội, trái lại, hướng chiều về việc hết sức củng cố những cuộc hôn
nhân hơn là đi tới chỗ tiêu hôn (x Giáo Luật khoản 1676; Giáo Luật Giáo
Hội Đông Phương khoản 1362). Thật sự thì việc công bố hủy hôn, căn cứ
vào sự thật biết được qua một tiến trình hợp pháp, phục hồi bình an cho
lương tâm, thế nhưng, việc công bố như vậy – cũng áp dụng cho cả trường
hợp giải một cuộc hôn nhân ratum non consummatum (thật sự không thành)
hay một cuộc giải hôn theo đặc ân đức tin – phải được trình bày và có
hiệu lực theo khuôn phép của Giáo Hội, một khuôn phép hoàn toàn hướng
chiều về tính cách hôn nhân bất khả phân ly, cũng như hướng chiều về gia
đình được bắt nguồn từ hôn nhân. Chính vợ chồng phải là những người đầu
tiên nhận ra rằng, chỉ khi nào trung thành tìm kiếm sự thật họ mới có
thể thấy được sự thiện đích thực của họ, mà không loại trừ sự khả hiệu
tiên quyết của cuộc hiệp nhất, một cuộc hiệp nhất dù chưa phải là một
cuộc hôn nhân theo bí tích cũng chứa đựng những yếu tố của sự thiện cho
chính họ cũng như cho con cái của họ, một cuộc hiệp nhất phải được cẩn
thận thẩm định theo lương tâm trước khi tiến đến một quyết định khác đi.
Những phán quyết về việc hủy hôn cần phải được cứu xét trong một cuộc
diễn đàn công khai
7.- Hoạt động pháp đình của Giáo Hội, một hoạt động bao giờ cũng là một
hoạt động mục vụ thực sự, tạo được ảnh hưởng của mình nơi yếu tố của
tính cách hôn nhân bất khả phân ly, và cố gắng bảo đảm sự hiện hữu hiệu
lực của ảnh hưởng này nơi Dân Chúa. Thật thế, không có những tiến trình
cứu xét và phán quyết của các tòa án Giáo Hội, vấn đề về một cuộc hôn
nhân bất khả phân ly thực sự có hiện hữu hay không, sẽ hoàn toàn tùy
thuộc vào lương tâm của tín hữu, khó mà thoát khỏi cơ nguy của chủ quan
tính, nhất là trong lúc xã hội dân sự đang trải qua một cuộc khủng hoảng
trầm trọng về cơ cấu hôn nhân.
Mọi phán quyết đích đáng về tính cách thành hiệu hay bất thành hiệu nơi
hôn nhân đều là những gì đóng góp xây dựng văn hóa của tính cách bất khả
phân ly này, chẳng những trong Giáo Hội mà cả trên thế giới nữa. Đó là
một sự đóng góp rất quan trọng và cần thiết, ở chỗ, nó thực sự có một
ứng dụng cụ thể liền, vì nó làm yên tâm chẳng những cho cá nhân của
những người trong cuộc mà còn cho tất cả mọi cuộc hôn nhân và gia đình
nữa. Như thế, việc công bố hủy hôn một cách bất chính, ngược lại với sự
thật của những yếu tố hay sự kiện theo qui chuẩn, là một việc làm hết
sức trầm trọng, vì nó là việc chính thức dính dáng đến Giáo Hội mà lại
gây ra những thái độ chỉ ủng hộ tính cách bất khả phân ly bằng lời nói
song lại chối bỏ nó trong thực hành.
Trong những năm gần đây, có những lúc việc chuộng hôn nhân “favor
matrimonii” theo truyền thống đã bị một số người chuộng tự do “for
libertatis” hay chuộng cá nhân “favor personae” chống lại. Trong cuộc
tranh biện này, đề tài chính hiển nhiên là đề tài về tính cách bất khả
phân ly, thế nhưng, việc chống đối còn đi sâu hơn nữa đến tận cả sự thật
của chính hôn nhân là những gì không nhiều thì ít đang công khai bị
tương đối hóa. Vấn đề đối nghịch lại với sự thật của mối liên kết hôn
nhân không được nại đến quyền tự do của đôi bên hôn ước, thành phần một
khi đã tự nguyện đồng ý chấp nhận mối liên kết này buộc phải tôn trọng
những đòi hỏi khách quan của thực tại hôn nhân là một thực tại không thể
nhân danh tự do con người thay đổi. Bởi thế, hoạt động pháp đình phải
được chi phối bởi việc chuộng tính cách bất khả phân ly “favor
indissolubilitatis”; điều này hoàn toàn không có nghĩa gây tổn thương
cho những gì đã được công bố chính đáng về việc hủy hôn, mà chỉ là một
niềm xác tín chủ động về một sự thiện đang gặp nguy hiểm trong những
tiến trình cứu xét, cùng với niềm lạc quan hằng được đổi mới bắt nguồn
từ tính chất tự nhiên của hôn nhân, cũng như từ sự phù trợ của Chúa
giành cho đôi phối ngẫu.
Xã hội phải hiểu rằng việc ly dị là việc làm thiệt hại đến đời sống
của con cái và của chính xã hội
8.- Giáo Hội và hết mọi Kitô hữu phải là ánh sáng thế gian: “Để ánh sáng
của các con chiếu tỏa trước mặt người ta, nhờ đó họ thấy được các việc
lành các con làm mà tôn vinh Cha các con ở trên trời” (Mt 5:16). Ngày
nay, những lời này của Chúa Giêsu được đặc biệt áp dụng vào bản chất bất
khả phân ly của hôn nhân. Vấn đề ly dị hầu như cắm rễ quá sâu vào một số
lãnh vực xã hội, và việc đi ngược lại với nó bằng cách biện bênh cho chủ
trương nắm giữ tính cách bất khả phân ly nơi cả tục lệ xã hội cũng như
nơi ngành lập pháp dân sự không phải là việc làm uổng công vô ích. Nó
thật sự là việc đáng làm! Thực ra, sự thiện này nằm ở ngay cốt lõi của
toàn khối xã hội, như một điều kiện cần thiết cho việc hiện hữu của gia
đình. Bởi thế, sự thiện này mà mất đi nó sẽ gây ra những hậu quả thảm
khốc tràn lan khắp cục diện xã hội chẳng khác gì như một cơn dịch – theo
từ ngữ của Công Đồng Chung Vaticanô II diễn tả về tình trạng ly dị (x
Gaudium et Spes, 47) – cũng như nó sẽ gây ra một ảnh hưởng tiêu cực cho
những thế hệ mới đang nhìn thấy vẻ đẹp của cơ cấu hôn nhân đích thực như
bị lu mờ đi.
Giáo dục giới trẻ nhận thức được rằng Tính Cách Bất Khả Phân Ly là
tảng đá nền của xã hội chứ không phải là một chọn lựa riêng tư
9.- Chứng từ thiết yếu cho giá trị của tính cách bất khả phân ly được tỏ
hiện nơi đời sống hôn nhân của các đôi phối ngẫu, nơi việc họ trung
thành gắn bó với nhau trong những lúc vui sướng cũng như trong những lúc
thử thách của cuộc đời. Giá trị của tính cách bất khả phân ly không được
nghĩ đó chỉ là đối tượng của việc chọn lựa cá nhân, giá trị này liên
quan đến một trong những nền tảng của toàn thể xã hội. Bởi thế, trong
lúc đang khích lệ tất cả mọi sáng kiến được Kitô hữu, cùng với những
người thiện chí khác, phát động vì thiện ích của gia đình, (như việc cử
hành kỷ niệm thành hôn), người ta phải tránh cái nguy cơ yếm thế về
những vấn đề trọng yếu liên quan đến bản chất của hôn nhân và gia đình
(x Thư gửi Các Gia Đình, 17).
Trong số những sáng kiến này, cần phải có những sáng kiến nhắm đến việc
làm cho tính cách hôn nhân bất khả phân ly được công khai nhìn nhận nơi
lãnh vực pháp lý dân sự (x cùng nguồn vừa dẫn, 17). Để mạnh mẽ chống lại
tất cả những phương sách về pháp lý cũng như về hành pháp dẫn đến vấn đề
ly dị, hay biến những thứ hiệp nhất được thừa nhận như thật, thậm chí
như thứ hiệp nhất đồng tính, ngang hàng với hôn nhân, cần phải đẩy mạnh
đường lối, ở mọi phương sách tài phán, thiên về việc cải tiến giúp cho
xã hội nhìn nhận thực tại hôn nhân chân chính trong lãnh vực hệ thống
pháp lý, một hệ thống tiếc thay lại chấp nhận vấn đề ly dị.
Việc cộng tác hành sử vấn đề ly dị về đối với các vị thẩm phán
Ngoài ra, các chuyên viên trong ngành tư pháp dân sự phải tránh nhúng
tay vào bất cứ những gì có thể dính dáng đến việc cộng tác vào vấn đề ly
dị. Đối với các vị thẩm phán điều này có thể là khó khăn, vì hệ thống
pháp lý không nhìn nhận tính cách phản kháng của lương tâm để có thể
châm chước cho họ khỏi việc áp đặt phán quyết. Cho dù có những lý do hệ
trọng và vững chắc đến thế nào chăng nữa, các vị thẩm phán vẫn có thể
tác hành theo những nguyên tắc truyền thống liên quan đến vấn đề tích
cực cộng tác với điều xấu. Thế nhưng, họ cũng phải tìm những phương thế
hiệu nghiệm để hỗ trợ cho vấn đề hiệp nhất hôn nhân nữa, trước hết bằng
việc khôn khéo đưa đến vấn đề hòa giải.
Những vị luật sư hành nghề độc lập lúc nào cũng phải từ khước sử dụng
nghề nghiệp của mình vào mục đích phản lại công lý, như vào việc ly dị.
Phải tránh không được nhúng tay vào những gì có thể bao hàm việc cộng
tác giúp thực hiện vấn đề ly dị. Họ chỉ được cộng tác vào loại hành động
này khi thân chủ của họ không có ý định hủy bỏ hôn nhân, mà là hướng đến
việc bảo toàn những hiệu quả tiềm mật khác, những hiệu quả chỉ có thể
đạt được qua một tiến trình tài phán thuộc lãnh vực pháp lý qui định (x
Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo số 2383). Theo đường lối này, bằng việc hỗ
trợ và hòa giải những con người trải qua các cuộc khủng hoảng hôn nhân,
những vị luật sư mới thực sự phục vụ quyền lợi của con người và mới
không trở thành một kỹ thuật gia thuần túy chuyên môn phục vụ cho bất kỳ
một thứ lợi lộc nào.
(Dịch từ Tuần San L'Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ 6/2/2002) |